Thứ Sáu, 4 tháng 9, 2020

ẤM BỤNG truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - TẠP CHÍ NÂM NUNG SỐ 168 THÁNG 9 NĂM 2020

 


Buôn Dray Nao có hơn hai chục nóc nhà dài nằm lọt thỏm trong khu rừng già. Đêm đến, tiếng chim, thú ăn đêm vọng vào buôn nghe rõ như đang ở bên cạnh làm người lạ đến ngủ phải dựng cả tóc gáy. Trời hình như đang mưa, thỉnh thoảng từng cơn gió ào qua, kéo gãy những cánh cây rừng ném xuống mặt đất nghe ầm ầm. Xa xa thỉnh thoảng nghe vọng đến tiếng hổ gầm làm mấy con chó ngủ đầu sàn, vội lách cửa chui vào nhà; lũ trâu, bò, heo… nằm dưới gầm sàn im thin thít, hình như không dám vẫy đuôi.

Mới khoảng tám giờ tối mà cả buôn đã chìm vào giấc ngủ, chỉ có những bếp lửa nơi gian phòng khách đỏ rực như xua đi cái lạnh giá. Bên gốc cột, ống nứa đựng dầu chai leo lét cháy.Người đàn ông nằm trên sàn, đang ôm bụng vật vã; người thanh niên ngồi bên cạnh, tay khư khư ôm khẩu súng AK như sợ bị ai cướp mất, giọng nghèn nghẹn:

-         Anh có đau lắm không?

-         H… ừ h… ừ.

-         Làm sao bây giờ?

Tiếng sàn nhà làm bằng cây tre đập dập dát ra kêu kẽo kẹt theo từng bước chân đi, người đàn ông trung niên từ phía trong nhà dài mặc độc chiếc khố bước ra, ngồi xuống bên bếp lửa cất tiếng hỏi:

-Cán bộ đau à?

-Anh ấy bị đau bụng mà không biết phải làm sao bây giờ?

-Đau nhiều không?

-Đau dữ lắm, vã cả mồ hôi ra rồi.

-Để mình đi gọi già làng.

Người đàn ông ngồi bên bếp lửa đứng dậy, bước ra đầu sàn lấy bó nứa khô buộc sẵn, to bằng cổ chân người lớn, châm lửa đốt, chờ một chút cho ngọn lửa bùng lên mới giơ cao bước xuống cầu thang. Đám lửa từ ngọn đuốc soi rõ khuôn mặt cương nghị, mái tóc quăn tự nhiên hơi hoe vàng của người cầm đuốc đang khoan thai bước từng bước một trên mặt đất nhão. Đất bám vào đôi chân trần không dày dép tạo thành một cái đế giày nặng chịch. Đi qua ba nhà, mỗi nhà cách nhau chừng ba sải tay, dừng lại trước ngôi nhà thứ tư, leo lên cầu thang gọi vọng vào:

-Già làng ơi, thằng cán bộ có chuyện rồi!

-Ai đấy?

-Ma H’Niết đây!

Tiếng từ trong nhà vọng ra, hình như bếp lửa được chất thêm củi nên sáng hơn lên. Cánh cửa làm bằng ván được kéo qua một bên để lộ ra một ông già trên sáu chục tuổi cũng mặc độc chiếc khố, còn cả thân người đen bóng, mấy cái xương sườn trông thấy hết cả, ông ta hỏi người cầm đuốc:

-Nó làm sao?

-Đau bụng nhiều lắm.

Với tay lấy bó đuốc dựng bên cửa ra vào, Gìa làng đưa đầu bó đuốc của mình chạm vào đầu bó đuốc đang cháy của người đến gọi, rồi hai người lầm lũi bước xuống cầu thang. Gió thổi ào đến làm cả hai bó đuốc sáng rực lên tạo nên một quầng sáng lớn soi rõ những bàn chân dính đầy bùn đất, thỉnh thoảng lại trượt, người lao về phía trước. Theo quy định mới, mấy năm gần đây, buổi tối người dân xuống khỏi sàn nhà phải đốt đuốc để phân biệt với bọn Fulro ngoài rừng lẻn vào buôn. Còn nếu ai di chuyển dưới đất ban đêm mà không đốt đuốc sẽ bị bắn vì đó là Fulro; nhờ quy định này mà bọn chúng không dám về buôn nữa.

 Thấy hai người bước lên cầu thang, người thanh niên vội khoác súng lên vai bước ra mở cửa. Già làng chùi chân vào tấm gỗ đầu sàn cho rơi bớt đất trước khi bước vào nhà, đến bên người đang nằm, hỏi:

-Đau ở đâu?

-Dạ ở bụng, chỗ này ạ.

-Chỗ này a, nhận vào có đau không? Đau lắm hả? Thế này thì đau ruột dư rồi, không đưa đi bệnh viện thì chết thôi.

-Nhưng đêm tối thế này đi sao được ạ?

Người thanh niên ôm súng tuổi độ hơn hai mươi một chút, mặc quân phục màu xanh lá cây, vẻ mặt lo lắng nói. Gìa làng không nói gì, khuôn mặt hình như hơi đanh lại, bước tới bên chiếc trống lớn để bên vách, rút dùi, vung tay giáng mạnh vào mặt trống.

T… ung t… ung t… ung!

Tiếng trống xé toác màn đêm, xuyên qua các tán lá rừng già, theo gió bay vút lên trời cao. Các ngôi nhà sàn trong buôn trong phút chốc sáng rực lên, già trẻ lớn bé vội vã đốt đuốc lao xuống cầu thang, chạy đến ngôi nhà có tiếng trống phát ra, giống như ong vỡ tổ. Theo luật tục. chỉ được nổi trống khi cúng Yang, hỏa hoạn hay có chiến tranh, thế mà hôm nay già làng lại nổi trống, chắc là có việc đặc biệt hệ trọng. Đánh xong một hồi trống, già làng bước ra đầu sàn nhà đứng im như pho tượng nhà mồ, nhìn đám người tất bật chạy đến. Lũ đàn ông tay cầm đuốc, tay cầm lao; bọn đàn bà sau lựng địu con, tay dắt theo con đangco ro vì giá lạnh, bị thức giấc giữa chừng. Chờ mọi người đến đủ, già làng mới cất tiếng:

-Cán bộ Hoan bị đau ruột dư rồi, phải đưa hắn ra bệnh viện ngoài thị xã cho bác sỹ mổ bụng mới sống được. Ai có thể đi được?

-Việc này thì giao cho bọn thanh niên trai trẻ là được thôi ạ.

Tiếng một người đàn ông đứng dưới chân cầu thang vọng lên, già làng hắng giọng:

-Bọn thanh niên không đi được, phải ở nhà giữ buôn và tránh gặp Fulro.

-Khênh người đi trong đêm, đường rừng, trời mưa khó khăn lắm, nếu thanh niên không đi thì ai đi được ạ?

Tiếng một người đứng dưới đất nói vọng lên, già làng cau mày, bảo:

-Biết là như thế, nhưng thanh niên đưa người ốm đi ra ngoài rừng gặp Fulro nó bắt thì làm sao?

-Ra rừng gặp Fulro chắc chúng cắt đầu cán bộ mất.

Một người già đừng phía dưới nói vọng lên. Già làng trả lời:

-Thằng cán bộ này tốt, biết thương dân, dạy dân ngăn suối lấy nước về trồng lúa cho nhiều bông; dạy nuôi trâu, bò chóng lớn. Ngày nay nhà nào cũng có dư lúa gạo ăn là nhờ nó. Buôn ta mang ơn nó nhiều lắm, không để nó chết được.

- Nhưng bây giờ băng rừng ra trạm xá nguy hiểm lắm, rắn rết, hổ báo rình rập chưa kể bọn Fulro còn lẫn trốn ngoài rừng thấy ta đưa cán bộ đi, gặp chúng thì làm sao?

Một người trung niên, đứng dưới đất nói vọng lên. Mặt già làng đanh lại, trả lời:

-Mình tính thế này: lấy mười đàn ông sống qua bốn mươi mùa rẫy để khiêng cán bộ đi là được rồi. Ai đi được thì lên trên sàn.

-Sao lại lấy trung niên đi, có đủ sức không?

Tiếng một người thanh niên nói vọng lên, già làng đáp:

-Trung niên đi có gặp Fulro thì chúng không bắt vào rừng đâu, ta sẽ đi cùng với mọi người. Thú dữ sợ lửa, sợ người nên không đáng lo. Ai đi được lên đây.

Hơn ba chục đàn ông, có người sau lưng còn địu cả đứa con đang ngủ leo lên cầu thang. Già làng chọn đúng mười người rồi bảo:

-Mọi người về nhà mang theo ba bó đuốc và một con dao rồi đến đây ngay nhé. Những người còn lại thì về đi ngủ.

Đám người vội vã tản về các ngôi nhà dài, ánh đuốc soi rõ những bàn chân lấm lem bùn đất vội vã leo lên cầu thanh.

*

**

Chiếc võng dù được cột vào thân một đoạn tre to hơn cổ chân, hai người khênh hai đầu, người cán bộ đau bụng được đặt vào trong võng. Già làng cầm khẩu AK báng xếp đưa cho người cán bộ trẻ.

-Mày giữ lấy.

-Dạ!

Khẩu AK báng xếp được quàng chéo qua vai, đẩy ra sau lưng, còn khẩu AK báng gỗ người thanh niên quàng dây qua cổ, cúi xuống thắt dây giày. Già làng thấy vậy bảo:

-Mày ở nhà, không đi được đâu.

-Cháu phải đi để bảo vệ anh ấy chứ?

-Mày thì bảo vệ được ai, đêm hôm thắp đuốc sáng rực thế này ra rừng có khác gì cái bia cho bọn nó thử súng, lại làm chết lây đến dân buôn.

-Ra rừng gặp Fulro thì làm sao?

-Tao biết cách mà. Thôi ta đi.

Gió vẫn lồng lộn gầm rú, thỉnh thoảng ném xuống mặt đất những hạt mưa còn sót lại làm cái giá lạnh như tăng thêm. Mười một con người lầm lũi đi trong đêm. Người đi trước tay cầm đuốc, tay cầm dao, mắt mở căng như muốn xuyên qua màn đêm phía trước. Phía sau người cầm đuốc, già làng dáng mảnh khảnh, đi xiêu xiêu như chực ngã. Sau già làng, hai người khênh cáng, cây tre tròn tỳ lên bờ vai chỉ có da và xương, họ bước thấp, bước cao trên con đường đất đỏ sau mưa nhão nhoét, bám vào chân nặng chịch. Sáu người đi phía sau, người nào cũng vác một vác các bó nứa buộc vào với nhau làm đuốc. Người đi cuối cùng tay giơ cao bó đuốc, tay nắm chặt cán con dao vác lên vai, lưỡi ngửa lên trời, ánh sáng bó đuốc soi vào lưỡi dao thỉnh thoảng hắt lại những tia sáng xanh, trông rờn rợn.Rừng già cao vút, trông đám người mới nhỏ bé làm sao, những cái bóng liêu xiêu chập chờn theo từng cơn gió thổi qua.

-H… ừm!

Tiếng con hổ gầm lên ngay trước mặt đoàn người. Người cầm đuốc khựng lại, bó đuốc rơi xuống mặt đất. Già làng bước vội lại nhặt ngọn đuốc giơ cao, xoay một vòng tròn làm ngọn đuốc bùng cháy to hơn, miệng lẩm bẩm: già rồi mà còn sợ chết, đổi người.

Một người đi phía sau cáng bước lên, đặt bó nứa trên vai xuống, đón bó đuốc trên tay già làng bước lên trước, già làng đi sau; phía sau già làng là sáu người vác nứa, hai người khênh cáng và người cầm đuốc đi sau cùng. Khuôn mặt ai trong đoàn cũng căng thẳng, người lom khom như chực lao về phía trước. Rừng già trở mình khi có cơn gió chạy qua, nghe ào ào như bão sắp ập đến.

*

**

-Đoàng!

Tiếng súng bất ngờ vang lên ngay trước mặt, đoàn người khựng lại. Già làng bước lên, giành bó đuốc người đi trước giơ cao soi rõ mười một con người khênh theo một cái cáng. Từ trong bóng đêm phía trước vọng lại tiếng người:

-Chào già làng. Đêm hôm, mưa gió lạnh lẽo thế này có việc gì mà phải đi khổ thế?

-Buôn có người đau phải đi bệnh viện cho bác sỹ điều trị.

-Đau gì mà không thể đến sáng mai?

-Đau ruột dư rồi, bệnh này không mổ kịp thì theo Yang luôn.

-Cánh thanh niên đi đâu mà tòan một lũ người già thế này?

-Bọn thanh niên kéo nhau vào rừng đi bẫy thú, chắc được con to nên đàn đúm với nhau chưa chịu về.

-Lũ già đi toàn người không thế này thôi à?

-Đưa người ốm đi viện.

-Lần sau đi đêm ra rừng nhớ mang theo gạo và đồ ăn cho anh em với nhé.

-Con vợ mày mới mang gạo ra mà đã hết rồi à?

-Cả chuyện ấy già làng cũng biết?

-Mày về với buôn đi, đừng trốn trong rừng nữa. Nay buôn mình nhiều lúa gạo, thịt rượu cũng nhiều, không phải lo đói như ngày xưa nữa.

-Tao về cán bộ nó bắn chết đấy?

-Cán bộ nó tốt, giúp mọi nhà no ấm, không giết người đâu. Mày về đi, con vợ mày đêm ngủ một mình lạnh lắm đấy.

-Già làng đừng nói nữa.

-Tao còn ché túc rượu lâu năm chờ mày về uống đấy.

-Thôi đi đi không Yang gọi người ốm theo đấy.

Đoàn người lại lầm lũi bước đi trong đêm, hình như lưng người nào cũng có nước chảy dài xuống tận khố. Những cái bóng xiêu xiêu hết ngã bên này lại dạt về bên kia, tùy theo gió thổi nhiều hay ít lại tiếp tục tiến lên phía trước.

*

**

Hơn một giờ sáng, trong phòng trực cấp cứu một chàng thanh niên mặc áo blu trắng đang chăm chú đọc sách bên ngọn đèn đỏ quạch. Không biết sách gì mà dày cộp, tòan tiếng nước ngoài, đọc rồi viết ra sổ, rồi đọc, trán đẫm mồ hôi, đọng lại thành giọt, vậy mà chàng trai vẫn không ngừng nghỉ. Trong góc phòng mấy người cùng phiên trực đã thiếp đi từ lúc nào.

Bên ngoài cửa sổ, bóng một người cao lớn đứng ngó vào phòng, tắc lưỡi lẫm bẩm: “Thằng sinh viên này khá, có chí, hy vọng mai mốt ra trường giúp được nhiều người”. Ông ta bước vào phòng, đặt tay lên vai chàng trai, bảo:

-Khuya rồi mà không tranh thủ chợp mắt một lúc à?

-Chào bác sỹ trưởng khoa ạ.

-Học là tốt, nhưng phải biết giữ gìn sức khỏe vì học tập là công việc cả đời, không thể nóng vội được. Tặng cậu suất ăn đêm lấy sức mà học nhé.

Nói xong, ông bác sỹ móc trong túi áo Blu trắng một vé ăn đêm giành co lãnh đạo đặt vào tay người thanh niên. Anh thanh niên đứng bật dậy, nắm tay bác sỹ tỏ vẻ xúc động lắm:

-Em cảm ơn bác sỹ ạ!

-Đi ăn đi.

-Dạ!

Chàng thanh niên gấp sách lại bước vội ra cửa. Một gói mỳ tôm là cả một vinh dự lớn lắm, không phải ai cũng được hưởng. Sinh viên cũng chỉ mười hai ký lương thực một tháng, nhưng quá nửa là: bắp, khoai mì, khoai lang… còn mỳ tôm là thứ đặc sản cao cấp ít khi được thưởng thức. Mang phiếu xuống phòng ăn, bà phục vụ như một cái máy, rời ghế đứng dậy nhận tấm phiếu rồi ngước nhìn chàng thanh niên không dấu được vẻ ngạc nhiên. Chàng trai nói:

-Cô cho cháu ăn sống thôi ạ, khỏi pha nước?

-Sao lại ăn sống?

-Hì hì… để cháu mang về phòng chia cho ba người cùng trực, chắc họ cũng đói lắm rồi ạ.

Bà nhà bếp to phục phịch, hình như mở con mắt hết lớn nhìn chàng trai, rồi đi lại tủ lấy một gói mỳ hiệu hai con tôm đưa cho chàng trai, chàng trai tươi như bắt được vàng, nở một nụ cười hết cỡ và không quên câu: Cháu cảm ơn cô; rồi bước vội ra cửa.Chàng trai hý hửng với trí tưởng tượng: cảnh bốn người cùng ca trực chia nhau nhấm nháp từng sợi mỳ, chắc vị ngọt, vị thơm sẽ đọng lại mãi trong miệng đến tận sáng mai.

Chàng trai vừa bước vào cửa chưa kịp gọi bạn đã thấy tiếng ồn ào ngoài cổng vọng vào, rồi một đoàn người cởi trần, mỗi người chỉ mặc một cái khố, chân lấm lem bùn đất, khênh người ốm chạy xộc vào phòng. Một người ốm mà có tới mười người cùng đi theo, phía sau lại thêm một ông già gầy đét, hình như là chỉ huy, mồm nói không ra hơi, ngắt quãng:

-C…ứu c… ứu c… án bộ đi, hắn sắp chết rồi.

Bỏ vội gói mì tôm vào ngăn kéo, chàng thanh niên tất bật cùng ca trực đón bệnh nhân, tiến hành các bước theo thủ tục. Tiếng ông bác sỹ hỏi vọng ra:

-Sao bây giờ mới đưa tới?

-Bác sỹ à, mình ở trong rừng, xa lắm, đi mấy lần mỏi chân mới ra đến đây đấy. Hắn có chết không bác sỹ.

-Còn kịp, chậm chút nữa vỡ ra thì coi như đi đứt!

Nghe bác sỹ trả lời, mười một con người chân đi đất, khuôn mặt ai cũng nở một nụ cười hạnh phúc, họ ra hàng lang ngồi bệt xuống sàn xi măng, lưng tựa vào nhau, đợi sáng để trở về. Hình như lúc này mọi người mới thấy thấm mệt và lạnh. Khuôn mặt có nước da đồng hun quá lửa của mọi người hình như hơi tái đi, họ ngồi ngủ gật, trông thật thương. Một lúc sau, người thanh niên mặc áo blu trắng từ trong phòng cấp cứu đi ra, cầm gói mỳ tôm đặt vào tay người đàn ông lớn tuổi nhất, nói nhỏ:

-Các bác ăn chút cho ấm bụng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI