Ngày nhỏ, tôi thường lén nhòm qua khe cửa
ngó cảnh mẹ ngồi trong góc buồng lặng lẽ đếm từng đồng
bạc lẻ sau mỗi buổi chợ. Lúc nào cũng thế, mắt mẹ nheo lại, mặt đăm chiêu tính nhẩm
xem phiên chợ hôm nay lời được bao nhiêu tiền. Đếm xong, mẹ xếp gọn xấp tiền lẻ
lại, rồi nhét vào chiếc túi đeo đã sờn vải sau những năm tháng theo
mẹ lăn lộn khắp chợ đời. Tôi biết rõ những tờ tiền lớn mẹ sẽ để riêng và giấu vào ngăn
tủ quần áo thứ hai, nhưng chưa một lần nào dám lấy cắp tiền của mẹ. Mẹ
tôi cũng rất tin tưởng con gái nên thường xuyên nhờ tôi cất tiền giùm mẹ.
Lẽ đương nhiên, trẻ con luôn thích ăn quà vặt và tôi cũng
không ngoại lệ. Thuở ấy, lũ trẻ ở quê tôi rất chuộng những viên kẹo đường 7 sắc
cầu vồng, những cây thạch siro xanh đỏ, kẹo vitamin C chua ngọt… Nhưng với tôi,
đó là những thức quà xa xỉ, vì mẹ chẳng bao giờ cho con gái tiền tiêu vặt cả. Mỗi
lần được mẹ giao đi mua đồ, dù bà On bán hàng rong có dùng lời ngon ngọt dụ dỗ
thế nào đi nữa, tôi cũng không bao giờ dùng tiền dư để mua quà vặt.
Mỗi buổi ra chơi, tôi chỉ biết ngồi nhìn lũ
bạn nhao nhao chạy ra quán ăn vặt, mút những cây kem mát lạnh và khẽ nuốt
nước bọt. Nhiều lần, tôi muốn xin mẹ tiền để thử xem những thức
quà ấy có mùi vị như thế nào. Nhưng mỗi khi định ngỏ lời, tôi đều nghe những tiếng
thở dài và than của mẹ nên không dám mở lời. Và tôi đã tự trấn an cơn thèm ăn
hàng của mình bằng cách lân la hỏi đám bạn xem những món quà mà chúng
hay ăn có mùi vị ra sao rồi ngồi tưởng tượng những hương vị ngon ngọt ấy đang khẽ tan trong đầu lưỡi.
Thế rồi… tôi không còn là đứa con ngoan của
mẹ nữa…
Một ngày nọ, tôi mon men lại góc buồng xem mẹ đếm tiền.
Thấy tôi đến, mẹ ngẩng đầu lên nhìn, rồi lại tiếp tục đăm chiêu tính toán. Nhân
lúc mẹ không để ý, tôi lén rút vội xấp tiền lẻ
của mẹ, nhét vội vào gấu quần rồi giả đò lấy cớ đi quét sân để tẩu
thoát. Và đương nhiên mẹ tôi không hề hay biết… Đợi khi mẹ đi chợ, bố đi làm,
tôi moi xấp tiền giấu dưới cạnh giường ra đếm. Là 10 nghìn đồng. Ngày ấy, với mức giá một cây kem
có 500 đồng, nên với số tiền ấy trong tay, tôi có cảm giác mình không khác gì đại
gia cả. Vốn là một đứa trẻ thông minh nên tôi không vội xài hết số tiền một lúc
mà chia nhỏ thành nhiều lần để không bị nghi ngờ.
Tôi vẫn nhớ buổi trưa chớm hạ hôm ấy, trời
nắng gắt như đổ lửa, bướm vàng bay rập rờn,
những búp hoa phượng đỏ đã bắt đầu nở đỏ một góc trời. Vượt qua con đường gần 2km đến trường
giữa tiết trời oi ả, tôi khẽ lau mồ hôi và không quên thưởng cho bản thân một
cây kem mát lạnh. Lần đầu tiên trong đời, tôi hãnh diện bước vào quầy
hàng ọp ẹp của bà On để lựa đồ ăn vặt. Thấy tôi, bà đon đả: "Hôm nay con mẹ Mai biết đi ăn hàng rồi đó hả con?". Tôi cười bẽn lẽn
và nhanh chóng lựa cây kem vị bạc hà. Trời đang nóng nực, vị mát lạnh của cây
kem chạm vào đầu lưỡi khiến tôi vô cùng sảng khoái. Thì ra… mùi vị của chúng
ngon hơn tôi tưởng. Những lần kế tiếp, tôi thử lần lượt từ kẹo đường, hộp viên
ngậm bạc hà, tới mì tôm trẻ em mà mê tít.
Tuy nhiên, cuộc vui nào thì cũng đến lúc
tàn, số tiền lấy cắp của mẹ chỉ giúp tôi ăn hàng
trong vỏn vẹn một tuần, cho dù tôi đã tiêu vô cùng dè xẻn. Hết tiền, không được nhấm nháp những món quà vặt ưa thích mỗi ngày khiến
tôi khó chịu, bứt rứt. Mỗi lần đi học về ngang qua
quán của bà On, tôi đều nán lại mân mê xem hôm nay bà có món hàng nào mới, rồi
tặc lưỡi bỏ đi.
Tôi vẫn tự ý thức được hành động của mình là không thể chấp
nhận được, nhưng “ngựa thì luôn quen đường cũ”. Để thỏa mãn sự ham ăn của bản
thân, tôi tiếp tục rút trộm tiền của mẹ. Khi thì vài tờ 1, 2 nghìn đồng, lúc lại
tờ giấy bạc 10 nghìn mới tinh.
Những lần sau đó, tôi lên kế hoạch tinh vi hơn, vì sợ bà
On mách mẹ, tôi bèn nhờ thằng Dậu, con Bích chạy vào quán mua giùm,
còn mình thì đứng bên kia đường nghe ngóng tình hình. Chúng cũng không được bố mẹ cho
tiền ăn vặt nên khi nghe tôi nhờ vả có hậu đãi là thích tít mắt, nhao nhao đi
liền. Thế nhưng, cách này không được hay ho cho lắm vì tôi phải chia phần ăn của
mình làm ba. Bẵng đi một thời gian, tôi vẫn luôn nghĩ mẹ không hề hay biết việc
làm xấu xa của mình. Cho đến
một hôm, khi cả nhà đang quây quần bên mâm cơm chiều, mẹ ngồi than với bố:
-
Anh có lấy tiền trong túi đi chợ của em không?
- Không.
-
Lạ nhỉ? - Khuôn mặt mẹ bần thần - Dạo này em cứ thấy tiền bị thiếu. Hay anh lại lén lấy trộm tiền em đi nhậu rồi chối đấy?
-
Muốn lấy thì tôi nói cô đàng hoàng chứ mắc gì phải trộm. Lo mà giữ tiền cho cẩn thận vào, vứt lung tung rồi lại đổ thừa cho tôi! Hừm! Đến cả
bữa cơm cũng không được yên! - Nói rồi, bố bỏ chén
cơm ăn dở đứng dậy lên chõng ngồi.
-
Không anh thì ai? - Nói rồi, mẹ quay sang nhìn tôi bằng ánh mắt nghi ngờ. Tôi
cúi vội giả vờ và cơm lảng tránh
ánh mắt mẹ. Từ sau dạo ấy, tôi không dám trộm tiền của
mẹ nữa, phần vì sợ bị phát hiện, phần thì áy náy.
Nhưng rồi, cây kim trong bọc cũng có ngày
lòi ra. Dù giấu diếm như thế nào thì kế hoạch của con
trẻ cũng có kẽ hở và bị người lớn nắm thóp. Chiều nọ, tôi cùng đám thằng Dậu, con Bích mải miết thả diều ở bờ đê. Những nốt gió của đồng
quê Bắc Bộ luyến láy, những âm thanh sáo diều đan xen tạo nên những giai điệu
thật trong trẻo, êm tai. Cánh diều vàng của tôi chao liệng như một vầng trăng
non giữa trời chiều đượm màu hoàng hôn. Cánh diều mềm mại như cánh bướm, bay
cao vút chở hồn quê thôn dã và mang theo cả bao khát vọng tuổi thơ của những đứa
trẻ thôn quê về trời. Tôi đang mê mẩn nhìn những cánh diều chao nghiêng trên bầu trời lộng
gió thì nghe tiếng bố gọi:
-
Sún ơi, về thôi con!
Thấy dáng bố từ xa, tôi lon ton chạy trên bờ đê. Bàn chân
trần dẫm lên những thảm cỏ dại xanh mướt mọc phủ kín đường đi thật mềm mại, êm
ái. Tôi nhanh nhảu chạy
lấy đà rồi nhảy lên xe. Sau một bước nhảy chuẩn xác, mông tôi đã yên vị đặt lên gác-ba-ga xe đạp
của bố. Mọi khi, cứ hễ có cơ hội ngồi sau lưng bố, tôi sẽ dang rộng hai tay như
cánh chim đại bàng tung hoành giữa bầu trời cao rộng và không quên líu lo kể
chuyện cho bố nghe đủ chuyện trên trời dưới đất hệt như một chú chim non đang hót. Bình thường bố mẹ sẽ để tôi tự do chơi đến khi
nào chán thì tự về. Đám nhóc chúng tôi bị cuốn theo tiếng sáo diều vi vút đến mức
quên cả
việc
để ý thời gian, kết cục là lần nào cũng thế, mãi đến khi trời tối mịt cả đám mới
chịu “í ới” gọi nhau về, vừa đi vừa bàn tán rôm rả khiến mấy con chó nhà ông Tư
đầu xóm cắn inh ỏi. Nhưng hôm nay, tôi mới đi được chưa được một tiếng mà đã bị bố chạy ra gọi. Linh
tính mách bảo chuyện chẳng lành, tôi dò hỏi:
-
Có chuyện gì mà mẹ gọi con về gấp vậy bố?
- Ai mà biết được chuyện mẹ con mày? Mày làm gì để mẹ nổi
trận lôi đình ở nhà lên thế hả con?
- … - Tôi im lặng. Những suy nghĩ lo lắng bủa
vây tâm trí tôi: “Có khi nào mẹ phát hiện ra chuyện mình ăn cắp tiền rồi
không?”, “Làm sao mẹ biết được nhỉ?”, “Hay con
Bích, thằng Dậu bán đứng mình”, “Chết rồi, mẹ sẽ đánh chết mình cho coi”, rồi lại tự trấn an bản thân “Chắc không phải
đâu. Mình đã giấu kín lắm mà. Có cho tiền con Bích, thằng Dậu cũng không đủ
gan bán đứng mình đâu…”
-
Hay đi học bị điểm kém à con? Câu nói của bố làm tôi giật mình. Tai tôi như ù
đi, hai tay đan chặt, nước mắt chảy lúc nào
không hay. Tôi gục xuống lưng bố khóc nức nở.
-
Sao lại khóc hả con? Có chuyện gì nói bố nghe?
Mặc kệ những câu hỏi han của bố. Cứ thế,
tôi ngồi sau lưng bố khóc tu tu suốt đoạn đường
về. Tới nhà, thấy dáng hai bố con từ ngõ, mẹ từ trong bếp đi ra, tay cầm theo chiếc roi mây. Mẹ
nói lớn:
-
Con Sún đâu? Lại đây cho tao! - Ánh mắt mẹ hằn lên sự giận dữ. Ánh mắt ấy đã luôn ám ảnh tâm trí tôi suốt những năm tháng sau này. Người
tôi co rúm lại vì sợ hãi, hai tay run bần bật, thấy nội đang ngồi
nhai trầu trước hiên nhà, tôi chạy vội lại núp sau người nội mong tìm được vị cứu tinh.
- Nội ơi, cứu con với!
Mẹ tôi tiến lại gần, kéo tôi ra ngoài và
không quên vụt cho tôi vài roi vào mông.
- Lì à? Nói lại đây mà không chịu nghe.
Thôi con, có chuyện gì nói nhỏ nhẹ với
cháu. Đừng vung chân vung tay đánh nó. Tội lắm!
- Nội tôi xót cháu bị con dâu đánh, chạy lại cản mẹ nhưng không được.
- Bà cứ ngồi yên để con dạy cháu ạ! Con này
gan lớn lắm rồi, không dạy không thành người được.
Nói rồi, tay mẹ không ngừng đặt những trận đòn lên người
tôi:
- Tiền đâu mà mày đi ăn hàng nhiều thế hả?
- Mẹ ơi, con xin mẹ. Con biết lỗi rồi. Lần
sau con sẽ không thế nữa - Tôi quỳ xuống, chắp hai tay van xin mẹ.
- Lỗi gì? Nói! - Mẹ vẫn tiếp tục tra khảo.
- Huhuhu… Con… con… đã lấy trộm tiền của mẹ?
- Tôi cúi gằm mặt xuống đất, không dám đối diện với đôi mắt của mẹ.
- Con với chả cái, cho đi học mà cuối cùng thành ra như vậy.
Ham chơi đua đòi, lại còn dám cả gan lấy trộm tiền của mẹ nữa. - Nói
rồi, mẹ vẫn liên tục dùng roi vụt vào người tôi tới tấp.
Ngày hôm ấy, lần đầu tiên tôi bị mẹ phạt trói vào cái cột
bếp hơn 1 tiếng đồng hồ. Đấy
là cái cột gia phong của gia đình mà trước đây nhiều lần tôi đã trông thấy mẹ trói anh hai mỗi
lần anh mắc lỗi.
Những ngày sau đó, mọi sinh hoạt lại trở về bình thường.
Cả nhà không ai nhắc về lỗi lầm
của tôi nữa. Mẹ vẫn giữ nguyên chỗ cất tiền và vẫn nhờ tôi cất tiền giùm mẹ mỗi
ngày như chưa có chuyện gì xảy ra. Không những thế, mẹ còn đưa con gái út đã lấy trộm tiền
của mẹ tiền ăn vặt đều đặn mỗi ngày một nghìn đồng.
Tôi biết, dù mẹ không nói gì nhưng thật sự
tôi đã đánh mất lòng tin của mẹ. Đấy là cái giá mà tôi phải trả cho suy
nghĩ nông nổi của trẻ thơ. Những năm tháng tiếp theo, tôi không dám phạm bất cứ sai phạm nào và thầm mong mẹ vẫn luôn
dành trọn sự tin tưởng con gái út của mẹ như ngày nào.
Đã gần 20 năm trôi qua, nhưng hình ảnh đôi mắt hằn lên sự
giận dữ và thất vọng của mẹ chiều hôm đó vẫn ám ảnh tâm trí tôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI