Thứ Năm, 3 tháng 9, 2020

YÊN BÌNH MỘT MIỀN CAO NGUYÊN bút ký của H’LINH NIÊ - CHƯ YANG SIN SỐ 336 THÁNG 8 NĂM 2020

 


 

Tôi chẳng từng nói với bạn rằng “mỗi bước chân đi trên miền cao nguyên sẽ bắt gặp một lung linh huyền thoại” đó sao. Tin hay không thì tùy, nhưng cứ đến huyện Lắk quê tôi đi, chưa cần phải tới soi mình trên mặt hồ đã gặp đá Voi, mà theo huyền tích mỗi năm lại tiếc nuối nhích một chút bước chân khổng lồ về phía xanh xanh rừng dường như ngày càng xa thăm thẳm. Bạn đã nghe câu chuyện chàng trai đứng trên đỉnh núi cất tiếng hát gọi người yêu, để rồi  đợi chờ quá lâu nên hóa đá thành thần Sin chưa? Cô gái đến muộn chẳng được gặp người yêu, buồn thương biến thành những tấm khăn mây trắng nõn ngày ngày choàng ôm đỉnh núi. Ừ, đứng trên đỉnh Yang Sin còn ngắm được hàng vạn đóa hoa sen, hoa súng hồng hồng rung rinh trên mặt nước hồ thơ mộng, nghe kể câu chuyện cổ về anh em chàng Lăk, Liêng được Yang cho con lươn thần, quẫy, dũi thành chiếc hồ rộng mênh mông hơn 500ha, cho dân các buôn làng quanh vùng không bao giờ thiếu nước, kể cả những tháng ngày cao nguyên bỏng khát bởi Yang sấm sét mải chơi không gọi mưa về tưới tắm.

Vì những cảnh đẹp đầy màu sắc truyền kỳ ấy, mà huyện Lắk  trở thành một cái tên hấp dẫn trên bản đồ du lịch thế giới. Có rất đông du khách trong và ngoài nước bị những huyền thoại kể trên rủ rê, mà nườm nượp kéo đến ngắm hồ, bơi thuyền độc mộc hay dạo chơi trong khuôn viên xanh mát cây cổ thụ, xưa từng là điểm dừng chân của vua Bảo Đại mỗi lần ngẫu hứng cưỡi voi săn bắn thú rừng.

 Những truyền thuyết hư hư thực thực ấy thuộc về 24 dân tộc anh em, trong đó 60% là đồng bào dân tộc thiểu số, 50% số cư dân này là người Mnông Rlâm, Mnông Gar, bên cạnh một vài nhóm Êđê, Bih và các nhóm Tày, H’Mông… từ phía Bắc chuyển cư vào tìm đất sản xuất. Nơi cách nay già nửa thế kỷ, nhà khoa học trẻ người Pháp G. Comdominas  ngùn ngụt tâm thức cống hiến, đã dựng lều sống chung cùng bon làng, để rồi họ cùng ông tìm ra bộ đàn đá cổ xưa nhất của loài người; hiện vẫn đang trưng bày trong bảo tàng Con Người ở kinh đô ánh sáng Paris, minh chứng cho tài hoa và thẩm mỹ âm nhạc tuyệt vời của người bản địa quê tôi. Người Mnông cũng như nhiều cư dân Tây Nguyên khác, nổi tiếng là chất phác, hiền lành và thân thiện.

Thông thường, một miền đất có đông bà con các dân tộc thiểu số cùng chung sống, chắc chắn người ta sẽ nghĩ ngay đến việc tiềm ẩn những điều bất ổn về an ninh chính trị. Bởi tập tính bà con thường rất dễ tin, lại vốn có tập quán “bầy đàn” dễ làm theo phong trào. Dù tốt hay là không tốt chưa biết,  nhưng cứ người mình nói với nhau bằng tiếng mình là tin đã. Nhất là huyện Lắk có tới 85 % đồng bào các dân tộc thiểu số là tín đồ của đạo Tin lành hay Công giáo (chưa kể Phật giáo, Hòa Hảo hay Cao Đài). Và có hơn 900 đối tượng, đủ thể loại cũ, mới, cần phải tiếp cận, dõi theo thường xuyên. Huống gì vào thời buổi công nghệ 4.0 này, mạng xã hội là phương tiện giao tiếp dễ dàng, nhanh chóng với toàn thế giới; thông tin, thậm chí là sự chỉ đạo từ xa cũng đâu có khó khăn gì. Bên cạnh đó, trong một năm số lượng khách nước ngoài đến tham quan, du lịch tại đây có tới hơn 3.300 lượt. Ấy vậy mà khi làm việc cùng các cán bộ lãnh đạo và trinh sát của Đội An ninh, Công an huyện Lắk, tôi luôn gặp những cái lắc đầu và những lời cam kết chắc nịch “không có chuyện gì bất thường hay nổi cộm”. Bản báo cáo năm 2018 về “Công tác đảm bảo an ninh trên địa bàn huyện Lắk” có ghi rõ “tương đối ổn định, không xảy ra vụ việc nào ảnh hưởng tới an ninh quốc gia”. Hay trong báo cáo 6 tháng đầu năm 2019 “tình hình an ninh nông thôn không có vụ khiếu kiện nào vượt cấp, hoặc kẻ địch lợi dụng chống đối chính quyền ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự”. Không có điểm nóng. Không có sự tập trung đông người biểu tình. Không vượt biên… Thật lạ! Khiến lúc đầu tôi cũng hơi băn khoăn.

Tất nhiên, khi đi sâu vào công việc, các anh cũng kể cho chúng tôi nghe nhiều chuyện. Như vụ tranh chấp đất đai tại buôn Mih, buôn Diăm và buôn Dlei xã Đăk Nuê. Vốn từng là đất rẫy truyền thống cũ của các buôn theo phương thức canh tác luân khoảnh truyền thống, nay được giao 50 năm cho Công ty Agrilăk  để trồng cao su nhưng không hiệu quả, cũng không quản lý được, nên địa phương lại giao cho Lâm trường Lắk trồng rừng, cũng không có hiệu quả nốt. Công ty đem một số diện tích phân lô bán nền; hoặc liên kết cho người dân tạm sản xuất cây ngắn ngày, nhưng chỉ cho hưởng 30% thu nhập từ hoa lợi. Kể cả người dân những buôn được thủy điện Tuor Sra đền bù bằng tiền, nhưng không có đất sản xuất, thấy vậy cùng đổ xô vào lấn chiếm đất làm rẫy, rồi nảy sinh khiếu kiện lẫn nhau. Đội đã  yêu cầu cả hệ thống chính trị địa phương vào cuộc, phối hợp với các già làng, người có uy tín trong buôn tuyên truyền, giải thích, vận động. Cùng chính quyền tổ chức đối thoại với dân, yêu cầu cả hai bên dừng công việc, ngừng tranh chấp. Công ty không được chia chác đất đai thành thổ cư sai nguyên tắc quản lý, bà con cũng không nên xuống giống trồng cây lưu niên. Rồi sau đó khảo sát rồi giải quyết cấp 34 ha đất cho các hộ nghèo, những diện tích nào dân đã trồng cây, Công ty không được thu hồi. Vụ việc được vậy là xong xuôi.

Hay một cách giải quyết có lẽ chỉ mới thấy ở Công an huyện Lắk, là vụ đập phá tài sản ở buôn Liêng Két, do trời tối lại khẩn cấp nên Đội Hình sự đã bắt nhầm một người dân bị ho lao. Vị buôn trưởng liền đứng ra đánh kẻng, tụ tập người 3 buôn mang theo xà gạc, dùng 7 xe càng chuẩn bị kéo lên huyện đòi thả người. Cả Đội An ninh đã nhanh chóng đến hiện trường, sau 2 ngày cùng già làng vận động, mới nguôi được cơn giận. Dân yêu cầu công an phải đến tận nơi xin lỗi. Đại tá Nguyễn Mạnh Hường, Trưởng công an huyện lúc ấy đã xuống ngay, thay mặt chiến sĩ ngỏ lời xin lỗi, câu chuyện được dẹp yên. Hoặc vụ thông qua facebook rủ rê người vượt biên kiếm việc làm lương cao, Đội đã làm việc với 40 người, trong đó có 2 cốt cán, lắng nghe, thấu hiểu để tuyên truyền, vận động người dân tập trung vào phát triển kinh tế bền vững, không nghe lời kẻ xấu.

Trung tá Y Tiêng Păng Sơr, người dân tộc Mnông, quê tại Lắk, Phó đội trưởng, có thâm niên tới 28 năm làm công tác an ninh, nhà ở ngay buôn Yang Lang, hồ hởi khoe “buôn mình không có người xấu đâu. Bà con chăm lo làm ăn phát triển kinh tế hộ. Chỉ phải cái thiếu đất sản xuất nên còn nghèo thôi, chứ đoàn kết với nhau lắm”. Điều ấy cũng được chứng thực khi chúng tôi ghé thăm già làng và mục sư ở buôn Biăp, buôn mang tên một loại lá nấu canh đặc sản ngọt lịm từng mọc rất nhiều ở đây – lá bép.

Nếu đâu đó ở vùng đồng bào dân tộc còn nghi kỵ, chưa thật sự hợp tác và yêu mến công an, thì sự gắn bó và tin tưởng vào các anh lại  bộc lộ rất rõ trong chia sẻ của già làng buôn Biăp, một trong 3 buôn kết nghĩa của công an huyện Lăk, cụ Y Si Ô Alêo vui vẻ cho biết mọi lễ lạt theo hình thức mới hay mang tính truyền thống xưa, các trinh sát đều có mặt chung vui cùng bà con. Các anh còn quyên góp xây dựng căn nhà tình nghĩa có cả nhà bếp riêng cho một hộ nghèo, trị giá gần 100 triệu đồng. 

Y Jiam Bơng Ting, vị mục sư điển trai sinh năm 1970, có bằng cử nhân lâm nghiệp trường Đại học Tây Nguyên, được ơn mà đi làm việc Chúa, cũng rất hồ hởi khi kể “Nhà nguyện buôn Biăp là một trong ba địa chỉ nguyện khang trang ở huyện Lắk. Nơi này là vùng thuần đạo Tin Lành, nhờ sự giúp đỡ qua mọi thủ tục của nhiều cơ quan, trong đó quan trọng nhất là của Công an huyện, mà từ 2015 đến nay hàng tuần các tín đồ đã có được nơi tụ hội”. Vậy nên khi già làng đặt vấn đề để cho tiếng thì thụp ấm áp của ching Mnông bay lên, góp phần gìn giữ và bảo tồn văn hóa tộc người, các nghệ nhân sẽ luyện tập lại các bài bản, mong được tấu ching đón và tiễn khách mỗi sáng chúa nhật ở cửa nhà nguyện, mục sư đã vui vẻ tiếp nhận, hứa sẽ làm đơn xin ý kiến giáo hội, đồng thời đề nghị Công an và Văn hóa huyện cũng cần có tiếng nói ủng hộ, để mọi việc thuận lợi hơn. 

75 mùa mưa nắng, dáng dấp nhanh nhẹn, chữ viết rất đẹp, đọc vanh vách mọi thông số của buôn và nói tiếng Pháp “như gió”, già làng Y Si Ô kết luận chắc nịch “Buôn Biăp trở thành nơi yên ổn nhất, thành tấm gương điển hình cho các buôn toàn huyện là nhờ có sự tuyên truyền vận động sát sao và tình nghĩa của anh em công an”.

Sự “tỏa bóng” của Đội An ninh Công an huyện Lăk còn được nhắc đến trong câu chuyện cùng các lãnh đạo Vườn quốc gia Cư Yang Sin, khi các anh chị em không chỉ sát cánh cùng tập thể Vườn làm công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia nhận khoán giữ rừng, để gần 10 năm nay không xảy ra vụ cháy nào (như  ở buôn Biăp, nơi có 29 hộ người Mnông, nhận chăm sóc 855 ha rừng tự nhiên, cũng không có bất cứ một vụ cháy nào); mà trinh sát còn có mặt ngay sau khi nhận được thông tin những vụ việc diễn ra trong khu vực Vườn, sẵn sàng hỗ trợ. Điển hình là mới đây, vụ hai người dân H’Mông đi săn trái phép, khi bị bắt giữ chó săn, đã chặn đường nổ súng khiến một cán bộ kiểm lâm bị thương nặng. Hoặc xác minh nguồn gốc vụ đào 9 gốc hương cổ thụ, trong đó có 3 gốc thuộc địa bàn rừng. Hai bên còn cùng phối hợp xây dựng các mô hình điểm “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh”, nhất là trong việc tuyên truyền để thu hồi súng tự chế của bà con người H’Mông, vốn quen dựng nhà rải rác ở trên đồi, giữa rừng.

 Dù phải đến hiện trường bằng phương tiện xe máy vi vu trên đường nhựa êm ru hay chắc tay lái trên đường cấp phối nảy người như nhảy hip hop, ngồi thuyền ngắm dòng sông Krông Ana êm ả, hoặc lội bộ xuyên những cánh rừng gai góc, nằm vùng tại các địa bàn xa xôi hiểm hóc, các trinh sát của đội đều không quản ngại, bởi đó là “nhiệm vụ phải thi hành”, đấy là lời của Thượng úy Hà Thị Thu Hiền trẻ trung, xinh đẹp, người dân tộc Thái.

Nói đến Đội An ninh Công an huyện Lắk, phải kể  đến hai “nhân vật” nổi bật, đó là Đội phó Y Thuận Niê, dân tộc Êđê. Tốt nghiệp trung cấp an ninh năm 1989, anh công tác ở Công an huyện Ea Sup một thời gian, đến 1990 mới được trở về quê nhà, ở huyện Lăk. Trong những năm 2001-2004, khi những kẻ ngoài biên giới lợi dụng sự cả tin của đồng bào dân tộc, khuấy động phong trào theo Fulro đang diễn ra vào hồi quyết liệt, có khi anh phải đóng một lúc hai vai cán bộ ngân hàng, thợ sửa điện… để không chỉ vận động người dân, mà còn khai thác, bóc gỡ các đối tượng cộm cán, không để xảy ra vụ biểu tình nào. Như vụ cùng đồng đội ở Công an tỉnh bắt giữ Y Sok Niê ở huyện Krông Buk, Nay Tuyên ở buôn Ea Choh, xã Ea Rông (Lắk).  Anh bảo “mình suốt đời gắn bó với an ninh dân tộc. Nay mai có nghỉ hưu về làm dân thường cũng vẫn tiếp tục cùng đồng đội giữ bình yên quê hương”.

Người thứ hai là Đội trưởng, Đại úy Lê Văn Công. Trẻ, đẹp trai, ngại tự nói về mình, anh dường như tránh mặt, nhưng qua chuyện kể của đồng đội, cũng có thể hiểu được. Với vai trò là Đội trưởng, Bí thư chi bộ, anh không chỉ làm tốt việc chỉ đạo thi hành nhiệm vụ thường ngày hay bất thường của toàn đội, tham mưu kịp thời và đúng lúc, đúng đối tượng cho lãnh đạo xử lý công việc phát sinh; mà còn trực tiếp cùng trinh sát xuống buôn, gặp gỡ đối tượng, tìm hiểu hoàn cảnh, tâm tư nguyện vọng, ngăn chặn ngay từ đầu những biểu hiện ảnh hưởng tới an ninh trật tự. Bên cạnh đó là việc nắm vững, thấu hiểu tình cảnh khó khăn, vướng mắc trong  kinh tế, trong đời sống, nhất là của đồng bào dân tộc, để tham mưu, đề xuất với lãnh đạo huyện những chủ trương, chính sách  khác biệt với từng buôn, từng dân tộc tại chỗ hay chuyển cư. Thông thuộc địa bàn, thân thiết với người dân từng buôn làng như trong gia đình.Vượt qua rào cản những ngày đầu về ngôn ngữ, phong tục tập quán hay văn hóa khác biệt, khi  gật gù cầm cần bên một ghè rượu, lúc gắp  những miếng cá, thịt chế biến “chẳng giống ai” bỏ vào chén; để trả lời câu nói của bà con, rằng “bụng người Kinh có tốt hay không, cứ ăn được, uống được cùng người dân tộc mới biết”. Đến buôn Biăp hay buôn Dơng Guôn, hỏi người dân ai cũng biết công an Công, công an Thuận, Y Tiêng, Y Teh, Huệ…

Đại úy Lê Văn Công đã sát cánh cùng đồng đội giúp người dân hiểu rõ các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, để không nghe, không tin, không làm theo lời xúi giục của kẻ xấu. 5 năm liền Lê Văn Công đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở, được Giám đốc Công an tỉnh, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân huyện Lắk tặng giấy khen.

Đội An ninh Công an huyện Lắk có đến 21/26 anh chị em là người các dân tộc Êđê, Mnông, Tày, H’Mông, Thái… trong đó người ít thì mới về đội 3 năm như Trung úy Y Teh Buôn Krông, dân tộc Êđê; người thâm niên lâu nhất 34 năm như Trung tá phó đội Y Thuận Niê. Có 20 chiến sĩ đã qua bậc đại học chuyên ngành. Bên cạnh bản lĩnh vững vàng, ý thức trách nhiệm vì dân cao, yêu mến và tự tin ở nghề nghiệp được đào tạo chính quy, họ đều thông thạo ngôn ngữ, thông thuộc địa bàn, dễ dàng tiếp cận với bà con, gắn bó với buôn làng, để lại những dấu ấn không quên cho người dân. Ở sân rợp mát bóng cây cổ thụ của Công an huyện Lắk có một câu khẩu hiệu rất hay để ngày ngày nhắc nhở “Thức cho dân ngủ ngon. Gác cho dân vui chơi. Lấy niềm vui, hạnh phúc của nhân dân làm niềm vui, hạnh phúc của cán bộ, chiến sỹ công an”. Bên nhau, họ đoàn kết để cùng thực hiện tiêu chí ấy, hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị, an toàn trật tự của một miền đất đầy huyền thoại. Xứng đáng là một tập thể nhiều năm liền được trao danh hiệu  tiên tiến xuất sắc của công an Đắk Lắk.

Việc giữ gìn sự yên bình ở một miền cao nguyên xa xôi có đông bà con người dân tộc thiểu số, lẫn sự đa dạng về tôn giáo, chắc chắn là những công việc không ít những khó khăn chẳng ở đâu giống đâu. Vậy mà Hà vẫn rất lãng mạn khi kể chúng tôi nghe về địa bàn hoạt động của mình. “Cô nhìn lên  mà xem. Trên đỉnh núi cao hơn 2.400m, chỗ cái mỏm đá gù gù ấy phía bên này thuộc huyện Lắk là rừng kín, thường xanh, khí hậu mát mẻ. Phía bên kia cánh rừng thông bạt ngàn thuộc huyện Krông Bông, khí hậu nóng hơn. Đúng như lời Phó giám đốc Vườn Quốc gia Cư Yang Sin nói, trên đó, thông hát reo vi vu, mây trắng mềm mại từ dãy núi Cư Jut, Cư Yang Reh thường dồn về quẩn quanh. Đẹp vô chừng cô ạ”. Có một bài hát của nhạc sỹ Ama Nô viết về Lắêk chừng hơn 50 năm trước, nay vẫn còn được các bạn trẻ chưa từng sinh ra ngày ấy hát rằng “Lắk của ta quê hương đẹp lắm. Nước hồ Lắk in hình Yuk rta. Núi Yang Sin vươn mình cao đẹp trên đất quê ta”. 

Và Lắk còn đẹp hơn khi có rất nhiều những chiến sĩ áo xanh màu cỏ, ngày đêm mải miết với công việc gìn giữ yên bình một miền đất cao nguyên, cho du khách gần xa đến đấy ngắm bình minh chim hót, hay hoàng hôn đỏ hồng mặt nước tĩnh lặng, soi mình vào chiếc gương thần trong veo của nàng H’Lung dắt ngang lưng núi, để thấy ai cũng đẹp, rồi dẫu có rời bước chân đi mọi “đất trời xa xôi” đều luyến lưu với vẻ đẹp của Lắk trong tâm trí.,.

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI