Thấm thoát đã tròn 30 năm, trải
qua 6 kỳ Đại hội và đang xúc tiến để bước vào Đại hội lần thứ VII của Hội Văn
học Nghệ thuật Đắk Lắk, bỗng nhiên cảm xúc dâng trào để rồi nhớ nhớ quên quên,
giữa hân hoan là đan chen ngậm ngùi, buồn vui lẫn lộn...
Trước những thành quả đã đạt được
trong 30 năm qua, làm sao có thể quên được những người “mở đường”, “thai nghén”
để cho ra đời Hội VHNT Đắk Lắk. Đó là các bậc lão thành cách mạng nguyên là
lãnh đạo tỉnh: Huỳnh Văn Cần, Nguyễn An Vinh, Huỳnh Thị Xuân, Châu Khắc Chương,
Ama H’Oanh, Hồ Quang Tám...
Được sự chỉ đạo từ các Nghị quyết
Trung ương Đảng, tỉnh Đảng bộ Đắk Lắk về công tác văn hoá – văn nghệ; các Nghị
quyết của Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, VHNT Đắk Lắk không
nằm ngoài quỹ đạo chung trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân các dân tộc, gắn
bó với nền văn hoá cổ truyền, vì một nền VHNT dân tộc và hiện đại. Để đoàn kết,
tổ chức, động viên những người làm công tác văn nghệ, Tỉnh uỷ và Uỷ ban Nhân
dân tỉnh đã tiến hành thành lập Ban vận động thành lập Hội Văn học Nghệ thuật
Đắk Lắk. Cuộc vận động lần thứ nhất kéo dài từ 1982 đến 1988 nhưng không thành.
Tỉnh uỷ Đắk Lắk tiếp tục tổ chức cuộc vận động mới (từ 1988 đến 1990) để thành
lập Hội VHNT Đắk Lắk. Ngay từ khi thành lập Ban vận động, Uỷ ban Nhân dân tỉnh
đã cấp trụ sở riêng (nằm ngay Ngã Sáu – trung tâm của thị xã Buôn Ma Thuột), có
xe ô tô, có tài khoản… như một công sở. Điều đó chứng tỏ để thành lập được tổ
chức tập hợp lực lượng văn nghệ sĩ ở Đắk Lắk lúc bấy giờ có sự ưu ái lớn của
Lãnh đạo tỉnh, nhưng cũng phải qua 2 cuộc vận động kéo dài tới 8 năm mới đạt
kết quả.
Cũng cần ghi nhớ công lao của các
thành viên Ban Vận động thành lập Hội VHNT Đắk Lắk:
- Ban vận động thành lập Hội VHNT
Đắk Lắk lần thứ nhất (1982 - 1988):
Trưởng ban: Nhạc sĩ Kpa Púi; Phó
trưởng ban: Nhạc sĩ Đàm Thanh; các uỷ viên: Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian
Dương Thanh Tùng, nhạc sĩ Nay Nô, nhà thơ Hữu Chỉnh.
- Ban vận động thành lập Hội VHNT
Đắk Lắk lần thứ hai (1988 - 1990):
Trưởng ban: Đồng chí Châu Khắc
Chương (bấy giờ là Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Đắk Lắk); các Phó trưởng ban:
Nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Y Tim, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Dương
Thanh Tùng, nhà thơ Hữu Chỉnh; các uỷ viên: Nhà báo Nguyễn Lưu, nhà văn Đinh
Hữu Trường.
Sau 8 năm với 2 Ban Vận động
thành lập Hội, Ngày 4 và 5 tháng 9 năm 1990, Đại hội thành lập Hội VHNT Đắk Lắk
đánh dấu bước ngoặt lịch sử trên chặng đường phát triển của VHNT tỉnh Đắk Lắk.
Hội VHNT Đắk Lắk trở thành một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, đặt
dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, do Uỷ ban nhân dân tỉnh quản lý, là thành viên
của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk, thành viên của Liên hiệp các
Hội VHNT Việt Nam... Hội là nơi tập hợp lực lượng các văn nghệ sĩ trong tỉnh,
tạo điều kiện cho họ phát huy tiềm năng sáng tạo văn học, nghệ thuật để phụng
sự tổ quốc, phục vụ nhân dân. Hội cũng đồng thời vừa là vườn ươm vừa là vườn
hoa trái của VHNT ở địa phương và cả nước. Ban đầu, Hội VHNT Đắk Lắk có 45 hội
viên thuộc các chuyên ngành: Văn học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Sân khấu -
Biểu diễn, Văn hóa dân gian, Kiến trúc và cả các hội viên danh dự.
Vẫn là chuyện vui, trong số các
đại biểu đến dự Đại hội thành lập này, có người chỉ “theo bạn (có giấy mời) đến
dự cho bạn đỡ lạc lõng”, thế là được ghi tên trong danh sách đại biểu tham dự,
nghiễm nhiên trở thành “sáng lập viên” của Hội, cũng là một trong số “cây đa
cây đề” trong làng VHNT Đắk Lắk.
Tới đây, lại phải nhắc để thế hệ
sau nhớ những người “đứng mũi chịu sào” để lái “con thuyền văn nghệ Đắk
Lắk”:
- Đại hội thành lập Hội VHNT Đắk
Lắk (Đại hội I) nhiệm kỳ 1990 - 1995: Chủ tịch Nhà thơ Hữu Chỉnh (từ Giáo dục
chuyển sang, do Đại hội trực tiếp bầu); Phó chủ tịch thường trực: Nhà thơ Phạm
Doanh (từ Hội Nông dân chuyển sang); Phó chủ tịch kiêm nhiệm: Nhà nghiên cứu
VHDG Dương ThanhTùng (Phó giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin Đắk Lắk).
- Đại hội II (nhiệm kỳ 1996 -
2001): Chủ tịch Nhà thơ Hữu Chỉnh (do Đại hội trực tiếp bầu); Phó chủ tịch
thường trực: Nhà thơ Phạm Doanh; Phó chủ tịch kiêm nhiệm: Nhà nghiên cứu VHDG
Dương ThanhTùng.
- Đại hội III (nhiệm kỳ 2001 -
2006): Chủ tịch Nhạc sĩ, nhà văn Linh Nga Niê Kdăm từ Cơ quan thường trú Đài
Tiếng nói Việt Nam tại Tây Nguyên chuyển sang, chính thức nhậm chức từ tháng
4/2002); Phó chủ tịch thường trực: Nhà thơ Phạm Doanh; Phó chủ tịch kiêm nhiệm:
NSƯT Vũ Lân (từ Đoàn ca múa Đắk Lắk, về hưu 2006 thì về làm việc tại cơ quan
Hội).
- Đại hội IV (nhiệm kỳ 2006 -
2010): Chủ tịch Nhà văn Đinh Hữu Trường (được bầu bổ sung tại Hội nghị Ban chấp
hành lần thứ V - tháng 7 năm 2008; Từ Cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam
tại Tây Nguyên chuyển sang); Phó chủ tịch thường trực: NSƯT Vũ Lân; Phó chủ
tịch kiêm Quyền Tổng biên tập Tạp chí Chư Yang Sin: Nhà văn Khôi Nguyên.
- Đại hội V (nhiệm kỳ 2010 -
2015): Chủ tịch Nhà văn Khôi Nguyên; Phó chủ tịch thường trực: Nhà văn Hồng
Chiến (bầu bổ sung sau Đại hội); Phó chủ tịch kiêm nhiệm (không hưởng lương từ
ngân sách Nhà nước cấp cho Hội): Nhà văn Niê Thanh Mai.
- Đại hội VI (nhiệm kỳ 2015 -
2020): Chủ tịch Nhà văn Khôi Nguyên; Phó chủ tịch thường trực: Nhà văn Hồng
Chiến (năm 2016 có quyết định nghỉ hưu nhưng lãnh đạo Hội vẫn đề nghị Tỉnh ủy
cho tiếp tục giữ lại chức danh này); Phó chủ tịch phụ trách Tạp chí Chư Yang
Sin: Nhà thơ Đặng Bá Tiến; Phó chủ tịch kiêm nhiệm (không hưởng lương từ ngân
sách Nhà nước cấp cho Hội): Nhà văn Niê Thanh Mai.
Tổng biên tập tạp chí Chư Yang
Sin - diễn đàn VHNT của Hội: Từ 1990 đến 1994: Nhà thơ Hữu
Chỉnh; từ 1994 đến 2006: Nhà thơ Phạm Doanh; từ 2006 đến nay: Nhà văn Khôi
Nguyên đảm nhiệm chức danh Quyền tổng biên tập.
Từ 45 hội viên ban đầu, nay Hội
VHNT Đắk Lắk đã có 218 hội viên – một lực lượng khiêm tốn so với tỷ lệ của một
tỉnh có gần 2 triệu dân. Tuy nhiên, quý hồ tinh bất quý hồ đa, tiêu chí để xét
kết nạp hội viên mới đòi hỏi ngày càng cao về sức sáng tạo và sự đam mê với
VHNT, số lượng hội viên mới được kết nạp hàng năm không nhiều nhưng đảm bảo
chất lượng, đam mê sáng tạo.
30 năm qua, VHNT Đắk Lắk dần
trưởng thành, từ một nơi mà nhà thơ Nông Quốc Chấn nhận xét: “Đọc các anh các
chị làm việc ở Tây Nguyên thì thật khó mà nhận ra là họ đang sống ở Tây Nguyên.
Đọc họ giống như đọc ai đó đang sống và viết ở Huế, ở Đà Nẵng, ở Nha Trang, ở
Hà Nội hay ở thành phố Hồ Chí Minh…” (lúc bấy giờ văn thơ còn được chú ý nhiều
nhất, các lĩnh vực nghệ thuật khác còn mờ nhạt). Hiện nay các tác phẩm VHNT Đắk
Lắk đã tạo được dấu ấn riêng biệt về bản sắc của mình. Tất cả các lĩnh vực sáng
tạo VHNT ở Đắk Lắk đều có tác phẩm đoạt giải A (hoặc tương đương) của các hội
chuyên ngành Trung ương hoặc của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam (trừ chuyên
ngành kiến trúc). Hội VHNT Đắk Lắk là một trong những Hội địa phương có nhiều hoạt
động sôi nổi nhất, liên tục được nhận Cờ Thi đua của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp
các Hội VHNT Việt Nam và Bằng khen của UBND tỉnh. Tạp chí Chư Yang Sin – diễn
đàn của Hội – được lọt vào tốp những tạp chí văn nghệ được bạn đọc cả nước đón nhận.
Có trên 50% hội viên của Hội VHNT Đắk Lắk được kết nạp vào các hội chuyên ngành
Trung ương (một tỷ lệ đáng tự hào so với các Hội VHNT địa phương trên cả nước).
Chẳng thế mà nhiều hội viên khi đã chuyển địa bàn cư trú ngoài Đắk Lắk nhưng
vẫn làm đơn xin được là hội viên của Hội VHNT Đắk Lắk; nhuận bút của tạp chí
Chư Yang Sin không cao bằng nhiều tỉnh bạn nhưng vẫn thu hút được lực lượng,
cộng tác viên cả nước bởi họ coi đây là nơi thẩm định năng lực sáng tạo của
mình...
Như ban đầu đã đề cập: giữa hân
hoan là đan chen ngậm ngùi, buồn vui lẫn lộn... Trong niềm tự hào về sự lớn
mạnh của Hội, còn đó những “vết đen” trong lịch sử hình thành và phát triển
Hội. Đó là Đại hội III, sau 6 tháng mới có Chủ tịch; Đại hội IV, sau hơn 2 năm
mới có Chủ tịch; Đại hội V, sau 4 tháng mới bổ sung được chức danh Phó chủ tịch
Thường trực; trước thềm Đại hội VII là đơn thư nặc danh rồi đích danh... Điều
đó chứng tỏ trong nội bộ có những diễn biến phức tạp và bất ổn.
Cũng phải nhìn nhận lại, 218 hội
viên chưa hẳn là 218 vì tinh tú đã và đang tỏa sáng trong vòm trời VHNT ở địa
phương. Bởi có những nhiệm kỳ kết nạp theo phong trào, cần có số đông; có những
nhiệm kỳ kết nạp theo cảm tính; có nhiều hội viên vì mưu sinh, vì tuổi cao
không còn khả năng sáng tạo cho nên lâu nay không có tác phẩm mới; có những hội
viên không còn nhu cầu sinh hoạt Hội nên phải xóa tên khỏi danh sách hội
viên... Đây là một thực trạng chung của các hội VHNT từ Trung ương đến địa
phương.
30 năm Ngày
thành lập Hội. Lúc này, trong 30 ngọn “nến tâm tưởng” thắp lên trong buổi sinh
nhật, có những ngọn tưởng nhớ người đã khuất: Như nguyên bí thư Tỉnh ủy Huỳnh
Văn Cần, nhạc sĩ Kpa Púi, nhạc sĩ Đàm Thanh, nhạc sĩ Ama Nô, nhà thơ Hoàng Mạnh
Thường... và nhiều hội viên khác đã vào cõi vĩnh hằng. Trong 30 ngọn nến này,
có những ngọn tri ân những người đã cống hiến bằng tâm huyết cho sự nghiệp phát
triển VHNT Đắk Lắk; có những ngọn tri ân đến những cơ quan, đơn vị, doanh
nghiệp, địa phương... đã đồng hành cùng Hội VHNT Đắk Lắk; có những ngọn chúc
mừng và chia vui đến những hội viên đã thành công trong sáng tạo; có những ngọn
mong ước VHNT Đắk Lắk ngày càng rực rỡ để xứng đáng với tầm vóc của một vùng
đất có độ sâu của nhiều địa tầng văn hóa, độ rộng của lịch sử, độ dài của mọi
miền đất nước về đây tụ hội...
30 ngọn nến mừng sinh nhật. Ngọn
buồn, ngọn vui, ngọn hân hoan, ngọn ngậm ngùi, ngọn chua - cay - ngọt - bùi,
ngọn chứa chan hy vọng...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI