Thứ Tư, 2 tháng 9, 2020

SUÝT "TOI" VÌ BÀI ĐĂNG TRÊN BÁO TIỀN PHONG HƠN 30 NĂM TRƯỚC

 

 Cùng các bạn fb!

Nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 65 xin mời các bạn cùng tôi ôn lại một "tai nạn" nghề nghiệp ngày ấy...
















Tháng 10 năm 1986 tôi vừa tròn 30 tuổi, nhận quyết định điều động về làm Hiệu trưởng trường PTCS Ngô Gia Tự, huyện Ea Kar có hơn 100 giáo viên với ba cấp học: mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở. Trường đóng ở trung tâm thị trấn huyện Ea Kar, số lớp đông nhất huyện, đội ngũ giáo viên nhiều người được tăng cường từ ngoài Bắc vào, tập thể khá đoàn kết. 

Cả trường vòi Hiệu trưởng khao

Ngoài công tác quản lý trường, tôi còn phải thường xuyên tham gia các đoàn kiểm tra do Phòng Giáo dục thành lập. Vì thế tôi đến được nhiều trường, nhiều địa phương trên điạ bàn huyện Ea Kar và tham gia viết bài cộng tác với báo Đắk Lắk, báo Tiền Phong, báo Người giáo viên nhân dân (sau này đổi tên Giáo dục & Thời đại)…

Một hôm tôi đạp xe đến trường thấy anh chị em giáo viên nhìn mình có vẻ gì đó khang khác. Trống trường báo hiệu vào tiết một, cô Tổng phụ trách kiêm Bí thư Đoàn mới chạy qua phòng Hiệu trưởng, vui vẻ nói : “Chúc mừng anh có bài được đăng báo nhé!”, tôi ngạc nhiên hỏi lại: “Đăng ở báo nào vậy?” “Báo Tiền Phong đấy, bài Hãy  đến với Ea Kar”.

À, trước đó nửa tháng, tôi có viết một bài báo về trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, cách thị trấn huyện Ea Kar chỉ hơn 5 km nhưng cơ sở vật cất quá thiếu thốn: trường mái tranh, vách đất, bàn học sinh làm bằng bìa gỗ đặt lên bốn cái cọc đóng xuống đất, ghế làm bằng hai cây tre tròn ghép lại, bàn giáo viên không có. Tôi hỏi thầy Hiệu trưởng: Nơi làm việc ở đâu? Thầy ấy cho biết đang ở nhờ nhà dân. Khi cần tiếp khách thì mượn nia (dụng cụ phơi lúa) ngồi tạm. Cám cảnh, tôi đã viết bài phản ánh chuyện này. Thời ấy phương tiện liên lạc chủ yếu bằng thư từ, điện tín, nên bài viết xong mang ra Bưu điện gửi đi, từ huyện ra Hà Nội thường cả tuần mới tới.

Buổi trưa, mấy thầy cô độc thân ở nội trú bắt Hiệu trưởng khao vì có bài đăng báo,lại là báo Tiền Phong. Ngày ấy, ngoài báo Nhân Dân còn có hai tờ báo nữa được xếp hàng đầu, mọi người hết sức yêu thích là báo Lao động và báo Tiền Phong. Có được tờ báo để đọc đã quý, nay có bài đăng trên đó nữa, thì… không thể không khao. Bữa tiệc thịnh soạn được bày ra: rượu mía, bánh đa, nải chuối, kẹo lạc… . Anh em đồng nghiệp vui hết cỡ.

 

Tai họa ập tới

Khi mọi người hình như đã quên chuyện bài báo của tôi thì… ông Vũ Thế Hiển - Trưởng phòng Giáo dục gọi lên hỏi: “Phải Chiến viết bài báo này không”? Ông quẳng tờ báo Tiền Phong có đăng bài “Hãy đến với Ea Kar” lên bàn trước mặt tôi rồi quát: “Anh bôi tro trát trấu lên ngành, lên huyện như thế này à”? Tôi trả lời: “Thưa thầy, thực trạng ở trường Nguyễn Bá Ngọc nó vậy đấy ạ”! “Cả tỉnh, cả nước khó khăn như vậy chứ riêng gì huyện ta, ngành ta, phải có thời gian khắc phục dần dần chứ”. Sau một hồi quát tháo, ông Trưởng phòng thông báo: “Anh về chuẩn bị bàn giao công tác đi nhận nhiệm vụ mới”.

Hôm sau tôi nhận quyết định điều động về trường PTCS 333, làm Hiệu phó. Trong thời gian này tôi lại có bài “Cúng chồng bằng ba củ khoai lang” đăng trên báo Người giáo viên nhân dân, kể chuyện 5 giáo viên ở tỉnh Hải Hưng tăng cường theo dân kinh tế mới. Hết 6 tháng nhận phụ cấp kinh tế mới, giáo viên bị cúp lương, Phòng giáo dục Ea Kar cũng không cấp lương lương thực. Có cô giáo chồng chết ba mẹ con ăn khoai trừ bữa; đến ngày giỗ chồng cũng chỉ có khoai lang cúng chồng, và vẫn phải lên lớp hàng ngày. 

Thế là tôi lại nhận quyết định điều động về Phòng Giáo dục. Bàn giao công việc của trường xong, tôi về Phòng, không ngờ bước ngoặt cuộc đời bắt đầu từ đây. Tôi bị Công an “mời” lên làm việc rồi thu Giấy chứng minh nhân dân. Hàng ngày tôi chỉ có công việc duy nhất trả lời các câu hỏi rồi viết bản tường trình: Vì sao lại viết bài báo “Hãy đến với Ea Kar” đăng trên báo Tiền Phong. Viết bài báo ấy có mục đích gì? Có ai xúi giục viết không? Trong một lần làm việc, ông Nguyễn Văn Đợi - Chủ nhiệm Ủy ban thanh tra Nhà nước tỉnh, ông ta nói như quát vào mặt tôi: Anh có biết bài báo của anh được Đài BBC đọc không?

Chao ôi, thời ấy, đài BBC, đài Hoa kỳ… đều là đài địch bị cấm nghe, vậy mà bài của tôi lại còn bị đọc trên ấy!? Thảo nào tôi khổ! Hoảng quá, tôi điện về Tòa soạn báo Tiền Phong cầu cứu. Tòa soạn đã cử anh Hữu Thanh và anh Hồng Tuyến bay vào làm việc với Tỉnh ủy Đắk Lắk. Các anh gọi tôi lên thị xã Buôn Ma Thuột để gặp mặt, trao đổi. Mất gần buổi sáng đạp xe, chiếc xe cọc cạch vượt 64km lên phố. Gặp được các anh ấy, tay bắt mặt mừng. Hình như thấy tôi gầy quá, hai anh lặng người hồi lâu rồi mới hỏi: Làm việc với Công an đã nói gì? Khai gì? Có bị đánh không…?  Gia cảnh hiện nay thế nào? Hai anh động viên: Phải tự tin! Hy vọng mọi sự sẽ tốt đẹp!

 

Ấm lòng tình đồng chí

Chia tay các anh, tôi đạp xe về lại nhà, sau đấy không thấy bị “mời” lên làm việc nữa. Khoảng một tháng sau, bất ngờ nhận được giấy mời của Phòng Giáo dục hẹn gặp. Ông Vũ Thế Hiển - Trưởng Phòng Giáo dục đưa cho tôi Quyết định buộc thôi việc số: 09 ngày 10/8/1988 của UBND huyện Ea Kar. Tôi lặng người, không nói gì, cầm quyết định ra về và đánh điện ra Tòa soạn thông báo cho anh Hữu Thanh biết (thời ấy nếu nói chuyện điện thoại phải đăng ký, chờ nối máy lâu lắm mà lại tốn nhiều tiền nên tôi chỉ gửi điện tín thông báo). Anh ấy gửi thư vào bảo khởi kiện ra tòa. Rồi anh Nguyễn Vĩnh ở Ban bạn đọc báo Người Giáo viên nhân dân, anh Quang Ngãi ở Đài tiếng nói Việt Nam cũng viết thư vào động viên, khuyên tôi phải kiên trì đấu tranh.

Ngày 2/12/1988, Tòa án tỉnh đưa vụ án ra xử, tuyên UBND huyện Ea Kar kỷ luật tôi là đúng. Tôi chống án lên Tòa Tối cao.

Ngày 17/6/1989, Tòa án Tối cao vào Buôn Ma Thuột mở phiên tòa công khai xét xử và tuyên: “Hủy bản án sơ thẩm số 16, ngày 1/12/1988 của Tòa án nhân dân tỉnh Đk Lk x việc buộc thôi việc giữa Ủy ban nhân dân huyện Ea Kar và anh Nguyễn Hồng Chiến, giao hồ sơ cho Tòa án tỉnh Đak Lak điều tra xét xử lại”.

Ngày 2/11/1990 Tòa án tỉnh tiếp tục mở phiên tòa công khai xét xử và tuyên: Ủy ban nhân dân huyện Ea Kar kỷ luật tôi là đúng pháp luật! Tôi lại chống án lần 2 lên Tòa Tối cao.

Trong thời gian này, tôi nhận được thư, điện của các anh Hữu Thanh, Hồng Tuyến – báo Tiền Phong, anh Nguyễn Vĩnh - báo Người giáo viên nhân dân gửi vào động viên; các anh Đặng Bá Tiến, Dương Thế Hoàn, Uông Ngọc Dậu – Báo Đắk Lắk; Đỗ Trọng Phụng, Nguyễn Quyền – Đài Phát thanh Dak Lak và anh Đinh Hữu Trường - Phó phòng PX15, Công an tỉnh, nhà thơ Phạm Doanh – Hội Nông dân tỉnh… động viên, an ủi và khuyên tiếp tục chống án. Các anh nhà báo ở tỉnh không những san sẻ cho tôi ăn uống khi tôi lên Buôn Ma Thuột hầu tòa, mà còn viết nhiều bài đăng trên các báo của Trung ương như: “Tội giả chụp lên đầu người thật” - Báo Tiền phong; “Bị trù dập vì hăng hái đấu tranh chống tiêu cực, một phiên tòa không vì lẽ phải và công lý- Báo Giáo dục và Thời đại… tạo lên cơn địa chấn” vang khắp cả nước. Nhiều người đã gửi thư, tiền vào ủng hộ, động viên tôi.

Ngày 21/5/1991, Tòa án Tối cao tại Đà Nẵng vào mở phiên tòa xét xử công khai tại thành phố Buôn Ma Thuột. Đây là phiên Phúc thẩm đồng thời cũng là Chung thẩm – không còn quyền kháng cáo, nên tôi rất hồi hộp. Tòa tuyên: “Hủy Quyết định số 09 ngày 10/8/1988 của UBND huyện Ea Kar buộc thôi việc đối với anh Nguyễn Hồng Chiến - Ủy ban nhân dân huyện Ea Kar có trách nhiệm khôi phục các quyền lợi hợp pháp cho anh Chiến trong thời gian bị buộc thôi việc”. Tòa vừa dứt lời, cả hội trường vỗ tay ầm ầm, mọi người đổ xô lại chúc mừng tôi. Tôi ngồi lặng đi, để mặc cho nước mắt rơi mà nụ cười nở trên môi. Thế là cuối cùng tôi cũng được minh oan và được trả về với nghề dạy học!

Mấy hôm sau, báo Tiền Phong đăng bài: “Sau bốn phiên tòa, Hồng Chiến được trả lại công việc” của nhà báo Đặng Bá Tiến; Báo Giáo dục & Thời đại đăng bài: “Phúc thẩm và quyết định: Hủy bản án sơ thẩm xét xử không công minh thầy giáo Nguyễn Hồng Chiến” của nhà báo Dương Thế Hoàn…

Tính từ ngày bàn giao chức Hiệu trưởng năm 1987 đến khi tôi nhận được Quyết định sửa sai của Ủy ban nhân dân huyện Ea Kar đã hơn 6 năm, trong đó có hơn 3 năm tôi phải kiếm sống bằng những nghề bần cùng như: đốt than, vào rừng chặt mây thuê, làm “lâm tặc” mưu sinh, trải qua 4 phiên tòa căng thẳng ...

 Nếu không có sự quan tâm của các nhà báo chí tình ở Tòa soạn báo Tiền Phong, báo Giáo dục & Thời đại… cũng như các anh ch nhà báo, bạn bè  khác luôn động viên, khích lệ tôi, sẵn sàng đương đầu với các sức cản khác, dũng cảm viết bài bảo vệ tôi, thì đời tôi hẳn đã rẽ qua một hướng khác.

 

Box

Hơn 30 năm đã qua, kỷ niệm với báo Tiền Phong và các anh chị  đồng nghiệp ngày ấy để lại dấu ấn không thể nào quên trong trái tim tôi. Đền đáp lại những gì các anh chị đi trước dành cho mình, tôi đã cố gắng làm tốt vai trò người quản lý giáo dục ở huyện Ea Kar hơn 10 năm nữa. Năm 2006 tôi chuyển qua làm Thư ký Tòa soạn Tạp chí Chư Yang Sin. Và hiện đang Phó chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà báo tỉnh Đắk Lắk, Phó Tổng biên tập tạp chí Chư Yang Sin.

Xin được gửi lời cảm ơn đến Tòa soạn báo Tiền Phong- Điểm khởi đầu niềm đam mê cầm bút và trau dồi đức dũng cảm; cảm ơn các anh chị nhà báo đã giúp tôi hiểu thêm về tinh thần đồng chí, đồng đội cùng giúp nhau vượt qua thử thách để đi tìm công lý, sự thật và niềm tin vào tính thượng tôn pháp luật của Đảng và Nhà nước. Mong qua câu chuyện của tôi, các bạn đồng nghiệp đi sau rút ra cho mình điều gì đó khi gặp khó khăn trong tác nghiệp.


 


1 nhận xét:

  1. Tháng 9-1988, sau khi tốt nghiệp Đại học, tôi được phân công về Sở Giáo dục Đăklăk và trong thời gian chờ quyết định về trường tôi có nghe câu chuyện trên. Nhưng cứ nghĩ là mới xảy ra và có nghe thầy bị công an mời làm việc... nhưng không ngờ lại gặp lắm gian nan như thế. Dầu sao mọi chuyện đã qua, kính chúc thầy sức khỏe để tiếp tục cống hiến cho tây nguyên. Riêng tôi chỉ công tác tại Khánh Dương hơn một mùa mưa rồi xin chuyển về quê sau khi có cơ hội tách tỉnh bình trị thiên. Đọc bài viết của thầy thấy rưng rưng. Cũng thời gian này đây, 32 năm trước... Kỉ niệm về những ngày đầu tiên đặt chân lên phố núi lại ùa về...

    Trả lờiXóa

NHẬN XÉT MỚI