Chủ Nhật, 20 tháng 9, 2020

NHỮNG BIỂU TƯỢNG TIÊU BIỂU TRONG VĂN HÓA MẪU HỆ ÊĐÊ tác giả TRƯƠNG BI - CHƯ YANG SIN SỐ 336 THÁNG 8 NĂM 2020

 


 

 

 Dân tộc Êđê là một trong những dân tộc bản địa, định cư từ lâu đời trên cao nguyên Đắk Lắk. Trong quá trình tìm hiểu, nghiên cứu văn hóa truyền thống của dân tộc Êđê, chúng tôi nhận thấy văn hóa mẫu hệ Êđê được hình thành từ bao đời nay, thông qua lịch sử đấu tranh, chinh phục thiên nhiên, xây dựïng và phát triển cộng đồng. Nó đã trở thành biểu tượng độc đáo của văn hóa  Êđê.

Theo nhà văn hóa học V.M. Rodin (giáo trình Đại học Mát-xcơ-va, 1998): “Biểu tượng là một hình thái ngôn ngữ - ký hiệu tượng trưng của văn hóa. Nó được sáng tạo nhờ vào năng lực “tượng trưng hóa” của con người, theo phương thức dùng hình ảnh này để bày tỏ ý nghĩa kia, nhằm để nhận thức và khám phá ra một giá trị biểu tượng nào đó. Biểu tượng được xem là “tế bào” của văn hóa và là hạt nhân “di truyền xã hội” đầu tiên của nhân loại. Nó quy định mọi hành vi ứng xử và giao tiếp của con người đồng thời liên kết họ lại thành một cộng đồng riêng biệt”.

Từ định nghĩa trên, chúng tôi thấy văn hóa mẫu hệ Êđê, có những biểu tượng tiêu biểu như sau:

- Về tên gọi buôn làng: Người Êđê thường lấy tên người phụ nữ (đứng đầu dòng họ) để đặt tên cho buôn làng mình, như buôn H’Ling, H’Năng, H’Leo, H’Tring, H’Măng... Đó là những người phụ nữ có công tìm ra bến nước, hoặc để lại dấu ấn trong lịch sử hình thành các địa danh trên cao nguyên Đắk Lắk, như buôn H’Năng, buôn Tring, buôn M’Liêng, suối Ea H’Leo, thác Drai H’Ling…

- Về tên chủ bến nước: Người Êđê thường lấy tên người phụ nữ tìm ra bến nước để tôn vinh và đặt tên chủ bến nước. Theo luật tục cộng đồng, chủ bến nước (Pô pin ea) đồng thời là chủ buôn làng và chủ đất. Chủ bến nước cùng với hội đồng già làng đề ra luật tục để quản lý cộng đồng. Khi về già, chủ bến nước qua đời thì chức danh đó được giao lại cho cô con gái út, cứ thế vai trò chủ bến nước được thừa kế trong một gia đình mẫu hệ (mà bà Tổ là người có công tìm ra bến nước), chứ không giao quyền cho một gia đình hoặc dòng họ nào khác.

- Về nhà ở: Người Êđê có ngôi nhà sàn dài “dài như một tiếng chiêng ngân” (như trong sử thi Đam San đã từng mô tả). Kiến trúc ngôi nhà giống như một chiếc thuyền khổng lồ (trên rộng, dưới hẹp), là nơi cư ngụ của các thế hệ trong một đại gia đình, do một người phụ nữ cai quản. Trước hiên nhà dài được tạc hai cái nồi đồng bằng gỗ to tròn, đặt hai bên cửa ra vào. Nồi có thân và cổ vươn cao đầy dặn, tượng trưng cho sự no đủ của gia đình mẫu hệ. Trước hiên có cầu thang lên xuống gồm bảy bậc (số bảy là số may mắn của gia đình mẫu hệ), phía đầu cầu thang (nơi tiếp giáp với sàn hiên) được tạc hình mặt trăng non và hai bầu vú căng tròn. Nó biểu hiện cho vẻ đẹp và uy quyền của người phụ nữ trong gia đình mẫu hệ.

- Về hôn nhân: Theo phong tục của người Êđê, khi trong nhà có người con gái đến tuổi lấy chồng, thì cha mẹ lo việc hỏi chồng, cưới chồng cho con mình. Sau lễ cưới, chàng rể về ở nhà vợ. Con cái sinh ra lấy họ mẹ. Trong quá trình sinh sống, nếu người vợ không may qua đời, thì nhà gái thực hiện tục nối dòng (chuê nuê) đưa em gái thay chị làm vợ anh rể mình. Nếu không còn em gái thì thay vào đó là cháu gái. Đây là một phong tục cổ truyền, khá khắc nghiệt nhằm gìn giữ sự tồn tại và phát triển của gia đình mẫu hệ.

- Về việc đặt tên cho trẻ sơ sinh: Theo phong tục của người Êđê: khi đứa bé sinh ra được bảy ngày, thì cha mẹ làm lễ đặt tên cho con. Trong lễ này, bên cạnh việc đặt tên, bà đỡ bế em bé làm lễ thổi tai cho bé, với mong ước đứa bé lớn lên sẽ có đôi tai nghe thấu bảy núi mười sông, phân biệt được điều hay lẽ phải. Cũng tại lễ này, ông cậu mang quà tặng cho cháu bé gồm một bộ áo váy, và đồ trang sức (nếu là nữ), hoặc một bộ khố áo (nếu là trai) và kèm theo các đồ dùng khác, như: một đôi dép bằng da trâu, một bầu đựng nước, bát đũa, khăn, mền… các thứ này được giao cho người mẹ cất giữ trong một cái gùi có nắp đậy, cho đến khi đứa bé tròn 16 mùa rẫy mới đem ra cho nó mặc để cúng thần linh trong lễ trưởng thành.

- Về canh tác rẫy nương: Theo tục lệ của ông bà, người Êđê thường dành vài sào đất rẫy để trồng lúa nếp hoặc lúa tẻ, với mục đích dùng gạo này vào việc lễ cúng thần linh. Rẫy này gọi là rẫy thiêng, ngoài chủ nhà, thì không một ai được vào. Nó do chủ nhà là người phụ nữ, tự mình gieo trồng chăm sóc cho đến khi thu hoạch đưa lúa về nhà.

- Về việc làm trống: Người Êđê làm trống dùng để đánh trong các nghi lễ-lễ hội của cộng đồng. Họ gọi trống là H’gơr. Trống tượng trưng cho người bà trong gia đình. Tang trống là một thân gỗ tròn được khoét rỗng. Hai mặt trống gồm một mặt đực, một mặt cái. Mặt cái được bịt bằng da con trâu cái. Mặt đực được bịt bằng da con trâu đực. Mặt đực chỉ dùng đánh báo khi trong nhà có người qua đời. Mặt cái được dùng đánh trong các nghi lễ-lễ hội và trong sinh hoạt cộng đồng kết hợp với bộ chiêng K’nah.

- Về bộ cồng chiêng: Cồng chiêng là tài sản lớn nhất của mỗi gia đình người Êđê. Xưa kia mỗi bộ chiêng được đổi từ 1 đến 2 con voi, hoặc cả một đàn trâu bò khoảng 100 con. Theo quan niệm của người Êđê: Cồng chiêng không được đánh bừa bãi, mà chỉ được dùng để thông tin với các thần linh của trời đất trong các lễ cúng lớn. Cồng chiêng của người Êđê mang đậm tính mẫu hệ. Mỗi bộ cồng chiêng có 10 cái và 1 trống. Mỗi cái chiêng tương ứng với một thành viên trong gia đình mẫu hệ. Đầu tiên là trống H’gơr tương ứng cho người bà; tiếp đến là chiêng Char (ông); chiêng Ana (mẹ); chiêng M’duh (cha), chiêng Moong (cậu); chiêng K’ana Di (con gái lớn); chiêng H’liang (con gái thứ hai); chiêng Khơk (con trai lớn); chiêng H’luê Khơk (con trai thứ hai); chiêng H’luê H’liang(con gái thứ ba); chiêng H’luê Khơk Điêt (contrai út). Mỗi khi diễn tấu, trống H’gơr ra hiệu lệnh thì cả dàn chiêng mới vào nhịp. Trước khi kết thúc một bài chiêng, trống H’gơr ra hiệu lệnh dừng thì cả dàn chiêng mới được dừng đánh.

- Về nghi thức uống rượu: Trong mỗi lễ cúng thần linh của người Êđê, sau khi thầy cúng đọc lời khấn thần linh xong, chủ nhà (người bà, hoặc mẹ) được mời uống rượu giao cảm với thần linh trước, tiếp đến là người chồng và ông cậu. Sau nghi thức uống rượu giao cảm, chủ nhà mời mọi người cùng uống rượu (nữ uống trước, nam uống sau). Có những lễ cúng lớn với khoảng từ 12 đến 15 ché rượu, người ta trao cần rượu cho nhau (gọi là M’năm ring) nối tiếp thành một hàng dài (nữ trước nam sau). Mọi người cùng nhau uống rượu cần vui vẻ trong âm thanh trầm bổng của âm nhạc cồng chiêng.   

Bên cạnh đó, biểu tượng văn hóa mẫu hệ Êđê còn được phản ánh trong trang phục, ẩm thực, sử thi, truyện cổ, lời nói vần, trong nhạc cụ tre nứa, trong dân ca, dân vũ… Nói chung ở lĩnh vực nào, biểu tượng văn hóa mẫu hệ cũng được đề cao và được cộng đồng tôn trọng, coi đây là một tập tục truyền thống, thể hiện bản sắc và sức sống kỳ diệu của cộng đồng Êđê trên núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ.

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI