Ba về rừng với ông bà, nhà con trai, con gái đóng cửa.
Dì hớt hải giấu tấm thổ cẩm đằng sau, nước
mắt nhanh hơn đôi chân thút thít miết từ cầu thang đến
cửa nhà chết.
Tấm thổ cẩm bạc phếch, thơm mùi lúa rẫy lâu
năm. Hoa văn hạt gạo dọc ngang màu trắng
ngà còn lộ rõ. Dì cẩn thận đắp lên mặt ba, phủ kín chân, trước khi đặt hai tay
lên má, khóc kể những bài hát hứt hứt dài. Đó là tấm thổ cẩm do tay bà nội dệt khi
làng còn nằm dưới núi Chư Prông. Làng cháy, nhà cháy, thần lửa trừng phạt hai
người lấy chung họ. Bà chỉ kịp quay đứa nhỏ ra trước, cho đứa lớn vào gùi, lót
vội tấm thổ cẩm đeo lên vai theo bước chân người già nhất miên man trên trảng cỏ
giống hệt cánh chim mệt mỏi buổi chiều. Đêm. Thảo nguyên yên ắng như tối nằm ở
chòi canh rẫy. Gió thốc mạnh, mang hơi ẩm mốc, muốn bịt mũi từ bãi sình lầy. Một
mảng trăng rơi xuống vùng đất có tiếng chim tơ rúc gáy. Tại đây, làng mới của người
Mdhur ra đời.
Năm Fulrô bắn đạn vào làng đùng đoàng, ba đứng thẳng giữa
nhà nói to như sấm, nói nhanh
như chớp: “Tui không muốn ngủ chung với vợ nữa, có người khác rồi”. Bà ngã phập
xuống chiếu, nước mắt nhiều như cá sông Hinh. Mấy ông cậu, đóng cửa mấy ngày
khuyên không được, nói không nghe, bịn rịn có, xấu hổ có, dắt cháu dâu xuống cầu
thang, đi sau là chiêng một dàn, chăn một đống, cheh tuk, cheh tang không biết
bao nhiêu mà kể. Nhà gái muốn luôn tấm thổ cẩm theo chân ba trốn thần lửa ngày
trước. Bà không chịu, các cậu không chịu, bèn nhờ cheh yang giấu trong lớp
sương mù dưới chân núi có nhà bà mjâo H Riết. Bà mjâo H Riết là người cuối cùng
bị kẹt ở lỗ đất Adreh, mái tóc trắng hơn mây, móng tay vàng rộm, cong như xúc
tua của cây bầu, cây bí. Ở đó là chỗ ngủ của những bài thuốc quên nhớ từ xa
xưa. Mjâo H Riết thắp sáp ong trắng đục, kéo cọng chỉ đỏ, soi bên phải, soi bên
trái và lầm rầm câu nói chỉ cái cột, cái kèo đưa lỗ tai rất gần mới nghe:
“Dịu lại những giấc mơ
Dịu lại những lời nói không đầu không cuối
Dịu lại những việc làm không đúng
Cái taikhông được đi chơi với nai trong rừng
Cái đầu không được lang thang với trâu
ngoài bãi…”
Từ đó, ba ít nói, trái tim ba không còn sôi lên khi có việc
không vừa bụng, tay chân ba không còn làm vỡ đồ đạc
khi tức người đông, bực người tây. Mjâo H Riết - người
cuối cùng bị kẹt ở lỗ đất Adreh biết thay đổi con người qua tấm chăn họ đắp. Gió
nói với chim, chim nói với đá, đá nhỏ, đá to mang tin khắp vùng.
Ba theo một người đàn bà không phải người
Rahđê. Bà và mấy ông cậu tìm mỏi mắt. Ngón tay bà
mjâo H Riết chỉ về hướng tây theo chân Y Tung, Y Tang đi qua lỗ đất Adreh, không quên nhắc bà dắt theo con bò đực trả nợ. Nợ gì, bà
không biết, cứ đóng cửa chính, cứ khép cửa kho, cứ tắt lửa bếp, mang
theo gạo, con bò đực,
cả tình yêu đối với đứa con nói nhỏ không được, nói to không xong, dọc đường
cái lớn. Chân muốn dừng, mắt muốn nhắm, lưng không còn dáng thẳng, vừa ngủ vừa nắm
dây con bò. Đường còn xa, đến bao giờ mới qua lỗ đất Adreh, tới vùng đất đỏ…
Đón ba về làng, cả nhà thở nhẹ như mới rước mẹ lúa xong.
Qua một đêm, đêm thứ hai
thì cột cheh rượu và đốt con heo nhỏ để anh em người này nói một câu, người kia
nói nói một câu. Làng có quy định xưa nay: “Con nhà ai người ấy dạy. Cháu nhà
ai nhà ấy bảo. Con thằn lằn to được nhờ có bụi. Con tắc kè lớn được cũng nhờ có
cây to”. Gà gáy quá nửa đêm, kiến mối sục sạo chào ngày mới, chân bên phải
không nghe lời chân bên trái, lời nói lộn xộn như đống bùi nhùi, lúc đó đoàn người
mới lục tục kéo nhau về. Sáng đến mắt cá chân, bà nhắc lại nhiều lần: “Nay cho miếng rẫy to.Siêng làm thì sẽ có lúa nhiều.Đừng gặp người Kinh vay
của
người
Kinh.Đừng gặp người Chăm mượn của người Chăm”.
Nhưng ba không
thích phát rẫy, tra hạt, đau tay lắm. Ba mua chiếc thuyền nhỏ, lênh đênh đêm ngày
trên dòng sông Hinh. Cuộc kiếm ăn như chuyến rong chơi, vô định, vô tận, không
cần biết ngày mai, ngày mốt,…
Có lần, ba cõng chị về làng bằng tấm chăn
thổ cẩm. Chị khóc nhiều như đàn kiến cắn, khóc to như đàn ong đốt, chị
đòi ăn que kem trắng ngọt biết bốc khói nghi ngút ngon hơn trứng cá
trên dòng sông Hinh. Chị càng la to người đàn ông mắt xếch càng lắc chuông mạnh. Ba thương chị, tiền không có, vật đổi không
có, ba cởi tấm thổ cẩm đưa cho người đàn ông để lấy một que kem. Tình yêu đối với
con,
khiến
người khác không còn thời gian để nghĩ suy về những tầng sâu trong bụng họ. Bà
đi rẫy về, ngồi xoay lưng, lấm chấm nước mắt vào váy. Bà trả tiền cho người đàn
ông mắt xếch, giật tấm thổ cẩm về, tiếng chuông lắc xa làng dần, qua làng Hoang, làng Ea Lai rồi im không nghe thấy gì nữa. Giá nó đừng lởn
vởn như
con
bướm để cho lũ trẻ thấy, lũ trẻ nghe.
Như một con người, tấm thổ cẩm không rời trảng
cỏ, không rời làng, để buổi chiều khi chim
te te huých bay vút qua đầu và đậu trên ngọn tre nghiêng cánh để tiễn đưa một linh hồn về với
rừng, với đất. Chấm dứt những chuỗi ngày đau đớn vì những tội lỗi
phía bên này lỗ đất Adreh. Hồi suối Ea Tlư chưa cạn, bà đã gửi tấm thổ cẩm cho
dì, dặn khi ba “già” thì đắp nó lên lớp thứ nhất, phải là lớp thứ nhất, trước khi dòng họ mang
chăn khác đắp lên lớp thứ hai, thứ ba. Nhớ phải phủ kín người, kín mặt như bàn
tay mẹ ngày nào, tẩn mẩn, dệt nhiều ngày, đau lưng, để có tấm thổ cẩm dưới chân núi Chư Prông….
8.2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI