Thứ Hai, 14 tháng 9, 2020

CHẤT LIỆU DÂN GIAN TRONG BÀI ĐẤT NƯỚC (trích trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm) tác giả NGUYỄN PHƯƠNG HÀ - CHƯ YANG SIN SỐ 336 THÁNG 8 NĂM 2020

 


                                                                                                            

 

 




Nguyễn Khoa Điềm là một nhà thơ trưởng thành trong thời kỳ kháng chiến chống Mĩ cứu nước với một giọng thơ trữ tình trẻ trung, sôi nổi và giàu chất suy tưởng. Nhiều thế hệ tuổi trẻ học đường vẫn nhớ mãi những lời thơ tha thiết của ông: “Ta đã đi qua những năm tháng không ngờ/ Vô tư quá để bây giờ xao xuyến/ Bèo lục bình mênh mang màu mực tím/ Nét chữ thiếu thời trôi nhanh như dòng sông…” (Mặt đường khát vọng). Trong chương trình Ngữ văn 12- THPT có trích giảng bài Đất nước (trích trường ca Mặt đường khát vọng). Tác phẩm được sáng tác năm 1971, trong không khí sôi sục xuống đường của học sinh, sinh viên các đô thị ở miền Nam chống lại sự xâm lược của đế quốc Mĩ và những ảnh hưởng độc hại của văn hoá thực dân mới. Đây là một đoạn thơ hay, có ý nghĩa nhận thức và tình cảm sâu sắc đối với mọi người về đất nước và văn hoá dân tộc trong giai đoạn lịch sử này. Một đặc điểm nổi bật của đoạn thơ là tác giả đã sử dụng chất liệu dân gian để thể hiện những quan niệm khá toàn diện và sâu sắc về đất nước, đúng như lời thơ: “Đất Nước của nhân dân/ Đất Nước của ca dao thần thoại”.

Nguyễn Khoa Điềm đã sử dụng rộng rãi và rất có ý đồ nghệ thuật chất liệu dân gian từ thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, ca dao tục ngữ, phong tục tập quán để tạo ra một bầu không khí dân gian đậm đặc trong tác phẩm. Từ đầu đoạn thơ, tác giả đã viết: Khi ta lớn lên Đất nước đã có rồi/ Đất nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa…” mẹ thường hay kể.                                    

Cụm từ “ngày xửa ngày xưa” gợi không gian quá khứ xa xăm, mờ ảo, đưa con người vào thế giới những ước mơ của người lao động, đây là nhịp điệu ngàn đời của lời kể cổ tích đã in sâu trong tiềm thức của mỗi người Việt Nam, tuổi thơ ai ai cũng tắm mình trong lời kể ấy của bà, của mẹ, của anh, của chị, từ đời này nối tiếp đời kia. Trong mạch cảm xúc ấy, hình ảnh đất nước của ca dao, cổ tích cứ ào ra như nước nguồn:

                        “Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn

                          Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc”

Hình ảnh “miếng trầu” gợi lên tập quán ăn trầu từ lâu đời của người Việt, các bà, các mẹ ngồi bên hiên nhà bỏm bẻm nhai trầu và những câu chuyện muôn đời về con cháu, vườn ruộng và chuyện nhân duyên. Hình ảnh đó cũng gợi lại chuyện cổ tích Trầu cau, một câu chuyện cảm động về tình cảm vợ chồng, anh em có ý nghĩa nhân văn sâu sắc và từ đó, miếng trầu đã trở thành “đầu câu chuyện”. Câu thơ: “Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc” làm liên tưởng đến truyền thuyết Thánh Gióng nhổ bụi tre làm vũ khí đánh tan giặc Ân. Truyền thuyết đó cũng phản ánh sự nghiệp chống ngoại xâm oanh liệt của nhân dân ta từ buổi bình minh của lịch sử dân tộc. Tác giả gắn liền đất nước với hình ảnh hạt gạo “một nắng hai sương” vừa gần gũi, thân thương vừa thiêng liêng, cao cả trong cuộc sống lao động nhọc nhằn, vất vả của người dân ở một nền văn minh lúa nước lâu đời:

                        “ Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, dần, sàng

                           Đất Nước có từ ngày đó”

Câu ca dao đầy nghĩa tình “Tay nâng chén muối, đĩa gừng/ Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau”được đưa vào bài thơ, vừa bình dị, tự nhiên mà gợi  được những hình ảnh tình sâu nghĩa nặng của người Việt Nam:

                        “ Tóc mẹ thì bới sau đầu

                           Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn

                           Cái kèo, cái cột thành tên”

Một tấm khăn thương nhớ của ca dao được đưa vào định nghĩa về đất nước như một niềm đam mê khắc khoải trong tâm hồn người Việt: “Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm” (Ca dao: “Khăn thương nhớ ai/ khăn rơi xuống đất/ Khăn thương nhớ ai/ Khăn vắt lên vai/ Khăn thương nhớ ai/ Khăn chùi nước mắt”).

Những câu ca dao được chọn lọc thành chất liệu đưa vào trong thơ một cách kín đáo và tinh tế, thấm đượm nghĩa tình làm nên vẻ đẹp lung linh của văn hoá dân tộc:

                        “ Đất Nước của nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại

                           Dạy anh biết “yêu em từ thuở trong nôi”

                           Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội…”

Đọc những câu thơ này, chúng ta thấy thú vị khi liên tưởng đến câu ca dao: “Yêu em từ thuở trong nôi/ Em nằm em khóc, anh ngồi anh ru” và câu: “Cầm vàng mà lội qua sông/ Vàng rơi không tiếc, tiếc công cầm vàng”.

Tác giả còn sử dụng thần thoại để gợi lên lịch sử hình thành, nguồn gốc của người Lạc - Việt:

                        “ Lạc long Quân và Âu Cơ

                           Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng”

Hai chữ “ đồng bào” ngày nay chúng ta thường dùng rất bình dị, không ngờ lại có ý nghĩa thiêng liêng khi gợi ra cội nguồn người Việt: “Đồng bào” cùng một bọc sinh ra. Truyền thuyết về Quốc tổ Hùng Vương và ngày giỗ Tổ mồng 10 tháng 3 (âm lịch) được nhắc lại một cách thiêng liêng, thành kính:

                        “Hằng năm ăn đâu làm đâu

                        Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ”

Ca dao cũng có câu nhắc nhở người dân về ngày lễ trọng đại mà ngày nay đã được chính thức là ngày quốc lễ: “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba”. Câu hò trên sông nước Bình - Trị - Thiên cũng được đưa vào câu thơ để gợi lên không gian rộng lớn, mênh mông của Đất nước:

                        “Đất là nơi “con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc”

                          Nước là nơi “con cá ngư ông móng nước biển khơi”.

Ở phần hai của đoạn trích, tác giả đã liệt kê nhiều địa danh của cả ba miền đất nước. Sự liệt kê không đơn giản mà được nhìn từ chiều sâu lịch sử, văn hoá. Vì vậy, tác giả đã gợi lên những sự tích dân gian gắn với những địa danh ấy:

            “Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước

                                                                                    những núi Vọng Phu

            Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái

            Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại

            Chín mươi chín con voi góp mình dựng đất Tổ Hùng Vương

             Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thắm 

             Người học trò nghèo góp cho Đất Nước mình núi Bút, non Nghiên”

Những địa danh, thắng cảnh của đất nước như núi Vọng Phu, hòn Trống Mái, núi Bút, non Nghiên, Hạ Long, đền Hùng, Ông Đốc, Ông Trang, bà Đen, Bà Điểm,... không chỉ là cảnh quan thiên nhiên, là sản phẩm của tạo hoá mà đã mang tâm hồn dân tộc, là cuộc sống và số phận, là tâm hồn và máu thịt của nhân dân. Đó chính là “Những cuộc đời đã hoá núi sông ta” như nhà thơ đã viết.

Tư tưởng “Đất Nước của nhân dân” được thể hiện sâu sắc và sinh động với chất liệu dân gian, bởi vì văn nghệ dân gian là sáng tạo của quần chúng nhân dân, của tập thể người lao động với tính truyền miệng và vô danh. Nói đến lịch sử đất nước nhưng tác giả không nhắc đến những vương triều phong kiến, những ngai vàng vua chúa hay những người anh hùng tiêu biểu mà tập trung nhấn mạnh vai trò của quần chúng, của số đông bằng cách dùng phép lặp từ: “Họ giữ”, “họ chuyền”, “họ truyền”, “họ gánh”. Nhân dân là chủ nhân của đất nước, của lịch sử và là người sáng tạo, lưu giữ, truyền bá những giá trị văn hoá tinh thần truyền thống và phong tục tập quán tốt đẹp.

Chất liệu dân gian được dùng hết sức phong phú trong đoạn thơ có thể coi là một phương diện hình thức, một thủ pháp nghệ thuật độc đáo để tác giả làm nổi bật tư tưởng chủ đạo của tác phẩm. Tuy nhiên, chất liệu dân gian không chỉ là hình thức nghệ thuật vì bản thân các yếu tố đó đã đã mang đậm tính chất dân tộc và tâm hồn nhân dân, là những yếu tố thuộc về tư tưởng, đúng như nhà thơ Trần Mạnh Hảo đã viết: “Hồn ca dao hồng hào phù sa, xanh biền biệt cỏ chân đê và nhễ nhại mồ hôi của người lao động”.

Đoạn trích trong bản trường ca Mặt đường khát vọng là một thành công độc đáo của Nguyễn Khoa Điềm về đề tài đất nước. Tác giả đã sử dụng chất liệu dân gian để làm nổi bật tư tưởng “Đất Nước của nhân dân”, gợi lên tình cảm gắn bó máu thịt và trách nhiệm của mỗi người dân đối với đất nước. Đoạn thơ có sự kết hợp giữa cảm xúc trữ tình nồng cháy, giọng điệu tâm tình sâu lắng, thiết tha với chất chính luận, suy tư sâu sắc, nhờ vậy, mạch chính luận vẫn sinh động, đằm thắm chứ không khô khan, giáo điều. Chất liệu dân gian và chất liệu đời sống đa dạng đã góp phần tạo nên những chùm hình ảnh lung linh sắc màu cho đoạn thơ.

Logo Giới thiệu – PB – NC

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI