Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2015

CHƯ YANG SIN SỐ 272 - tác giả H’LINH NIÊ





HẢI QUÂN VÙNG 4, TỰ HÀO, TIN TƯỞNG

Bút ký


12 tiếng chòng chành trên đen kịt biển đêm từ Côn Đảo về đất liền. Tiếp ngay đến 10 tiếng đung đưa đánh võng trên xe đò giữa nắng rát từ Vũng Tàu tới Cam Ranh (cho đến tận sáng hôm sau, cảm giác chung chiêng vẫn còn chưa buông tha). Xách hành lý lên chiếc xe của Hải quân Vùng 4 ra đón rồi, mà vẫn gờn gợn sao đó khi thấy cứ miên man chạy miết giữa cát trắng, thông xanh và tiếng biển àm ạp vỗ bờ. 5km như thế mới về đến nhà khách của Vùng, nơi các văn nghệ sỹ cùng được mời trong chuyến đi thực tế này vừa tụ hội.
Xe trôi trên hệ thống đường sá rộng thênh thênh, qua ngổn ngang lớp lớp công trình nhà cửa, tất cả đang gấp rút hoàn thành cho kịp ngày kỷ niệm 60 năm thành lập Quân chủng (tháng 5.2015), nhưng  hoàng hôn đỏ đã sắp tắt nên dường như không một bóng người. Có cảm giác ngờm ngợp bởi sự mênh mông của cảnh quan, không biết tới đâu là điểm tận cùng. Và tiếp đó là vẻ hoang sơ của những bãi biển trắng cát, những con sóng đầu bạc, những khổng lồ đá chen giữa cây rừng xanh ngắt, dường như cảnh biển còn lộng lẫy, xứng đáng trở thành các khu nghỉ dưỡng hơn cả Nha Trang, Đà Nẵng, vốn được bình chọn là những bãi tắm đẹp của khu vực Đông Nam Á. Nhưng điều ấy cũng đúng thôi, vì vịnh Cam Ranh chính là một trong bốn địa thế  biển đẹp nhất thế giới.
Chưa hết. Mỗi ngày đi thực địa ngang qua các công trường bề bộn, thấy rất rõ một khu đô thị khang trang, với dãy đèn đường xinh xắn bằng pin mặt trời đang dần hình thành. Và thật thú vị vì quanh thành phố tương lai đó hệ thống những cây xanh, các cụm hoa giấy (loài hoa càng nắng gió càng nở rực rỡ) đã được chăm chút trồng xuống và tưới tắm, sẽ lớn nhanh cùng với sự tiến triển của công trình. Cũng như núi non, rừng cây xanh quanh căn cứ vẫn được giữ nguyên hiện trạng, để nơi đây rồi sẽ là một môi trường trong lành dành cho cán bộ, chiến sỹ và gia đình, với đủ cả nhà ở, trường học, bệnh viện, siêu thị… ngõ hầu phần nào giải quyết được việc làm cho những người vợ lính hải quân bớt nỗi vất vả, sự thổn thức xa chồng chăng?
Tất cả đem lại sự bất ngờ đầu tiên.
Khi biết được phân công tiếp cận thực tế tại Đoàn 957, đơn vị bảo vệ an ninh Vùng 4, thậm chí phải ngủ lại giữa nhà khách Vùng vắng tanh, rộng rênh chứ không được xuống tận đơn vị như các bạn khác, nhóm chúng tôi (hai họa sỹ Dương Sen – Hồ Minh Quân của Hội Mỹ thuật Việt Nam, nghệ sỹ Trần Quốc Dũng của CLB nhiếp ảnh Chiến sỹ, nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng và tôi, đi theo sự điều động của Hội Nhà văn) đều đã có vẻ hơi chán ngán, lo rằng sẽ chẳng có gì nhiều để xem và nghe, lấy gì mà viết? Nhưng lịch hoạt động mà thượng tá Hoa Văn Phương, Phó chính ủy Đoàn 957 đưa ra, đúng như lời anh hứa, đã đem đến cho cả nhóm nhiều điều “bất ngờ và thú vị”.
Trong hành trình năm ngày ngắn ngủi, chúng tôi đã được tiếp cận sức mạnh của Hải quân Việt Nam Vùng 4. Theo nhận thức rất mù mờ của tôi về quân sự, thì đất nước ta còn nghèo, tận dụng bằng cách bảo quản, giữ gìn và cải tiến thật tốt những vũ khí sẵn có, đã từng qua những cuộc chiến giữ nước, nếu xảy ra chiến tranh trên bộ cũng là điều hợp lý. Bởi những năm rất xa ở các miền quê lúa Bắc bộ, tôi từng chứng kiến những người lính áo màu cỏ úa, nhỏ bé so với khí tài đồ sộ, chẳng đã vận hành rất tài tình tên lửa của nước bạn, để bắn cháy hàng ngàn phi cơ lẫn pháo đài bay B52 hiện đại của Mỹ đó sao?
Và cũng có hề hấn gì khi bên cạnh đó, để bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, Hải quân được trang bị những chiếc tàu ngầm “mẹ”: Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, các tàu ngầm “con”, đều vừa mới “bóc tem”, lẫn những chiếc tàu hộ vệ tên lửa tuần tiễu mặt nước mang tên các vị vua oanh liệt của Đại Việt như Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ… giống y hệt những con cá voi khổng lồ, cùng hàng chục chiếc tàu trắng xóa, bập bềnh trên biển xanh của Chi đội kiểm ngư bảo vệ ngư trường. Tất cả đều hết sức hiện đại. Quân cảng Cam Ranh (trừ tàu ngầm chỉ được “nghía” từ xa) cho phép các văn nghệ sỹ chúng tôi, những kẻ vốn rất hay tò mò, thọc mạch, xem tận mắt, rờ tận tay, thậm chí là hàng chục chiếc máy ảnh đủ chủng loại thi nhau bấm tanh tách, không chỉ hớn hở từ hầm tàu cho đến sân đậu trực thăng, mà còn “hành” các chiến sỹ kiểu  này, dáng nọ. 
Bên cạnh đó, việc chứng kiến sự luyện tập miệt mài và gắt gao của  binh lính với các loại khí tài, cho sẵn sàng chiến đấu giỏi trên bộ, lẫn các phương án phòng chống biệt kích người nhái xâm nhập từ phía biển, mang lại cho chúng tôi cảm giác sung sướng, tự hào và tin tưởng vào sự lớn mạnh của Hải quân Việt Nam. Thậm chí là yên tâm nữa.
Đó là bất ngờ thứ hai.
“Nhanh như điện, diện như Hải quân” câu nói vui của một sỹ quan thuộc  Đoàn 957, dường như vận rất chính xác cho Chính trị viên tiểu đoàn Tăng – Thiết giáp Hà Thanh Hải, chàng đại úy 38 tuổi, cao 1,78m, đẹp trai như diễn viên điện ảnh hướng dẫn chúng tôi thăm hoạt động của đơn vị. Quả thật, từ chỉ huy các cấp  trong trang phục sỹ quan, cho đến từng chiến sỹ với yếm thủy quân, mũ dải bay phất phơ hoặc trong bộ đồ tác chiến loang lổ, trên giảng đường, khi tập điều lệnh, trong con mắt phụ nữ của tôi, đều rất điển trai. Cứ như khi tuyển quân họ đã được lựa chọn kỹ càng về hình dong vậy. Cái vẻ đẹp rắn rỏi đầy nam tính khiến họa sỹ Hồng Minh Quân say sưa như lên đồng, hối hả ký họa tới hàng chục chân dung từ sỹ quan đến lính.
Theo Đại tá Đoàn trưởng Thân Ngọc Hướng, thế hệ các sỹ quan ở  957 hiện nay, 100% đều đã trải qua ít là hai năm, nhiều thì năm, bảy năm ngoài quần đảo Trường Sa. Nghĩa là những tháng năm gian khó và thiếu thốn, dạn dày với sóng gió biển khơi của những người lính giữ đảo (cái thời còn phải mặc áo mưa trong lô-cốt khi “gặp mưa trên đảo Sinh Tồn”, hay thời “chỉ có sư trọc đầu hát tình ca” trên đảo Sơn Ca trong thơ Trần Đăng Khoa) đã tạo nên cả vẻ đẹp phong trần trong tư thế, lẫn tâm hồn các anh. Thế hệ đã, đang và sẽ làm nhiệm vụ vì Trường Sa ở Vùng 4 hôm nay, dẫu không đồng thời với chiến trận Gạc Ma, Cô Lin nhưng các câu chuyện nho nhỏ lượm được từ những phút tâm tình, vẫn tác động rất mạnh đến cảm xúc của chúng tôi. Nào là những kỷ niệm gắn bó, thương yêu, chia sẻ mọi vui buồn giữa chỉ huy và chiến sỹ ngoài đảo xa. Nào những câu chuyện tình đẹp về những người vợ hiền, con ngoan tận Quảng Ninh, Thái Nguyên hay Nghệ An, ngày đêm không bao giờ nguôi nỗi khắc khoải xa chồng. Hay mối duyên dang dở bởi ai đó chẳng cảm thông được với cuộc đời người lính biển. Họ đã từng có người không thể về chịu tang cha, hay phần lớn không được ở bên vợ con khi vượt cạn hoặc xảy ra hoạn nạn, mọi việc chỉ trông chờ vào đồng đội nơi đất liền. Đơn giản chỉ vì ngày ấy 6 tháng mới có một chuyến tàu ra đảo. Và trực thăng có thể cấp cứu ngư dân về đất liền, chứ không thể chở sỹ quan hay chiến sỹ cũng hoàn cảnh ấy… Muôn vàn những hy sinh âm thầm mà người lính Hải quân luôn chấp nhận. Nên càng đáng yêu biết mấy nụ cười bẽn lẽn của  Hà Kiên Cường, vừa tròn 28 tuổi, chưa vợ (lại cũng vô cùng đẹp trai), thuyền trưởng tàu kiểm ngư 769, người đã từng cùng những chiến sỹ của mình vững vàng đối mặt trực diện với những kẻ xâm lấn vùng biển của Tổ quốc trong vụ dàn khoan 981… khi anh kể cái cách đánh nhau chắc chỉ có ở Việt Nam, rằng “quẳng cả lưới lẫn dây chuối cho quấn vào chân vịt tàu nó, hết chạy”. Hay thật cảm động với tâm tư  chú lính trẻ “Ở ngoài biển chẳng ai cảm thấy một chút run sợ nào trước sự hung hăng của bọn họ. Có hai bài hát mà mỗi khi phát ra chúng cháu thấy như được tiếp thêm sức mạnh và rất hào hứng là Quốc caTôi lắng nghe Tổ quốc gọi tên mình cô ạ”.
Trò chuyện với các chiến sỹ trẻ, đều nghiêng cuối thế hệ 9X ở các tiểu đoàn, dù là trên các khoang tàu chiến chật chội, hay đang luyện tập ngoài thao trường ngập nắng gió miền biển, hoặc miệt mài làm quen với các thiết bị kỹ thuật trong công xưởng lấm lem dầu mỡ, đều mang tới những cung bậc tình cảm đáng trân trọng. Quốc Vượng chàng trai Chăm quê Ninh Thuận cười rất tươi khi trả lời về tục kiêng ăn thịt lợn, rằng “Bao giờ về plêi cháu lại theo phong tục, còn ở đây cháu là lính hải quân”. Hoặc Phạm Ngọc Sơn, nụ cười trắng lóa trên khuôn mặt đã kịp sạm nắng gió biển, ở một chốt chỉ có vài ba người, mới 19 tuổi, là dân quân tự vệ ở khu phố, được miễn nghĩa vụ, hay những chàng con cưng “gối ôm” Nguyễn Văn Phúc, Hà Quang Thành… nhà giữa phố đông Hà Nội, Nha Trang hoặc sát bên siêu thị sầm uất ở Vũng Tàu, vẫn viết đơn đăng ký tình nguyện nhập ngũ “để được làm chiến sỹ hải quân”.
Đó chính là bất ngờ thứ ba.
Chuyến thực tế sáng tác của gần 40 văn nghệ sỹ tại Quân cảng Cam Ranh lần này, ngoài hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Hải quân Việt Nam, còn nói cách khác như Đại tá Ngô Mậu Bình, Phó chính ủy Vùng rằng “Hải quân Vùng 4 lâu nay chưa được ai nói tới”. Đúng vậy, không được tiếp xúc khó mà hiểu hết những vất vả thầm lặng của các chiến sỹ Vùng 4, với kỷ luật thép giữa cái nắng gió hoang dại của biển, trong chật chội của những khoang tàu, khoang máy bay hẹp, cô đơn trong những chốt xa ngái đâu đó… lại chính là nơi chuẩn bị sẵn sàng tất cả cho Trường Sa và Hoàng Sa từ nhân lực cho đến vật lực, khí tài, bảo đảm an ninh và vận hành tuyệt đối trong mọi thời điểm, tình huống. Thậm chí kể cả việc nhỏ như người em quê ở Nghệ An (mới quý thương nhau mà kết nghĩa), Trung tá tiểu đoàn trưởng Đặng Văn Tám, kể khi đến thăm đội tự túc tăng gia của đơn vị, rằng “Chúng em vừa bán hết heo ra Trường Sa lớn rồi đấy chị nhé”. Và để chứng minh, “cậu em” mời bữa trưa với đủ cả rau cải, salat xanh nõn, cá biển, mực nang lẫn ghẹ roi rói tươi của “lính nhà trồng được”.
Nghĩa là để đảm bảo an ninh, giữ yên chủ quyền của Tổ quốc, từng rạn san hô, đá chìm, đá nổi lẫn ngư trường truyền thống của ngư dân, nhất là để cùng“khi giặc đến vạn người con quyết tử, giữ đất trời Tổ quốc  yêu thương ”*, đều phải cần đến công sức của cán bộ chiến sỹ Vùng 4, các “tỷ phú” về đất, trời và biển nơi này, nhưng lại không có đến cả phòng khách đón người thân xa về nghỉ lại!
Tuy nhiên, anh Hướng, anh Bình ơi, cũng như biển đảo Trường Sa, Hoàng Sa ngoài khơi xa kia, những người lính giữ biển Vùng 4 các anh, luôn sống trong tâm hồn và tình cảm của mọi người con đất Việt. Với riêng tôi, điều ấy càng trở nên tha thiết từ sau chuyến đi Trường Sa năm 2012 đến nay rồi.
Một bất ngờ nữa. Đã cuối xuân, sắp ngả sang hè. Nhất loạt các loại cây trong khuôn viên Bộ chỉ huy Vùng 4 Hải quân và trụ sở Huyện đảo Trường Sa hình như mới cùng lúc rủ nhau nảy lộc, xanh chồi, nõn nà đến làm dịu hẳn cả cái nắng chói chang của biển miền Trung, như chính sức vươn lên mãnh liệt, đầy khát vọng cống hiến của Hải quân Việt Nam.
                                                                       
Cam Ranh, tháng 3.2015 mùa biển lặng
                                                                                   

* Thơ Nguyễn Việt Chiến 

Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2015

CHƯ YANG SIN SỐ 272 - tác giả NGUYỄN DUY XUÂN






LÀM THẾ NÀO ĐỂ TÁC PHẨM CỦA HỘI VIÊN
ĐẾN VỚI CÔNG CHÚNG?



Đánh giá chung về thành tựu của văn học, nghệ thuật Đắk Lắk trong 5 năm qua (2010-2015), Dự thảo báo cáo tổng kết công tác nhiệm kì V của Ban chấp hành Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh khẳng định: “Những sáng tác của anh chị em văn nghệ sĩ đa dạng về thể loại, phong phú về nội dung, có sự đổi mới về hình thức và cách thể hiện… gần gũi với thực tế cuộc sống. Mặc dù chưa có tác phẩm nào được coi là “đỉnh cao” và cũng chưa có tác giả nào được coi là “hiện tượng” trong nền văn học nghệ thuật Việt Nam đương đại nhưng cũng đã xuất hiện một số các tác phẩm ở các thể loại như trường ca, tiểu thuyết, công trình nghiên cứu… đang và sẽ làm nên diện mạo mới của một vùng đất mà không phải vùng, miền nào cũng làm được”.
Riêng về lĩnh vực thơ văn, 5 năm vừa qua đã có hơn 20 đầu sách được xuất bản, trong đó có nhiều tác phẩm được tặng các giải thưởng cao quí như trường ca “Rừng cổ tích” của Đặng Bá Tiến, tiểu thuyết “Từ sông Krông Bông” của Trúc Hoài, tập thơ “Mùa gọi”  của Huệ Nguyên, tập truyện ngắn “Dã quỳ và tượng gỗ” của Lê Khôi Nguyên, “Quỉ út” của Nguyên Hương, v.v… và hàng loạt tác phẩm khác đoạt giải thưởng của Hội hằng năm.
Đó là những thành tựu đáng trân trọng, tự hào của văn nghệ sĩ tỉnh nhà trong 5 năm vừa qua.
Tuy nhiên, nhìn từ góc độ quảng bá tác phẩm, có điều khiến mọi người băn khoăn: Những thành tựu nói trên của văn nghệ tỉnh nhà đã được công chúng trong và ngoài địa phương biết đến như thế nào? Câu hỏi thật khó trả lời vì trong Dự thảo báo cáo tổng kết cũng như phương hướng, chúng tôi chưa thấy đề cập đến hoạt động quảng bá tác phẩm của văn nghệ sĩ nhất là đối với mảng văn học.
Trong thực tế, việc quảng bá tác phẩm của hội viên thời gian qua chưa được chú ý đúng mức, chưa trở thành một hoạt động thường xuyên, mang tính chất chuyên môn của Hội nói chung và các chi hội nói riêng (ngoại trừ một số ngành đặc thù như Mỹ thuật, Nhiếp ảnh). Ngay cả  những tác phẩm đoạt giải cao, việc tổ chức giới thiệu tới độc giả cũng chưa thực hiện được. Trong lúc đó chúng ta có điều kiện thuận lợi để đem tác phẩm đến với công chúng qua các kênh thông tin như báo giấy, báo hình, báo tiếng, báo mạng; qua đội ngũ giảng viên, sinh viên chuyên ngành ngữ văn, mỹ thuật, âm nhạc… của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Thành phố Buôn Ma Thuột và đông đảo những người yêu nghệ thuật khác.
Về vấn đề này, chúng tôi thiết nghĩ Hội nên là người đứng ra tổ chức, cá nhân có tác phẩm được công bố chịu phần kinh phí (nếu như Hội không có nguồn hỗ trợ). Thực ra, một cuộc ra mắt tác phẩm mới bằng hình thức cà phê giới thiệu sách, chi phí không đáng kể, nhưng việc Hội đứng ra làm “bà đỡ” cho đứa con tinh thần của hội viên thì sẽ có ý nghĩa biết bao, nó góp phần động viên, cổ vũ, khích lệ cảm hứng sáng tạo của người nghệ sĩ để họ tiếp tục gặt hái những thành công trên con đường nghệ thuật không mấy dễ dàng mà mình đã lựa chọn.
Về cách làm cụ thể, chúng tôi xin mạnh dạn đề xuất:
- Tạp chí Chư Yang Sin mở thêm mục đăng tin, bài giới thiệu tác phẩm mới; quảng cáo tác phẩm mới bằng việc đăng ảnh bìa tác phẩm như các nhà xuất bản vẫn thường làm.
- Tổ chức cà phê giới thiệu sách như đã nói ở trên.
- Phối hợp với báo Đắk Lắk, đài PT-TH tỉnh, thư viện tỉnh đưa tin, bài giới thiệu, quảng bá tác giả, tác phẩm.
- Xây dựng trang điện tử của tạp chí Chư Yang Sin để việc công bố các tác phẩm của hội viên được thuận lợi, rộng rãi hơn.
- Hợp tác với ngành giáo dục, xây dựng, biên soạn nội dung chương trình văn học địa phương cho bậc học phổ thông theo qui định của Bộ Giáo dục & Đào tạo.
                                                                                                            4.4.2015


Thứ Tư, 22 tháng 4, 2015

CHƯ YANG SIN SỐ 272 - tác giả NGUYỄN THANH TUẤN





NGUYÊN NHÂN VÀ GIÁ TRỊ LỊCH SỬ
CỦA ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975


Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Việt Nam thắng lợi là một chiến công vĩ đại trong lịch sử đấu tranh của nhân dân tiến bộ thế giới, thế kỷ XX. Đối với dân tộc ta, đây thực sự là bản anh hùng ca hoành tráng nhất trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm thời đại Hồ Chí Minh. Đại thắng mùa xuân năm 1975 đánh dấu sự thắng lợi hoàn toàn và vẻ vang của cuộc kháng chiến chống Mỹ nói riêng và cuộc kháng chiến chống ngoại xâm nói chung, đưa lịch sử dân tộc bước sang một trang hoàn toàn mới với nhiều nguyên nhân và những giá trị vĩnh hằng. Thời gian càng dài thì những giá trị ấy càng trường tồn vĩnh cửu. Đúng như báo cáo Chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc, lần thứ IV (tháng 12.1976) của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Năm tháng sẽ trôi qua nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”. Trải qua 40 năm sau ngày đại thắng mùa xuân 30 tháng 4 năm 1975, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta càng nhận thức rõ hơn rằng: Nguyên nhân thắng lợi và giá trị lịch sử của nó mãi mãi là bài học quan trọng, bổ ích, đầy tính thời sự đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay.
1. Nguyên nhân làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975
Xác định đúng con đường tiến lên của cách mạng Việt Nam lúc này là phải lấy bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực phản cách mạng. Đây là chiến lược mang tính quyết định, là cách duy nhất và cuối cùng đưa cuộc kháng chiến đến đến thắng lợi, vì chỉ có bạo lực mới có thể chống lại và tiêu diệt được bạo lực mà thôi. Hoàn cảnh trong nước và quốc tế, nhất là vào những năm 70 của thế kỷ XX có nhiều diễn biến vô cùng phức tạp, nhưng dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam, chúng ta đã nhạy bén phát hiện ra thời cơ chiến lược để giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước đang tới gần, phải khẩn trương chuẩn bị mọi mặt... Khi thời cơ đã chín muồi, tương quan lực lượng trong nước, bối cảnh quốc tế có lợi cho ta thì phải nhanh chóng hạ quyết tâm chiến lược kịp thời, chính xác và nhanh gọn để giải phóng được miền Nam ngay trong năm 1975 hoặc 1976. 
Có lẽ, dân tộc ta sẽ không giành được thắng lợi hoàn toàn vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 nếu không có sự tích cực chuẩn bị chu đáo về thế và lực ở cả hai miền Nam - Bắc ngay từ những ngày đầu tiên của năm 1973; trên cơ sở đó khôn khéo đưa ra các đòn đấu tranh ngoại giao để một mặt khẳng định vị thế, sức mạnh và quyết tâm của Việt Nam; một mặt tranh thủ dư luận thế giới, nhất là nhân dân tiến bộ, mặt khác đánh lạc sự chú ý của quân thù sang một hướng khác, tranh thủ thiện cảm của các lực lượng còn chưa lộ rõ thái độ ủng hộ bên nào để nhanh chóng củng cố và phát triển cho mình một lực lượng lớn mạnh nhất có thể, ra sức kéo thế trận về phía có lợi cho ta… Hội nghị lần thứ 21, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 07/1973) đã xác định: “Nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam trong giai đoạn mới là hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Nhiệm vụ trước mắt của cách mạng miền Nam là: Đoàn kết toàn dân, đấu tranh trên cả ba mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao một cách chủ động, linh hoạt, tuỳ theo từng lúc, từng nơi mà kết hợp ba mặt đấu tranh buộc địch phải thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Pari về Việt Nam, đồng thời chuẩn bị khả năng tiến lên phản công để giành thắng lợi hoàn toàn”. Tất cả, giúp cho quân và dân có đủ thế, lực và tự tin bước vào trận quyết chiến chiến lược cuối cùng này.
Với trí tuệ sáng ngời và sự tiên đoán thần kỳ trong chiến lược của những người lãnh đạo, trong đó phải kể đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đảng ta đã chỉ đạo sâu sát, cụ thể cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975. Chọn hướng tấn công là Tây Nguyên, mở đầu bằng cuộc tiến công táo bạo, bất ngờ giải phóng hoàn toàn Thị xã Buôn Ma Thuột (10.3.1975). Chọn đúng hướng tiến công chiến lược, chỉ đạo cách đánh phù hợp, hiệu quả, nắm bắt nhanh và chính xác mọi diễn biến ở chiến trường, đồng thời, nhạy bén trong việc kiểm soát mọi động thái của địch, liên tục bổ sung chiến lược, phương án và lực lượng kịp thời, phù hợp với tình hình mới, Đảng và các tướng lĩnh của ta luôn chủ động, tích cực tạo ra cũng như nắm bắt, tận dụng thời cơ để đẩy cuộc tổng tiến công diễn ra với một tốc độ chưa từng có, khiến cho địch rơi vào thế bị động và bất ngờ đến mức không kịp trở tay. Vì thế giảm thiểu được thương vong cho bộ đội và nhân dân ta.
Với những nguyên nhân kể trên cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 đã giành được thắng lợi vang dội với thời gian ngắn nhất, thiệt hại thấp nhất, hoàn thành xuất sắc kế hoạch của Bộ Chính trị, kết thúc một cách vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước dài ngày nhất, ác liệt nhất, phức tạp nhất (từ tháng 05.1954 đến 30.4.1975) và giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
2. Giá trị lịch sử vĩnh hằng của đại thắng mùa xuân năm 1975
Sau gần một thế kỷ chịu sự đàn áp, bóc lột của nhiều đế quốc tàn bạo, Việt Nam đã trở thành một quốc gia độc lập và toàn vẹn lãnh thổ, nhân dân nô lệ, lầm than trở nên độc lập, tự do và đầy tự hào về truyền thống dân tộc. Từ nay, nhân dân ta vĩnh viễn thoát khỏi ách nô dịch của các nước đế quốc, tình trạng đất nước bị chia cắt, miền Nam được hoàn toàn giải phóng – thống nhất đất nước, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trên cả nước, bảo vệ những thành quả bước đầu của cách mạng Xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đưa cả nước bước vào kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên độc lập, tự do, thống nhất và chủ nghĩa xã hội. Từ đây, Việt Nam chính thức đứng vào hàng ngũ các quốc gia, dân tộc tiên phong trên thế giới. Chiến thắng này là chiến thắng của nội lực bền bỉ, kiên cường một cách phi thường của cả dân tộc, của truyền thống văn hóa Việt.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt cũng là nơi để Đảng, nhân dân và quân đội ta tôi luyện tài năng, phẩm chất và trí tuệ của mình. Thông qua đó, càng nhận thức sâu sắc hơn về vai trò, vị trí và sức mạnh của Việt Nam trên trường quốc tế, nhất là Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh với đường lối độc lập, tự chủ, sáng tạo, linh hoạt. Cuộc tổng tiến công oanh liệt với ngày đại thắng 30 tháng 04 năm 1975 là một trong những mốc son chói lọi nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, là đỉnh cao của khí phách và trí tuệ Việt Nam. Từ nay, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế đã được nâng lên một tầm cao mới.
Đại thắng mùa xuân năm 1975 không chỉ có giá trị lịch sử vĩnh hằng đối với dân tộc Việt Nam mà còn có ý nghĩa quốc tế vô cùng to lớn. Trong Bản tuyên bố chung Việt Nam – Liên Xô khẳng định: “Đảng Cộng sản và nhân dân Liên Xô nhiệt liệt hoan nghênh thắng lợi lịch sử của nhân dân Việt Nam đã hoàn toàn giải phóng miền Nam ra khỏi ách đế quốc và tay sai của chúng, mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên xây dựng nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa, một thắng lợi đã giành được nhờ tinh thần anh dũng quên mình và anh hùng bất khuất của nhân dân Việt Nam, nhờ Đảng Lao động Việt Nam quang vinh – đội tiên phong chiến đấu của nhân dân Việt Nam, đã lãnh đạo tài tình cuộc đấu tranh của quần chúng nhân dân”. Thắng lợi này đã thức tỉnh và cổ vũ mạnh mẽ cho tất cả các dân tộc và nhân dân đang bị áp bức trên khắp thế giới đứng lên đấu tranh giành lại quyền con người cho chính mình. Đây còn là tấm gương sáng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc cho họ noi theo. Những bài học kinh nghiệm quý báu, những giá trị tinh thần thời đại đem lại cho nhân dân thế giới niềm tin vào thắng lợi của cuộc đấu tranh tự giải phóng khỏi ách áp bức của chủ nghĩa đế quốc.
Trung ương Đảng Cộng sản La Reonion (một hòn đảo nằm trong Ấn Độ dương) nhận định về giá trị lịch sử đối với thế giới của sự kiện này như sau: “Nhờ thắng lợi này của nhân dân Việt Nam, từ nay một kỷ nguyên mới đã mở ra cho phong trào của các lực lượng giải phóng dân tộc toàn thế giới, mở ra triển vọng giành nhiều thắng lợi mới cho tự do, độc lập dân tộc, tiến bộ xã hội, hòa bình và chủ nghĩa xã hội”. Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng nêu rõ: “Thắng lợi của nhân dân Việt Nam không những viết nên một trang sử rực rỡ trong lịch sử giải phóng dân tộc mình, mà còn là một bằng chứng nữa về nước yếu có thể đánh thắng nước mạnh, nước nhỏ có thể đánh thắng nước lớn và đã đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng chống đế quốc của tất cả các dân tộc bị áp bức và nhân dân bị áp bức”. Thắng lợi của nhân dân Việt Nam còn góp phần bảo đảm hòa bình chung trên toàn thế giới. Với thất bại ở Việt Nam, đế quốc Mỹ phải lùi một bước về mặt chiến lược, phải thay đổi hoàn toàn phương thức chiến tranh và dần từ bỏ tham vọng bá chủ thế giới.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ vĩ đại của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam giành được thắng lợi cuối cùng bằng đại thắng mùa xuân năm 1975 còn nhờ sự bền bỉ, kiên cường, anh dũng, sáng tạo với sức chịu đựng, hi sinh, gian khổ phi thường của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Phải trải qua nhiều giai đoạn cam go, ác liệt và phức tạp để chống lại một kẻ thù lớn mạnh với nhiều vũ khí tối tân càng chứng minh cho chân lý: “Trong thời đại ngày nay, một dân tộc đất không rộng lắm, người không đông lắm, kinh tế kém phát triển, song đoàn kết chặt chẽ và đấu tranh kiên cường, mưu trí dưới sự lãnh đạo của một Đảng Mác-Lênin có đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn, sáng tạo, nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại, thì hoàn toàn có thể đánh bại mọi thế lực xâm lược, dù đó là những đế quốc đầu sỏ”.
Đất nước được tạo dựng, bảo vệ và phát triển bằng xương máu và nước mắt của biết bao thế hệ người Việt. Được sống trong hòa bình, độc lập, tự do, chúng ta càng không được phép quên những tháng năm ác liệt ấy. Nhìn nhận những nguyên nhân và giá trị lịch sử của đại thắng mùa xuân năm 1975 là một việc làm cần thiết để chúng ta tự nhìn nhận về vai trò, trách nhiệm của mình đối với đất nước trong tình hình hiện nay.



Thứ Bảy, 18 tháng 4, 2015

BÁM SÁT CUỘC SỐNG, ĐỒNG HÀNH VỚI NHÂN DÂN tác giả HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN số: 272 tháng 4 năm 2015




Công cuộc đổi mới và hội nhập do Đảng ta đề xướng và lãnh đạo đã gặt hái được những thành quả quan trọng, làm thay đổi diện mạo nền kinh tế đất nước, góp phần quyết định giữ vững ổn định xã hội, cho dù kinh tế thế giới đang trong đà suy thoái. Tình hình hội nhập và phát triển hiện nay đặt ra một vấn đề vô cùng quan trọng là phải giữ được bản sắc văn hóa dân tộc; chính vì thế Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết TƯ 5, khóa VIII về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về xây dựng văn học nghệ thuật Việt Nam trong thời kỳ mới; và gần đây nhất là Nghị quyết 33/NQ-TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Song song với nhiệm vụ xây dựng kinh tế, Đảng ta đặc biệt chú trọng đến bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và xem đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công cuộc đổi mới và hội nhập. Có giữ được bản sắc văn hóa dân tộc, chúng ta mới giữ được nền tảng đạo đức xã hội. Trách nhiệm to lớn này là của toàn Đảng, toàn dân trong đó văn nghệ sĩ - những người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hóa tư tưởng của Đảng có vai trò rất quan trọng.
Hiện nay các thế lực thù địch đang điên cuồng chống phá, xuyên tạc, bôi nhọ chế độ, nhằm làm mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng, nhà nước, thông qua mang internet. Các lực lượng chức năng đã vào cuộc và bước đầu  đã thành công trong việc tuyên truyền, vận động một số đối tượng nhẹ dạ, cả tin, có những sai lầm khi tiếp nhận thông tin xấu, vô tình làm công cụ tuyên truyền không công cho các thế lực thù địch. Đối với những kẻ cố tình chống đối, lực lượng chuyên chính đã cương quyết xử lý, tạo được sự răn đe cần thiết. Tuy nhiên, để làm thất bại hoàn toàn âm mưu thâm độc của kẻ thù, bảo vệ Đảng, bảo vệ Tổ quốc như ở trên đã nói, văn nghệ sĩ có trách nhiệm rất nặng nề.
Văn nghệ sĩ là những người đi tìm cái đẹp trong cuộc sống. Cái đẹp ấy được thể hiện qua sáng tác của mình để đến với công chúng, góp phần định hướng cho xã hội về chân – thiện – mỹ. Để thực hiện được nhiệm vụ ấy, văn nghệ sĩ phải bám sát cuộc sống, tìm ra vẻ đẹp còn lẩn khuất trong đời thường, kịp thời khắc họa thành công những tấm gương sáng của cán bộ, đảng viên và người lao động trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; kịp thời giới thiệu để mọi người cùng biết, học tập, noi gương; đồng thời phê phán những tiêu cực, vô cảm, trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam.
Trong năm 2014 vừa qua văn nghệ sĩ tỉnh nhà đã tích cực đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình”, nguy cơ “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa”… bằng các tác phẩm có sức cảm hóa cao, được dư luận quan tâm. Bên cạnh những tác phẩm hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được đăng tải thường xuyên trên tạp chí Chư Yang Sin, còn có nhiều các tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh, âm nhạc…  cũng tạo được dấu ấn trên diễn đàn văn học nghệ thuật cả nước. Chính các tác phẩm văn học, nghệ thuật ấy không những khẳng định thành công của công cuộc đổi mới và hội nhập của đất nước trong những năm qua, mà còn góp phần quan trọng vào việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc. Là người dân nước Việt, chắc không ai có thể quên khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan 981 trái phép trên thềm lục địa Việt Nam, văn nghệ sĩ đã đồng hành cùng dân tộc, thể hiện lòng yêu nước của mình bằng những “vũ khí” vô cùng sắc bén, động viên, khích lệ tinh thần toàn quân, toàn dân cùng một ý chí, đồng thời tranh thủ được sự ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Những vần thơ, khúc nhạc… hào hùng vang lên đã khích lệ lòng tự hào dân tộc. Những tác phẩm tranh, ảnh, phim… phơi bày dã tâm của kẻ thù để nhân dân cả nước đoàn kết dưới ngọn cờ của Đảng, khiến kẻ thù phải chùn tay. Dư âm đêm Thơ - Nhạc “Tây Nguyên hướng về biển đảo” do Hội Văn học - Nghệ thuật Đắk Lắk phối hợp với Trường Cao đẳng Nghề thanh niên dân tộc Tây Nguyên tổ chức đêm 30 tháng 6 năm 2014 có hàng trăm người đội mưa đến tham gia. Trong đêm giao lưu, những vần thơ “có thép” của nhà thơ Đặng Bá Tiến, nhà thơ Tiến Thảo…; hay những bản nhạc hừng hực khí thế “Bình Ngô đại cáo” của nhạc sĩ Linh Nga Niê Kđam, nhạc sĩ Mạnh Trí… còn ngân vang mãi khí thế hùng tráng của dân tộc Việt Nam; góp phần gắn kết các dân tộc Tây Nguyên cùng chung ý chí, sẵn sàng lên đường bảo vệ biển đảo khi Tổ quốc cần.
Năm 2015 là năm có nhiều sự kiện trọng đại của nước nhà: 85 năm Ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam; 40 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất nước nhà; 70 năm Ngày thành lập lực lượng Công an Nhân dân anh hùng và đại hội Đảng các cấp, chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Tỉnh Đắk Lắk sẽ kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập lực lượng vũ trang tỉnh, tổ chức Đại hội đại biểu tỉnh Đảng bộ lần thứ XVI. Đây cũng là dịp để chúng ta nhìn nhận, đánh giá những thành tựu nổi bật của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk trong thời gian qua. Những thành quả đã giành được của tỉnh nhà có sự đóng góp của các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trên mọi lĩnh vực của đời sống, xã hội. Trách nhiệm của người nghệ sĩ phải bám thực tế, phát hiện và biểu dương những điển hình đó, nhằm cổ vũ, động viên, góp phần thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Năm 2015, văn nghệ sĩ tỉnh nhà cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu đi đầu thực hiện Nghị quyết 33/NQ-TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề nhưng cũng hết sức vinh quang. Để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này, văn nghệ sĩ phải đứng trên lập trường, quan điểm của Đảng mà định hướng cho các sáng tác của mình, tôn vinh vẻ đẹp Việt Nam; đồng thời học hỏi, chọn lọc các giá trị văn hóa thế giới phù hợp với văn hóa Việt Nam. Chúng ta tin tưởng và hy vọng năm 2015 sẽ là năm văn nghệ sỹ tỉnh nhà có nhiều tác phẩm tốt, góp sức đồng hành cùng Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc trong tỉnh, thực hiện thắng lợi các kế hoạch mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.



Thứ Năm, 16 tháng 4, 2015

CHƯ YANG SIN SỐ 271- tác giả BÙI MINH VŨ





CÁC THẦN NGƯỜI M’NÔNG THƯỜNG THỜ



 Người M’nông gốc không ai thờ một thần, không tôn sùng một thần, không sùng kính một thần. Những người chưa cưới vợ cưới chồng, chưa tách khỏi hộ cha mẹ, ông bà, chưa được tôn thờ thần khác, chỉ thờ chung thần của ông bà cha mẹ mình thờ tại nhà gốc. Người M’nông thường thờ các thần gồm có: thần kuăt, thần nêu, thần đá bếp hòn than, thần lúa, kho lúa, thần khung cửa, thần nước ăn chung bon, thần cửa rào làng. Mỗi lần cúng, không thiếu sót một thần nào. Nếu ăn con trâu, phải phết cúng củ ngải bảo vệ làng ở ngoài cửa rào.
 Bắt đầu thờ thần riêng từ ngày tách hộ ở nhà riêng, di dời khỏi nhà cũ, đôi vợ chồng trẻ mới làm nhà chưa có bàn thờ, chưa có cây nêu, chưa có bồ lúa.
Khi đôi vợ chồng trẻ về nhà mới, chỉ cúng nơi cột nhà thay bàn thờ, cúng vái đá bếp; ăn gà nhỏ, uống rượu nhỏ, bưng rượu đãi khách, uống rượu tuốt lúa, trỉa lúa, làm cỏ, phát rẫy, cúng lúa cuối vụ, mỗi lần uống rượu phải cúng vái cột nhà, khung cửa, thần đá bếp.
Thần Kuăt:
 Bắt đầu có kuăt (bàn thờ tổ tiên của người M’nông): đôi vợ chồng trẻ đi vào rừng gặp cây thắt vòng, tre thắt vòng, dây leo thắt vòng thì chặt mang về nhà treo dưới mái nhà phía gường, sạp phía trên, ngay cửa ra vào chính nhà mình, từ đó bắt đầu có kuăt.
Nếu không gặp vòng cây thắt, vòng tre thắt, dây leo thắt, miễn có gặp đá mlũm (đá thần màu đen), đá mlũm báo mộng, mang về nhà treo nơi thường treo kuăt, từ đó có kuăt.
Nếu không gặp thắt vòng cây, thắt vòng tre, thắt vòng dây, đá thần cũng không gặp luôn, từ ngày tách hộ làm nhà riêng, họ mua được vật gì, như mua được con trâu, lấy Kleng (vòng dây dùng cột sừng để kéo con trâu) treo làm Kuăt; nếu mua được ché rượu cần đầu tiên, họ lấy giàn mang ché treo làm kuăt; nếu mua được con voi đầu tiên ta lấy nglêng (vòng dây may dùng để xích chân con voi) treo làm kuăt. Đến ngày cúng lúa, họ vót xâu nêu treo làm kuăt. Khi lễ hội ăn trâu diễn ra, và lễ hội xong, họ lấy bầu và ống kèn rlet treo nơi kuăt.
 Như vậy, bàn thờ kuăt có nhiều thứ, gồm cây thắt vòng, tre thắt vòng, dây thắt vòng, Kleng trâu, giàn mang ché, nglêng cột voi, nêu cúng lúa, bầu và ống kèn rlet, tất cả kết hợp thành thần kuăt. Khi ăn gà, ăn lợn, chém trâu, thui bò, uống rượu... dù ché nhỏ, hay ché lớn, nhất thiết phải cúng thần kuăt trước, sau đó mới cúng thần đá bếp, thần kho lúa của nhà.
Trong một nhà, thần kuăt lớn hơn tất cả, quản lý các thần đá bếp, thần lúa, thần nhà; bảo vệ các thành viên trong nhà, trong hộ đó. Mỗi lần chủ hộ gia đình khấn vái, họ dùng máu lợn, máu gà, rượu đầu phết cúng bàn thờ kuăt trước tiên.
 Thần đá bếp hòn than:
Ban đầu, người M’nông đi kiếm đá ở rừng, ở suối, ở núi, dùng để kê nồi nấu cơm, nấu canh. Nếu dùng đá kê nấu ngoài rừng, trong chòi rẫy, đá đó không có thần linh trú ngụ; nếu lấy đá đặt cẩn thận trong nhà bếp, nơi thường nấu cơm, và chính chủ hộ cúng máu gà, nước rượu đầu; từ ngày đó, đá bếp bắt đầu linh thiêng.
Thần đá bếp hòn than quản lý hồn người; ma quỉ xin ăn nó ngăn cản. Nếu có vị thần nào bắt hồn người trong nhà, thần đá bếp hòn than đi chuộc, đi tìm. Thần đá bếp có nhiệm vụ ngăn cản ma quỉ bắt hồn người trong nhà; thần hòn than bếp làm nhiệm vụ đi tìm hồn người bị mất.
 Thần khung cửa nhà
Ngày người M’nông vào ở nhà mới, lấy máu gà, nước rượu đầu, bắt đầu khấn vái nơi khung cửa. Khi ma quỉ vào nhà ăn, liền bị thần đuổi; kẻ thù đến hù dọa các thành viên trong gia đình, thần có nhiệm vụ xua đuổi. Nhưng khi có thần trâu đến, thần khung cửa nhà cho vào; thần ché, thần lúa đến, thần khung cửa nhà cho vào. Thần khung cửa nhà có trách nhiệm từ ngày đó, do vậy mỗi lần uống rượu, ăn gà, ăn trâu,  gia đình người M’nông luôn luôn nhớ cúng khung cửa.
 Thần Jrô Jay
Lúc dựng nêu trong rẫy lúa, thần Jrô Jay xuất hiện. Khi đã tuốt hết lúa, người M’nông mang dôm (nhà thần lúa đan bằng lát tre) nêu lúa treo sau bồ lúa. Từ ngày đó, nhà có thần Jrô Jay, nhà thần lúa. Mỗi lần uống rượu, ăn lợn, gà, trâu, bò, người M’nông không quên cúng phết Jrô Jay. Nếu quên cúng phết Jrô Jay, thần lúa hại chủ nhà. Khi ăn vịt, ăn dê sau khi cúng lúa, họ thường cột đầu vịt, đầu dê vào Jrô Jay. Lúc Jrô Jay có cột đầu vịt, đầu dê, càng linh hơn. Khi đưa của cải tài sản lúa gạo ra khỏi nhà phải khấn báo thần Jrô Jay mới được thực hiện, nếu không báo cho thần Jrô Jay biết, chủ nhà sẽ bị hại.
 Thần suối nước
Khi bắt đầu thành lập bon mới, ngày khánh thành bon, người M’nông dùng máu lợn cúng bon mới. Máu lợn được phết nơi nước ăn chung bon, rồi cúng. Từ ngày đó có thần suối nước. Khi có lễ cúng lớn, uống rượu cần cúng lúa, uống rượu kết thúc vụ tuốt lúa, uống rượu dựng nêu rẫy, người M’nông không quên cúng suối nước. Nếu uống rượu trong sinh hoạt hàng ngày, không vì mục đích cúng trong bất cứ nghi lễ nào, không phải cúng suối nước. Nếu bon bị ô uế do chửa hoang, con lẻ, người ta phải cúng xóa suối nước mới yên bon.
 Thần cổng làng
Từ lúc lập bon mới, rào làng xong rổi, người M’nông chém trâu cúng thần hàng rào, giao việc thần cổng làng nhận bảo vệ cho bon. Thần cổng làng không cho kẻ thù đánh các thành viên trong bon, không cho ai đốt nhà trong bon, không cho dịch bệnh vào nhà, không cho bệnh đậu mùa vào bon, không cho chiak Djũt, Ndu, Mu, Briăng vào bon. Nhận diện ra người tốt ở nơi khác đến, thần cho vào bon, bà con dòng họ là người tốt, thần cho vào. Khi nào trong bon có lễ cúng lớn, phải cúng phết thần cổng làng.
 Thần đá Gũn Dôih
Khi người M’nông chém trâu, bưng ché rượu rlung cúng đá bếp, lấy đá bếp từ trong nhà trồng tại cửa ngõ bên ngoài cổng làng, để bảo vệ bon làng. Họ trồng hòn đá bếp với củ ngải gũn dôih. Người M’nông gọi đá này là thần đá gũn dôih. Khi trong bon có lễ cúng lớn, người ta phải cúng phết cả suối nước, cổng làng và đá gũn dôih.
 Thần kèn Rlet
Người M’nông làm kèn Rlet để gọi thần lúa xua đuổi các thần ác.
Kèn Rlet tự thân không bao giờ linh thiêng, do vậy khi nào người M’nông cúng với máu lợn, nước rượu cần, từ đó kèn rlet bắt đầu có thần linh trú ngụ. Thần kèn Rlet linh như thần Jrô Jay, nếu đưa của cải, lúa gạo từ trong nhà ra bên ngoài phải cúng báo thần Rlet mới được xuất cho hoặc trao đổi mua bán. Nếu đưa của cải lúa gạo mà không cúng báo thần Rlet thì người chủ sẽ bị hại. Trong khi thổi Rlet, chủ nhà không được đưa của cải lúa gạo ra bên ngoài để trao đổi, mua, bán, biếu, tặng. Kèn Rlet được cất giữ trong kuăt không phải kiêng cữ nữa.
 Thần Tong Drăng
Ai muốn giàu có, thịnh vượng, cầu mong cho làm ăn khá giả, phát tài, phải tổ chức lễ cúng vật Bôk, N’hao sõk bằng con lợn, rượu rlung; dùng chén gạo, đèn sáp, gà trống biết gáy cột với tong drăng cúng vái trên đầu người, rồi cột tong drăng vào Kuăt. Mỗi lần thực hiện bất kỳ nghi lễ nào, khấn cúng, ăn gà, uống rượu cần, mức độ lễ dù nhỏ hay lớn, trước tiên phải cúng thần Tong Drăng và thần Kuăt, thần nêu, rồi mới cúng các thần khác. Tong Drăng chính là thần bảo vệ con người.
 Thần Tong Gle L’ha L’ang
Bất cứ nhà nào nuôi con voi, có dùi điều khiển voi, cọc cột voi, người M’nông gọi là thần Tong Gle L’ha L’ang. Họ cúng thần Tong Gle L’ha L’ang cũng như cúng thần Nguăch Ngual, thần chuyên chăn voi rừng và voi nhà. Mỗi lần có lễ cúng uống rượu cần, người M’nông phải cúng thần Tong Gle L’ha L’ang, tức là thường xuyên cúng dùi và cọc voi.
 Ngoài các thần kể trên, người M’nông thường hay cúng chuồng lợn, chuồng trâu, cồng chiêng, ché, rlung và các hòn đá thần nếu có.
Thần lúa linh thiêng và quan trọng hơn tất cả các thần trong nhà. Khi trỉa lúa, chủ nhân phải cúng lợn, gà, rượu cần; cắm vòng phải cúng gà, rượu;  cắm nêu phải cúng rượu, lợn, vịt, dê, bò; ăn cơm gạo mới, phải cúng gà, rượu; bắt đầu tuốt lúa, cúng gà, rượu.
Nếu tuốt lúa dư bảy chục gùi, phải cúng hai con gà và một ché rượu; tuốt đủ trăm gùi lúa phải cúng lợn, rượu. Kết thúc tuốt lúa, lúa ít, chủ nhân phải cúng gà; trăm gùi phải cúng lợn, với hai ché rượu, một ché cúng chân thang, một ché cúng lúa. Trong lễ tắm lúa, thu hoạch lúa ít, cúng lợn với ché rượu nhỏ, đạt trăm gùi chủ nhân phải cúng trâu, với ché rượu rlung.
Nếu lúa bị đổ xuống ao, xuống suối, lúa bị rơi rớt, bị đổ vào lửa, chủ nhân phải cúng vịt, chó, lợn, rượu; kho lúa bị cháy, bờ lúa bị cháy, nhà có lúa bị cháy phải cúng vịt, chó, lợn, bò, bầu nước tưới lửa…


Thứ Tư, 15 tháng 4, 2015

CHƯ YANG SIN SỐ 271 - tác giả Y MANG


   

TỤC CƯỚI XIN CỦA DÂN TỘC XƠ ĐĂNG


Ngày xưa, hôn nhân của người Xơ Đăng chủ yếu do cha mẹ quyết định, nếu hai gia đình đã hứa làm sui gia với nhau thì họ bắt buộc con cái mình phải tổ chức đám cưới. Khi đôi trai gái đến tuổi trưởng thành (nữ khoảng 13 đến 14 tuổi, nam 15 đến 16 tuổi) thì được quyền lấy nhau. Hôn nhân của người Xơ Đăng được phản ánh chủ yếu quá độ từ hôn nhân lưỡng hợp chuyển sang hôn nhân tam hợp với nhiều đặc thù riêng của hoàn cảnh xã hội có nhiều biến động, đồng bào không chấp nhận hôn nhân giữa người cùng huyết thống, tức là những con cháu cùng chung một cặp vợ chồng cả về phía cha cũng như phía mẹ đến hết đời thứ ba, tức cùng chung một cụ ông, cụ bà, có điều tục lệ không khuyên khích cũng như không cấm đoán cháu cô, cháu cậu lấy nhau.
Theo phong tục truyền thống của Xơ Đăng, tập quán pháp được người già trong làng duy trì nhằm bảo vệ sự thống nhất tuyệt đối của những thành viên trong cộng đồng. Tên người Xơ Đăng không có từ chỉ họ, nếu là trai thì trước tên gọi thêm A; nếu là gái, trước tên gọi thêm Y; nếu tình cờ hai người ở hai làng thậm chí hai tộc người khác nhau trùng tên mà gặp nhau, họ cũng coi nhau như là anh em ruột vậy và làm lễ nhận bố mẹ. Không thiết lập quan hệ hôn nhân với nhau nhưng lại có quyền thừa tự, coi như dân trong một làng, và phải bảo vệ danh dự của cộng đồng.
Vì thế người Xơ Đăng luôn duy trì tên này để xác định tổ tiên, huyết thống, dòng họ, nên khi hỏi anh là ai, tên là gì, người Sơ Đăng thường trả lời: tôi là X ở làng Y. Ở đây Y là làng, là tổ tiên dòng họ.
Nguyên tắc hôn nhân chấp nhận tất cả các thành viên dù nam hay nữ, cùng một thế hệ (Hjoong Hjeă) và không phải là người cùng một làng có thể thiết lập hôn nhân với nhau. Các chàng trai, cô gái đi tìm tình yêu ở trong các ngày lễ hội,  đây là dịp để thanh niên thoải mái tâm sự, không chỉ trai gái mà cả các bà mẹ cũng tập hợp từng nhóm tán chuyện, hướng về phía các chàng trai, cô gái đang đùa vui xem các chàng trai, cô gái nào mình ưng để gả cho con mình, phải nhờ người làm mối (Prơ choong) qua nhà gái hỏi khi ưng thuận tổ chức. Nếu đôi trai gái yêu nhau sai quy tắc và có chửa họ bị phạt tội loạn luân.
Dân tộc Xơ Đăng từ chế độ song hệ dẫn đến chế độ cư trú hai phía luân phiên, thời hạn mỗi bên thường từ 3 đến 5 năm, nhưng cũng dễ dàng nhường nhịn nhau cho cặp vợ chồng ở thời gian dài hơn nếu một bên có ít lao động. Khi bước về nhà chồng hay nhà vợ, thành viên mới trong gia đình phải qua một lễ nhập gia.
Theo phong tục, lễ cưới được tổ chức tại nhà gái trước. Chi phí tổ chức một đám cưới đơn giản. Các lễ vật cần thiết cho bữa rượu mừng tổ chức ở bên nào thì bên đó lo hay đúng hơn cả nóc cùng đứng ra lo. Nếu vì hoàn cảnh thiếu lao động, có thể xin lấy rể hay dâu vĩnh viễn; trong trường hợp này, bên nào rước dâu hay rể về phải chịu phí tổn chính cho cả hai bên. Nếu đã được gia đình chấp nhận, tuy chưa cưới mà hủ hóa hay chửa hoang, làng phạt rất nặng. Đứa con hoang và mẹ phải làm lễ nhập gia, nghĩa là lấy máu lợn trộn gan bôi lên đầu đứa trẻ, đầu người mẹ và từng người trong gia đình, nhằm vợ chồng ăn ở hoà thuận suốt đời gắn bó với nhau.
Hôn nhân của tộc người Xơ Đăng được tiến hành theo 03 bước
+ Hỏi vợ (h’êng)
+ Đính hôn ( diâp)
+ Đám cưới (pơ koong)
Hỏi vợ (H’êng): Tổ chức rất đơn giản, gọn nhẹ và nghiêm túc chưa cho dân làng biết. Hai bên bàn chuyện xong, buộc rượu và mời cơm rồi bên nhà chồng ra về. Trong khoảng thời gian từ 3 - 4 tháng (gọi là thời gian tìm hiểu), chàng trai hay cô gái cảm thấy không ưng nữa vẫn có thể đổi ý. Nếu sự việc tốt lành bình thường cả hai bên báo cho nhau tổ chức các nghi lễ tiếp theo.
Ngày đính hôn (Diăp): Ông mối (Prơ choong) thông qua hội đồng già làng, nhà gái chuẩn bị rượu, gà, chăn, mền, vòng tay… Người làm mối đứng ra tổ chức. Thông thường nhà trai giao kèo phải có từ 80 -100 bó củi và nhà gái đòi từ 5 -12 gùi, nia và 2 chăn đắp… Khi cả hai bên đã ưng thuận, ông mối mời thầy cúng đưa hai vòng tay cúng, đôi trai gái cầm vòng tay và hứa, chàng trao cho cô vòng tay và ngược lại cô cũng trao vòng cho chàng, cúng xong nhà gái buộc rượu mời cơm. Nhà gái mời nhà trai cầm cần rượu đầu tiên và trao chăn, mền cho nhà trai, lúc này cả hai bên đã là thông gia. Thời gian thử thách từ này 2 -3 năm mới tổ chức đám cưới. Đồng bào thường có câu “Bếp lửa phải có 03 ông đầu rau, cái kiềng phải có 03 chân mới đứng vững được” “ông Tam Taeng và Po Joong phải lội qua 03 con sông, vượt qua 03 đồi để cứu nàng bị Pơ tâu cướp”.
Nếu chàng trai hay cô gái không giữ lời hứa trong thời gian này thì người đó phải đền chi phí tổ chức và phạt như đã hứa, Hoặc nếu cô gái có mang trong thời gian thử thách chưa đủ, già làng phạt, mức phạt này mỗi hộ gia đình  trong làng phải có mắn thịt cuốn lá nấu với cây chuối non tương đương 01 bát mỗi nhà, già làng đi phát thịt cho từng hộ vừa thông báo đây là thịt phạt vi phạm luật tục ta và già làng yêu cầu phải tổ chức đám cưới.
Đám cưới (Pơ Koong): Trước ngày làm lễ đám cưới từ 3 - 5 ngày, gia đình nhà gái đem củi cho nhà trai, củi phải đẹp, từ 80 -100 bó (cây cháy đượm, dài 01 mét) nhà gái phải huy động số lượng người mang củi bằng số lượng giao kèo. Khi mang củi sang nhà trai, không được đi đường trong làng sợ không gặp may và hạn chế cho người trong làng thấy, trừ dòng họ, thường đi khoảng 19 giờ tối. Trao xong về ngay (bó củi này không được sử dụng trong ngày cưới, để dành cho bố mẹ chồng sau này trong thời gian chồng về nhà vợ ở).
Ngày thứ nhất: Khi vật làm lễ đám cưới đã chuẩn bị xong tổ chức ở nhà gái trước, cách 4 - 5 ngày sau thì tổ chức ở nhà trai, thời gian tổ chức đám cưới 02 ngày 02 đêm, gia đình thông báo cho họ hàng trước 03 ngày. Sáng sớm gia đình chú, bác đem từ 3 - 4 ché rượu, heo 01 con, gà từ 4 - 5 con, trứng gà mỗi nóc nhà chú bác đem khoảng từ 30 – 50 quả và vòng tay, vật này phải đủ để tổ chức trong hai ngày. Nếu cuộc vui kéo dài đến ngày thứ 3, thứ 4 dòng họ tiếp tục ủng hộ.
Ngày thứ hai: Gia đình làm thịt heo, gà… dọn cơm sớm mời những khách ở lại vui thâu đêm, đặc biệt là các nghệ nhân đánh cồng chiêng vui suốt đêm, cơm nước xong cuộc vui như “ngày thứ nhất”
Ngày thứ ba: hai người đi rừng xuống suối bắt cá, hái rau về nấu canh chia phần cho mẹ vợ gọi là hưởng công sức đầu tiên của con trước khi bắt đầu cuộc sống nặng nhọc.
Sáng ngày hôm sau, người làm mối đưa cô dâu, chú rể cùng một số thanh niên trong làng ra suối xúc cá để đoán vận mệnh của đôi vợ chồng trẻ sau này. Theo phong tục, người vợ sẽ tiến hành xúc cá trước, nếu mẻ xúc đầu tiên được những loại cá thông thường thì đó là điềm tốt và không phải xúc nữa, còn nếu xúc phải loại cá lửa, tôm, cua thì đó là điềm xấu, phải đổ đi và xúc lại cho đến lần thứ 3, nếu vẫn gặp phải điềm xấu thì dừng luôn. Đến lượt người chồng thực hiện, nếu mẻ đầu tiên người chồng xúc trúng các loại cá thông thường thì đó là điềm tốt và ngược lại nếu phải xúc đến lần thứ 3 mà vẫn gặp tôm, cua, cá lửa thì đôi vợ chồng phải suy nghĩ và đề phòng những chuyện xui xẻo sẽ xảy ra trong cuộc sống chung sau này.
Khoảng 3 ngày sau, họ nhà gái mời họ nhà trai sang nhà uống rượu, hai sui gia trao cho nhau nắm bột và cùng ăn, thể hiện sự nồng thắm bền chặt giữa hai gia đình. Sau đó, họ nhà gái cho phép chú rể trở về nhà cha mẹ đẻ để mang đồ dùng cá nhân của mình đến nhà gái ở rể. Theo phong tục, khi ở nhà gái hết 3 năm, mẹ chú rể mang lễ vật báo hiệu gồm một con gà sống và một tấm (kmố) sang nhà gái trao cho mẹ cô dâu và xin phép được đưa đôi vợ chồng về nhà trai tiếp tục sống 3 năm.

Đôi vợ chồng trẻ cứ tiếp tục sống luân phiên cả hai bên gia đình cho đến khi có điều kiện tách riêng thì cuộc sống vợ chồng bắt đầu tự lập.