Thứ Bảy, 11 tháng 4, 2015

CHƯ YANG SIN SỐ 271 - tác giả NGUYỄN VĂN THIỆN

Tác giả NGUYỄN VĂN THIỆN



DẠY VÀ HỌC MÔN NGỮ VĂN
TRONG XU HƯỚNG ĐỔI MỚI THI CỬ HIỆN NAY



Thời gian vừa qua, trong hàng loạt nỗ lực của Bộ Giáo dục & Đào tạo về đổi mới phương pháp dạy học, thi cử, đã có nhiều biện pháp được đưa ra và nhanh chóng áp dụng vào thực tiễn. Mới nhất, ngày 26 tháng 3 năm 2015, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã ký ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2015 theo hướng đổi mới. Ai cũng biết rằng, đổi mới là cần thiết, tuy nhiên, sự thay đổi trong ngành giáo dục luôn tác động trực tiếp lên việc dạy học của thầy và trò, nhiều khi, gây ra những bỡ ngỡ, trăn trở, thắc mắc.
Riêng về môn Ngữ văn, xưa nay, vẫn bị đánh giá là nặng về đọc chép, học thuộc, thì đã được chú ý điều chỉnh cách ra đề, cách chấm từ kỳ thi tốt nghiệp năm ngoái. Tất nhiên, cách ra đề mới, cách chấm mới sẽ bắt buộc thầy và trò phải có cách dạy và học mới. Nhưng, mới như thế nào? Làm sao để đạt điểm cao trong các kỳ thi? Trả lời câu hỏi này, trong thực tiễn, còn nhiều bỡ ngỡ, lúng túng.
Đề thi đổi mới gồm có 2 phần: Phần đọc hiểu (3 điểm) và phần làm văn (7 điểm). Phần đọc hiểu mục đích kiểm tra kỹ năng đọc hiểu của học sinh. Phần ngữ liệu sẽ không lấy từ trong sách giáo khoa, có độ dài vừa phải, kiến thức phổ thông, để học sinh cả nước đều có thể hiểu văn bản. Phần làm văn nhằm kiểm tra đánh giá kĩ năng viết của học sinh theo hướng mở, tích hợp kiến thức.
Để làm tốt phần đọc hiểu, giáo viên cần giúp học sinh nắm được thế nào là hiểu một văn bản. Các câu hỏi phần đọc hiểu tập trung vào một số khía cạnh như: Nội dung chính của văn bản, ý nghĩa của văn bản, những hiểu biết về các từ ngữ quan trọng trong văn bản, một số biện pháp nghệ thuật trong văn bản và tác dụng của chúng…
Là một giáo viên nhiều năm nay giảng dạy ở trường THPT, tôi thấy rằng: Từ trước đến nay, việc dạy học phụ thuộc nhiều vào sách giáo khoa. Việc ôn thi cho học sinh cũng vậy, thầy và trò tập trung xoáy vào các văn bản trong sách, hình dung xem đề ra chỗ nào. Với câu hỏi 3 điểm thì nghị luận các vấn đề xã hội, cùng nhau giải các đề cụ thể có sẵn. Khi gặp dạng đề mới ra theo hướng mở, thông tin cập nhật, sẽ gặp khó khăn. Ví dụ: Đề thi tốt nghiệp năm học 2013-2014 lấy một đoạn trong bài báo trên tờ Giáo dục & Thời đại ra ngày 15 tháng 5 năm 2014 về sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 xâm nhập trái phép lãnh hải Việt Nam, sau đó yêu cầu học sinh xác định những ý chính của văn bản, xác định văn bản được viết theo phong cách nào, giá trị biểu đạt của những từ ngữ quan trọng trong văn bản, và yêu cầu nữa, viết một đoạn văn ngắn bày tỏ thái độ của người làm bài với sự kiện đã nêu.
Như vậy, đề thi mang tính thời sự rất cao, văn bản được trích dẫn vừa ra đời trước ngày thi tốt nghiệp 2 tuần, không thể nào ôn “trúng” đề được. Thế thì, làm sao có thế đạt điểm cao? Thứ nhất: Luyện khả năng đọc hiểu cho học sinh. Trong các tiết ôn tập, giáo viên lấy bất kỳ một đoạn văn trên các tờ báo về một vấn đề thời sự nào đó. Chọn vấn đề càng nóng, tức là được dư luận quan tâm nhiều, càng tốt. Và yêu cầu học sinh xác định nội dung chính, biện pháp nghệ thuật, phong cách văn bản, và cuối cùng là viết một đoạn bày tỏ ý kiến của mình. Chú ý, với yêu cầu bày tỏ ý kiến, cần nói rõ suy nghĩ, tình cảm của người viết, có đồng tình không hay lên án đối với hiện tượng được nêu ra, hành động của bản thân sẽ là gì. Luyện cách viết ngắn gọn, chính xác, tránh dài dòng lê thê.
Để làm tốt phần đọc hiểu, giáo viên phải luyện làm sao để học sinh có phản xạ nhanh về một vấn đề xã hội được nêu ra (vì phần này chiếm 7/10 điểm nên thời lượng làm bài chỉ nên chiếm 1/3). Về phía học sinh, phải rèn luyện thói quen đọc báo, xem thời sự, cập nhật thông tin xã hội. Phải nói, lâu nay, với cách học và thi cũ, học sinh chỉ chú trọng các tác phẩm trong nhà trường, ít để ý đến các vấn đề xảy ra bên ngoài cổng trường. Hiện nay, ở một số trường THPT trên địa bàn Đắk Lắk, việc đặt báo giấy hàng ngày, phòng máy vi tính nối mạng để học sinh truy cập internet đã được tăng cường, song, nhìn chung, đa số học sinh chưa mấy quan tâm đến tình hình thời sự xã hội. Thậm chí, một số giáo viên cũng lười đọc báo, nắm tin tức, vậy nên khi gặp dạng đề mới, không tránh khỏi lúng túng. Vậy nên, trong các buổi ôn thi, thầy và trò nên lựa chọn khoảng 10 sự kiện xảy ra trong năm, đặc biệt lưu ý đến những sự kiện gây tác động lên toàn xã hội, ví dụ như sự kiện giàn khoan HD 981 năm ngoái.
Năm nay, trên các phương tiện truyền thông, đã nóng lên các sự kiện tiêu biểu như: Bạo lực trong xã hội đang ở mức báo động, đặc biệt là ở trong giới trẻ, hay vấn đề sự biến tướng của các lễ hội dân gian… Giáo viên có thể hướng dẫn mẫu trên một số văn bản lấy từ các tờ báo hàng ngày. Từ đó, vừa luyện kỹ năng đọc hiểu cho học sinh, vừa hướng học sinh quan tâm chú ý nhiều đến các vấn đề xã hội, qua đó nâng cao ý thức công dân cho các em. Đó cũng chính là mục đích của để thi đổi mới, vừa tránh học vẹt, vừa có ý nghĩa rèn giũa đạo đức, ý thức công dân.
Phần làm văn, yêu cầu học sinh biết vận dụng những kĩ năng viết đã được học để tạo lập một văn bản về một đề tài xã hội hoặc/và tác phẩm, trích đoạn văn học nào đó theo hướng mở, tập trung vào thể hiện: Khả năng viết các loại văn bản phù hợp, khả năng sử dụng ngôn ngữ, đúng chính tả, ngữ pháp, phong cách, biết cấu trúc văn bản, bộc lộ tư duy quan điểm cá nhân…
Đề thi tốt nghiệp năm vừa rồi, phần làm văn trích một đoạn trong văn bản “Hồn Trương Ba da hàng thịt” của Lưu Quang Vũ, đoạn hồn Trương Ba than thở với Đế Thích về nỗi khổ của người phải mượn thân xác người khác để tồn tại và đưa ra yêu cầu: Phân tích khát vọng của nhân vật trong đoạn trích, qua đó trình bày suy nghĩ của người viết về vấn đề: con người cần được sống là chính mình.
Như vậy, yêu cầu của đề đã khác trước rất nhiều. Những năm trước, câu hỏi phần làm văn chỉ đơn thuần kiểm tra đánh giá về mức độ cảm thụ tác phẩm văn học và cách xây dựng văn bản phân tích, cảm nhận văn chương. Cách ra đề mới, có thể có cả câu hỏi kiểm tra vấn đề kiến thức xã hội, quan niệm sống, liên quan đến văn bản trích dẫn. Vậy nên, việc dạy và học, thay vì tập trung khai thác các giá trị của tác phẩm văn chương như trước đây thì bây giờ phải mở rộng ra đến các vấn đề liên quan như quan niệm sống, ý thức cá nhân trước cuộc đời…
Việc ôn thi sẽ mất nhiều thời gian hơn trước nếu như đi giải quyết từng đề một. Để làm tốt phần thi làm văn, không còn cách nào khác là phải rèn luyện từ đầu, củng cố khả năng cảm thụ và diễn đạt văn chương ở các lớp dưới, và mở mang hiểu biết kiến thức thời sự xã hội càng nhiều càng tốt.
Với đề thi như thế này, như đã nói, sẽ khó khoanh vùng, đoán “tủ”, đồng thời cũng hạn chế việc học vẹt học thuộc lòng các bài văn mẫu. Mục đích là để đưa văn gần lại vời đời sống thực tiễn của con người, đó là chủ trương đúng của Bộ Giáo dục & Đào tạo. Việc đổi mới ra đề đánh giá cũng tạo ra thách thức cho thầy và trò. Để vượt qua thách thức, không có cách nào khác là phải dạy và học nghiêm túc ngay từ đầu, tránh học vẹt, học “tủ”, đồng thời, không tách rời môn học trong nhà trường với thực tế đời sống.
Học văn chính là rèn luyện kỹ năng sống, học làm người. Xác định được như thế, kết quả học tập sẽ được nâng cao, số điểm trong các kỳ thi sẽ không còn là nỗi lo lắng cho cả thầy và trò nữa.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI