Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2015

CHƯ YANG SIN SỐ 272 - tác giả H’LINH NIÊ





HẢI QUÂN VÙNG 4, TỰ HÀO, TIN TƯỞNG

Bút ký


12 tiếng chòng chành trên đen kịt biển đêm từ Côn Đảo về đất liền. Tiếp ngay đến 10 tiếng đung đưa đánh võng trên xe đò giữa nắng rát từ Vũng Tàu tới Cam Ranh (cho đến tận sáng hôm sau, cảm giác chung chiêng vẫn còn chưa buông tha). Xách hành lý lên chiếc xe của Hải quân Vùng 4 ra đón rồi, mà vẫn gờn gợn sao đó khi thấy cứ miên man chạy miết giữa cát trắng, thông xanh và tiếng biển àm ạp vỗ bờ. 5km như thế mới về đến nhà khách của Vùng, nơi các văn nghệ sỹ cùng được mời trong chuyến đi thực tế này vừa tụ hội.
Xe trôi trên hệ thống đường sá rộng thênh thênh, qua ngổn ngang lớp lớp công trình nhà cửa, tất cả đang gấp rút hoàn thành cho kịp ngày kỷ niệm 60 năm thành lập Quân chủng (tháng 5.2015), nhưng  hoàng hôn đỏ đã sắp tắt nên dường như không một bóng người. Có cảm giác ngờm ngợp bởi sự mênh mông của cảnh quan, không biết tới đâu là điểm tận cùng. Và tiếp đó là vẻ hoang sơ của những bãi biển trắng cát, những con sóng đầu bạc, những khổng lồ đá chen giữa cây rừng xanh ngắt, dường như cảnh biển còn lộng lẫy, xứng đáng trở thành các khu nghỉ dưỡng hơn cả Nha Trang, Đà Nẵng, vốn được bình chọn là những bãi tắm đẹp của khu vực Đông Nam Á. Nhưng điều ấy cũng đúng thôi, vì vịnh Cam Ranh chính là một trong bốn địa thế  biển đẹp nhất thế giới.
Chưa hết. Mỗi ngày đi thực địa ngang qua các công trường bề bộn, thấy rất rõ một khu đô thị khang trang, với dãy đèn đường xinh xắn bằng pin mặt trời đang dần hình thành. Và thật thú vị vì quanh thành phố tương lai đó hệ thống những cây xanh, các cụm hoa giấy (loài hoa càng nắng gió càng nở rực rỡ) đã được chăm chút trồng xuống và tưới tắm, sẽ lớn nhanh cùng với sự tiến triển của công trình. Cũng như núi non, rừng cây xanh quanh căn cứ vẫn được giữ nguyên hiện trạng, để nơi đây rồi sẽ là một môi trường trong lành dành cho cán bộ, chiến sỹ và gia đình, với đủ cả nhà ở, trường học, bệnh viện, siêu thị… ngõ hầu phần nào giải quyết được việc làm cho những người vợ lính hải quân bớt nỗi vất vả, sự thổn thức xa chồng chăng?
Tất cả đem lại sự bất ngờ đầu tiên.
Khi biết được phân công tiếp cận thực tế tại Đoàn 957, đơn vị bảo vệ an ninh Vùng 4, thậm chí phải ngủ lại giữa nhà khách Vùng vắng tanh, rộng rênh chứ không được xuống tận đơn vị như các bạn khác, nhóm chúng tôi (hai họa sỹ Dương Sen – Hồ Minh Quân của Hội Mỹ thuật Việt Nam, nghệ sỹ Trần Quốc Dũng của CLB nhiếp ảnh Chiến sỹ, nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng và tôi, đi theo sự điều động của Hội Nhà văn) đều đã có vẻ hơi chán ngán, lo rằng sẽ chẳng có gì nhiều để xem và nghe, lấy gì mà viết? Nhưng lịch hoạt động mà thượng tá Hoa Văn Phương, Phó chính ủy Đoàn 957 đưa ra, đúng như lời anh hứa, đã đem đến cho cả nhóm nhiều điều “bất ngờ và thú vị”.
Trong hành trình năm ngày ngắn ngủi, chúng tôi đã được tiếp cận sức mạnh của Hải quân Việt Nam Vùng 4. Theo nhận thức rất mù mờ của tôi về quân sự, thì đất nước ta còn nghèo, tận dụng bằng cách bảo quản, giữ gìn và cải tiến thật tốt những vũ khí sẵn có, đã từng qua những cuộc chiến giữ nước, nếu xảy ra chiến tranh trên bộ cũng là điều hợp lý. Bởi những năm rất xa ở các miền quê lúa Bắc bộ, tôi từng chứng kiến những người lính áo màu cỏ úa, nhỏ bé so với khí tài đồ sộ, chẳng đã vận hành rất tài tình tên lửa của nước bạn, để bắn cháy hàng ngàn phi cơ lẫn pháo đài bay B52 hiện đại của Mỹ đó sao?
Và cũng có hề hấn gì khi bên cạnh đó, để bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, Hải quân được trang bị những chiếc tàu ngầm “mẹ”: Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, các tàu ngầm “con”, đều vừa mới “bóc tem”, lẫn những chiếc tàu hộ vệ tên lửa tuần tiễu mặt nước mang tên các vị vua oanh liệt của Đại Việt như Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ… giống y hệt những con cá voi khổng lồ, cùng hàng chục chiếc tàu trắng xóa, bập bềnh trên biển xanh của Chi đội kiểm ngư bảo vệ ngư trường. Tất cả đều hết sức hiện đại. Quân cảng Cam Ranh (trừ tàu ngầm chỉ được “nghía” từ xa) cho phép các văn nghệ sỹ chúng tôi, những kẻ vốn rất hay tò mò, thọc mạch, xem tận mắt, rờ tận tay, thậm chí là hàng chục chiếc máy ảnh đủ chủng loại thi nhau bấm tanh tách, không chỉ hớn hở từ hầm tàu cho đến sân đậu trực thăng, mà còn “hành” các chiến sỹ kiểu  này, dáng nọ. 
Bên cạnh đó, việc chứng kiến sự luyện tập miệt mài và gắt gao của  binh lính với các loại khí tài, cho sẵn sàng chiến đấu giỏi trên bộ, lẫn các phương án phòng chống biệt kích người nhái xâm nhập từ phía biển, mang lại cho chúng tôi cảm giác sung sướng, tự hào và tin tưởng vào sự lớn mạnh của Hải quân Việt Nam. Thậm chí là yên tâm nữa.
Đó là bất ngờ thứ hai.
“Nhanh như điện, diện như Hải quân” câu nói vui của một sỹ quan thuộc  Đoàn 957, dường như vận rất chính xác cho Chính trị viên tiểu đoàn Tăng – Thiết giáp Hà Thanh Hải, chàng đại úy 38 tuổi, cao 1,78m, đẹp trai như diễn viên điện ảnh hướng dẫn chúng tôi thăm hoạt động của đơn vị. Quả thật, từ chỉ huy các cấp  trong trang phục sỹ quan, cho đến từng chiến sỹ với yếm thủy quân, mũ dải bay phất phơ hoặc trong bộ đồ tác chiến loang lổ, trên giảng đường, khi tập điều lệnh, trong con mắt phụ nữ của tôi, đều rất điển trai. Cứ như khi tuyển quân họ đã được lựa chọn kỹ càng về hình dong vậy. Cái vẻ đẹp rắn rỏi đầy nam tính khiến họa sỹ Hồng Minh Quân say sưa như lên đồng, hối hả ký họa tới hàng chục chân dung từ sỹ quan đến lính.
Theo Đại tá Đoàn trưởng Thân Ngọc Hướng, thế hệ các sỹ quan ở  957 hiện nay, 100% đều đã trải qua ít là hai năm, nhiều thì năm, bảy năm ngoài quần đảo Trường Sa. Nghĩa là những tháng năm gian khó và thiếu thốn, dạn dày với sóng gió biển khơi của những người lính giữ đảo (cái thời còn phải mặc áo mưa trong lô-cốt khi “gặp mưa trên đảo Sinh Tồn”, hay thời “chỉ có sư trọc đầu hát tình ca” trên đảo Sơn Ca trong thơ Trần Đăng Khoa) đã tạo nên cả vẻ đẹp phong trần trong tư thế, lẫn tâm hồn các anh. Thế hệ đã, đang và sẽ làm nhiệm vụ vì Trường Sa ở Vùng 4 hôm nay, dẫu không đồng thời với chiến trận Gạc Ma, Cô Lin nhưng các câu chuyện nho nhỏ lượm được từ những phút tâm tình, vẫn tác động rất mạnh đến cảm xúc của chúng tôi. Nào là những kỷ niệm gắn bó, thương yêu, chia sẻ mọi vui buồn giữa chỉ huy và chiến sỹ ngoài đảo xa. Nào những câu chuyện tình đẹp về những người vợ hiền, con ngoan tận Quảng Ninh, Thái Nguyên hay Nghệ An, ngày đêm không bao giờ nguôi nỗi khắc khoải xa chồng. Hay mối duyên dang dở bởi ai đó chẳng cảm thông được với cuộc đời người lính biển. Họ đã từng có người không thể về chịu tang cha, hay phần lớn không được ở bên vợ con khi vượt cạn hoặc xảy ra hoạn nạn, mọi việc chỉ trông chờ vào đồng đội nơi đất liền. Đơn giản chỉ vì ngày ấy 6 tháng mới có một chuyến tàu ra đảo. Và trực thăng có thể cấp cứu ngư dân về đất liền, chứ không thể chở sỹ quan hay chiến sỹ cũng hoàn cảnh ấy… Muôn vàn những hy sinh âm thầm mà người lính Hải quân luôn chấp nhận. Nên càng đáng yêu biết mấy nụ cười bẽn lẽn của  Hà Kiên Cường, vừa tròn 28 tuổi, chưa vợ (lại cũng vô cùng đẹp trai), thuyền trưởng tàu kiểm ngư 769, người đã từng cùng những chiến sỹ của mình vững vàng đối mặt trực diện với những kẻ xâm lấn vùng biển của Tổ quốc trong vụ dàn khoan 981… khi anh kể cái cách đánh nhau chắc chỉ có ở Việt Nam, rằng “quẳng cả lưới lẫn dây chuối cho quấn vào chân vịt tàu nó, hết chạy”. Hay thật cảm động với tâm tư  chú lính trẻ “Ở ngoài biển chẳng ai cảm thấy một chút run sợ nào trước sự hung hăng của bọn họ. Có hai bài hát mà mỗi khi phát ra chúng cháu thấy như được tiếp thêm sức mạnh và rất hào hứng là Quốc caTôi lắng nghe Tổ quốc gọi tên mình cô ạ”.
Trò chuyện với các chiến sỹ trẻ, đều nghiêng cuối thế hệ 9X ở các tiểu đoàn, dù là trên các khoang tàu chiến chật chội, hay đang luyện tập ngoài thao trường ngập nắng gió miền biển, hoặc miệt mài làm quen với các thiết bị kỹ thuật trong công xưởng lấm lem dầu mỡ, đều mang tới những cung bậc tình cảm đáng trân trọng. Quốc Vượng chàng trai Chăm quê Ninh Thuận cười rất tươi khi trả lời về tục kiêng ăn thịt lợn, rằng “Bao giờ về plêi cháu lại theo phong tục, còn ở đây cháu là lính hải quân”. Hoặc Phạm Ngọc Sơn, nụ cười trắng lóa trên khuôn mặt đã kịp sạm nắng gió biển, ở một chốt chỉ có vài ba người, mới 19 tuổi, là dân quân tự vệ ở khu phố, được miễn nghĩa vụ, hay những chàng con cưng “gối ôm” Nguyễn Văn Phúc, Hà Quang Thành… nhà giữa phố đông Hà Nội, Nha Trang hoặc sát bên siêu thị sầm uất ở Vũng Tàu, vẫn viết đơn đăng ký tình nguyện nhập ngũ “để được làm chiến sỹ hải quân”.
Đó chính là bất ngờ thứ ba.
Chuyến thực tế sáng tác của gần 40 văn nghệ sỹ tại Quân cảng Cam Ranh lần này, ngoài hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Hải quân Việt Nam, còn nói cách khác như Đại tá Ngô Mậu Bình, Phó chính ủy Vùng rằng “Hải quân Vùng 4 lâu nay chưa được ai nói tới”. Đúng vậy, không được tiếp xúc khó mà hiểu hết những vất vả thầm lặng của các chiến sỹ Vùng 4, với kỷ luật thép giữa cái nắng gió hoang dại của biển, trong chật chội của những khoang tàu, khoang máy bay hẹp, cô đơn trong những chốt xa ngái đâu đó… lại chính là nơi chuẩn bị sẵn sàng tất cả cho Trường Sa và Hoàng Sa từ nhân lực cho đến vật lực, khí tài, bảo đảm an ninh và vận hành tuyệt đối trong mọi thời điểm, tình huống. Thậm chí kể cả việc nhỏ như người em quê ở Nghệ An (mới quý thương nhau mà kết nghĩa), Trung tá tiểu đoàn trưởng Đặng Văn Tám, kể khi đến thăm đội tự túc tăng gia của đơn vị, rằng “Chúng em vừa bán hết heo ra Trường Sa lớn rồi đấy chị nhé”. Và để chứng minh, “cậu em” mời bữa trưa với đủ cả rau cải, salat xanh nõn, cá biển, mực nang lẫn ghẹ roi rói tươi của “lính nhà trồng được”.
Nghĩa là để đảm bảo an ninh, giữ yên chủ quyền của Tổ quốc, từng rạn san hô, đá chìm, đá nổi lẫn ngư trường truyền thống của ngư dân, nhất là để cùng“khi giặc đến vạn người con quyết tử, giữ đất trời Tổ quốc  yêu thương ”*, đều phải cần đến công sức của cán bộ chiến sỹ Vùng 4, các “tỷ phú” về đất, trời và biển nơi này, nhưng lại không có đến cả phòng khách đón người thân xa về nghỉ lại!
Tuy nhiên, anh Hướng, anh Bình ơi, cũng như biển đảo Trường Sa, Hoàng Sa ngoài khơi xa kia, những người lính giữ biển Vùng 4 các anh, luôn sống trong tâm hồn và tình cảm của mọi người con đất Việt. Với riêng tôi, điều ấy càng trở nên tha thiết từ sau chuyến đi Trường Sa năm 2012 đến nay rồi.
Một bất ngờ nữa. Đã cuối xuân, sắp ngả sang hè. Nhất loạt các loại cây trong khuôn viên Bộ chỉ huy Vùng 4 Hải quân và trụ sở Huyện đảo Trường Sa hình như mới cùng lúc rủ nhau nảy lộc, xanh chồi, nõn nà đến làm dịu hẳn cả cái nắng chói chang của biển miền Trung, như chính sức vươn lên mãnh liệt, đầy khát vọng cống hiến của Hải quân Việt Nam.
                                                                       
Cam Ranh, tháng 3.2015 mùa biển lặng
                                                                                   

* Thơ Nguyễn Việt Chiến 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI