Thứ Ba, 14 tháng 4, 2015

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 271- tác giả ĐỖ THÀNH DƯƠNG



CHIỀU HOA SEN


Hoa đung đưa trong lời ru của gió
Bạn ân tình những lá non xanh

Đừng vội tàn mùa thu đến nhanh
Những lứa đôi đang nở.

Sao chỉ riêng mình ta thầm nhớ
Đâu bùn non, rơm rạ, quê hương...

Sao chiều nay ta và hoa vấn vương
Những ký ức miền quê lặn lội.

Ta và hoa hình như có lỗi
Sao quẩn quanh ở chốn không người.

NGUYỄN ĐỨC QUANG
          (Rút từ tập thơ “Chiều hoa sen”, Nxb Hội nhà văn-2006)

Tên bài thơ được dùng để đặt tên cho cả tập thơ - “Chiều hoa sen” - làm người đọc thú vị liên tưởng đến một trường hợp tương tự với bài “Từ ấy” của nhà thơ Tố Hữu. Rõ ràng tác giả đã ngầm lấy nó làm lời ngỏ, hơn thế nữa, là một lời đề từ mở lối vào nguồn mạch tâm tình của thi nhân...
Những cơn gió chiều vô tình khẽ khàng lay động đài sen được nhà thơ tiếp nhận không chỉ bằng thị giác đơn sơ, mà còn được cảm nhận từ âm thanh của ký ức thường trực trong tâm thức nhà thơ, đó là những “lời ru” dịu ngọt “ân tình” của bà, của mẹ bên vành nôi bé thơ thuở ta còn “non xanh”.
Hoa sen là tín hiệu, biểu trưng của mùa hè, nhắc ta nhớ đến áng thơ trác tuyệt “Tống biệt hành” của thi sĩ Thâm Tâm “Bây giờ mùa hạ sen nở nốt” vang vọng từ năm 1940 và trên những bộ tứ bình quen thuộc cũng như trong thiên nhiên, bốn mùa vẫn tuần hoàn. Đại thi hào Nguyễn Du đã khái quát quy luật tự nhiên ấy: “Sen tàn cúc lại nở hoa”. Hai câu thơ tiếp theo như mùa thu tiếp nối mùa hè, với một chút luyến tiếc đầy chất nhân văn của thi sĩ:
Đừng vội tàn mùa thu đến nhanh
Những lứa đôi đang nở.
Câu thơ gợi đến sự lưu luyến của Xuân Diệu ngót 80 năm trước, muốn “tắt nắng, buộc gió” để “màu đừng nhạt mất, hương đừng bay đi”, nhưng khác ở chỗ sự níu kéo thời gian ở đây không phải bởi cái tôi “vội vàng” như của nhà thơ tiền chiến mà vì những tình cảm nhân ái, sâu sắc hơn của Nguyễn Đức Quang, vì “những lứa đôi đang nở”. Sự tương phản của cặp từ trái nghĩa tàn – nở càng khắc sâu thêm sự luyến lưu đến tha thiết ấy của nhà thơ.
Những câu thơ tiếp theo, tác giả đưa người đọc lần về những hồi tưởng, ức chân quê: mùi “bùn non, rơm rạ, quê hương...” mà mỗi người trong chúng ta không ai là không từng cảm nhận, nay qua chiêm nghiệm của nhà thơ, càng hiện lên rõ mồn một. Mùi quê hương nhắc nhớ mỗi con người về nguồn cội của mình, dẫu đi xa, bay cao đến đâu chăng nữa, nếu không vô tình thì đâu dễ nguôi quên, như hoa sen - và cả nhà thơ nữa - “vấn vương” về những nhịp nôi đưa thời thơ bé: “Trong đầm gì đẹp bằng sen… mùi bùn.”
Ở nơi quê nhà xa xôi mà không dễ phai nhòa trong tâm tưởng đó, có bóng dáng người bà, người mẹ hiền hòa hiện lên trong ca dao, đêm ngày “Thân cò lặn lội bờ sông...” để nuôi ta nên hồn nên vóc như ngày hôm nay.
Bài thơ gồm 10 câu theo thể tự do, có hơi hướng nghiêng về thất ngôn, chia thành 5 khổ rạch ròi tưởng chừng như 5 bông hoa nhà thơ chỉ bất chợt, tiện tay hái được đâu đó bên dòng suy tưởng trong một buổi chiều đong đầy cảm xúc; nhưng kỳ thực, tứ thơ xuyên suốt liền mạch đã đưa người đọc về miền ký ức chân quê nguồn cội của mình. Nó kết thúc bằng lời tự vấn của nhà thơ, với mình, với hoa:
Ta và hoa hình như có lỗi
Sao quẩn quanh ở chốn không người.
Nhà thơ băn khoăn, trăn trở về những điều hữu ích cần thiết, mà nhà thơ, và cả hoa sen nữa, cần phải đem đến cho cuộc sống này, như lời gửi gắm của Tố Hữu trong “Khúc ca xuân” mà bạn đọc dễ dàng đồng cảm, tâm đắc trước thềm xuân mới:
“Nếu là con chim chiếc lá
Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh
Lẽ nào vay mà không có trả
Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”
Hơn cả một lời tự vấn, tự nhủ, bài thơ kết lại bằng lời nhắn gửi thiết tha đến bạn đọc: Làm hoa thì phải tỏa hương, làm người thì hãy sống sao cho cuộc đời có nhiều ý nghĩa nhất, “Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí...” như nhà văn Ucraina giàu nghị lực Nikolai Alekseyevich Ostrovsky đã từng nhắn nhủ bao thế hệ độc giả, qua nhân vật Pavel Korchagin nổi tiếng.
Chiều hoa sen là một bài thơ “đượm”, trong nhiều bài thơ đượm đà của tập thơ.


 Mồng Một Tết Ất Mùi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI