Mặt đất mờ
mờ hiện ra sau những gốc cây, thỉnh thoảng ngọn gió chạy qua vén lá cây để lộ
một vài mảng trời xanh cao vời vợi, không một gợn mây. Tiếng các loài chim rủ
nhau đi ăn ồn ã làm không gian đầy ắp niềm vui. Rừng cây thưa dần, các con voọc
quăng mình từ cành cây này sang cành cây khác như bay lượn qua những mảnh trời
nhỏ nhoi hiện lên sau những kẽ lá. Thoảng trong không khí như có mùi thơm của
hương lúa mới, H’Chi mừng thầm, có lẽ sắp ra khỏi rừng rồi.
-Phập!
Tiếng kêu vang lên cùng lúc với chiếc
chân trái như có ai đó cầm lấy, giật ngược ra phía sau, đau nhói. Nhìn xuống
chân, H’Chi giật mình khi thấy chiếc bẫy sắt có những chiếc răng như răng của
cá mập ngoạm trọn ống chân phía trên mắt cá một tí.
Tháng trước cùng Amí đi hái thuốc,
H’Chi gặp hai cha con người Tày mang sáu cái bẫy loại này đi bắt thú. Ông ta
khoe mua tận bên Trung Quốc mang về đánh “dính” lắm. Thấy H’Chi tò mò nhìn, đứa
con trai lấy một cái, hướng dẫn cách mở, đặt bẫy. Chiếc bẫy bình thường giống
như hai nửa đường tròn gập lại làm bằng sắt dày, phía ngoài bằng phẳng, phía
trong có một hàm răng nhọn như răng cưa.
Khi cài bẫy phải chặt một cây gỗ thân to bằng ba gang tay người lớn dài hai hoặc
ba mét, cột đầu xích sắt vào cây, còn đầu kia nối vào chiếc bẫy. Sợi xích lằm bằng
sắt to như ngón tay người, uốn hình tròn móc vào nhau.
-Cậu biết vì sao lại phải cột xích
không vào giữa đoạn cây gỗ không?
Đứa con trai người Tày chắc cùng tuổi
với H’Chi ra vẻ đàn anh hất hàm hỏi, rồi không đợi trả lời nói tiếp:
-Bất kì con gì dính vào bẫy dù đó là
heo, nai hay gấu, báo, cọp đi nữa sẽ ra sức giật. Những chiếc răng nhọn này sẽ
cắm sâu vào tận xương chân con thú mắc phải. Nếu cột vào cây sống bên cạnh nơi
đánh bẫy, con thú có thể giật đứt chân chạy thoát. Còn với một khúc cây, nó chỉ
còn cách kéo lê trên mặt đất, cây gỗ nặng kéo theo sẽ làm nó mệt, chưa kể nếu
vướng vào gốc cây sẽ nặng thêm lên gấp nhiều lần trước khi trượt ra, lăn đi.
Khi đến thăm bẫy, cứ theo vết cây gỗ bị kéo lê trên mặt đất, chắc chắn sẽ bắt
được thú.
Nó cười
tít mắt lại, thao tác thử cách đặt bẫy mồm liến thoắng: “Vẹt lá cây trên con
đường có dấu chân thú thường đi qua, đặt bẫy xuống, một chân đè nửa kia xuống
thành một vòng tròn, mặt có răng nhọn vào trong, ở giữa vòng tròn có một miếng
sắt tây to gần bằng vòng tròn, giống như chiếc đĩa, gài lẫy thế là xong”. Chỉ
miếng sắt tây nó hỏi:
-Cậu biết
cái này làm gì không, bộ phận quan trọng nhất đấy. Con thú dẫm lên chiếc đĩa
sắt làm chốt khóa mở ra, hai nửa đường tròn bật ngược lên ngoạm vào chân con
vật, vòng sắt nhỏ hình Elíp này giữ cho con thú không thể tách hai nữa vòng
tròn ra được. Chỉ con người mới biết đẩy nhẹ nó xuống, gạt hai nửa vòng tròn,
mở bẫy rút chân ra.
Nhớ lại cách làm của người bạn Tày hướng
dẫn hôm trước vô tình gặp, H’Chi đặt gùi xuống, dùng cán dao gạt chốt, hai tay
cố hết sức kéo hai nửa vòng tròn, rút bàn chân đẫm máu ra ngoài. Nước mắt, mồ
hôi chảy thành dòng. Tức quá đi mất, tại sao có kẻ dám vào rừng thiêng đặt bẫy
hại người thế này không biết. Đắp thuốc cầm máu, H’Chi ngồi bệt xuống đất hai
bàn tay xoa xoa phía trên bốn cái lỗ sâu hoắm do răng bẫy cắm vào. Nhức quá! Mấy
cái răng bẫy xuyên qua thịt chắc gần chạm xương nên mới đau thế này!
Bầy voọc thấy H’Chi mắc bẫy bỗng nhiên
dừng lại đứng im trên các cành cây cúi đầu nhìn, không con nào dám chạy nhảy nữa.
Chắc lũ chúng cũng biết được sự đau đớn H’Chi đang mắc phải.
-Tao không sao đâu, đau chút xíu sẽ khỏi
thôi. Chúng mày đi đi; đi kiếm ăn không bị đói đấy!
Bầy
voọc gương cặp mắt tròn xoe nhìn, như muốn chia sẻ nỗi đau.
-Đi
kiếm ăn đi chứ cứ theo tao thế này chúng mày chết đói cả đấy.
H’Chi bảo lũ voọc, song bọn chúng vẫn
lặng im nhìn, không chịu nhúc nhích. Ngồi một lúc đỡ đau, vết thương được buộc
thuốc không chảy máu nữa, H’Chi cầm xà gạc vung lên chặt đứt đoạn dây thép buộc
bẫy vào cây, cầm chiếc bẫy ném ra xa. Mấy con voọc nhìn thấy chiếc bẫy kéo sợi
xích bay qua thích quá giơ tay chộp lấy xúm lại xem, con nào cũng cố rờ, giật,
có con còn nghịch ngợm quấn sợi xích quanh cổ. Bỏ mặc bầy voọc đang xúm xít
tranh giành nhau xem bẫy, H’Chi lặng lẽ bỏ đi tiếp. Giờ đây không cần xác định
hướng gió nữa, ông mặt trời đã thức dậy, thỉnh thoảng ban phát những tia ánh
sáng yếu ớt xuyên qua lá rừng xuống mặt đất. Cây cối thưa hơn và như có phép lạ,
trước mắt H’Chi bầu trời xanh thẳm, cao lồng lộng hiện ra, rải ánh vàng êm ả
lên đồi cỏ gianh trước mặt. Xa xa ngọn núi Cô Đơn một mình sừng sững đứng soi
mình bên dòng sông Krông Năng cạnh buôn Cư Mgar. Cảm ơn Yàng cho bình minh đến
đón, báo hiệu một ngày mới tốt lành đã đến. H’Chi thầm reo lên; muốn dang tay
ôm lấy cả bầu trời lộng gió, ôm cả cánh rừng vào lòng trước khi chia tay về
nhà. Thế ra hôm qua mình ngủ cũng gần bìa rừng. Giá như đi thêm một đoạn mấy
trăm bước chân có thể về nhà được rồi,
đâu phải qua đêm trong khu rừng kì bí ấy nữa. Mừng quá quên luôn chiếc chân đau
H’Chi băng theo con đường mòn nhằm hướng núi Cô Đơn bước tiếp; bụng thầm nhủ: một
giờ nữa là về đến nhà thôi.
-Phựt!
Tiếng kêu như tiếng bật lẫy nỏ, H’Chi
chưa hiểu điều gì xảy ra, chân phải đã bị thắt chặt, giật ngược treo lên trời,
cây xà gạc văng ra xa, cả gùi thuốc đổ úp xuống mặt đất. Chiếc m’iêng mặc che
chân giờ quay lại che đầu, chiếc gùi tụt khỏi vai, hai tay chạm đất. Thôi chết,
mình lại mắc bẫy nữa rồi; H’Chi thầm kêu lên. Loại bẫy này làm bằng sợi dây cây
Móc xe lại, bền lắm. Trước đây mọi người vẫn vào rừng chặt chây Móc lấy sợi
trong thân nó to bằng sợi chỉ, đen bóng như sợi tóc kết lại với nhau bằng ngón
tay cái dài độ hai sải. Người đi gài bẫy tìm chỗ nào có nhiều thú hay qua lại,
chọn một cây bên đường to độ cổ chân người lớn, chặt hết cành buộc sợi dây móc
vào đầu cây kéo xuống gài bên lối đi. Con thú vô tình đi qua vướng vào bẫy sẽ bị
cây bật treo một chân lơ lửng trên trời, giống như con cá mắc câu, không thể
nào thoát được. Mấy mùa rẫy gần đây cán bộ họp dân, phổ biến chính sách của Nhà
nước cấm săn bắn thú hoang. Người trong buôn nghe lời Đảng, đốt bỏ bẫy, cam kết
không đi săn bắt nữa. Vậy mà vẫn có người lén vào rừng bẫy trộm thế này ư?
Chiếc bẫy quái ác, hễ H’Chi muốn co
người với tay mở vòng dây mắc ở chân, cái cây như chiếc cần câu, lắc lư, giật
lên giật xuống, đập lưng H’Chi xuống đất, buộc phải chống tay xuống mặt đất, nó
lại kéo ngược chân lên, dộng đầu xuống đất. May không có ai thấy chứ không mắc
cỡ chết mất; cái m’iêng không chịu che chân nữa, quay lại phủ kín cả đầu.
Đang lúc không biết phải làm gì để
thoát khỏi chiếc bẫy treo, bầy voọc ở đâu kéo đến hò hét inh ỏi. Có lẽ bọn
chúng tò mò nhìn H’Chi bị treo lơ lửng giữa trời. Chiếc m’iêng vướng quá, không
thấy được gì, buộc lòng phải tháo cho nó rơi qua đầu xuống đất.
Nhìn
thấy H’Chi bị treo, bầy voọc tò mò nối đuôi nhau nhảy xuống xem, hàng chục con
tranh nhau ngồi vắt vẻo trên cành bẫy. Nhờ sức nặng của bầy voọc, cây cần bẫy
được vít xuống chạm đất, H’Chi gỡ được dây đứng dậy từ từ thả dây cho cây đứng
lên, bầy voọc giật mình tung mình bỏ chạy. H’Chi vội tìm m’iêng mặc vào, mặt đỏ
bầm, ngồi bệt xuống đất bật khóc tức tửơi. Đi suốt cả ngày lẫn đêm giữa rừng
thiêng gặp bao loài thú dữ không con nào gây khó dễ cho mình; thế mà về gần đến
nhà lại bị chính con người làm cho khốn đốn. Bầy voọc ngơ ngác trố mắt nhìn.
H’Chi vừa khóc, vừa đứng dậy nhặt các loại cây thuốc bị rơi vãi bỏ vào gùi. Tức
cái cây bẫy mình, H’Chi vác xà gạc chặt gãy đôi trước khi xách gùi tạm biệt bầy
voọc đi về. Bầy voọc không dám xuống đồi cỏ tranh, đứng trên cây hú mãi, hú mãi
cho đến khi H’Chi khuất sau đồi Cô Đơn mới rủ nhau quay vào rừng.
Đúng là Nàng ! Thật tinh tế trong từng chi tiết li ti :)
Trả lờiXóa