CÁC THẦN NGƯỜI M’NÔNG
THƯỜNG THỜ
Người M’nông gốc
không ai thờ một thần, không tôn sùng một thần, không sùng kính một thần. Những
người chưa cưới vợ cưới chồng, chưa tách khỏi hộ cha mẹ, ông bà, chưa được tôn
thờ thần khác, chỉ thờ chung thần của ông bà cha mẹ mình thờ tại nhà gốc. Người
M’nông thường thờ các thần gồm có: thần kuăt, thần nêu, thần đá bếp hòn than,
thần lúa, kho lúa, thần khung cửa, thần nước ăn chung bon, thần cửa rào làng.
Mỗi lần cúng, không thiếu sót một thần nào. Nếu ăn con trâu, phải phết cúng củ
ngải bảo vệ làng ở ngoài cửa rào.
Bắt đầu thờ thần
riêng từ ngày tách hộ ở nhà riêng, di dời khỏi nhà cũ, đôi vợ chồng trẻ mới làm
nhà chưa có bàn thờ, chưa có cây nêu, chưa có bồ lúa.
Khi đôi vợ chồng trẻ
về nhà mới, chỉ cúng nơi cột nhà thay bàn thờ, cúng vái đá bếp; ăn gà nhỏ, uống
rượu nhỏ, bưng rượu đãi khách, uống rượu tuốt lúa, trỉa lúa, làm cỏ, phát rẫy,
cúng lúa cuối vụ, mỗi lần uống rượu phải cúng vái cột nhà, khung cửa, thần đá
bếp.
Thần Kuăt:
Bắt đầu có kuăt
(bàn thờ tổ tiên của người M’nông): đôi vợ chồng trẻ đi vào rừng gặp cây thắt
vòng, tre thắt vòng, dây leo thắt vòng thì chặt mang về nhà treo dưới mái nhà
phía gường, sạp phía trên, ngay cửa ra vào chính nhà mình, từ đó bắt đầu có
kuăt.
Nếu không gặp vòng cây
thắt, vòng tre thắt, dây leo thắt, miễn có gặp đá mlũm (đá thần màu
đen), đá mlũm báo mộng, mang về nhà treo nơi thường treo kuăt, từ đó có
kuăt.
Nếu không gặp thắt
vòng cây, thắt vòng tre, thắt vòng dây, đá thần cũng không gặp luôn, từ ngày
tách hộ làm nhà riêng, họ mua được vật gì, như mua được con trâu, lấy
Kleng (vòng dây dùng cột sừng để kéo con trâu) treo làm Kuăt; nếu mua được
ché rượu cần đầu tiên, họ lấy giàn mang ché treo làm kuăt; nếu mua được con voi
đầu tiên ta lấy nglêng (vòng dây may dùng để xích chân con voi) treo
làm kuăt. Đến ngày cúng lúa, họ vót xâu nêu treo làm kuăt. Khi lễ hội ăn trâu
diễn ra, và lễ hội xong, họ lấy bầu và ống kèn rlet treo nơi kuăt.
Như vậy, bàn thờ
kuăt có nhiều thứ, gồm cây thắt vòng, tre thắt vòng, dây thắt vòng, Kleng trâu,
giàn mang ché, nglêng cột voi, nêu cúng lúa, bầu và ống kèn rlet, tất cả kết
hợp thành thần kuăt. Khi ăn gà, ăn lợn, chém trâu, thui bò, uống rượu...
dù ché nhỏ, hay ché lớn, nhất thiết phải cúng thần kuăt trước, sau đó mới cúng
thần đá bếp, thần kho lúa của nhà.
Trong một nhà, thần
kuăt lớn hơn tất cả, quản lý các thần đá bếp, thần lúa, thần nhà; bảo vệ các
thành viên trong nhà, trong hộ đó. Mỗi lần chủ hộ gia đình khấn vái, họ dùng
máu lợn, máu gà, rượu đầu phết cúng bàn thờ kuăt trước tiên.
Thần đá bếp hòn
than:
Ban đầu, người M’nông
đi kiếm đá ở rừng, ở suối, ở núi, dùng để kê nồi nấu cơm, nấu canh. Nếu dùng đá
kê nấu ngoài rừng, trong chòi rẫy, đá đó không có thần linh trú ngụ; nếu lấy đá
đặt cẩn thận trong nhà bếp, nơi thường nấu cơm, và chính chủ hộ cúng máu gà,
nước rượu đầu; từ ngày đó, đá bếp bắt đầu linh thiêng.
Thần đá bếp hòn than
quản lý hồn người; ma quỉ xin ăn nó ngăn cản. Nếu có vị thần nào bắt hồn người
trong nhà, thần đá bếp hòn than đi chuộc, đi tìm. Thần đá bếp có nhiệm vụ ngăn
cản ma quỉ bắt hồn người trong nhà; thần hòn than bếp làm nhiệm vụ đi tìm hồn
người bị mất.
Thần khung cửa
nhà
Ngày người M’nông vào
ở nhà mới, lấy máu gà, nước rượu đầu, bắt đầu khấn vái nơi khung cửa. Khi ma
quỉ vào nhà ăn, liền bị thần đuổi; kẻ thù đến hù dọa các thành viên trong gia
đình, thần có nhiệm vụ xua đuổi. Nhưng khi có thần trâu đến, thần khung cửa nhà
cho vào; thần ché, thần lúa đến, thần khung cửa nhà cho vào. Thần khung cửa nhà
có trách nhiệm từ ngày đó, do vậy mỗi lần uống rượu, ăn gà, ăn
trâu, gia đình người M’nông luôn luôn nhớ cúng khung cửa.
Thần Jrô Jay
Lúc dựng nêu trong rẫy
lúa, thần Jrô Jay xuất hiện. Khi đã tuốt hết lúa, người M’nông mang
dôm (nhà thần lúa đan bằng lát tre) nêu lúa treo sau bồ lúa. Từ ngày đó,
nhà có thần Jrô Jay, nhà thần lúa. Mỗi lần uống rượu, ăn lợn, gà, trâu, bò,
người M’nông không quên cúng phết Jrô Jay. Nếu quên cúng phết Jrô Jay, thần lúa
hại chủ nhà. Khi ăn vịt, ăn dê sau khi cúng lúa, họ thường cột đầu vịt, đầu dê
vào Jrô Jay. Lúc Jrô Jay có cột đầu vịt, đầu dê, càng linh hơn. Khi đưa của cải
tài sản lúa gạo ra khỏi nhà phải khấn báo thần Jrô Jay mới được thực hiện, nếu
không báo cho thần Jrô Jay biết, chủ nhà sẽ bị hại.
Thần suối nước
Khi bắt đầu thành lập
bon mới, ngày khánh thành bon, người M’nông dùng máu lợn cúng bon mới. Máu lợn
được phết nơi nước ăn chung bon, rồi cúng. Từ ngày đó có thần suối nước. Khi có
lễ cúng lớn, uống rượu cần cúng lúa, uống rượu kết thúc vụ tuốt lúa, uống rượu
dựng nêu rẫy, người M’nông không quên cúng suối nước. Nếu uống rượu trong sinh
hoạt hàng ngày, không vì mục đích cúng trong bất cứ nghi lễ nào, không phải
cúng suối nước. Nếu bon bị ô uế do chửa hoang, con lẻ, người ta phải cúng xóa
suối nước mới yên bon.
Thần cổng làng
Từ lúc lập bon mới,
rào làng xong rổi, người M’nông chém trâu cúng thần hàng rào, giao việc thần
cổng làng nhận bảo vệ cho bon. Thần cổng làng không cho kẻ thù đánh các thành
viên trong bon, không cho ai đốt nhà trong bon, không cho dịch bệnh vào nhà,
không cho bệnh đậu mùa vào bon, không cho chiak Djũt, Ndu, Mu, Briăng vào bon.
Nhận diện ra người tốt ở nơi khác đến, thần cho vào bon, bà con dòng họ là
người tốt, thần cho vào. Khi nào trong bon có lễ cúng lớn, phải cúng phết thần
cổng làng.
Thần đá Gũn Dôih
Khi người M’nông chém
trâu, bưng ché rượu rlung cúng đá bếp, lấy đá bếp từ trong nhà trồng tại cửa
ngõ bên ngoài cổng làng, để bảo vệ bon làng. Họ trồng hòn đá bếp với củ ngải gũn
dôih. Người M’nông gọi đá này là thần đá gũn dôih. Khi trong bon có lễ cúng
lớn, người ta phải cúng phết cả suối nước, cổng làng và đá gũn dôih.
Thần kèn Rlet
Người M’nông làm kèn
Rlet để gọi thần lúa xua đuổi các thần ác.
Kèn Rlet tự thân không
bao giờ linh thiêng, do vậy khi nào người M’nông cúng với máu lợn, nước rượu
cần, từ đó kèn rlet bắt đầu có thần linh trú ngụ. Thần kèn Rlet linh như thần
Jrô Jay, nếu đưa của cải, lúa gạo từ trong nhà ra bên ngoài phải cúng báo thần
Rlet mới được xuất cho hoặc trao đổi mua bán. Nếu đưa của cải lúa gạo mà không
cúng báo thần Rlet thì người chủ sẽ bị hại. Trong khi thổi Rlet, chủ nhà không
được đưa của cải lúa gạo ra bên ngoài để trao đổi, mua, bán, biếu, tặng. Kèn
Rlet được cất giữ trong kuăt không phải kiêng cữ nữa.
Thần Tong Drăng
Ai muốn giàu có, thịnh
vượng, cầu mong cho làm ăn khá giả, phát tài, phải tổ chức lễ cúng vật Bôk,
N’hao sõk bằng con lợn, rượu rlung; dùng chén gạo, đèn sáp, gà trống biết gáy
cột với tong drăng cúng vái trên đầu người, rồi cột tong drăng vào Kuăt. Mỗi
lần thực hiện bất kỳ nghi lễ nào, khấn cúng, ăn gà, uống rượu cần, mức độ lễ dù
nhỏ hay lớn, trước tiên phải cúng thần Tong Drăng và thần Kuăt, thần nêu, rồi
mới cúng các thần khác. Tong Drăng chính là thần bảo vệ con người.
Thần Tong Gle
L’ha L’ang
Bất cứ nhà nào nuôi
con voi, có dùi điều khiển voi, cọc cột voi, người M’nông gọi là thần Tong Gle
L’ha L’ang. Họ cúng thần Tong Gle L’ha L’ang cũng như cúng thần Nguăch Ngual,
thần chuyên chăn voi rừng và voi nhà. Mỗi lần có lễ cúng uống rượu cần, người
M’nông phải cúng thần Tong Gle L’ha L’ang, tức là thường xuyên cúng dùi và cọc
voi.
Ngoài các thần
kể trên, người M’nông thường hay cúng chuồng lợn, chuồng trâu, cồng chiêng,
ché, rlung và các hòn đá thần nếu có.
Thần lúa linh thiêng
và quan trọng hơn tất cả các thần trong nhà. Khi trỉa lúa, chủ nhân phải cúng
lợn, gà, rượu cần; cắm vòng phải cúng gà, rượu; cắm nêu phải cúng
rượu, lợn, vịt, dê, bò; ăn cơm gạo mới, phải cúng gà, rượu; bắt đầu tuốt lúa,
cúng gà, rượu.
Nếu tuốt lúa dư bảy
chục gùi, phải cúng hai con gà và một ché rượu; tuốt đủ trăm gùi lúa phải cúng
lợn, rượu. Kết thúc tuốt lúa, lúa ít, chủ nhân phải cúng gà; trăm gùi phải cúng
lợn, với hai ché rượu, một ché cúng chân thang, một ché cúng lúa. Trong lễ tắm
lúa, thu hoạch lúa ít, cúng lợn với ché rượu nhỏ, đạt trăm gùi chủ nhân phải
cúng trâu, với ché rượu rlung.
Nếu lúa bị đổ xuống
ao, xuống suối, lúa bị rơi rớt, bị đổ vào lửa, chủ nhân phải cúng vịt, chó,
lợn, rượu; kho lúa bị cháy, bờ lúa bị cháy, nhà có lúa bị cháy phải cúng vịt,
chó, lợn, bò, bầu nước tưới lửa…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI