Nhà văn Khôi Nguyên bên thác Đrai Yông
ĐRAI YÔNG
Ký
Đrai Yông là tên một
dòng thác nằm ở hướng Tây Bắc của thành phố Buôn Ma Thuột, nơi giáp ranh của 2
huyện. Nếu bờ bên này là xã Ea M’nang và bên kia là xã Ea M’Đroh của huyện Cư M’gar
thì dòng chảy dưới chân thác đổ xuống xã Cuôr Knia của huyện Buôn Đôn.
Du khách phương xa đến
với Đắk Lắk vẫn thường thắc mắc về các địa danh nơi đây sao hay gắn với từ “cư”,
“krông”, “ea”... xin thưa, vì lẽ sinh tồn, người khai thiên lập địa bao giờ cũng
chọn đất và nguồn nước. Theo tiếng Êđê “cư” (phát âm chuẩn phải là “chứ” – âm
ngắn) có nghĩa là núi, “krông” có nghĩa là sông, “ea” có nghĩa là nước hoặc suối.
Cũng như vậy, “đrai” có nghĩa là thác nước. Đrai Yông có nghĩa là Thác Yông. Còn
tại sao lại gọi đây là thác Yông thì rất nhiều giả thiết. Có người cho rằng yông
có nghĩa là cây đòn dông (cây xà dọc nóc nhà). Giả thiết này lại có nhiều cách
lý giải. Mỗi nghệ nhân dân gian có một câu chuyện riêng về sự tích thác Yông.
Người thì bảo tại đỉnh thác chạy dài như cây đòn dông trên nóc, các nhánh thác đổ
như cây xà dọc của mái nhà...; người thì cho rằng ngày xưa, những nô lệ của người
Lào gần đó, đêm nằm ngủ, ngó lên cây đòn dông, nghe tiếng thác đổ, nên nhớ nhà,
đã bỏ trốn để về với quê hương và gia đình...; người thì bảo chui vào trong lòng
thác, nhìn dòng thác đổ bên ngoài, qua các tầng tầng lớp lớp rễ cây, cứ tưởng mình
đang ngồi trong nhà ngắm mưa rơi mà đỉnh thác là nóc nhà...
Nhưng dễ được chấp
nhận và đồng thuận với lý giải rằng gọi là thác Yông do ở nơi này có con jik yông
– lớp lưỡng cư, họ nhà ếch nhái – sống ở đây rất nhiều. Hình dáng giống như con
ếch, thân ngắn, xanh sẫm nửa thân trở về đuôi.
Jik yông cứ nằm phơi mình trên các bãi đá, khi chúng kêu nhiều thì báo
hiệu mưa to, gió bão, động đất... sắp xảy ra. Chúng
giúp con người nắm bắt những diễn biến của thiên nhiên sắp xảy ra.
Ở xã Ea M’nang, phần
đông là người Quảng Nam
đến sinh cơ lập nghiệp nên có người gọi Đrai Yông là Thác Ồ. Bởi tiếng thác đêm
ngày cứ ào ào nhưng người xứ Quảng không phát âm được vần “ào”.
Tuy Đrai Yông chỉ cách
Buôn Ma Thuột chưa đầy 30 km nhưng không dễ tìm nếu không có “thổ công” dẫn lối.
Bản thân người viết bài này cũng đã từng “mua đường” theo vòng xoáy trôn ốc, hỏi
người này rồi hỏi người kia không dưới chục lần.
Đường vào thác, mỗi
lối lại có những vẻ đẹp khác nhau.
Nếu rẽ vào từ xã Cư
Suê, sẽ bắt gặp những đoạn đường rợp mát bóng cây muồng đen xanh mướt từ gốc đến
ngọn bởi người dân ở đây tận dụng thân cây thành trụ tiêu sống, những dây tiêu
cứ thế bò theo thân và cành của cây chủ mà trổ lá, kết trái thi với màu xanh của
lá cây chủ. Bất cứ du khách nào cũng ngỡ ngàng như thể đang được chui vào hang động
xanh. Xanh bên phải, xanh bên trái, xanh ở trên đầu, xanh trước, xanh sau... Đang
giữa trưa trong cái nắng của đại ngàn mà được nghỉ ngơi ở đây thì thật là sảng
khoái.
Nếu rẽ từ thị trấn
Ea Pôk, bạn sẽ gặp sự ngút ngàn của những rẫy cà phê. Gặp mùa hoa nở, hương hoa
cà phê quyến rũ mê ly bởi sự dịu ngọt, rời xa cả ngàn cây số rồi mà hương hoa vẫn
còn bởi quần áo, đầu tóc ta đã được ướp hương hoa ấy; cái màu hoa khiến ta ngẩn
ngơ bởi sự tinh khôi, đã nhìn thấy nó rồi thì không thể nào quên nổi, cứ níu kéo
người dưng phải quay về tìm lại. Nếu du khách đến vào mùa thu hoạch, cái màu tím
đỏ trĩu cành của những chùm cà phê mọng vỏ, nghe tiếng rào rào của những trái cà
phê rơi từ trên cao xuống bạt theo tay người tuốt, nghe tiếng râm ran của người
lao động, được nhấm vị ngọt thơm của vỏ trái cà phê chín... sẽ cảm nhận được phần
nào phong vị sống của con người nơi đây.
Nếu tìm đến thác
theo lối rẽ từ thị trấn Quảng Phú, du khách sẽ được đi qua chân núi Cư M’gar –
một núi mà huyện mang tên theo. Cũng có nhiều lý giải về tên của núi. Người thì
cho rằng do núi này có nhiều sỏi đá, người thì cho rằng bởi xưa kia người M’nông
Gar đi buôn bán qua thường nghỉ lại nơi đây, người thì kể sự tích rằng xưa kia
có người đàn bà dám thách đấu với voi ở núi này (chị ta làm việc ngược với lẽ
thường: sức mạnh là của đàn ông)... Nhưng nhiều người thiên về lý giải cái tên
Cư M’gar là do núi này thay vì đỉnh núi phải cao thì nó lại trũng xuống như cái
phễu (tiếng Êđê: m’gar = ngược) – vết tích của núi lửa hàng triệu năm để lại. Núi
M’gar vẫn giữ nét hoang sơ với thảm thực vật và động vật nguyên sinh. Dưới chân
Cư M’gar là những rẫy bắp, rẫy đậu hẹn mùa no ấm.
Dù đi theo lối nào,
điểm đến vẫn là Đrai Yông. Nếu lạ, trước tiên phải hỏi đường đến xã Ea M’nang. Đến
địa phận đó rồi, hỏi người dân địa phương đường vào Thác Một. Bởi Ea M’nang có
3 điểm thác. Do chưa là tụ điểm du lịch nên hỏi đường vào thác Đrai Yông hay Thác
Ồ thì nhiều người ở đây cũng ngỡ ngàng. Nếu đi xe từ 12 chỗ ngồi trở xuống thì
có thể đến tận đỉnh thác. Nếu đi xe quá 12 chỗ ngồi thì xe phải dừng ngoài đường
để khách đi bộ khoảng 700 m. Đường vào thác cũng khá hấp dẫn bởi qua khu dân cư
san sát là đến một cánh đồng với những thửa ruộng bậc thang có bờ là những viên
đá mồ côi màu gan gà được be đắp uốn lượn theo địa hình, mỗi “bậc thang” rộng
chừng vài chục mét (không hẹp như ruộng bậc thang ở các tỉnh miền núi phía Bắc).
Ngay cả đường vào thác cũng chỉ được coi như một bờ ruộng nên nước vẫn tràn qua
(yên tâm là không có sình lầy, xe đi không lún).
Đỉnh thác là dòng Ea Tul hiền hòa chảy giữa thảo nguyên
bao la với những đồng lúa, rẫy cà phê, vườn cây trái... Dòng Ea Tul như
bao dòng khác của Tây Nguyên là chảy theo hướng từ đông sang tây (vì nằm ở phía
tây của dãy Trường Sơn) rồi nhập vào dòng Srêpôk chảy đến Biển Hồ của
Campuchia, theo Cửu Long giang làm cho đồng bằng Nam bộ thêm phù sa màu mỡ. Với
chiều rộng gần 100 m ở điểm này, dòng Ea Tul giống như một đơn vị đặc công, tự
chia thành 4 mũi chính để xuất kích. Để rồi 4 mũi tấn công băng mình lao từ độ
cao chừng 15 đến 20 mét, hợp lưu vào nơi tập kết khoảng 2000 mét vuông, xong thì
tiếp tục hành quân theo hướng đã định là Srêpôk – Biển Hồ - Cửu Long Giang – Biển
Đông với mục đích phụng sự cho cuộc sống.
Đường từ đỉnh thác
xuống chân thác len lỏi, quanh co trong rừng rậm tự nhiên, độ dốc vừa phải; những
bậc đá không cao, không dài, vừa tầm với bước chân nên khá dễ lên xuống.
Từ
đỉnh xuống chân thác chỉ mất chừng hơn chục phút là có thể ngắm những cột nước
bạc dội từ trên cao xuống tạo nên âm thanh trầm hùng của núi rừng... Nếu đến vào
buổi sáng, sẽ được ngắm mặt trời lên từ đỉnh thác nhưng không thấy được cầu vồng
mọc dưới chân thác như lúc ban chiều, nhưng bù lại là sự sảng khoái cho một ngày
mới đầy sáng tạo. Nếu đến buổi trưa, thì sẽ có cảm giác đang được hưởng thụ máy
điều hòa nhiệt độ của thiên nhiên dù cho VTV báo rằng Buôn Ma Thuột đang ở thời
điểm 32 đến 35 độ. Nếu đến buổi chiều, khói thác nghi ngút, may mắn sẽ thấy cầu
vồng mọc từ chân thác, ai cũng muốn lưu lại ảnh của mình bởi bồng lai tiên cảnh.
Hãy nán lại chờ vào chập tối để nghe jik yông kêu gọi bạn tình mà đoán xem ngày
mai nắng hay mưa, thậm chí là bão tố và động đất...
Cũng
dưới chân thác, do dòng nước đổ nên tạo ra hang hốc. Có hốc sâu cả chục mét, dài
cả trăm mét, rễ cây theo hơi ẩm, theo dòng chảy, theo lẽ sinh tồn mà cứ thế rủ
dài, xõa xuống như bức mành che... rất đặc trưng nơi đây.
Hòn đá Con Gà với một cây si bao bọc bằng bộ rễ hàng trăm năm tuổi đã trở
thành nơi thề non hẹn bể của bao đôi lứa. Gốc si già nơi đỉnh thác còn tồn lưu
bao chuyện tình của ai đã đến nơi đây. Mỗi vết khắc vào thân cây là một lời thề
son sắt, mỗi vết mực viết bằng bút xóa trên các tảng đá là dấu tích của người đã
đến với Đrai Yông. Mỗi đụn đá nằm giữa nơi bãi hợp lưu của thác hóa thành chứng
nhân của ai đã tìm về với nó...
Chui vào hầm dưới lòng thác, thưởng thức làn khói hơi nước, ngắm cảnh sơn
thủy hữu tình, nghe thác cất lên tiếng hát của đại ngàn... khác nào đang ở nơi
tiên cảnh.
Chỉ tiếc rằng, Đrai Yông đến nay vẫn như viên ngọc quý đang tiềm ẩn. Nhưng
chắc một ngày nào đó, nó sẽ trở thành điểm thu hút du khách như bao dòng thác nổi
tiếng khác ở Tây Nguyên.