Thứ Năm, 25 tháng 8, 2016

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 288 - tác giả LÂM HẠ





NGƯỜI ĐI TÌM BÓNG
Truyện ngắn



Chúng tôi là người. Tất nhiên là tôi biết, làng tôi biết, và nếu bạn nhìn vào tôi, bạn cũng nhận ra điều đó.
Nhưng, chúng tôi không có bóng, chuyện đó thì không hẳn ai nhìn vào cũng biết.
Đó là câu chuyện dài, thường được bắt đầu, được lưu truyền bằng câu kể  “ngày xửa ngày xưa”, từ một thời điểm nào đó xa tít tắp. Ngày ấy, những con người sơ khai lập nên làng tôi vẫn còn bóng, người và bóng là bạn, người trò chuyện cùng bóng, thương yêu những cái bóng như thương yêu đôi bàn chân mình. Nhưng rồi một ngày, những cái bóng ấy muốn trỗi dậy, muốn cắt điểm giao kết giữa tổ tiên chúng tôi và bóng của chính mình. Những cái bóng đưa ra lý do vì sao chúng đòi hỏi điều đó.
“Con người chỉ làm những điều họ muốn, chỉ thấy cần những thứ cho bản thân mà không quan tâm đến người khác. Đôi chân người đi đến nơi bóng họ không muốn đặt chân, đôi tay người làm những việc mà bóng thấy xấu hổ, đôi môi người nói những điều mà đôi tai bóng thậm chí không thể lắng nghe. Những cái bóng muốn sống cuộc sống như mình mơ ước, thanh bình và nhẹ nhàng, không phức tạp như con người.”
Sau những tháng ngày dài tranh luận, thương thuyết, cuối cùng tổ tiên chúng tôi cũng phải chấp nhận điều kiện của những cái bóng. Họ đặt ra một kết giới, một loại rào chắn vô hình được xây nên bởi những lời thề của cả hai bên. Họ thề rằng cả ngàn đời sau, con cháu của người và bóng không được tìm đến nhau. Họ chia giới phận, họ kết những sợi dây làm rào chắn. Ngàn năm, vạn năm, chúng trở thành một bức tường kiên cố rong rêu, chưa có người nào đặt chân đến vùng đất phía bên kia – phía bên những chiếc bóng của mình – để được gặp gỡ một phần cơ thể họ.
Tất nhiên, việc phân tách cũng phải có quy trình, không phải ai sinh ra cũng đều không có bóng, mà ngược lại. Bất- kể- đứa- trẻ- nào- sinh- ra- cũng- đều- có- bóng. Nên làng tôi có một tập tục cổ xưa, khi có một đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời, mọi người trong làng sẽ đến chiêm ngưỡng sinh linh bé nhỏ như chiêm ngưỡng cái bản thể sơ khai của chính mình, tặng quà, chúc phúc cho đứa trẻ rồi đem nó ra giữa ánh sáng mặt trời, để được nhìn thấy bóng của đứa bé, lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng. Sau đó, một kết giới được thực hiện phân tách chiếc bóng, cái bóng tự biết vị trí của mình, sẽ tìm về bên kia bức tường, và mãi mãi ở lại bên ấy cho đến khi đứa trẻ đó mất đi.
Cũng như bao đứa trẻ khác, tôi chưa bao giờ thấy bóng của mình. Tôi hình dung ra nó, có phải như một làn gió mùa xuân mang hương thơm của hoa cỏ? Bóng có như những cụm mây lững lờ trôi rồi bỗng chốc đổi màu hóa thành mưa? Từ ngày tôi biết mình không hoàn hảo, mình sống thiếu một điều gì đó thuộc về mình, tôi thường hay suy nghĩ về những cái bóng. Mẹ tôi kể, ngày mẹ đưa tôi ra tắm ánh mặt trời lần đầu tiên để thực hiện một kết giới với cái bóng của mình, tôi đã khóc rất to, còn cái bóng bé xíu của tôi co cụm thành một chấm nhỏ li ti trên nền đất. Mẹ rất buồn, mẹ không hiểu những giao ước của tổ tiên có ý nghĩa gì nhưng mẹ biết, cuộc sống không có bóng chắc hẳn sẽ mang nhiều nỗi buồn. Mẹ thì thầm với cha, hay chúng ta giấu cho con mình một cái bóng, giấu thật kỹ? Nhưng cha cương quyết, chúng ta không thể làm khác những gì tổ tiên đã lưu truyền, đó là vi phạm những kết giới, và cha bắt đầu tách chúng tôi, tôi- và- bóng.
Tôi không có bạn, những đứa trẻ không- có- bóng như tôi. Bạn tôi là những cụm hoa ven đồi, những mầm cây mới nhú, những chú chim chích chuyền cành hót lên những bài ca hân hoan trong nắng sớm. Tôi ganh tị với chúng, nhưng tôi cũng thầm mong được như chúng, vì sao ư? Vì chúng có bóng. Đúng, chúng chẳng bao giờ cô đơn cả. Chúng chơi đùa với cái bóng của mình, cùng đồng hành trên những hành trình dài di trú, cùng nhau lớn lên, già đi, khô cằn và tàn lụi. Những cái bóng ẩn nấp khi trời mưa và chạy ào ra phơi mình khi ánh mặt trời len lỏi tìm đến chúng. Tôi yêu chúng, những cái bóng dễ thương.
Vào một đêm buồn tẻ, tôi nhìn ra sân, bóng của cây tiêu huyền in trên vách với những chiếc là rung rinh như đang dự lễ hội khiêu vũ dưới ánh trăng màu mỡ gà. Tôi buồn bã hỏi mẹ vì sao chỉ có con người chúng ta mới không có bóng? Mẹ im lặng một hồi lâu, nén tiếng thở dài rồi thì thầm như sợ con thạch sùng trên trần nhà nghe thấy. Vì con người có nhiều thói xấu, nhiều vô kể, nhiều đến nỗi chính cái bóng của họ cũng không thể chấp nhận được. Mẹ cũng đã từng muốn làm cỏ cây, hoa lá, chứ chẳng muốn làm người.
Từ hôm đó, ngày nào tôi cũng tự nhủ mình không được làm những việc xấu, không trêu chọc hàng xóm, không trộm cắp, không nói xấu bạn…và tối nào tôi cũng thì thầm với bóng cây tiêu huyền rằng ngày hôm đó tôi không làm việc gì xấu mà ngược lại, chỉ làm những việc tốt thôi. Và tôi cam đoan những điều tôi nói là sự thật, tôi chỉ nói sự thật, vì nói dối cũng là một việc xấu.
Vậy mà tôi vẫn chẳng có bóng. Thật không công bằng, nếu đúng như lời mẹ nói thì nếu tôi trở nên ngoan ngoãn, đáng yêu thì phải có bóng chứ? Tôi lang thang khắp vùng đồi, bây giờ đang là mùa xuân, cỏ hoa xanh tươi, nhưng tôi vẫn thấy tận sâu thẳm trong mình có một nỗi buồn không thể nói nên lời.
Trong một chuyến dạo chơi của mình, tôi đã thơ thẩn đi đến bên bờ tường giờ đã chuyển màu xám, bức tường ranh giới. Tôi lần mò, chạm tay vào những tàn tích đã chứa đựng nhiều bí mật lâu đời, những câu chuyện chưa được kể, những điều được gìn giữ cẩn thận. Tôi bắt đầu tò mò về thế giới bên kia, thế giới của những - chiếc - bóng, nơi cất giữ một phần cơ thể của chúng tôi. Tôi lấy tay, cào nhẹ vào bức tường, những hạt bụi đất bay vương vãi. Có tiếng động, rất khẽ, rồi to dần, và tôi nhận ra đó không hoàn toàn chỉ phát ra từ hành động của tôi.
Có ai đó - hay nói đúng hơn là bóng của ai đó - cũng đang ở phía bên kia, và hành động như tôi, thậm chí còn mạnh mẽ hơn. Nhưng bức tường không đơn giản chỉ để một bản thể người và bóng phá vỡ. Chúng vẫn đứng im, sừng sững chia đôi thế giới. Bây giờ tôi mới nhận ra rằng, con người thật nhỏ bé, và không phải chuyện gì con người cũng có thể can dự vào. Tôi bất lực, ngồi xuống thảm cỏ bật khóc nức nở. Dù sao thì tôi cũng chỉ là một đứa trẻ thôi mà? Một đứa trẻ cố gắng không phạm phải những lỗi lầm, đơn giản để được nhìn thấy bóng của mình. Tôi khóc to hơn, thét gào về phía bên kia bức tường, hi vọng nhỏ nhoi rằng bóng của tôi đang ở đâu đó, sẽ nhận ra, và chạy đến bên tôi.
Bóng chiều đã đổ xuống chân đồi, chỉ còn vài tia nắng yếu ớt còn vương lại trên ngọn cây. Tôi ủ rủ đứng dậy, lê bước về nhà và tự nhủ sẽ quên đi chuyện này, quên hẳn. Tôi thầm nghĩ, chắc ngày xưa, những người lớn – khi còn là một đứa trẻ như tôi – cũng đã hi vọng như vậy, và cũng có những hành động ngốc nghếch thế này. Nhưng cuối cùng, chẳng có ai làm được, họ vẫn sống với cuộc đời không hề có bóng. Tôi chỉ thắc mắc, sống cả đời như vậy thì có thú vị không?
Tôi đi thơ thẩn, chạy đến chỗ tia nắng còn sót lại để tìm bóng của cành cây nào đấy, tôi nghịch với nó, tự an ủi nỗi thất vọng đang lớn dần trong mình. Bóng cây hôm nay thật lạ, lại làm theo những hành động của tôi, chiếc lá sao to đến thế? Hình thì lại kỳ quái, lá cây mọc tay sao, đủ năm ngón bé tẹo đây này, yên nào, nó co cụm, uốn éo, đúng y như những hành động của tôi, khoan đã…lẽ nào? Tôi đưa chân ra, cởi đôi giày có một lỗ thủng được mẹ vá lại khéo léo, năm ngón chân, ngón út bé tí xíu kìa. Thật không thể tin được, tôi bàng hoàng quay lại nhìn ánh sáng cuối cùng đã tắt lịm. Trên đường về, tôi vẫn chưa hiểu chuyện gì đang diễn ra.
Đêm không trăng, chỉ có những ánh sao lấp lánh, những ánh sao quá xa để có thể soi bóng bất cứ thứ gì trên mặt đất. Tôi nằm im trong căn phòng tối, để chắc chắn rằng giờ này cả nhà đã ngủ say. Tôi ngồi dậy, nhẹ nhàng cố gắng không gây ra tiếng động. Tôi lén lấy cây đèn bàn đặt lên giường và trùm chăn lại, bật đèn. Bóng của tôi bắt đầu nhảy múa, thì thầm kể cho tôi nghe những câu chuyện về thế giới của những - chiếc - bóng. Thế giới ấy chỉ là những ảo ảnh lờ mờ, luôn luôn hi vọng cái bản thể người của mình đến tìm, nhưng hàng ngàn năm nay, chưa có cái bóng nào được quay về với con người thật của mình cả. Tại sao ư? Vì đến khi nhắm mắt xuôi tay, con người chỉ giữ lại trong lòng những hận thù, toan tính thì kết giới sẽ chẳng thể nào được hóa giải. Chỉ có duy nhất cái bóng của tôi vẫn luôn hi vọng và tin tưởng rằng một ngày nào đó sẽ được trở về.
Nhưng có một điều thật kỳ lạ, từ ngày tôi có bóng, mọi người lại càng xa lánh tôi. Tôi trở thành một con người kỳ dị, một người lại chẳng giống ai trong làng. Tôi buồn bã, lang thang một mình trên những triền đồi ngập nắng nhưng chẳng thể xua tan băng giá trong lòng. Cái bóng an ủi tôi, và rồi chúng tôi quyết định sẽ đi về phía bên kia bức tường và kể cho những cái bóng nghe về thế giới con người, những người suốt đời không - hề - có - bóng. Những cuộc đời lặng câm, tuyệt vọng, chất chứa trong lòng sự thù hận ghen tuông, những bản năng sinh tồn yếu đuối.
Đêm nay, tôi nằm giữa những cái bóng, bóng của cha, mẹ, bạn bè, anh chị em…chúng im lặng và thầm cầu nguyện. Chúng hi vọng rằng tôi, người duy nhất tìm được bóng mình, người luôn giữ trong lòng những gì tinh khiết nhất của trái tim con người sẽ có thể giúp hàn gắn hai thế giới người và bóng, để loài người không còn cô đơn nữa. Nhưng tôi biết điều đó chẳng dễ dàng gì, những định kiến đã được hình thành hàng ngàn năm, điều tốt đẹp đã bị xóa nhòa theo thời gian để cái ác ngự trị quá lâu như những tảng đá kiên cố chắn lối con người nhìn thấy ánh sáng chân lý thì phải mất bao nhiêu thời gian để tìm lại?
Một con đường gian nan, nhưng với tư cách Người duy nhất tìm lại được cái bóng của mình, tôi sẽ dành cả cuộc đời mình để giúp những cái bóng tìm lại cuộc đời của chúng, cũng như để loài người tìm lại được nguồn khởi sinh của chính mình. Bởi khởi sinh một con người, luôn là những nụ hoa tốt lành.








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI