Đi liên hoan tiệc tùng,
tất cả mọi người đều thắc mắc tại sao ngồi vào mâm có món hải sản cua ghẹ là tôi
lại tránh. Không những tránh ăn mà còn tránh nhìn nữa. Tránh ăn thì cũng nhiều
người rồi. Thời hiện đại, thật lắm bệnh tật đòi hỏi con người ta phải kiêng
khem đủ thứ. Nhưng tránh nhìn thì nghĩa là sao? Nghĩa là mỗi khi nhìn thấy mai
cua trên mâm, tự dưng tôi cứ ứa nước mắt, không thể nào tiếp tục cầm đũa, cầm bát
nổi nữa.
Tất cả gắn với con
bạn hồi đi mẫu giáo và tuổi thơ cơ cực của cả hai. Ba mươi năm có lẻ rồi mà như
mới hôm qua…
Con bạn ấy tên là cái
Tấm. Không biết bố mẹ nó đặt tên con là nghĩ đến cô Tấm ở trong chuyện cổ tích
hay tại nhà nó nghèo quá, quanh đời ăn gạo tấm, thứ đầu gạo vụn, gẫy bán rẻ hơn
gạo nguyên lành. Mà gạo tấm lại phải độn với đủ thứ quanh năm. Cao cấp nhất là độn khoai. Còn lại là rau muống, rau
má, thậm chí là củ chuối già.
Nhà Tấm nghèo và đông
con như nhiều gia đình khác ở trong làng. Tấm là con út, trước nó có đến 7 anh
chị. Tấm bằng tuổi tôi, lại chung một ngõ nên tôi với nó chơi thân lắm. Thân đến
nỗi có gì ăn được cũng để phần nhau. Trẻ con nhà quê lúc nào cũng đói, lúc nào
cũng thèm ăn nên việc phần nhau một miếng ăn là điều vĩ đại vì nhau. Những món ăn
mà nó để dành để dè cho tôi chỉ là nửa củ khoai nướng vội bằng bếp rạ, phía vỏ
ngoài cháy đen như than nhưng trong lõi vẫn còn sống, ăn vào vừa đen nhẻm mồm miệng,
vừa sậm sà sậm sật. Là một mảnh bánh đa nướng bé tí bằng bàn tay mà mẹ nó giấu
giếm mua ngoài chợ mang về cho con (có lần bố nó biết mẹ nó bớt tiền đong gạo để
mua bánh đa, bố nó tát mẹ nó chảy cả máu mồm). Một đàn con có 8 đứa mà chỉ có một
cái bánh đa nướng nên phần của Tấm chỉ con con thế thôi. Nhưng nó chỉ dám nhấm
một tí xung quanh, rồi để phần chờ tôi đi học mẫu giáo cùng ăn. Có hôm chẳng có
gì ăn được, nó dấm dúi bốc trộm một tí muối vừng, nắm trong lòng tay, đợi tôi
ra đầu ngõ mới xòe tay. Dúm muối vừng mặn chát giữa lòng tay ướt nhẹp. Hai đứa
cứ mút đầu ngón tay, chấm xuống muối vừng rồi lại cho lên miệng mút. Mặn rụt lưỡi
mà thấy ngon như cao lương mỹ vị trên đời. Ra lớp mẫu giáo khát nước quá, tôi với
nó rủ nhau chạy xuống cầu ao phía cổng vào lớp, mắt trước mắt sau không thấy cô
giáo ở quanh đấy là thi nhau vốc nước ao uống ngon lành. Có lần uống xong, cái
Tấm còn la lên: tao vừa uống phải một con tép mày ơi! Tôi bắt nó há miệng xem, nhưng con tép thì đã
theo nước ao chui xuống dạ dày nó tự bao giờ.
Nhưng món ăn vặt mà
tôi với cái Tấm “tâm đắc” nhất lại chính
là món cua luộc. Không phải cua bể, mà là cua ao. Bờ ao nhà nó dày đặc bè
rau muống lẫn với bèo tây. Mỗi sáng mẹ nó thường mang cái rổ xuống ao, xúc xúc
trong đám rễ bèo tây và rau muống, nhấc lên, thể nào trong rổ cũng có vài con tép,
con cua hay con cá thòng bong, cá mại cờ đang cuống cuồng tìm cách thoát thân.
Chục lần chao như thế, mẹ nó đã có nguyên liệu để nấu canh rau muống. Không riêng
gì nhà cái Tấm, hầu như nhà nào trong làng tôi cũng kiếm thức ăn theo cách đó cả.
Hoặc là chao xúc ở ao nhà, hoặc vác rổ, vác dậm ra đầm, ra sông, ra đồng… Những
con cá, con cua, con tép xúc về, nếu nhiều thì kho lên, ít thì đổ cả vào nồi nước,
đun sôi, cho nắm muối, thả rau muống bè vào. Thế là thành thức ăn để đưa cơm.
Nhà cái Tấm đông người, anh chị em nó phải chia nhau từng con cua trong nồi
canh (cua để nguyên con, chỉ thả vào nồi nấu cho chín, khi nào có nhiều cua mới
giã ra lọc lấy nước nấu canh). Cái Tấm không ăn con cua của nó ngay mà thường để
dành. Khi đi học với tôi nó mới lôi ra, cẩn thận xé đôi con cua. Lúc thì nó ăn
phần mai, tôi ăn phần thân. Lúc nó ăn phần thân, tôi phần mai. Mai cua cứng, chỉ
có thể mút mút chút nước và chút gạch cua. Thế mà thấy ngon không thể tả. Có lần
tôi mút nhiệt tình quá, phần gai cứng ở mai cua cào rách cả môi.
Hôm ấy, chẳng hiểu
sao tôi và cái Tấm rủ nhau đi học sớm hơn thường lệ. Đến lớp mẫu giáo rồi mà chưa thấy cô giáo, cũng chẳng có
bạn nào. Hai đứa tha thẩn rủ nhau ra phía bờ ao để đào củ gấu. Củ gấu của cây cỏ
gấu, bé xíu như cọng rơm, đen sì. Cỏ gấu mọc cơ man là nhiều khắp mảnh sân đất
của lớp mẫu giáo, nhưng ở ven bờ ao, đất ẩm hơn, cỏ gấu tốt hơn và củ cũng to hơn.
Đất bờ ao lại mềm, dễ đào. Lũ trẻ chúng tôi thường kiên nhẫn lấy que, đào củ gấu,
rồi lấy móng tay cạo cạo sơ qua lớp vỏ đen bên ngoài, cho vào miệng nhai ngấu
nghiến. Chẳng biết đứa nào phát minh ra việc củ gấu có thể ăn được, nhưng sự thực
thì nó không ngon lành gì, mùi hăng hăng mà vị thì hơi chan chát. Thế nhưng bọn
trẻ con tứ mùa đói kém chúng tôi cứ miệt mài đào và ăn suốt. Đang đào củ gấu,
chợt tôi thấy cái Tấm vứt cái que, reo: có con cua to chưa kìa! Theo tay nó chỉ,
tôi thấy không phải một mà những hai con cua càng đang cắp nhau, bám vào cây bèo
tây bập bềnh ven bờ ao. Cái Tấm hí hửng men xuống ao để bắt hai con cua. Chưa gì
nó đã chia: mày một con, tao một con, tối về cho vào nồi canh nhá! Tôi chỉ kịp
thấy cái Tấm khom người, với tay ra phía hai con cua… Mọi chuyện sau đó diễn ra
quá nhanh. Chỉ biết khi tôi cố chạy ra đường, bủn rủn và hoảng loạn gào lên được
một câu: cái Tấm ngã xuống ao, thì nó cũng đã chìm nghỉm.
Cái Tấm mãi mãi năm
tuổi rưỡi. Mãi mãi là đứa bạn thân nhất lớp mẫu giáo lớn của tôi. Mỗi thanh
minh về nghĩa địa làng thắp hương cho nó, nước mắt tôi vẫn chan chan như hôm túm vạt áo bà, bước thấp bước
cao đi theo chiếc quan tài tí tẹo mà ông Sùng rỗ làng tôi vác trên vai, đi ra cánh
đồng Mả Mộc. Mỗi lần nhìn thấy những chiếc mai cua, cổ họng tôi vẫn nghẹn đắng
lại, xót xa…
7.2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI