Ngày xửa ngày xưa, lâu lắm rồi, khi ấy buôn M’lôk chỉ phải
trồng hạt lúa, củ khoai làm lương thực còn thức ăn hàng ngày không bao giờ phải
lo; nhà nào thích ăn cá ra suối bắt về, muốn ăn bao nhiêu cũng có vì cá nhiều gần
bằng nước suối. Nhà nào muốn ăn thịt vào rừng bắt heo, nai, mang, nhím, cheo… mang
về như ta bắt ở trong chuồng vậy. Người trong buôn không gia đình nào có ý nghĩ
giành phần hơn cho mình mà xem mọi thứ là của chung, ai dùng bao nhiêu thì vào
rừng lấy về vừa đủ dùng. Đàn ông ngoài việc lên rẫy, săn bắt thú về ăn còn thời
gian rỗi đánh chiêng, đánh đàn và uống rượu. Phụ nữ chăm sóc con cái, lên rẫy
trồng tỉa, thu hoạch và làm nội trợ, thời gian rỗi dệt vải, thêu thùa… Ngày ấy
tiếng cười luôn đầy ắp các dãy nhà dài.
Nhà bà H’Bla được dựng đầu buôn M’Lốc.
Kể cũng lạ, mọi người ở tuổi bốn mươi lăm như bà đều có con cháu đầy nhà, riêng
bà thì không. Bà ở một mình, không bắt chồng vì không thích chứ không phải
không có đủ lễ vật để trả nhà trai thách cưới; gia đình nhà bà giàu có vào loại
nhất nhì trong vùng. Từ nhỏ bà chỉ thích chơi đùa với chim muông, ong bướm…, lớn
lên một tý có thêm sở thích đi dạo trên các đỉnh núi ngắm trời mây non nước và
tìm các loại lá cây chữa bệnh cho người làm phúc như bà ngoại đã về với Yang
(1). Năm H’Bla đủ hai mươi mùa rẫy, người trong vùng rủ nhau chung sức dựng cho
bà một ngôi nhà sàn dài mười sải tay ở đầu buôn M’Lốc.
*
* *
Như mọi ngày, buổi sáng hôm ấy trời
trong xanh, gió thổi thì thào bên tai như nâng bước chân để H’Bla bước nhanh
lên đỉnh núi Cư Droak thuộc dãy Chư Yang Sin hùng vĩ. H’Bla phải đi sớm để tìm
cây nấm vàng mọc trên vách đá gần thác nước về chữa bệnh cho người bị mọc mụt
trong cổ họng; bệnh này chỉ có duy nhất loại thảo dược ấy mới trị được, không
tìm được thì ba lần trăng tròn tính từ ngày bệnh phát cộng thêm chín ngày nữa,
bệnh nhân sẽ đi theo Yang.
-
H…u… u!
H’Bla leo gần lên đến đỉnh núi,
bỗng nghe tiếng kêu như khóc của bầy khỉ vọng lại. Tò mò, H’Bla leo lên gần chút
nữa thấy bầy khỉ hàng trăm con; con đứng, con ngồi lố nhố gần một hòn đá có cỏ
tranh mọc vây quanh. Thấy H’Bla đi đến, lũ khỉ thét lên bỏ chạy tán loạn, lẫn
luôn vào các cây cao như có phép tàng hình, bỏ lại trên hòn đá một con khỉ lớn.
Con khỉ chắc phải nặng gần ba chục ký, dài gần một mét; nằm úp mặt xuống đá,
lông nâu sẫm, phía mông có một mẩu đuôi ngắn tí tẹo như ngón tay, lưa thưa vài
cái lông như đuôi heo. Thấy lạ, H’Bla bỏ gùi xuống, lại gần lật ngửa con khỉ
lên… thoáng giật mình lùi lại. Con khỉ miệng cắn chặt cổ con rắn hổ mang to bằng
bắp chân người lớn, máu tươi còn chảy thành vũng trên hòn đá. Con rắn cũng
không vừa, tuy chết nhưng mồm vẫn gặm ngang một cánh tay con khỉ. Phía dưới hòn
đá, nơi đám cỏ gianh bị quần nát còn một con khỉ nhỏ hơn, chắc chỉ khoảng năm
sáu ký, mắt trợn ngược, mồm trào máu đen. Rút dao bên hông, H’Bla cạy miệng con
khỉ nằm trên hòn đá, lôi con rắn ra, vạch mắt khỉ xem, thấy còn chút hy vọng
nên nhảy vội khỏi hòn đá chạy vào mấy bụi cây gần đấy hái một nắm lá bỏ vào mồm
nhai nát, nhả lá ra tay bóp lấy nước cho rơi vào mồm con khỉ. Dùng dao nhè nhẹ
cạy mồm con rắn, lôi tay khỉ ra, lấy lá nhai vắt nước lúc nãy đắp vào vết rắn cắn.
Con rắn dài hơn hai sải tay, mình vằn đen, vằn vàng đã chết hẳn từ lúc nào rồi.
Nhìn vết thương con khỉ, H’Bla
hình dung ra cuộc chiến của hai con thú chắc là quyết liệt và nhanh chóng kết
thúc. Con khỉ đầu đàn có thói quen buổi sáng thường ngày họp bầy, ngồi trên hòn
đá bằng cao nhất trên đỉnh núi trước khi quyết định đưa đàn đi về phía nào kiếm
ăn. Con rắn hổ mang sống gần đấy đã để ý tính kế ám hại bầy khỉ nên từ đêm đã đến
núp trong đám cỏ gianh, bên cạnh hòn đá mà con khỉ đầu đàn thường ngồi. Con rắn
tin vào sức mạnh và nọc độc của mình có thể tiêu diệt con mồi nhanh gọn, kiếm bữa
ăn sáng. Sáng hôm nay, một con khỉ nhỏ vô tình nhảy đến hòn đá trước khi con khỉ
đầu đàn đến, đúng tầm, con rắn lao lên tóm gọn. Tội nghiệp chú khỉ con đau đớn,
gào thét trong tuyệt vọng. Bầy khỉ hoảng loạn bỏ chạy, con khỉ đầu đàn từ trên
ngọn cây cao lao đến dùng hai bàn tay rắn chắc tóm cổ con rắn. Con rắn bỏ con khỉ
nhỏ, quay đầu lại cắn trúng tay con khỉ đầu đàn. Con khỉ thét lên, dùng hết sức
bình sinh ngoạm gãy cổ con rắn. Con rắn bị chết ngay, còn con khỉ đầu đàn cũng bị
ngấm nọc độc của rắn từ từ xỉu luôn. May cho con khỉ, H’Bla đến kịp chứ chậm một
chút xíu nữa thì… Yang cũng bó tay.
Khoảng năm phút sau khi thay miếng
lá thuốc thứ hai, con khỉ từ từ mở mắt, nó đảo mắt nhìn trời, nhìn xung quanh rồi
nhìn vào mắt H’Bla thoáng tỏ ra hoảng hốt. H’Bla mỉm cười vỗ nhẹ lên đầu nó như
muốn bảo: nằm im. Con khỉ có khuôn mặt hình quả mận, da mặt đỏ như được sơn
son, phía dưới cằm có chùm râu bạc dài đến nửa gang tay; miệng khá lớn có hai
chiếc nanh to như ngón tay út thò hẳn ra ngoài trông rất ghê.
H’Bla lấy quả bầu đựng nước
trong gùi rót cho nó một ngụm. Con khỉ nằm ngửa, uống nước không quen nên bị sặc,
mình co dúm lại. Đỡ nó ngồi dậy, H’Bla bật cười, khẽ vỗ lên đầu nó bảo:
- Xin lỗi mày nhé, khỉ không uống
thế này được thì thôi vậy. Mày hết đau rồi đấy, tao phải đi đây.
H’Bla đứng dậy, khoác gùi lên
vai, định quay mình bước đi. Con khỉ thấy vậy hoảng hốt giơ bàn tay còn lành nắm
lấy gấu yeng (2) kéo lại, đôi mắt nhìn như cầu khẩn.
-
Gì nữa đây, giờ mày chạy nhãy được rồi, để tao còn đi hái thuốc
chứ!
H’Bla nói và khẽ vỗ vỗ lên đầu
con khỉ. Đôi mắt khỉ nhìn như van lơn, cầu khẩn. Bỗng nó kêu lên một tiếng như
nấc: Kh…o…c! Không biết vì sao lũ khỉ trên các ngọn cây, bên các hòn đá nhất loạt
xuất hiện chạy cả lại vây quanh H’Bla. Thôi thì lớn bé, to nhỏ, đủ cả; có con
trước ngực mang con nhỏ còn đang bú, có con cõng con nhỏ sau lưng; chúng ngồi
thành nhiều vòng xung quanh, tất cả đều nhìn lên H’Bla như cầu xin. Nhìn lũ khỉ
ngồi, H’Bla kêu lên:
-
Ơ chúng mày làm gì thế này? Đứng hết lên, vào rừng kiếm ăn đi chứ.
Đứng lên nào!
Cầm bàn tay lành của con khỉ bị
thương kéo nó đứng lên, dắt nó bước theo đến bên gốc cây đa trước mặt, đặt hai
tay khỉ vào gốc cây ra hiệu cho nó leo lên. Cả bầy khỉ lốc nhốc bò theo sau, rồi
lại ngồi xuống như những bức tượng khỉ được tạc bằng gỗ dựng bên các nhà mồ. H’Bla
phì cười với liên tưởng của mình rồi vỗ nhẹ vào lưng con khỉ bị thương, động
viên:
-
Mày đi được rồi, tay bị thương chỉ đau thôi, không chảy máu nữa
đâu, đi đi, nhớ đừng đánh nhau với bọn rắn nữa nhé.
Từ đôi mắt tròn xanh xanh của
con khỉ bị thương, hai dòng lệ trào ra, lăn xuống gò mà, rơi xuống đám lông ngực
màu xám bạc. Nó ôm cây đa mà mắt vẫn không rời H’Bla. H’Bla phải đập nhẹ vào
lưng nó giục:
-
Đi đi, ngoan nào!
-
Kh…o…c!
Con khỉ bị thương kêu lên một
tiếng nghẹn ngào rồi từ từ ôm lấy thân cây, leo lên. Cả lũ khỉ đang ngồi dưới đất,
nghe tiếng kêu liền lốc nhốc cong đuôi nhảy tót lên cây, miệng kêu la ầm ĩ. Khi
leo lên cây rồi chúng quay đầu nhìn xuống, con gãi bụng, con gãi nách, con tung
mình đánh đu như biểu diễn xiếc… Riêng con khỉ bị thương, nó ngồi trầm ngâm
nhìn theo ân nhân của mình đến khi khuất hẳn về phía bên kia sườn núi.
*
* *
Sau gần một ngày lang thang trong rừng, hết trèo đèo, lội
suối, leo lên các tảng đá chênh vênh trên vách núi… khi trở về H’Bla cũng hái
được một cây nấm tán màu vàng cam, thân màu trắng to bằng miệng ly uống rượu bỏ
vào gùi. Có cây nấm làm vị chính, thêm tám loại thảo dược nữa, chắc chắn bệnh
nhân được cứu sống. Loại nấm này trước đây chỉ nghe bà ngoại kể lại chứ ngoại
cũng chưa thấy bao giờ, may mắn H’Bla lại là người trong dòng họ lần đầu tiên
hái được.
Sáng hôm sau, khi ông mặt trời
vừa leo lên khỏi ngọn núi Mẹ Bồng Con ngắm thảo nguyên M’Drak, H’Bla ra lấy gùi
nơi đầu sàn chuẩn bị lên rừng như mọi ngày thì sững lại, không tin ở mắt mình nữa;
chiếc gùi tối hôm qua để không nơi đầu sàn giờ đây đầy ắp loại nấm quý hiếm mà
hôm qua bà đi cả ngày chỉ hái được một cây. Thoáng cau mày rồi H’Bla bật cười
vì đã đoán ra ai đã giúp mình, quay mặt nhìn lên cánh rừng trước mặt thấy bầy
khỉ đang rối rít rung cây như một lời chào. Riêng con khỉ bị thương to nhất bầy
ngồi suy tư trên cành cây gần nhà nhất vẫn chăm chú nhìn vào H’Bla như bị thôi
miên.
Cũng từ ngày ấy, mỗi lần bà
H’Bla muốn hái loại lá thuốc gì thì chỉ cần đặt lên gùi chiếc lá cần hái để đầu
hồi nhà, ngày hôm sau sẽ có cả gùi đầy. Có đủ lá thuốc bà H’Bla chữa khỏi bệnh
cho nhiều người trong vùng làm phúc, không bao giờ lấy công của ai dù chỉ là một
đồng bạc, vì thế mọi người kính trọng xem bà như Yang.
Ngày bà tròn một trăm lẻ một tuổi,
cả khu rừng bỗng trở nên hỗn loạn, tiếng gầm rú của muông thú, tiếng kêu gào của
lũ khỉ và trên mái nhà dài của bà H’Bla có đôi chim công trắng bay về đậu trên
hai đầu hồi nhà kêu lên những tiếng ai oán. Người trong buôn thấy lạ, rủ nhau
kéo đến thì thấy bà H’Bla đã nằm như ngủ trên giường, hồn đã theo Yang. Người
trong buôn và dòng họ làm lễ chôn cất cho bà đúng nghi thức trang trọng nhất.
Hàng vạn người trong vùng đã đến tiễn đưa bà về cõi linh thiêng. Sau ba ngày ba
đêm làm ma chay, cúng tế, chôn cất bà xong chiều hôm trước, sáng hôm sau người nhà
ra thăm mộ bà đã hoảng hốt chạy về buôn thông báo điều lạ… cả buôn kéo ra, nhiều
người buôn xa kéo đến nhìn ngôi mộ bà H’Bla đều không cầm được nước mắt khi thấy
trước ngôi mộ con khỉ đực to lớn đã chết từ lúc nảo lúc nào mà vẫn giữ nguyên
tư thế ngồi ôm mặt nhìn về phía ngôi mộ; đôi chim công trắng đậu trên hai đầu
nhà mồ đã chết, nhưng cánh vẫn xòe ra như muốn che chở cho ngôi mộ của bà
H’Bla.
Người già bảo: lúc sống, A duôn
(3) H’Bla chuyên làm điều thiện, dùng thuốc cứu người và muông thú nên mới có
phúc như thế. Để tỏ lòng tôn trọng với hai con vật đã chết vì tình cảm chân
thành, người trong buôn chôn cất chúng bên cạnh ngôi mộ của A duôn H’Bla và chọn
ba người thợ khéo tay nhất vùng tạc tượng chúng dựng trước ngôi mộ của bà. Có lẽ
vì thế mà một số dân tộc ít người ở Tây Nguyên có tục lệ thường tạc tượng hình
con khỉ ôm mặt, đôi chim công đứng canh trên các ngôi mộ người mới mất truyền đến
ngày nay chăng!
Mường Thanh – Vinh, tháng 10 năm 2015
Chú thích:
(1) Yang tiếng Ê đê gọi thần linh trên trời.
(2) Yeng tiếng Ê đê gọi váy.
(3) A duôn tiếng Ê đê gọi người già.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI