Thứ Tư, 3 tháng 8, 2016

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 287 - tác giả NGUYỄN THỊ MINH NGUYỆT

Tác giả NGUYỄN THỊ MINH NGUYỆT



CÒN CHÚT GÌ ĐỂ NHỚ
        Gửi tặng các bạn Trường PTTH Nguyễn Du niên khóa 2013-2016

Tản văn


“Tôi cứ ước thời gian đừng trôi nữa
Để suốt đời ở lại mái trường xưa
Để ngày qua sớm sớm, chiều chiều
Ngồi bên gốc bằng lăng mà thủ thỉ...”
Tuổi mười tám vẫn đọng lại chút vô tư hồn nhiên của mười sáu mộng mơ, còn vương vấn một mười bảy sôi nổi, và mười tám có những nỗi bâng khuâng chi lạ, của riêng mười tám thôi!
Tuổi 18 bao nhiêu cảm xúc vụng dại, muốn giữ mãi để không quên ngày đã qua, 18 ơi mang chi nhiều tiếc nhớ!
Tuổi 18 là lúc con người ta trưởng thành, là thời khắc nhiệt huyết trào dâng, mong muốn bản thân là một phần của xã hội, sẽ dâng hiến trọn tài năng khối óc dựng xây ngôi nhà chung, khao khát khám phá miền đất lạ, vạch định chỗ đứng trong tương lai, những điều sẽ và phải đạt được trong tương lai…
18 tuổi băn khoăn đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời. Ta sắp phải cất đôi cánh đầy mộng ước bay xa, đến những nơi mà thầy cô chỉ có thể dõi theo trên sân trường đầy nắng. Ta lao đầu vào vòng xoay áp lực, lạc đường giữa những sự lựa chọn của tương lai, mệt mỏi giữa muôn ngàn sự ép buộc, lơ lửng giữa muôn trùng xúc cảm: hạnh phúc, niềm vui, nhung nhớ, hờn giận… và cũng không tránh khỏi những phút ngã lòng. Mười tám tuổi, vẫn ở trong khuôn khổ của một gia đình truyền thống, nhưng vẫn đủ tinh tế để chèo lái và xông pha thực hiện ước mơ còn đang dở dang của mình, vì rằng ước mơ ấy không được gia đình chấp thuận… Quanh quẩn trong dòng suy nghĩ ấy, đôi lúc ta lạc bước đi quá xa để rồi đánh mất chính mình, bỏ lỡ bao phút giây hạnh phúc, những cảm xúc trong ngần một thời áo trắng…
Người ta hay bảo thời gian tựa con tàu lao vun vút mà tuổi học trò ngang bướng lắm: nào nghe! Người ta nói thời cắp sách sao ngắn ngủi, hãy nâng niu từng khoảnh khắc đẹp nhất đời người vì ai cũng chỉ có một lần nhưng tuổi 18 coi thế là thừa và lặng lẽ bỏ qua…
Ai thả vội thời gian qua kẽ tay, cho tiếc nuối những ngày tháng ngắn ngủi, bên thầy cô, bạn bè, trường lớp? Chao ôi! Thời gian có bao giờ chịu chảy ngược, năm tháng qua rồi sao lấy lại được đây? Ba năm so với một đời người chẳng thấm thoát là bao nhưng nó đi theo mãi một đời người, từng mảng kí ức đã trôi qua kẽ tay có cố vớt vát cũng chỉ là mơn trớn, mỏng manh… Ba năm cuối cấp sao trôi nhanh quá đỗi, mới đó, mới đây mà hạ nữa lại gần kề. Mùa hè này khác những mùa hè trước, hè này không còn như xưa, chẳng còn tâm trạng hào hứng đợi chờ ngày tổng kết, chẳng có đâu những chuyến đi dài bên gia đình chu du nơi này chốn nọ. Hè này, có sự mệt nhoài của thi cử, có những áp lực  mang tên “học hành” đổ ập xuống những sĩ tử, họ quay cuồng, chạy đua với quỹ tích thời gian đang độ nước rút. Có khoảnh khắc chia tay nhuốm đầy nỗi nhớ chia phôi, đượm màu hoài niệm… Có những giọt nước mắt lặng lẽ rơi: lẽ thường tình con gái hay khóc, con trai thường chỉ cười mà sao thấy buồn ghê gớm, cười đó nhưng sao quá đỗi gượng gạo, vụng về che giấu giọt nước mắt chảy ngược vào tim… Còn thầy cô sẽ cứ ngồi lặng lẽ, dẫu dòng nghĩ suy rối bời mông lung tựa cuốn phim quay chậm  nhưng chẳng ai thốt ra thành lời. Cứ như thế, họ tránh mặt nhau. Mỗi người là một bầu xúc cảm, tựa hồ chỉ cần một kích động nhỏ muôn vàn xúc cảm ứ đọng trào dâng… Trách thời gian vô tình ư hay trách vòng tuần hoàn của cuộc sống? Ta chỉ có thể ngậm ngùi biết nhận vì li hợp là lẽ đương nhiên.
Vậy nên, hãy vui lên nhé Nguyễn Du 2013 – 2016! Đừng để chuỗi thời gian chảy ngược này phai dần theo năm tháng rồi chợt một chiều ngắm mây bay mà lòng thổn thức “giá quay ngược được chiều năm tháng”…
Chúng ta đã sống những năm tháng cuối cùng của tuổi học trò trong niềm tự hào khôn xiết bởi lẽ sau kì thi tuyển sinh căng thẳng ta may mắn được khoác lên mình đồng phục Nguyễn Du, có thể ngẩng cao đầu khi ghé thăm trường cũ, rằng: ta đây đã là học sinh trường chuyên có tiếng, và còn đó những ánh mắt ngưỡng mộ, những lời có cánh của mọi người mỗi lần ta xuất hiện…
Hơn thế, ta hãnh diện một phần khi là một trong những khóa học sinh may mắn nhất của Nguyễn Du, ta có những hai góc nhỏ kí ức về ngôi trường thân thuộc đọng lại trong tim. Sẽ không quá lời khi khoảnh khắc giao thời của Nguyễn Du chỉ diễn ra một lần và 13-16 đã chứng kiến trọn vẹn giây phút ấy, được khoác cả màu đồng phục “cháo lòng” “xanh hi vọng”- những cụm từ mà chỉ học sinh trường Nguyễn Du mới hiểu.
Mai đây, nhớ về trường Nguyễn Du là nhớ về những năm tháng lớp 10 ngây ngô, nhớ về ngôi trường cổ kính, loang lổ rêu phong. Kí ức ấy có sự góp mặt của khuôn viên hình chữ U nhỏ nhắn, ấm cúng lạ thường, một cảm giác thân thuộc gắn kết những tâm hồn áo trắng. Từ khung cửa sổ nhỏ thu vào tầm mắt là khoảng không gian rộng khắp trường. Lớp học là nơi ẩn nấp kín đáo cho những ánh mắt, tâm hồn lần đầu “cảm nắng” lén lút nhìn người thương qua khung cửa nhỏ. Nguyễn Du ngày ấy còn có những khung cửa trước lớp cao quá đỗi với những kẻ nấm lùn, cố ngước đầu nhìn mà có nổi đâu! Nhớ về Nguyễn Du là nhớ về khoảng không trơn trượt. Ngày lao động đầu năm thầy cô phải chia từng ô nhỏ, mỗi người mỗi góc ngồi chà chà, kì cọ… mệt mà đầy hưng phấn! Còn nhớ không 13-16 những buổi tập trung, 30 tập thể lớp chen chúc trong khoảng không gian chật chội. Nhớ không trước giờ khắc tạm biệt trường cũ, chúng ta đã nắm tay nhau xếp dòng chữ 13-16 như cố níu giữ lại một phần kí ức. Nhớ về trường cũ, sao có thể quên góc nhỏ canteen những giờ ra chơi mệt nhoài xếp hang chỉ để mua một bịch bánh, một túi đồ ăn vặt… nhớ lắm con đường lấm tấm rêu xanh, những ngóc ngách, lối đi quen thuộc…
Tạm biệt khoảng không gian ấm áp, tạm biệt một thời đáng nhớ, tạm biệt giàn hoa giấy xinh xinh, bóng bàng mát rượi, cây vú sữa già lặng lẽ bên nhà xe, những rặng liễu dáng đổ dài theo chiều năm tháng…
Nguyễn Du nay năng động thay màu áo mới với nắng, với gió lộng trời, với những dãy nhà khang trang, sảnh rộng lớn. Dẫu chưa hoàn thiện nhưng Nguyễn Du thật sự đã hiện đại hơn xưa rất nhiều. Vắng đi màu xanh rêu, ta bắt gặp vẻ xanh mát của bãi sắn lấp đầy khoảng đất trống, những nhánh lau hoang dại đẫm sương đêm, có một hội trường rực sắc đỏ, có khóm dã quỳ lung linh trong sắc nắng. Dường như nắng đã tan vào nhựa sống, len lỏi trong từng tế bào, nhuộm ánh hoàng kim để chúng tự tin đung đưa như khao khát hòa mình vào cái nắng, cái gió cao nguyên… Ngớt rồi những buổi tan trường kẹt xe nơi góc nhỏ đường Lê Hồng Phong một thời với trường Hồng Đức, Trung tâm giáo dục thường xuyên quen thuộc, ngõ nhỏ Trương Quang Giao chỉ dành riêng cho Nguyễn Du, cho sắc xanh hi vọng… Dẫu biết thay đổi là tốt nhưng ta vẫn thấy thiếu chút gì hơi ấm, sự gắn kết, giao lưu  giữa các tập thể thuở nào. Trường rộng quá: nhiều dãy, nhiều tầng, những ngày đầu chuyển sang cơ sở mới thương sao khi chứng kiến cảnh những thầy cô yêu quý phải dò tìm lớp đon đả rảo bước sao cho kịp tiết. Quên sao đặng hơi thở hổn hển của những người chèo đò tuổi đã xế chiều mỗi lần tiết 5 phải leo lên tận tầng 4. Chẳng biết sao lúc ấy ta thèm cảm giác xưa?
Nhớ không 13-16, chúng ta đã từng phản đối màu áo khoác mới kịch liệt như thế nào? Ai dám chắc chưa một lần than thở, chán ghét khi phải mặc màu áo đó? Thậm chí, có những kẻ bỏ chúng lăn lóc trong đáy tủ, chấp nhận chịu phạt khi mặc áo thường tới lớp, để rồi mỗi buổi kiểm tra đồng phục là nháo nhào chạy trốn… Đã có một thời như thế! Vậy mà giờ đây, tự nhiên chợt thấy yêu màu áo ấy vô cùng, xanh áo hòa quyện màu xanh sơn trường thành một thể thống nhất. Đó là màu của hi vọng, là màu của tuổi trẻ, màu của niềm tin, màu đồng phục Nguyễn Du, màu một thời áo trắng. Xa trường, bước chân vào đường đời hãy giữ gìn màu xanh ấy để những lúc ngã lòng, những ngày khốn khó nhớ lại lòng ta nhen lên ngọn lửa niềm tin, sắc màu sự sống.
Không khí hè đã tràn về khắp chốn, lẽ thường tình nhắc tới hè không thể thiếu cánh phượng xinh. Nhưng, hè của Nguyễn Du không có phượng thắm, không có đâu cảnh con trai leo trèo hái phượng cho con gái, vắng cả rồi tiếng ve kêu râm ran. Hè của Nguyễn Du chạm ngõ vào khoảnh khắc lòng những kẻ vô tâm nhất cũng đang rối bời, xao xuyến trước những nhóm “tự sướng” tụm năm tụm bảy, trước giây phút chứng kiến cảnh lưu bút chia xa, những chữ kí nguệch ngoạc ngả nghiêng trên tấm áo trắng. Hè của Nguyễn Du còn ngập tràn trên bảng thông báo facebook của toàn trường, lớp lớp thay nhau chụp ảnh kỉ yếu, những trò chơi khơi dậy trí nhớ lẩn khuất một thời. Hè còn váng đọng lại cái buổi lăn dấu vân tay xếp thành nhánh lá đủ màu trong bức tranh kỉ yếu…
Kí ức ấy hãy cố khắc ghi bởi thời gian nào có đợi ta đâu!
Nguyễn Du 13-16 đã trải qua đêm lửa trại đầu tiên và cũng là cuối cùng bên nhau. Thế mới biết Nguyễn Du đâu phải toàn mọt sách này nọ. Ai nói Nguyễn Du chỉ biết học, lo học đấy nhưng chơi cũng chẳng kém cạnh ai đâu! Nguyễn Du là thế! Đã học là cực chăm mà đã chơi thì phải hết mình. Khoảnh khắc lửa trại ấm nồng biết bao, những bàn tay đan chặt, những vòng tròn nối nhau chạy quanh ánh lửa hồng. Hòa vào biển người, hai tiếng “Nguyễn Du” vang lên rộn rã. Buổi tối nào có thể quên, chẳng còn là trường học nữa rồi, Nguyễn Du hóa vũ trường với tiếng nhạc xập xình, vui nhộn. Thầy cô, học sinh mỗi người, mỗi dòng tâm trạng đang gắng chắt lọc giây phút ấy, lắc lư hòa theo điệu nhạc và xoay vòng…
Tuổi thanh xuân tựa như một trận mưa rào, dù cho bạn từng bị cảm lạnh vì tắm mưa, bạn vẫn muốn được đắm mình trong cơn mưa ấy lần nữa. Tuổi trẻ của tôi, tuổi trẻ của bạn, tuổi trẻ của chúng ta, những năm tháng  học sinh cuối cùng đã trôi qua như thế! Ánh lửa trại bập bùng, tiếng nhạc, tiếng reo hò vẫn đọng lại trong tim. Tạm biệt một thời kí ức!
Nguyễn Du xưa, Nguyễn Du một thời cổ kính nay còn đâu? Thay vào khoảnh không gian đẹp đẽ ngày nào giờ đây chỉ là từng mảng tường vỡ vụn. Người ta chuyển tượng đài cụ Nguyễn Du đi nơi khác, không còn nữa rồi tấm biển tên trường ngả màu năm ấy, không bóng dáng học sinh, cây cối cũng chặt rồi… Kỉ niệm ơi! Kỉ niệm của 13-16 và của cả những thế hệ đi trước đang lạc lối giữa nơi nào? Chứng kiến cảnh ấy, lòng quặn thắt nhói đau tựa hồ như mất đi một phần máu thịt, như bỏ qua một thứ quý giá vô ngần lưu lạc, tha phương giữa dòng đời xuôi ngược!
Nguyễn Du nay, Nguyễn Du của hè 2016 đã được khắc ghi trong từng khung ảnh nhỏ, trong kí ức nỗi nhớ của đời ta. Chao ôi! Chợt buồn thay cho năm tháng chảy trôi! Tiếc thay! Nguyễn Du nay chưa hoàn thiện, khuôn viên trường vẫn dành chỗ cho hồ bơi, kí túc xá, nhà ăn, tượng đài Nguyễn Du – linh hồn muôn thế hệ vẫn đang thi công… Lòng mừng cho những thế hệ sau được sống trong môi trường khang trang, đầy đủ để mà nhói đau cho 13- 16. 5 năm, 10 năm, 20 năm… nữa, Nguyễn Du sẽ khác nay nhiều lắm, liệu lòng ta có đủ rộng để bao bọc, chở che những kỉ niệm khỏi cơn lốc thời gian. Để rồi, dẫu năm tháng cứ trôi, ta vẫn mường tượng rõ góc sân ấy, dưới tán cây kia, bên hàng ghế đá nọ… ta đã có một thời để nhớ hay xoay vòng công việc ta không dành được một chút thời gian ghé lại chốn xưa?
 Sắp xa rồi thời đẹp nhất tuổi học trò. Còn lại đó chỉ một niềm ký ức. Có dòng sông nào trôi đi còn trở lại? Thời gian xa rồi sẽ xa mãi mãi. Đồng hồ tích tắc gõ nhịp thời gian trôi. Trường hãy lưu giữ giùm cho những đứa con vô tâm này nhé!
Gửi lại nhé sân trường đầy nắng gió cao nguyên, giữ giùm ta kí ức của một thời những xúc cảm trong ngần, vô tư tuổi mới lớn, những giọt nước mắt lưu luyến giờ khắc chia xa, gửi lại những kỉ niệm đẹp nhật của thời xanh. Bàn học ơi giữ giùm ta những bài học thơ ấu. Bảng yêu thương giữ trọn lời thầy cô. Hàng ghế đá cho ta gửi lại: những vui buồn của chúng bạn năm xưa, những nụ cười tươi như mùa thu tỏa nắng. Trường lớp ơi giữ giùm nhé một khung trời kỷ niệm, bởi ta là người lữ khách sắp đi xa!



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI