Sổ tay thơ
ĐÁM CƯỚI MỘT LINH HỒN
Người chiến binh để lại một chân trên Cánh đồng chó ngáp
*
Nửa đời bôn ba chắp vá một lời nguyền
Gặp lại người yêu giữa Trường Sơn ngàn bia mộ
Lời hẹn ba mươi năm
Giờ hóa cỏ xanh rờn
Anh đã ngoại ngũ tuần
người yêu anh vẫn trẻ
Anh cưới em
anh cưới một linh hồn
Bông huệ trắng thơm tím chiều hoang vắng
Ly rượu buồn anh tưới đẫm hoàng hôn
Giờ thì em đã vu quy
Em đã vu quy
Như lời xưa hai đứa mình hẹn ước
Mà bên anh hư ảo một hình hài
Trời xanh ngắt
Mây giăng tà áo cưới
Dấu chân tròn...lá rừng xanh mắt ai!
VŨ
BÌNH LỤC
LỜI BÌNH:
ANH CƯỚI EM, ANH CƯỚI MỘT LINH HỒN!
Đám cưới một linh hồn của nhà thơ
Vũ Bình Lục được trao giải Nhì (không có giải Nhất) trong cuộc thi thơ và truyện
ký do Tạp chí Văn nghệ quân đội tổ chức là một sự đánh giá xác đáng, khẳng định
giá trị nội dung tư tưởng và nghệ thuật của thi phẩm. Quả thật, đọc xong bài thơ,
hẳn mỗi người chúng ta đều rưng rưng xúc động và ám ảnh bởi một đám cưới đầy nước
mắt hòa trong nụ cười thấm đẫm tin yêu, tin yêu như hình ảnh "lá rừng xanh
mắt ai" sau ba mươi năm gặp lại.
Khổ thơ đầu, bằng bút pháp tự sự
với các chi tiết tiêu biểu, tác giả đã dựng lên một cảnh tượng ác liệt của chiến
tranh. Người chiến binh "để lại một chân trên Cánh đồng chó ngáp". Ôi
cái tên nghe sao mà rùng rợn, quái dị, gợi ra biết bao tang thương sau cuộc chiến
điêu tàn. Người lính trở về không còn nguyện vẹn, người yêu mình cũng đã hi
sinh, giờ tìm gặp sau ba mươi năm giữa không gian đẫm tràn nước mắt. Một sự tao
ngộ nơi "Trường Sơn ngàn bia mộ" đã làm đắng lòng bất kỳ ai trên thế
gian này. Lời thề nguyền năm xưa "giờ hóa cỏ xanh rờn" đọc lên nghe cứ
mằn mặn nước mắt. Hình ảnh cỏ xanh xuất hiện vừa là hình ảnh tả thực cỏ trên nấm
mộ, vừa khơi gợi kỷ niệm nồng nàn của đôi lứa yêu nhau. Ý thơ hay đến xót lòng,
nhức buốt bởi hồn cỏ và hồn người cài đan, hòa quyện vào nhau và thảng thốt như
một nỗi niềm:
Người chiến binh để lại một chân
trên Cánh đồng chó ngáp *
Nửa đời bôn ba chắp vá một lời
nguyền
Gặp lại người yêu giữa Trường Sơn
ngàn bia mộ
Lời hẹn ba mươi năm
Giờ hóa cỏ xanh rờn
Mạch tự sự vẫn
tiếp tục nhưng xoáy sâu hơn vào tiềm thức người đọc thông qua cách kể chuyện tưởng
như phi lí mà chan chứa biết bao mất mất hi sinh của người trong cuộc. Người nằm
xuống mãi mãi tuổi hai mươi nên "vẫn trẻ", duy người chiến binh xưa mái
tóc giờ đã bạc màu vì bước sang tuổi ngũ tuần. Không khoác bên ngoài vẻ tân kỳ
hay mĩ từ nào của ngôn ngữ cao siêu, cứ
thủ thỉ nhẹ nhàng bằng một tâm tình rất thật, nhà thơ Vũ Bình Lục láy đi láy lại
cụm từ "anh cưới" như khẳng định về một sự thủy chung duy nhất của lòng
mình, dù em đã không còn sống nữa mà hóa thành một linh hồn giữa hoang vắng Trường
Sơn: "Anh cưới em/ anh cưới một linh hồn". Hình ảnh bông huệ trắng vừa
tạo không khí tâm linh, vừa gợi được sự thanh khiết, trắng trong như vẻ đẹp của
người con gái. Màu hoa huệ trắng thơm nơi không gian chiều hoang vắng mang mang
một màu tím thủy chung, son sắt. Ly rượu ngày cưới hóa thành ly rượu buồn thương
trong ánh hoàng hôn đầy xúc động được người chiến binh tưới đẫm nồng trên cỏ ướt.
Đến đây, người đọc không thể không liên tưởng đến hình ảnh "chiếc bình hoa
ngày cưới/ thành bình hương tàn lạnh khói vây quanh" trong Màu tím hoa
sim của nhà thơ Hữu Loan:
Anh đã ngoại ngũ tuần
người yêu anh vẫn trẻ
Anh cưới em
anh cưới một linh hồn
Bông huệ trắng thơm tím chiều
hoang vắng
Ly rượu buồn anh tưới đẫm hoàng hôn
Có hoa huệ trắng thơm, có ly rượu
buồn tưới đẫm trên nấm mồ cỏ biếc, nhà thơ một lần nữa xúc động nhắc lại lời thề
ước của mình với người yêu đã thành hiện thực. "Giờ thì em đã vu quy/ Em đã
vu quy". Câu thơ khẳng định láy đi láy lại mà như lời uất ức nghẹn trào đang
dâng lên bi thiết. Uất nghẹn vì lời nguyện ước đã thành nhưng em chỉ là hư ảo. Đau
khổ và xót xa cùng tận. Một đám cưới mà chú rể nước mắt đẫm tràn, còn cô dâu là
sương khói ảnh hình. Có điều, tuy đau khổ vô cùng song bài thơ vẫn không bi lụy
nhờ không gian trời xanh mây trắng cuối bài thơ mở ra một khát vọng vô biên, một
niềm tin đích thực của người sống ký thác vào linh hồn người đã khuất. Niềm tin
mãnh liệt ấy chính là vẻ đẹp tư tưởng độc đáo cứ khắc khoải xanh như lá rừng chìm
trong đôi mắt người con gái yêu thương:
Như lời xưa hai đứa mình hẹn ước
Mà bên anh hư ảo một hình hài
Trời xanh ngắt
Mây giăng tà áo cưới
Dấu chân tròn...lá rừng xanh mắt
ai!
Câu thơ cuối bài thẳm sâu một vẻ đẹp
đầy chất thơ. Dấu chân tròn của người thương binh nơi nghĩa trang Trường Sơn
tan hòa trong màu lá rừng xanh như đôi mắt người con gái yêu thương năm nào. Dấu
ba chấm (...) xôn xao đôi bờ thực mộng, đàn cài hai hình tượng "dấu chân
tròn" và "lá rừng xanh mắt ai" vào nhau nên cứ khắc khoải, bồi hồi
làm chạnh lòng nhiều thế hệ độc giả từ khi bài thơ đạt giải thưởng đến nay. Câu
thơ nhờ đó đẹp như một huyền thoại, nâng tư tưởng tác phẩm lên thành một triết
lí sống của mỗi con người trong mối quan hệ giữa tình yêu lứa đôi với sự tồn
vong của Tổ quốc.
Quả thật, đọc
thơ đông tây kim cổ, song Đám cưới một linh hồn có cái thoáng rợn và cả
nỗi khát vọng biếc xanh trào dâng tha thiết giữa hồn người. Thông qua một đám cưới
đầy chất liêu trai của đôi lứa yêu nhau khi niềm hạnh ngộ ngăn đôi bờ âm - dương
cách trở, tác giả đã dựng lên số phận của cả dân tộc Việt Nam trong những năm
chiến tranh gian khổ và đầy mất mát, đau thương. Tư tưởng bài thơ nhờ thế có sức
tố cáo chiến tranh, đầy ắp vẻ đẹp nhân văn, phóng chiếu tâm cảm nhà thơ không
chỉ trong hiện tại mà cả tương phía trước, không chỉ của nhân dân đất nước mình
mà cả nhân loại năm châu.
Tác giả LÊ THÀNH VĂN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI