Thứ Hai, 30 tháng 10, 2017

ĐẤY LÀ MỘT PHỤ NỮ NHÂN HẬU tác giả LINH NGA - TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ: 302 - THÁNG 10 NĂM 2017




Dáng thấp đậm, gương mặt phúc hậu, nếu không mặc cảnh phục chắc khó nhận ra chị giữa hàng ngàn những người phụ nữ Việt Nam sớm chiều trên mọi nẻo đường tất tả, tận tụy với gia đình. Mặc dù từng có thời gian được gọi là “sát thủ của tội phạm Đắk Lắk”, từng là Đội phó Đội Cảnh sát hình sự của Công an tỉnh Đắk Lắk nhưng Trung tá Trần Thị Kim Thanh, Đội trưởng Đội Chính trị hậu cần, thuộc Công an thành phố Buôn Ma Thuột vẫn là một người phụ nữ bình dị và chân thành.
Sinh năm 1966, quê cha ở Bình Định, năm 1984, học xong lớp 12, vừa 19 tuổi, Thanh theo cha vào Đắk Lắk, chị trúng ngay đợt đầu của ngành đang tuyển quân. Về bộ phận tàng thư, Thanh bảo rất thích công việc, vì đọc và phân tích các loại vân tay có rất nhiều điều đặc biệt hay, nếu không được tiếp xúc ít ai hiểu được. Công việc tưởng đơn giản này đã giúp Thanh rất nhiều trong việc truy nã tội phạm sau này.
Năm 1991, chị được chuyển về Phòng Hình sự. Chưa có nghiệp vụ, lại vì chữ đẹp nên ban đầu chỉ được phân công viết lệnh truy nã. Biết nhược điểm của mình, Thanh bắt đầu từ sự nỗ lực học tập các đồng nghiệp, theo học trung cấp cảnh sát điều tra, rồi đại học luật. Trong những năm tháng kinh tế đất nước khó khăn, con nhỏ, chồng cũng là cảnh sát điều tra công tác xa nhà tới gần 50km, một mình Thanh vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ, vừa chăm sóc gia đình lại vừa đi học, quả là chẳng nhẹ nhõm gì. Lắc đầu, gương mặt chùng xuống, miệng vẫn nở nụ cười nhưng mang đầy sự suy tưởng về một quá khứ vất vả: “Nhiều hôm theo nhiệm vụ, phải nhờ đồng đội đến nhà trẻ đón con. Khi về đến nhà thấy con bé nước mắt giàn giụa vì tủi thân và nhớ mẹ. Hai mẹ con cùng khóc. Tội nghiệp. Riết rồi cũng phải quen đấy”.
Nhiệm vụ của Thanh ở cảnh sát hình sự là truy nã và dẫn giải tội phạm. So với cả nước, Đắk Lắk đứng thứ 3 vì có tới hơn 1000 đối tượng bị truy nã. Chưa có nơi nào trong tỉnh mà đôi chân người nữ trinh sát chưa từng đặt tới. Địa bàn xa nhất là chuyến vượt cả ngàn cây số đi Sơn La dẫn độ tội phạm về Đắk Lắk.
Công việc chẳng đơn giản chút nào. Bởi đối với phụ nữ, việc đi công tác địa bàn dài ngày, tận những nơi xa xôi hẻo lánh, thậm chí dưới nhiều hình dạng cải trang đã chẳng dễ dàng gì, lại còn phải đảm bảo an toàn cho cả đồng đội lẫn tội phạm trong quá trình dẫn độ. Như lần chị và một đồng đội trẻ phải  truy tìm  tội phạm Lê Thị D. chiếm đoạt tài sản hơn 3 tỷ đồng, bị công an tỉnh Bắc Ninh  phát lệnh truy nã. Được tin đối tượng dạt vào ẩn trốn tại Đắk Lắk, Thanh phải đóng vai bà mẹ nghèo đi xin việc làm, lân la mọi quán phở, mọi khu chợ hoặc trang trại do người Bắc Ninh (đồng hương của nghi phạm) làm chủ, ở khắp tỉnh để tìm kiếm. Quan sát không thấy đối tượng ở tại đó, lại phải giả vờ hẹn để truy tìm nơi khác. Hơn một tháng trời ròng rã mới phát hiện được đối tượng đang tá túc ở huyện Krông Năng. Đến giờ phối hợp với cảnh sát địa phương để thực hiện lệnh bắt thì lại được cộng tác viên cho biết đối tượng đang ngồi trong chiếu  bạc ở giữa chợ Ea Tân. Thế là phương án phải nhanh chóng thay đổi, gấp rút điều nghiên, bố trí lực lượng, làm sao để không kinh động người dân lương thiện, không bị đồng bọn giải cứu. Chợ đang hồi đông nên người dân hiếu kỳ vây kín chung quanh, chỉ biết công an bắt đám đánh bạc. Vậy là  hoàn thành nhiệm vụ.
So với một số đồng đội trong cùng đơn vị, Thanh ít tuổi đời, tuổi nghề, kể cả tuổi Đảng hơn. Nhưng là một Đội phó Cảnh sát hình sự, chị vẫn luôn được anh em nể trọng và chấp hành sự phân công công tác, bởi nắm rất chắc ưu nhược điểm của cán bộ chiến sỹ trong đội. Theo chị “bố trí nhiệm vụ phải đúng người, đúng việc,  đúng năng lực. Thậm chí đúng vùng nữa, đôi khi còn phải hỏi ý kiến, phát huy hết thế mạnh và kinh nghiệm của đồng đội, mới giúp được anh em hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Thiên hạ vẫn thường có “ác cảm” nào với đó với hai chữ cảnh sát, nhưng ở Thanh, khi làm việc  không chỉ toát lên tính cương quyết, lanh lẹ và sự sắc sảo của một người lính trinh sát, mà còn biểu hiện tính nhân văn rất cao. Công tác trong lực lượng cảnh sát hình sự 25 năm, chị đã trực tiếp tham gia truy nã và dẫn độ tội phạm hàng trăm vụ an toàn, chưa hề xảy ra sự cố nào. Đó không phải nhờ ở võ nghệ cao cường (chị thú thật mình không thành thạo võ thuật), mà chính  từ tấm lòng nhạy cảm của một người phụ nữ nhân hậu . “Họ phạm tội với nhà nước, sẽ có pháp luật truy cứu. Mình dẫn giải là trách nhiệm của trinh sát. Nhưng cả hai bên vẫn đều là con người. Phải cư xử với họ như với con người mới cảm hóa và giúp họ nhận ra phải trái”. Nghĩa là không chỉ cương quyết mà còn phải khôn khéo và rất nhân văn nữa.
Kỷ niệm sâu sắc nhất của Thanh trong cách ứng xử với tội phạm là một cặp vợ chồng có 4 con nhỏ, cùng bị truy nã vì tội lừa đảo do vay tiền nhiều người, làm ăn thất bát nên bỏ trốn. Họ cùng bị tòa xử chồng ba năm rưỡi, vợ bốn năm rưỡi. Với hiểu biết của một người đã học và đang thi hành luật, Thanh đã tư vấn và hướng dẫn họ làm đơn, xin cho chồng được thụ án trước, vợ ở nhà nuôi con. Chưa hết thời hạn, chồng cải tạo tốt nên được giảm án, vợ giao lại nhà cửa con cái cho chồng, thực hiện bản án đã bị tuyên. Trong suốt thời gian dài ấy, Thanh vẫn thường thư từ, qua lại gia đình thăm nom, nhắc nhở. Vừa là trách nhiệm quản lý, vừa với tình cảm thân thiết.  Năm 2009, người phụ nữ ấy mãn hạn, đã mong ước được chị tới trại giam đón để cùng chia vui. Nhưng do hoàn cảnh gia đình ở quê, Thanh không tới được. Hai bên đã kết nghĩa chị em và tới nay vẫn gắn bó rất thân thiết.
Chấp hành sự phân công của cấp trên, Trần Thị Kim Thanh từ giã Đội Cảnh sát hình sự nhận nhiệm vụ Đội trưởng Chính trị hậu cần ở Công an thành phố Buôn Ma Thuột từ đầu năm 2017. Nhiệm vụ mới, hoàn cảnh mới, với trách nhiệm chăm lo sao cho cả “phần hồn” của hơn 700 cán bộ chiến sỹ toàn đơn vị lẫn cơ sở vật chất phục vụ nghiệp vụ đảm bảo an ninh chính trị của một thành phố phát triển mạnh như Buôn Ma Thuột, Thanh lại nỗ lực tìm hiểu và tiếp cận công việc.
Là một chiến sỹ giỏi nghiệp vụ ở bất cứ cương vị công tác nào được phân công, bên cạnh đó, chị còn là Phó chủ tịch Hội Phụ nữ của Công an tỉnh Đắk Lắk, là một phụ nữ yêu thương gia đình, đảm việc nhà, gìn giữ tổ ấm. Năm 2016, Trần Thị Kim Thanh là một trong 20 chị em được nhận danh hiệu Phụ nữ tiêu biểu của ngành. Trên hết, đó là một phụ nữ đầy nhân hậu, được đồng đội và nhân dân yêu quý.
Công an thành phố Buôn Ma Thuột tự hào có những chiến sỹ giỏi, tận tụy và nhân hậu như Trần Thị Kim Thanh.




Thứ Sáu, 27 tháng 10, 2017

MẶT PHẲNG ĐEN tác giả TRẦN BĂNG KHUÊ - TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ: 302 - THÁNG 10 NĂM 2017






Truyện ngắn



Gã muốn xóa tất thảy những gì liên quan đến cái mặt phẳng chết tiệt đó. Chúng hiện diện khắp mọi nơi, vây lấy gã kể cả ban đêm lẫn những ngày có nắng. Gã thật sự không hiểu nổi, những ngày có nắng, tại sao ánh sáng lại đen đúa xấu xí đến thế. Chúng gớm ghiếc hệt như chiếc mặt nạ quỷ.
Gã đã cố gắng khởi động máy rất nhiều lần.Nhưng, màn hình máy tính vẫn trống rỗng, không một chút dấu hiệu nào của sự sống xuất hiện nữa. Vài ba lần, gã thấy chiếc mặt nạ ấy chập chờn phía nào đó, hệt như một con virus ranh ma đã được cài đặt sẵn trong bộ nhớ CPU của gã.
Mặt phẳng là những hiện thực mà gã nhìn thấy mỗi ngày. Chúng đa chiều và nhiều sắc diện đến nỗi dễ khiến kẻ khác bị mù lòa, lạc lối. Chúng xoay vòng uốn lượn, giăng bẫy khắp nơi xung quanh gã. Đi đến đâu, ở bất cứ thời điểm, vị trí nào, gã đều thấy chúng tồn tại như một lẽ hiển nhiên đầy thách thức. Đôi lần, gã dợm nghĩ, chính chúng, những mặt phẳng xám xịt này đã kích thích trí não gã, khiến gã nhầm tưởng đó là một lỗ đen sâu thẳm của vũ trụ đang chực chờ nuốt trôi tất thảy vào đó và vĩnh viễn biến mất trong đêm.
Chúng uẩn khúc. Quanh co. Vô hình. Và, rất đáng sợ.
Hôm qua, gã đã cố thử tìm cách Del một cái mặt phẳng khỏi màn hình của mình. Nhưng, nó vẫn chễm chệ ngồi đó. Lặng yên, nhìn gã đắm đuối. Gã chỉ thấy sự hợm hĩnh nhem nhuốc, nhợt nhạt bám víu khắp mọi nơi. Gã muốn buồn nôn. Người ta rất dễ buồn nôn với những cái mặt nạ dị hợm. Chúng đã giễu môi, cười cợt vào gã, kể cả trong bóng tối. Vài lần, gã phớt lờ, tiếp tục lần mò trên bàn phím. Gã nghĩ, nhất định gã phải làm được việc gì đó có ý nghĩa trong đời mình. Thỉnh thoảng gã nhận được một tin nhắn lạ: "Mày hãy xóa ngay lũ mặt nạ trên màn hình máy tính đi". Giọng điệu có vẻ rất đe dọa. Gã cười khẩy. Gập chiếc laptop. Bàn phím trống rỗng. Nút del cũng vừa biến mất. Hóa ra, muốn xóa một thứ gì đó cũng không hẳn dễ dàng. Người ta cần phải có sự chuẩn bị, cần phải có kế hoạch cho tất thảy mọi việc, dù chỉ là hành động nhấn nút. Del.
Lỗ đen vô hình vẫn sâu như bầu trời đêm vậy.
Sáng nay, gã dậy muộn. Mặt trời lúc nào cũng thế. Lão luôn sẵn sàng ném thẳng thứ ánh sáng chói chang vào mặt gã qua khung cửa kính. Đôi ba lần, gã ngây ngô lầm tưởng đó là sự rạng ngời mà gã xứng đáng được lãnh nhận. Nhưng, không. Chắc chắn không. Gã phát hiện ra chúng khá đểu cáng. Rõ ràng là rất đểu cáng. Lão khôn ngoan hơn gã. Lão đánh lừa tri giác tối tăm của gã bằng cách rọi những tia nắng vàng ươm mê hoặc vào mặt gã mỗi buổi sáng.
Từ bé, gã thường quan sát và nhận thấy ánh sáng mặt trời khá lung linh. Nhất là khi thứ ánh sáng đó tràn vào mắt mẹ. Chúng lấp lánh và đẹp như sự mờ ảo của những đôi cánh thiên thần. Mẹ gã thường đi lễ nhà thờ vào lúc bốn giờ sáng, rồi trở về nhà chăm chỉ bới đất nhặt cỏ. Buổi tối, bà làm công việc của một con chiên trước giờ đi ngủ. Chuỗi tràng hạt, quyển kinh thánh luôn nằm bên gối mẹ. Gã không có nhu cầu xóa trắng bất cứ thứ gì trong cuộc sống thường nhật của mình. Bởi mẹ chẳng hề biết mặt trời có thật sự đẹp đẽ rạng ngời như một giấc mơ hay chăng. Hoặc, mặt trời của gã chính là mẹ, chứ chẳng phải thứ gì khác.
Ở gần mẹ. Gã thường trốn tránh mặt trời. Gã luôn luôn dậy muộn. Gã cố tình đợi đến giờ mẹ trở về từ nơi chốn linh thiêng nào đó mỗi sáng sớm chỉ để nghe âm thanh của vòng bánh xe trong một buổi sớm yên lành. Gã thích nhìn bóng mẹ dong chiếc xe đạp vào ngõ, dựng bên cạnh gốc cây lêkima bố trồng. Chỉ cần vậy. Ít ra, đó chính là hình ảnh thật mà gã chưa bao giờ muốn xóa khỏi trái tim và khối óc của mình.
Bóng tối quen thuộc tràn xuống trên từng mái nhà vào cuối giờ chiều. Chúng nhảy nhót và hát ở dãy trọ của gã. Những khi mặt trời chơi trò trốn nấp, giấu giếm thứ ánh sáng đó. Gã đã nghĩ, nhất thiết mình phải tìm ra nơi chốn trú ẩn của lão, phải tìm ra sào huyệt của sự khôn ngoan mà lão luôn thể hiện trên chiếc mặt nạ có vành môi khoét sâu, như một lỗ đen trong vũ trụ. Bây giờ, mỗi buổi sáng thức dậy. Gã không hấp tấp mở toang cánh cửa sổ nữa. Gã kéo ống tay áo sụp xuống ngang mày. Và, tiếp tục nhắm mắt. Chẳng ai có thể bắt gã phải rời khỏi chiếc hộp bê-tông bảnh chọe này, bước chân ra khỏi nhà để ngắm một bầu trời nhàm chán. Chúng không mang lại màu xanh của sự hi vọng như chúng đã từng giả vờ hứa hẹn.
Góc quán cây long não trầm uất ngày cuối tuần. Gã ngồi trên một chiếc ghế đẩu, ngước mắt nhìn về phía những đám mây trắng-xanh xếp xen kẽ lẫn nhau giữa mùa hè, trông rất đẹp, khiến gã ngời ngời cảm xúc. Thỉnh thoảng gã có chảnh chọe trêu chọc thứ ủy mị bạc nhược đó bằng cách chửi thề nó. Nhưng, tiếc thay, gã không thể xóa nó khỏi ranh giới thầm kín trong lòng mình được. Gã yếu ớt, nghĩ về sự ghét bỏ. Rồi lặng lẽ, cúi mặt xuống đất. Buồn rười rượi. Gã lại nghĩ về những lỗ đen trong đêm sâu.
Có một cơn dư chấn nào đó đang nằm im và khá ngoan ngoãn ở phía dưới, chỉ đợi ngày xóa sạch sự đẹp đẽ bằng sự ảo tưởng. Gã nghe mùi khói lửa đượm trên những bức tường rêu xung quanh thành cổ này. Nơi có nhịp cầu mộng mơ đã gãy trong quá khứ xa xôi. Nơi gã đang sống. Nơi biết bao nhiêu kẻ như gã đang phải mò mẫm trong bóng tối giữa ánh sáng lừa dối của lão mặt trời.
Bất giác, có vài lần, gã thấy nhớ một người đàn ông năm mươi chín tuổi. Ba năm, chắc chắn vừa đủ thời gian cho linh hồn ấy rời khỏi thế giới đầy cuồng nộ này. Gã chỉ tò mò về chốn khác. Mẹ gã vẫn đi lễ đều đặn mỗi buổi sáng, vào lúc bốn giờ. Và, dĩ nhiên sẽ đọc kinh trước khi chìm vào giấc ngủ. Gã tưởng tượng về một vùng ánh sáng. Bà thường dặn dò lũ con cháu phải giữ gìn lấy lễ nghĩa, đạo đức, để được ban ơn phước an lành. Gã muốn biết liệu sự sống đời sau như mẹ nói, có thật sự tồn tại hay không? Trong bóng tối của bầu trời khi về đêm, gã luôn nhìn thấy ánh sáng. Chúng có màu trắng, trắng đến nhòa cả mắt ở phía sau những giấc mơ của gã. Phía sau giấc mơ là gì, gã không biết nữa.
Căn hộ thuê của gã gần ngay đầu dốc nhà thờ xây từ thời chiến. Nó vẫn đẹp, vẫn giữ nguyên nét cổ kính, u hoài đầy bí ẩn của phong cách Châu Âu. Đó là thứ mà gã thích nhìn ngắm nhất. Những công trình cũ kĩ còn sót lại ở xứ này đều có dấu ấn của lửa và máu. Gã chẳng biết tự khi nào gã mê tiếng chuông nhà thờ hơn tiếng chuông chùa. Có thể âm thanh không phải để phân định rạch ròi sự yêu và ghét. Nhưng, chúng đã tự chia phần trong tâm hồn con người. Gã thắc mắc, người ta mượn âm thanh của chuông để tỉnh thức bản năng, nhưng, lại không hề biết cách phân biệt tiếng nào nặng, tiếng nào nhẹ. Mặt phẳng của âm thanh theo gã, là sự hư vô không thể đưa tay lên để bấm nút xóa.
Đêm lại trở về quen thuộc như một chu trình của chiếc kim đồng hồ hoặc vòng tròn trái đất. Đó thường là những khoảnh khắc buồn bã và đầy sự ám ảnh nhất của gã. Chúng buông bức màn trùm lên căn phòng này một tấm mặt nạ khổng lồ. Lũ chuột sột soạt ở sau bếp. Gã hoang mang. Gã chưa thể chợp mắt. Gã nằm im nghĩ về những tiếng chuông. Thân thể gã bỗng trượt theo một thác nước, mặt phẳng khá tự do. Gã muốn tìm kiếm sự quấy rối của nó như những kẻ đang cặm cụi gõ hàng ngày chỉ để làm trong sạch mặt trời. Gã tạo ra một cuộc đua cho chính mình ngay trên chiếc giường này, trong gian phòng nhỏ bé này. Bọn chuột lại tiếp tục rục rịch gây ra mọi âm thanh có thể. Cái nắp xoong rơi xuống. Âm thanh vỡ tan. Gã lẩm bẩm: "dưới bếp làm gì còn thức ăn thừa".
Gã có một giấc mơ về biển từ đêm hôm trước. Theo như gã còn nhớ thì đó là hình ảnh của những con sóng bạc cũng có màu trắng xóa và những con tàu được chế tạo ra chỉ để dành chở bọn chuột. Gã mường tượng ra sự sung sướng phỡn chí, leo, bò, rúc, khắp các toa của chúng. Chễm chệ như các thánh tướng. Gã nghe tiếng rung râu, tiếng chí cha chí chát bàn chuyện đánh nhau với mèo. Gã còn nhìn thấy, trên cổ mỗi đứa đeo một cái thẻ có dấu chữ thập màu đỏ. Một vài chàng/nàng chuột hình như có chuốt sơ qua bộ lông, bóng mượt như phủ một lớp bồ hóng. Chiếc thẻ chữ thập đong đưa, lắc qua lắc lại. Bọn chúng nhìn vào mặt gã và toét miệng ra cười. Có rất nhiều black hole. Chúng đang nuốt trọn dần dần thể xác gã. Những lỗ đen sâu hoắm. Gã vẫn nhớ, sau khi tỉnh giấc, gã đã bật dậy, với tay lấy con chuột không dây cạnh chiếc laptop ném xuống nền đá lạnh.
Âm thanh lại tiếp tục vỡ tan. Trong đêm. Không có mặt trời. Và những nút xóa. Del. Mù lòa, sâu thẳm như những lỗ đen trong vũ trụ, hay giấc mơ của một kẻ đang dò dẫm từng bước trên cầu thang tối, chỉ để đợi chờ một tiếng chuông. Mặt phẳng của những tiếng chuông thường vô hình.



Thứ Năm, 26 tháng 10, 2017

GIẤC MƠ SƯƠNG MÙ tác giả LÂM HẠ - TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ: 302 - THÁNG 10 NĂM 2017





Truyện ngắn



Sương mù dày đặc.
Sương mù vây kín thành phố. Mẹ bước đi trong màn sương dày không thấy bàn tay. Mẹ lạnh cóng.
Mẹ khóc, nước mắt hóa thành sương, bay lên trời.
Ba ở phía sau, dần xa.
Cuộc ly tan bắt đầu từ ấy, trong sương.
Mờ dần nhân ảnh, bôi xóa yêu thương, chia lìa day dứt. Tôi đứng giữa họ, chờ đợi và hi vọng một thanh âm phát ra từ hai người đã sinh ra tôi. Tôi hi vọng sẽ kết nối được họ, sẽ là sợi dây vĩnh cữu cứu chuộc tình yêu của họ, hai con người khốn khổ bị vây khốn bởi đói nghèo, và lòng tự tôn đã bị đối phương xé tan.
Tôi có cứu được họ không, giữa vũng lầy yêu thương đã đổ sụp như tòa thành được xây bằng cát.
Mọi thứ trắng như tuyết, mờ mờ giữa màn sương. Tôi gào lên gọi, mẹ ơi quay lại đi, quay lại một lần đi. Cha ơi bước lên đi, tiến về phía mẹ một bước đi.
Họ quay lưng về phía nhau.
Một màn trắng xóa, lạnh cóng. Tôi giật mình.
Cơn mơ màu trắng, vẫn những giấc mơ lạnh đó vây phủ tôi hằng đêm, của những ngày mưa phủ trắng trời.
"Một ô cửa trắng, một cô bé giấu những giọt lệ giữa những vì sao rơi ngoài song, trong một đêm lấp lánh ánh trăng".
Tôi viết, rồi xé. Những bức thư chưa bao giờ được gửi, những yêu thương chưa bao giờ được đong đầy thành lời.
Thư cho ba.
Một cuộc tình tan vỡ. Ba ơi, chúng ta, ba, mẹ và con, sẽ chẳng bao giờ là một gia đình phải không? Vậy thì làm sao con đủ dũng khí để kiến tạo một gia đình khi con không hề định nghĩa được giá trị của hai từ ấy?
Lại một cuộc tình nữa vỡ tan.
Con vẫn chẳng thể nào trả lời nổi, tại sao con luôn tìm hình ảnh của ba nơi những chàng trai con yêu. Cái mùi hương nồng nồng mà những tháng năm thơ ấu con chẳng thể quên lần con được ba cõng.
Con chưa bao giờ kể cho mẹ nghe điều đó. Có lẽ mẹ sẽ chẳng hiểu nổi. Mẹ yêu ba bằng tình yêu khác, tình yêu nhiều nước mắt và đớn đau.
Con yêu ba bằng tình yêu vẹn nguyên một đứa con gái bé nhỏ, dại khờ.
Những đêm sương mờ, con vẫn mơ về ba. Trong cơn mơ bôi xóa màu của tuyết, có lần nào đó chúng ta nắm tay nhau, như một gia đình.
Và chúng ta đi vào màn sương, tan loãng.
Những cơn mơ ấy luôn lấy đi rất nhiều nước mắt, của con.
Con vẫn thường tự hỏi những người đàn ông tìm kiếm điều gì trên thế gian này? Và ba, ba tìm kiếm gì trong những tháng năm dài xa xứ? Khi con tập nói, tập bò, bước những bước đi đầu tiên, ba ở đâu?
Khi con hôn nụ hôn đầu đời, con lại nhớ ba.
Nếu ba ở đây bên con, ba sẽ nói điều gì?
Đêm qua con lại mơ, trong giấc mơ con là những gương mặt đàn bà mờ mờ, hiện ra trong sương. Họ nói rằng họ cũng yêu ba, như mẹ từng yêu, đã yêu và có lẽ còn yêu ba đến những giây phút cuối đời của mẹ.
Con giành giật ba khỏi họ, con thét gào trong màn sương bủa vây giá lạnh. Con cầu xin họ đừng mang ba đi, con van xin họ hãy để lại cho con một phần ba, ba của con.
Họ cười nhạo con, họ quay lưng đi. Họ bảo con luôn ngốc nghếch, họ kể rằng ba chưa bao giờ nhắc về con, vậy là ba chưa bao giờ yêu con cả. Đừng hi vọng, họ thì thầm điều đó, với con, trong sương mù.
Ba vẫn không biết mẹ thường hay đánh con, mỗi khi nhớ ba. Ba vẫn chẳng biết tình yêu mẹ dành cho ba có hình hài ra sao phải không? Nó là những lằn roi rướm máu, trên da thịt con.
Tình yêu đớn đau đến vậy đó ba. Con đã học được bài học đầu tiên về tình yêu, từ ngày thơ bé.
Con hay cắn người tình, để lại dấu răng, và vệt hồng hồng của máu trên da thịt chàng. Chàng đau đớn nói con tàn nhẫn.
Chàng không hề biết rằng là vì con quá yêu, nên con để lại vết dấu nơi thân thể chàng, như những vết roi ngày nhỏ.
Nào có mấy ai nhận biết được hình hài tình yêu, phải không ba?
Đêm nay con lại mơ. Giấc mơ giữa một đêm vàng trăng và lạnh sương mù. Ba vẫn đứng yên đó giữa mùa đông phủ tuyết, ba vẫn hứa và không giữ lời. Mẹ vẫn ngồi yên đó chờ đợi qua tháng năm, qua thanh xuân, qua những vết thương in hằn cả tuổi thơ con. Những người đàn bà của ba đang hát, họ vây quanh con và hát mãi, hát mãi những tình ca như loài chim sơn ca bé nhỏ. Ba chạy theo họ, di chuyển từ người này qua người khác, ba nói cười, và chưa bao giờ nhìn về phía mẹ.
Con lạnh quá. Mẹ cũng lạnh quá.
Mẹ khóc.
Con cóng, chân con ríu vào nhau. Con chạy đến nơi mẹ ngồi nhưng rồi con vấp ngã, sõng soài trong sương.
Chúng ta, ba người mãi là những viên đá cô đơn trôi tuột qua cuộc đời này mà chưa bao giờ chạm vào nhau. Mỗi người ôm một cơn mơ của riêng mình.
Cơn mơ của con, luôn mờ mờ và buốt lạnh, như sương mù.
Rồi một sớm nào đó, con mơ cả cuộc đời con được bôi xóa đi, trắng toát như sương. Để con viết lên những màu xanh của lá, màu hồng của hoa, màu vàng của nắng. Để con quên đi những lằn roi trên da, để con quên đi những vụng dại lỡ lầm, để con được yêu thương, như một đứa trẻ.
Sớm nay, trên mái nhà, đàn chim hót những bài tình ca. Có sớm nào không, trong giấc mơ sương mù, chúng ta – những viên đá đơn côi - sẽ va vào nhau, như một gia đình, hả ba?






Thứ Hai, 23 tháng 10, 2017

NGƯỜI M’NÔNG GIỮ LỬA OT NDRONG tác giả KHÁNH HẠ - TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ: 302 - THÁNG 10 NĂM 2017



Bút ký

Ot Ndrong, là cách gọi của người M’nông về hát – kể sử thi. Người thuộc Ndrong đã hiếm, người biết ot – diễn xướng, lại càng hiếm hơn. Người bạn vong niên của tôi, nghệ nhân Điểu K’Lung, sau khi đã ngả nghiêng vì thứ nước rượu cần vàng óng như mật ong, ghé tai tôi nói: Được Yàng chọn cả đấy, không phải ai cũng ot được đâu, kon Kinh ạ! “Kon Kinh” là cách gọi trìu mến ông thường gọi tôi, một anh bạn nhỏ tuổi người Kinh lại cứ hay lang thang vào rừng. Mà không vào rừng thì không gặp ông được, mặc dù gần đây, ông đã cẩn thận sắm một chiếc điện thoại di động nhét vào túi áo rồi bảo “kon Kinh lưu số vào để khi nào muốn uống rượu ghè thì đi tìm cho dễ!” Thế mà có dễ đâu. Gọi không được, tôi rủ anh bạn ở Phòng văn hóa thông tin huyện Buôn Đôn tìm đến nhà thì ông đi rừng rồi!
Ông bảo: Tuổi mình giờ đã lớn, ngoài 70 rồi, ở nhà sẽ dễ bị bệnh lắm, vào rừng chơi cho khỏe tay khỏe chân, khi chặt ít cây củi, khi xuống suối thả lưới bắt con cá, vừa vui vừa khỏe! Tôi biết rồi, người Tây nguyên, đa số đều có máu “lang thang”, thích đi đây đi đó, với họ, đời là một cuộc lãng du bất tận... Huống chi, Điểu K’Lung, một nghệ sĩ thực thụ, thì cuộc lãng du ấy còn dài hơn, như những câu Ndrong kéo dài chừng như vô tận của người M’nông.
Nghệ nhân Điểu K’Lung sinh năm 1941 ở bon Bu Đrăng, xã Quảng Trực huyện Tuy Đức tỉnh Đắk Nông trong một gia đình có 4 anh em thì ngoại trừ một người mất sớm, 3 anh em còn lại đều là những nghệ nhân mà tiếng tăm của họ vang xa qua chín suối mười rừng trên miền đất Tây Nguyên huyền thoại này. Người anh lớn Điểu Kâu về với bến nước ông bà tính ra cũng đã mấy mùa rẫy, người anh thứ 2 bây giờ đang làm bảo vệ kiêm đánh trống cho một trường học ở quê nhà bên Tuy Đức. Người em út Điểu K’Lung thích lãng du, qua tận Bản Đôn tìm người thương rồi bị miền hoang sơ Làng Đảo bắt mất hồn từ thuở còn trai tráng. Cho đến bây giờ, đã mấy mươi mùa rẫy…
- Kon Kinh biết không, mình từng được chế độ cũ cử đi học đấy, mà là học thông tin văn hóa ở Nha Trang đàng hoàng chớ bộ, cái này mình không nói cho ai biết đâu đó…
Chia sẻ xong cái bí mật bất ngờ ấy, ông cười sảng khoái, hỏi ra thì mới biết, ông từng làm Trưởng ban kỹ thuật thông tin tỉnh Quảng Đức vào những năm 1968 – 1970. Năm 1973, sau hiệp định Giơ-ne-vơ, ông băng rừng về Buôn Ma Thuột trình diện chính quyền cách mạng rồi bị cô gái M’Nông Lào ở Bản Đôn bắt mất hồn mất vía và theo về đấy cho đến tận bây giờ. Mỗi lúc vui chuyện, ông nói với tôi:
- Mình có mấy đứa cháu bên Tuy Đức, chúng nó muốn mình về bên đó, thằng cháu làm ở Hội đồng nhân dân huyện cứ nằng nặc nhủ “chú về đây, sẽ lo nhà cho chú ở, lo rượu cho chú uống…”
- Thế già có định về? – Tôi ướm hỏi
Ông không trả lời, nói sang chuyện khác:
- Theo gia phả, người M’nông sinh ra từ đất, chui dưới đất lên, cho đến nay, cũng không mấy ai còn biết và nhắc lại. Chuyện này, cũng mới nói cho kon Kinh biết thôi đấy…
Nói rồi, ông lôi cái hòm gỗ cũ của ông, lục lọi mãi rồi cầm ra một quyển vở học trò chi chít toàn chữ M’nông. Đó là công trình tâm đắc của Điểu K’Lung, tôi biết thế. Ông nhờ tôi: Kon Kinh còn trẻ, mắt tỏ, đánh máy dùm cái nhá, mai mốt mình chết rồi, nó thất lạc, con cháu M’nông lại không biết nguồn gốc của mình. Tôi hỏi ông về cái lỗ đất - băng andreh – mà người Êđê cho rằng, họ cũng từ đó chui lên, ông nói, mình không biết nhiều về người Êđê anh em, có điều, người M’Nông biết rõ mình từ đâu xuất hiện trên cõi đời này, và cuối cùng, sẽ về đâu.
Trong quan niệm của người Êđê, Bahnar, M’nông, thế giới ban đầu được hình thành chưa có con người. Và khi người xuất hiện, thì thường là từ một cái hang đất, hay lỗ đất chui lên. Điểu K’Lung kể: Ngày xưa, xưa lắm, có hai anh em tên là Mbông và Krông mang một gùi đất, một gùi hạt giống và một bầu nước theo con trút từ dưới Nậm Lêr chui lên. Lúc đó, mặt đất chỉ toàn là đá. Họ đắp đất, gieo hạt giống. Khi có cây cối rồi, Mbông và Krông lấy phiến đá đẽo hình giống con người. Có con bướm bay đến đậu lên phiến đá hình người ấy, hòn đá liền biến thành người thật. Đó là người M’nông đầu tiên trên mặt đất này…
Còn nhớ, cách đây chừng dăm năm, tôi dẫn một anh bạn cũng là nhà báo vào gặp nghệ nhân Điểu K’Lung. Đang hỏi han vui chuyện, anh bạn đề nghị: Già ơi, thử ot một đoạn sử thi cho tụi cháu nghe với! Ông già nghiêm nét mặt: Tầm bậy, nói tầm bậy, không được! Tôi tỉ tê hỏi lại, thì ra, khác với người Êđê, có thể kể khan bất kể ở đâu, vào lúc nào, người M’nông chỉ ot ndrong ở trên rẫy. Những lúc nghỉ ngơi, trong căn chòi canh lúa, người già người trẻ ngồi quây quần đống lửa nghe ot ndrong. Nếu ot ở nhà, thì phải làm một nghi lễ có rượu, có thịt đàng hoàng xin phép các Yàng, và khi được các Yàng đồng ý, lúc đó mới được bắt đầu. Đấy, người M’nông là thế, rất tự do, lãng du rất mực, nhưng cũng có quy tắc ứng xử chắc chắn, có trước, có sau.
Biết tôi có ý định đi Đắk Nông để tìm hiểu và viết bài về cao nguyên của người M’nông, Điểu K’Lung cầm tay dặn:
- Lên đấy, nhớ tìm gặp con cháu Mai của tao, nó sáng bụng lắm, có bao nhiêu truyện cổ M’nông, nó dịch ra tiếng Kinh được hết! Những cuốn sách lớn này, không có nó, một mình mình không làm nổi đâu!
Rồi ông cẩn thận lấy số điện thoại của Mai cho tôi, đôi mắt tinh và hóm thường ngày giờ chợt mênh mang. Tôi biết, ông nhớ bon làng, nhớ quê nhà nhưng không nỡ về. Hai bà vợ ở Bản Đôn đều không ở được với ông đến trọn đời. Điều đó, ông không tiếc, nhưng thương vô cùng hai đứa con còn thơ dại. Ông nói rằng, có 5 sào ruộng, gần 30 mét đất cạnh đường lớn, tao để dành cho chúng nó hết, thương lắm! Người M’nông chúng tao, thương nhất những đứa con!
Cách đây khoảng mười năm, khi tỉnh Đắk Lắk đang thực hiện dự án sưu tầm sử thi, Điểu K’Lung ngày này qua ngày khác, tuần này qua tuần khác bắt xe buýt từ nhà ra Buôn Ma Thuột để ot ndrong thu vào băng cát sét. Ông tâm sự với tôi: Tiền nong không đáng bao nhiêu đâu kon Kinh à, nhưng mình phải chịu khó, để lại cho con cho cháu mà! Thế đấy, hễ cái gì có ích cho con cho cháu là ông làm, chăm chút, cẩn thận. Để đến bây giờ, trên đầu giường của ông, hàng chục quyển sách, mà quyển nào cũng đồ sộ hàng ngàn hàng vạn câu. Tiăng bán tượng gỗ, Con đỉa nuốt bon Tiăng, Luật tục M’Nông… Uống rượu vào, mắt sáng rực, ông đưa tay chỉ vào bụng mình, nói:
- Ở trong này còn mấy chục quyển nữa đó!
Tôi biết ông nói thật. Vì thế mà đâm lo, nếu mai này, lỡ ông về bến nước ông bà, xong một kiếp lãng du tài hoa, thì “mấy chục quyển”, cả một kho sử thi, truyện cổ, ca dao của người M’nông chưa kịp khai thác ấy cũng sẽ vĩnh viễn trở về với đất! Năm nay, đã gần 80 tuổi, bước đi còn nhanh nhẹn, nhưng biết thế nào được với các Yang mà nói trước. Tôi bàn với Điểu K’Lung: Thì nhà nước chưa mua mình cũng cứ chép ra giấy, cất đấy, khi nào có người cần thì mình bán, lo gì! Ông ngồi im, chừng như cân nhắc điều gì đấy rồi gật gật đầu, cười, bảo:
- Khi nào kon Kinh đi Đắk Nông, nhớ gọi mình nha!
Tôi cũng biết, ông nói thế chứ có gọi thì ông lại đang bận việc gì đó, đôi khi là bận vào rừng chơi, thế thôi.
Tôi gặp Thị Mai, đứa cháu ruột “sáng bụng” mà Điểu K’Lung vẫn thường nhắc. Mai già hơn tuổi, dáng vẻ tất bật. Nhà trong huyện Đắk Song, bữa ấy, chị chạy lên thị xã để lo cho con bé thứ hai vào lớp 10 của trường nội trú dân tộc, bên nách địu đứa nhỏ chưa đầy tuổi. Ngồi uống tách cà phê mà chị cứ nhấp nha nhấp nhổm. Hơn 30 học viên học nghề may thêu đang cần chị ở nhà. Lớp học ấy được chính quyền xã hỗ trợ trả lương nên cũng phải giờ giấc bài bản. Đó là mưu sinh, nhưng đó cũng là cách thiết thực để bảo tồn hiệu quả nghề dệt thêu truyền thống của người M’nông, chị bảo thế. Nhắc đến sử thi, chị hào hứng:
- Hiện em đang hợp tác với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch thực hiện sự án sưu tầm ca dao dân ca M’nông, cũng đã được kha khá!
Mai may mắn sinh ra trong một gia đình truyền thống. Cha của mai, nghệ nhân Điểu Kâu là một trí thức M’nông nổi tiếng. Ông không chỉ có công trong việc giáo dục, dạy chữ cho bà con dân tộc mình ở tỉnh Quảng Đức trước đây mà kể từ khi phát hiện kho ot ndrong đang trầm tích trong bon làng, ông đã tham gia sưu tầm biên dịch nhiều tác phẩm. Ngôi nhà Điểu Kâu từng là một nơi gặp gỡ, trao đổi về văn hóa dân gian M’nông. Bác ruột Điểu K’lứt, chú ruột Điểu K’Lung đều là những kho ot ndrong lớn, Mai thừa hưởng truyền thống văn hóa dân tộc mình một cách tự nhiên. Nhờ sự dạy bảo tận tình của cha, Mai say mê ot ndrong từ khi chưa biết nhớ.
Người M’nông vốn rất tài hoa và nghệ sĩ. Ngoài những pho sử thi đồ sộ đã sưu tầm, biên dịch được thì còn nhiều lắm những bài hát, những bài văn vần đang lưu truyền trong các bon làng. Mai bảo, nhiều lắm anh à, sợ sức em làm không xuể, đàn bà M’nông như em, vất vả nhiều! Với Mai, quả là cuộc sống còn nhiều thứ quan trọng hợn sử thi, ca dao, cổ tích, nhưng tôi vẫn muốn tin rằng, người phụ nữ đã “được Yàng chọn” ấy sẽ không dễ dàng bỏ cuộc.

Đắk Song, Tuy Đức, Buôn Đôn … những địa danh quen thuộc của người M’nông, những cánh rừng già ngày càng lùi xa trong ký ức; cả những ot ndrong, ca dao, cổ tích, luật tục cũng đang bị nhịp sống hiện đại xô bồ với bao nhiêu thứ lo toan đè lấp. Nhưng, trong những bon làng xa xôi, thỉnh thoảng ta vẫn gặp những con người với phẩm chất nghệ sĩ và tinh thần trách nhiệm cao cả, họ đang âm thầm gìn giữ vốn văn hóa truyền thống quý báu để cho con cháu mai sau.

Chủ Nhật, 22 tháng 10, 2017

NHỚ MÙA TRUNG THU CŨ tác giả KHÔI NGUYÊN - TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ: 302 - THÁNG 10 NĂM 2017







Tản văn


Trung thu. Lại nhớ cái thuở còn nao nức với tiếng trống ếch của Đội thiếu niên tập ở sân đền vào cuối những năm 60 và đầu những năm 70 của thế kỷ trước. Ngày ấy, tôi còn nhỏ, chỉ thuộc lứa thiếu nhi, nhìn các anh chị đội viên đeo khăn quàng đỏ, đội mũ calo, cứ chiều chiều, rồi tối xuống, lại tập duyệt đội ngũ, tập bước đều theo tiếng trống lệnh, thèm lắm. Cứ tranh thủ lúc các anh chị giải lao là tôi cầm que nhảy vào gõ trộm mấy tiếng trống, rồi chạy. Trống ếch hồi đó làm bằng da trâu nên kêu không hay như trống Đội bây giờ được bịt mặt bằng nhựa và có dây lò xo để tạo âm rung. Sân đền rạo rực bắt đầu từ mùng 10 tháng tám âm lịch cho đến hết đêm rằm tháng tám.
Trước Trung thu, chúng tôi thường tỉ mẩn tích cóp hạt bưởi, phơi khô, bóc vỏ xong lại phơi, xâu lại thành dây. Dây hạt bưởi sẽ là sợi bấc dầu dài để đốt vào đêm Trung thu.
Nhiều trẻ không có tiền đã tự làm đèn Trung thu bằng vỏ quả bưởi. Khi bổ quả bưởi phải thao tác như sau: cắt một lát phía cuống sát với phần múi, khía vỏ thành 4 phần theo chiều dọc của múi đến cách chỗ “rốn” quả cỡ 4 cm, dùng tay tách vỏ và múi. Vậy là sau khi tách múi ra, vỏ quả bưởi vẫn nguyên hình trái bưởi. Bóc bỏ bớt cùi bưởi, mỗi múi vỏ khoét một lỗ để thoát ánh sáng và thông khí. Lấy tăm xiên vào các múi vỏ để kết chúng lại với nhau và dùng dây xâu vào phía trên các múi vỏ để treo lên 1 đầu que, gắn nến vào trong, thế là có chiếc đèn lồng mà đi long rong khắp xóm làng cùng bạn bè. Đến bây giờ, thỉnh thoảng tôi vẫn bổ bưởi theo cách này khiến các con tôi ngạc nhiên và tập làm theo.       
Không mua đèn nhưng Trung thu nào anh em tôi cũng được ông bà hoặc bố mẹ mua cho một ông tiến sĩ. Ông tiến sĩ giấy đội mũ cánh chuồn, trên đầu có lọng che, hai bên có cờ phướn, đằng trước có tàn ghi danh, oai phong lẫm liệt nhưng vẫn khiêm nhường vòng tay trước bụng như đang chúc mừng, đang dâng biểu, đang chuẩn tấu, đang đón chào đồng vai... chúng tôi thường để trước mặt ông tiến sĩ quả thị, quả na, quả chuối, miếng bánh dẻo hoặc bánh nướng, chờ giờ phá cỗ.

Đêm trung thu là vui nhất. Trẻ em tập trung ở một sân nhà nào đó trong xóm có đủ độ rộng để chờ Đội sản xuất của hợp tác xã phát quà. Những trò chơi Thả đỉa ba ba, Đập chạy, Bàng bò, Máy bay tên lửa, Nu na nu nống, Trồng nụ trồng hoa, Làm bánh làm bún, Nhảy dây, Rồng rắn lên mây... cứ rổn rảng. Ngoài sân đền thì cũng rộn ràng tiếng trống của Đội thiếu niên. Được quà rồi là những chiếc đèn tự tạo từ vỏ bưởi cũng có, bằng vỏ hộp sữa cũng có, mua ngoài chợ cũng có... được thắp lên. Con đường xóm vang vọng tiếng gọi rủ nhau đi chơi. Đứa thắp nến, đứa thắp đèn bằng dây hạt bưởi. Vui, cười, hát hò đến khi trăng lên đến đỉnh đầu, người lớn gọi về đi ngủ mới dùng dằng tạm biệt một mùa Trung thu.

Thứ Sáu, 20 tháng 10, 2017

THÀNH CÔNG BƯỚC ĐẦU CỦA MỘT ĐỢT SÁNG TÁC tác giả VÂN TRANG -TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ: 302 - THÁNG 10 NĂM 2017


  




Việc Công an tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức Hoạt động thực tế sáng tác tác phẩm văn học nghệ thuật về đề tài Công an nhân dân, từ ngày 12 tháng 6 đến ngày 19 tháng 6 năm 2017 là nhằm hưởng ứng Kế hoạch số 337/KH-BCA-X11 ngày 19/12/2016 của Bộ Công an về tổ chức cuộc vận động “Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ” một cách thiết thực và hiệu quả.
Trong những năm gần đây, hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ, đặc biệt là những tấm gương tiêu biểu của Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk được các văn nghệ sỹ thể hiện qua các tác phẩm của mình và đăng tải thường xuyên trên Tạp chí Chư Yang Sin, phát hành rộng rãi trên cả nước; nhưng lại vắng bóng các tác phẩm đề cập đến hình tượng người Công an nhân dân. Vì sao vậy? Một phần do truyền thông mạng đề cập nhiều đến những hình ảnh tiêu cực về lực lượng Công an, gây nên ấn tượng không đẹp, làm ảnh hưởng đến tâm lý sáng tạo của các văn nghệ sĩ. Một lý do nữa, có thể xem là yếu tố chính dẫn đến việc ít có tác phẩm văn học nghệ thuật về đề tài công an vì các văn nghệ sỹ chưa được tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận, lấy tư liệu, tìm hiểu những chiến công thầm lặng của lực lượng Công an nhân dân đóng trên địa bàn tỉnh nhà. Vì vậy đợt phối hợp tổ chức Hoạt động thực tế sáng tác tác phẩm văn học nghệ thuật về đề tài Công an nhân dân lần này nhằm tạo điều kiện cho anh chị em văn nghệ sĩ tỉnh nhà tiếp cận, tìm hiểu các đơn vị, cá nhân đang công tác trong ngành Công an có thành tích nổi bật, tiêu biểu; từ đó sáng tạo nên các tác phẩm văn học nghệ thuật, khắc họa hình ảnh người chiến sĩ Công an nhân dân: Bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ.
Tham dự hoạt động sáng tác lần này, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh mời 19 văn nghệ sỹ trong đó có 08 nhạc sỹ, 08 nhà văn, 02 nghệ sỹ nhiếp ảnh, 01 nghệ sỹ Điện ảnh và đặc biệt có một nhạc sỹ đang công tác trong ngành Công an tỉnh Đắk Lắk là Trung tá Dương Tấn Bình – Phó phòng PX 15, Công an tỉnh Đắk Lắk cùng tham gia trên cả hai cương vị: Vừa là thành viên Ban tổ chức vừa là hội viên.


Quãng thời gian đi thực tế không nhiều, chỉ hơn 7 ngày, các văn nghệ sỹ đã được các đơn vị thuộc Công an tỉnh đón tiếp nhiệt tình, chu đáo, tạo điều kiện thuận lợi để được nghe, được tận mắt chứng kiến công việc thầm lặng của người Công an, cũng như sự hy sinh vô bờ bến của cán bộ chiến sỹ trong ngành khi thực thi nhiệm vụ. Nhiều nhà văn còn xin thêm thời gian gặp riêng một số cá nhân điển hình lấy thêm tư liệu để hoàn thiện tác phẩm của mình.
Sau tròn một tháng (tính đến ngày 18 tháng 7 năm 2017), số tác phẩm văn nghệ sỹ hoàn thành đã làm Ban Tổ chức hết sức bất ngờ về số lượng cũng như chất lượng: 12 ca khúc, 06 bài thơ, 13 tác phẩm văn xuôi, 28 tác phẩm ảnh, 01 đĩa VCD truyền hình đã hoàn thành. Một con số hết sức ấn tượng thể hiện nguồn cảm hứng dồi dào và sự say mê sáng tác của các văn nghệ sỹ về đề tài Công an. Đặc biệt, có tác giả đã hoàn thành 04 tác phẩm ngay trong tháng đầu tiên như: nhà thơ Hữu Chỉnh, nhà văn - nhạc sỹ Linh Nga Niê Kđam, nhà văn Nguyễn Thị Bích Thiêm, nhà văn Mai Khoa Thâu…


Chiều ngày 19 tháng 7, tại Hội trường Công an tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức Lễ tổng kết hoạt động thực tế sáng tác và giới thiệu một số tác phẩm văn học nghệ thuật về đề tài Công an nhân dân năm 2017. Bước vào tiền sảnh Hội trường, khách không khỏi bất ngờ với 28 bức ảnh nghệ thuật trưng bày của hai nghệ sỹ nhiếp ảnh Duy Thương và Trần Thị Mùi. Những khoảnh khắc trong công việc hàng ngày của cán bộ chiến sỹ Công an được người nghệ sỹ nhiếp ảnh ghi lại, đã tạo ấn tượng hết sức tốt đẹp với người xem. Trong buổi lễ, cả hội trường được thưởng thức VCD dài 15 phút của nhà văn Thu Hương và nghệ sỹ Công Việt ghi lại những hoạt động của các văn nghệ sỹ trong thời gian Hoạt động thực tế sáng tác tác phẩm văn học nghệ thuật về đề tài Công an nhân dân năm 2017. Tuy đã phát lúc 20 giờ 35 phút ngày 25 tháng 6 năm 2017 trên chương trình Văn học Nghệ thuật của đài Truyền hình Đắk Lắk, nhưng vẫn gây xúc động cho mọi người. Tại buổi lễ, 04 bài thơ và 08 ca khúc đã được trình diễn, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người hâm mộ. Nhà thơ Hữu Chỉnh, nhà thơ Lê Đình Liệu mỗi người giới thiệu hai bài thơ khắc họa thành công hình tượng người Công an nhân dân: bản lĩnh, nhân văn. Từ ngữ giản dị mà giàu cảm xúc trong tác phẩm của các nhà thơ đã làm lay động lòng người. Các tác phẩm âm nhạc của các nhạc sỹ: Hồ Tuấn, Linh Nga Niê Kdam, Sỹ Hùng, Quang Dũng, Dương Tấn Bình, Nguyến Hưng, Đình Ty… thể hiện được phong cách người Công an nhân dân không những bản lĩnh, nhân văn mà còn có tấm lòng nhân hậu đối với với nhân dân đã khiến cả hội trường xao xuyến. Những tác phẩm văn học nghệ thuật được giới thiệu tại buổi Lễ tổng kết đã để lại ấn tượng tốt đẹp cho người nghe và chắc chắn cùng với thời gian sẽ lan tỏa rộng hơn đến mọi tầng lớp xã hội, góp phần khẳng định bản chất tốt đẹp của người Công an nhân dân Việt Nam luôn luôn vì nước quên thân, vì dân phục vụ.

Có được kết quả tốt đẹp của chuyến đi thực tế lần này là nhờ sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Công an tỉnh, Ban tổ chức và sự giúp đỡ nhiệt tình, tạo điều kiện thuận lợi của các phòng ban, đơn vị mà đoàn đến thực tế như: Phòng An ninh dân tộc, Phòng Cảnh sát hình sự, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Buôn Ma Thuột, Trại tạm giam Công an tỉnh Đắk Lắk, Phòng Truyền thống Công an tỉnh và Phòng PX 15.
Các tác phẩm trình diễn tại buổi lễ Tổng lễ mới là kết quả bước đầu, các tư liệu, hình ảnh thu được sau chuyến đi này hy vọng sẽ tiếp tục được các văn nghệ sỹ sử dụng, sáng tác những tác phẩm mới để đăng tải thường xuyên trên Tạp chí Chư Yang Sin – cơ quan ngôn luận của Hội VHNT Đắk Lắk.
Phát huy kết quả chuyến đi vừa qua, hy vọng trong thời gian tới Công an tỉnh Đắk Lắk sẽ tiếp tục phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh nhà tổ chức các chuyến đi thực tế đến các đơn vị điển hình, tìm hiểu các chuyên án lớn đã phá, hoặc gặp gỡ cán bộ nguyên là lãnh đạo Công an tỉnh qua các thời kỳ để văn nghệ sỹ có tư liệu tiếp tục sáng tác, khắc họa thành công hình ảnh người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ góp phần quan trọng xây dựng hình ảnh đẹp của người Công an nhân dân.




GIỚI THIỆU TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ: 302 - THÁNG 10 NĂM 2017








Thứ Tư, 18 tháng 10, 2017

CUỘC THI VÀ TRIỂN LÃM ẢNH NGHỆ THUẬT ĐẮK LẮK 2017 tác giả KHÔI NGUYÊN - CHƯ YANG SIN SỐ: 301 - THÁNG 9 NĂM 2017





Được sự đồng ý của UBND tỉnh Đắk Lắk, sự bảo trợ của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, sự tài trợ của các doanh nghiệp và những người yêu văn học nghệ thuật, đặc biệt là sự hưởng ứng tham gia của các nghệ sĩ nhiếp ảnh, Hội VHNT đã phối hợp với Sở VHTTDL, Trung tâm văn hóa tỉnh Đắk Lắk tổ chức phát động Cuộc thi và triển lãm này. Trong thời gian phát động (từ tháng tư đến đầu tháng tám năm 2017), Ban Tổ chức đã nhận được 368 tác phẩm của 31 tác giả đang sinh sống và làm việc tại Đắk Lắk. Trong đó có 361 tác phẩm ảnh đơn và 7 tác phẩm ảnh bộ. Hầu hết những tác phẩm tham gia dự thi lần này đều bám sát chủ đề  cuộc thi do Ban tổ chức đề ra: “Đắk Lắk trên đường hội nhập và phát triển” với nhiều nội dung phong phú, đa dạng trên các lĩnh vực đời sống xã hội: Công nghiệp, nông nghiệp, ngành nghề truyền thống, an ninh quốc phòng, văn hóa xã hội như: giáo dục, thể dục thể thao, sinh hoạt đời thường, chân dung con người các dân tộc... Đặc biệt là những hình ảnh về lễ hội truyền thống, cà phê là những mảng đề tài hấp dẫn được nhiều nhà nhiếp ảnh tập trung khai thác với nhiều hình ảnh sinh động, chất lượng nghệ thuật cao.
Ngày 10.8.2017, Hội đồng Giám khảo tiến hành làm việc. Thành viên Ban Giám khảo là những nghệ sĩ nhiếp ảnh có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, có uy tín trong lĩnh vực nhiếp ảnh của cả nước, được Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam giới thiệu. Tổ Giám sát do Ban Tổ chức bầu ra, gồm những nghệ sĩ nhiếp ảnh xuất sắc, có kinh nghiệm; Tổ thư ký và Bộ phận phục vụ là những người đã rất quen với công việc được phân công. Sau một ngày làm việc khẩn trương đầy tinh thần trách nhiệm, thái độ công tâm vì sự nghiệp phát triển nghệ thuật nhiếp ảnh, qua 4 vòng chấm, Hội đồng Giám khảo đã chọn được 84 tác phẩm để Ban Tổ chức triển lãm; qua vòng chấm thứ 5, Hội đồng Giám khảo đã giới thiệu cho Ban Tổ chức 11 tác phẩm vào cơ cấu giải thưởng.
Về kết quả cuộc thi, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Phong - Ủy viên BCH, ủy viên Hội đồng Nghệ thuật Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam – Trưởng ban giám khảo nhận xét: “Ban Giám khảo đã chọn ra 83 tác phẩm xuất sắc trưng bày triển lãm. Đây là bộ ảnh có chất lượng, đa dạng và phong phú về đề tài với chất lượng kỹ thuật tốt.
Ban Giám khảo đã rất cẩn trọng cân nhắc, xem xét để tìm ra được 11 tác phẩm có chất lượng, bám sát nội dung đề tài cuộc thi để xét trao giải thưởng. Tất nhiên có những tác phẩm có nội dung tốt nhưng yếu tố thẩm mỹ của ảnh chưa cao thì sẽ khó đạt được giải hoặc đạt giải cao.
Điều đáng lưu ý là Cuộc thi và triển lãm lần này, Ban Tổ chức đã nhận được 7 tác phẩm là ảnh bộ, chứng tỏ rằng các tác giả đã dành nhiều công sức, thời gian đầu tư sáng tạo. Trong đó có những bộ ảnh có chất lượng tốt đã được chọn triển lãm và trao giải thưởng. Đặc biệt là bộ ảnh “Ươm cà phê bằng phương pháp nhân giống hữu tính” - tác phẩm đã đoạt giải nhất cuộc thi. Đây là bộ ảnh xuất sắc, thực hiện công phu với kỹ thuật thể hiện hoàn hảo, nhiều ảnh có góc máy đẹp. Nội dung đề tài hướng về chủ để cuộc thi, phản ảnh được tiềm năng, thế mạnh kinh tế của tỉnh.
Tuy nhiên, trong số nhiều tác phẩm không được chọn để trưng bày triển lãm còn nhiều tác phẩm chỉ dừng lại ở mức ghi chép bình thường về đời sống sinh hoạt và con người, ảnh chỉ mang tính chất lưu niệm, chưa đạt hiệu quả về kỹ thuật và nghệ thuật nhiếp ảnh. Còn có những bức ảnh lỗi về kỹ thuật, như thiếu sáng, chưa có độ nét tất nhiên sẽ không được chọn. Nhiều ảnh lặp lại theo lối mòn, mô típ  thể hiện cũ của những tác phẩm đã đạt giải các lần trước sẽ cũng bị loại.”
Kỷ niệm 72 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2.9, Lễ Trao giải và Khai mạc Triển lãm được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Đắk Lắk.
Trong cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật này, ngoài những tác phẩm do Ban giám khảo lựa chọn, giới thiệu để Ban Tổ chức triển lãm còn có sự tham gia hưởng ứng của các tác giả là hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tại Đắk Lắk. Đây cũng là điều đáng biểu dương tinh thần nhân văn của lớp nghệ sĩ nhiếp ảnh đi trước khi không tham gia cuộc thi để nhường “sân chơi” này cho những tay máy đã và đang đam mê với nhiếp ảnh nghệ thuật có cơ hội phát triển. Chính vì thế, phần lớn các tác giả tham gia dự thi lần này là những tác giả trẻ. Điều đáng lưu lý là gần một nửa tác phẩm ảnh dự thi, ảnh được chọn trưng bày và đoạt giải là thành viên của Câu lạc bộ nhiếp ảnh Ban Mê.
Qua đây, chúng ta nhận thấy rằng lực lượng sáng tác nhiếp ảnh của Đắk Lắk ngày càng phát triển mạnh. Khuynh hướng sáng tác đa dạng, phương pháp sáng tác phong phú, ngôn ngữ nhiếp ảnh sinh động. Các tác giả trẻ đã thể hiện được ý tưởng của mình trong tác phẩm, truyền đạt đến cho người xem những rung động, những phát hiện, những cái nhìn độc đáo cuộc sống và con người của Đắk Lắk trên đường hội nhập và phát triển.