Giáo dục lòng biết ơn cho trẻ là
một vấn đề quan trọng cần sự quan tâm để giúp trẻ có những tư cách đạo đức tốt được
rèn luyện từ nhỏ. Văn học, vốn là môn học khó và việc cảm nhận phụ thuộc nhiều
vào mỗi người. Tuy nhiên, sự trợ giúp của thầy cô, gia đình và cả bạn bè là không
thể phủ nhận, đặc biệt là qua học văn để giúp trẻ hiểu và có được lòng biết ơn.
Có một vấn đề mà trẻ em hiện nay đang rất hạn chế đó là ngại nói lời cảm ơn và
thậm chí chưa biết nói lời cảm ơn. Nguyên nhân bắt nguồn từ cách giáo dục của
cha mẹ và trẻ không được người lớn nêu gương. Văn học là một phương tiện giáo dục
hết sức tinh tế, văn học có khả năng tác động sâu sắc vào tâm hồn, tư tưởng và
nhận thức của con người. Mạnh mẽ và kì diệu, Văn học cần được đưa vào giáo dục
nhân cách, đạo đức nói chung và giáo dục lòng biết ơn cho trẻ nói riêng trong một
xã hội mà con người ngày càng sống khô khan, dửng dưng và ngày càng thiếu đi lòng
biết ơn giữa con người với con người.
Ca dao, một thể loại trữ tình dân
gian đã có những bài học giáo dục rất cơ bản với con người. Trước tiên, khi con
người được sinh ra thì phải có lòng biết ơn với cha mẹ:
Công cha
như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ
như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng
thờ mẹ kính cha
Cho tròn
chữ hiếu mới là đạo con
Những bài học đạo đức như biết ơn
ông bà cha mẹ, hiếu kính phụng dưỡng cha mẹ được giáo dục cho trẻ thông qua chương
trình học tập ở các cấp khác nhau, nhưng có một điều mà chúng ta cần thay đổi đó
là nên hiện thực hóa tri thức trong cuộc sống của trẻ. Với trẻ, để ghi nhớ, những
thứ trực quan, sinh động sẽ dễ dàng hơn là lí thuyết tồn tại trong sách vở. Việc
giúp trẻ thâm nhập những bài học đạo đức từ trong sách vở không hề dễ dàng. Cô
giáo có thể giải thích cho bé công ơn cha mẹ lớn lao như trong bài ca dao trên
và đã là con cái thì phải biết ơn cha mẹ và hiếu thảo với cha mẹ. Tuy nhiên bài
học lí thuyết ấy lại có thể chỉ là một bài học khó hiểu, khó nhớ và tất nhiên là
khó có thể trở nên một phần trong nhân cách trẻ. Như vậy một câu hỏi đặt ra là
phải làm sao để khi tiếp xúc với văn học, trẻ có thể tiếp nhận được chức năng
giáo dục của tác phẩm? Rèn luyện tư cách đạo đức cho trẻ thông qua văn học phải
bắt đầu một cách tự nhiên, không nên gò bó cách giáo dục trong phạm vi sách vở,
trong môi trường giáo dục của nhà trường. Tình yêu với văn chương phải được hun
đúc từ trong gia đình trong đó vai trò của người mẹ hết sức quan trọng. Một người
mẹ biết đọc cho con nghe những câu ca dao có nội dung giáo dục nhân cách và giải
thích cho con trẻ hiểu thì đó cũng chính là một cách tác động đến trẻ tối ưu hơn
cả. Ngoài ra, chúng ta đã thấy hát ru có vai trò không chỉ đối với giấc ngủ của
trẻ mà còn tác động đến tâm hồn, nhận thức của trẻ. Khi những bài ca dao nghĩa
tình, những lời ru ngọt ngào chan chứa tình cảm của người mẹ biết ru con cất lên
thì cũng là lúc chúng ta cho trẻ tiếp nhận chức năng thẩm mĩ, giáo dục của văn
học một cách sinh động, sâu lắng nhất. Một học trò có thể quên bài học đạo đức
cô giáo đã dạy trong những bài ca dao về công cha nghĩa mẹ nhưng một đứa trẻ sẽ
khó có thể quên lời mẹ đã ru, đã hát, đọc và giải thích bài học đó. Những lời
ru về tình người của mẹ sẽ ấn tượng với trẻ và để lại dấu ấn trong tâm hồn trẻ,
đó là cách bồi dưỡng đạo đức cho trẻ tự nhiên nhất. Đối với trẻ em, sự ảnh hưởng
lớn nhất về đạo đức chính là từ môi trường gia đình. Lòng biết ơn với quê hương,
xứ sở, biết ơn với những người đã hi sinh cho đất nước, biết ơn thầy cô, ông bà,
cha mẹ… phải được dạy cho trẻ thông qua con đường văn học. Nhưng thế giới văn
chương phải được tạo dựng một cách tự nhiên trong môi trường gia đình với vai
trò của cha mẹ. Cách giáo huấn đạo đức khô khan xưa nay đối với trẻ là những lời
dạy dỗ chán ngắt, khó hiểu. Đối với trẻ em, việc giáo dục nhân cách phải khéo léo,
tế nhị. Chính vì điều đó mà văn học là một phương tiện giáo dục đem đến cho trẻ
sự hứng thú hơn cả mà chúng ta cần phát huy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI