Thứ Hai, 30 tháng 10, 2017

ĐẤY LÀ MỘT PHỤ NỮ NHÂN HẬU tác giả LINH NGA - TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ: 302 - THÁNG 10 NĂM 2017




Dáng thấp đậm, gương mặt phúc hậu, nếu không mặc cảnh phục chắc khó nhận ra chị giữa hàng ngàn những người phụ nữ Việt Nam sớm chiều trên mọi nẻo đường tất tả, tận tụy với gia đình. Mặc dù từng có thời gian được gọi là “sát thủ của tội phạm Đắk Lắk”, từng là Đội phó Đội Cảnh sát hình sự của Công an tỉnh Đắk Lắk nhưng Trung tá Trần Thị Kim Thanh, Đội trưởng Đội Chính trị hậu cần, thuộc Công an thành phố Buôn Ma Thuột vẫn là một người phụ nữ bình dị và chân thành.
Sinh năm 1966, quê cha ở Bình Định, năm 1984, học xong lớp 12, vừa 19 tuổi, Thanh theo cha vào Đắk Lắk, chị trúng ngay đợt đầu của ngành đang tuyển quân. Về bộ phận tàng thư, Thanh bảo rất thích công việc, vì đọc và phân tích các loại vân tay có rất nhiều điều đặc biệt hay, nếu không được tiếp xúc ít ai hiểu được. Công việc tưởng đơn giản này đã giúp Thanh rất nhiều trong việc truy nã tội phạm sau này.
Năm 1991, chị được chuyển về Phòng Hình sự. Chưa có nghiệp vụ, lại vì chữ đẹp nên ban đầu chỉ được phân công viết lệnh truy nã. Biết nhược điểm của mình, Thanh bắt đầu từ sự nỗ lực học tập các đồng nghiệp, theo học trung cấp cảnh sát điều tra, rồi đại học luật. Trong những năm tháng kinh tế đất nước khó khăn, con nhỏ, chồng cũng là cảnh sát điều tra công tác xa nhà tới gần 50km, một mình Thanh vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ, vừa chăm sóc gia đình lại vừa đi học, quả là chẳng nhẹ nhõm gì. Lắc đầu, gương mặt chùng xuống, miệng vẫn nở nụ cười nhưng mang đầy sự suy tưởng về một quá khứ vất vả: “Nhiều hôm theo nhiệm vụ, phải nhờ đồng đội đến nhà trẻ đón con. Khi về đến nhà thấy con bé nước mắt giàn giụa vì tủi thân và nhớ mẹ. Hai mẹ con cùng khóc. Tội nghiệp. Riết rồi cũng phải quen đấy”.
Nhiệm vụ của Thanh ở cảnh sát hình sự là truy nã và dẫn giải tội phạm. So với cả nước, Đắk Lắk đứng thứ 3 vì có tới hơn 1000 đối tượng bị truy nã. Chưa có nơi nào trong tỉnh mà đôi chân người nữ trinh sát chưa từng đặt tới. Địa bàn xa nhất là chuyến vượt cả ngàn cây số đi Sơn La dẫn độ tội phạm về Đắk Lắk.
Công việc chẳng đơn giản chút nào. Bởi đối với phụ nữ, việc đi công tác địa bàn dài ngày, tận những nơi xa xôi hẻo lánh, thậm chí dưới nhiều hình dạng cải trang đã chẳng dễ dàng gì, lại còn phải đảm bảo an toàn cho cả đồng đội lẫn tội phạm trong quá trình dẫn độ. Như lần chị và một đồng đội trẻ phải  truy tìm  tội phạm Lê Thị D. chiếm đoạt tài sản hơn 3 tỷ đồng, bị công an tỉnh Bắc Ninh  phát lệnh truy nã. Được tin đối tượng dạt vào ẩn trốn tại Đắk Lắk, Thanh phải đóng vai bà mẹ nghèo đi xin việc làm, lân la mọi quán phở, mọi khu chợ hoặc trang trại do người Bắc Ninh (đồng hương của nghi phạm) làm chủ, ở khắp tỉnh để tìm kiếm. Quan sát không thấy đối tượng ở tại đó, lại phải giả vờ hẹn để truy tìm nơi khác. Hơn một tháng trời ròng rã mới phát hiện được đối tượng đang tá túc ở huyện Krông Năng. Đến giờ phối hợp với cảnh sát địa phương để thực hiện lệnh bắt thì lại được cộng tác viên cho biết đối tượng đang ngồi trong chiếu  bạc ở giữa chợ Ea Tân. Thế là phương án phải nhanh chóng thay đổi, gấp rút điều nghiên, bố trí lực lượng, làm sao để không kinh động người dân lương thiện, không bị đồng bọn giải cứu. Chợ đang hồi đông nên người dân hiếu kỳ vây kín chung quanh, chỉ biết công an bắt đám đánh bạc. Vậy là  hoàn thành nhiệm vụ.
So với một số đồng đội trong cùng đơn vị, Thanh ít tuổi đời, tuổi nghề, kể cả tuổi Đảng hơn. Nhưng là một Đội phó Cảnh sát hình sự, chị vẫn luôn được anh em nể trọng và chấp hành sự phân công công tác, bởi nắm rất chắc ưu nhược điểm của cán bộ chiến sỹ trong đội. Theo chị “bố trí nhiệm vụ phải đúng người, đúng việc,  đúng năng lực. Thậm chí đúng vùng nữa, đôi khi còn phải hỏi ý kiến, phát huy hết thế mạnh và kinh nghiệm của đồng đội, mới giúp được anh em hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Thiên hạ vẫn thường có “ác cảm” nào với đó với hai chữ cảnh sát, nhưng ở Thanh, khi làm việc  không chỉ toát lên tính cương quyết, lanh lẹ và sự sắc sảo của một người lính trinh sát, mà còn biểu hiện tính nhân văn rất cao. Công tác trong lực lượng cảnh sát hình sự 25 năm, chị đã trực tiếp tham gia truy nã và dẫn độ tội phạm hàng trăm vụ an toàn, chưa hề xảy ra sự cố nào. Đó không phải nhờ ở võ nghệ cao cường (chị thú thật mình không thành thạo võ thuật), mà chính  từ tấm lòng nhạy cảm của một người phụ nữ nhân hậu . “Họ phạm tội với nhà nước, sẽ có pháp luật truy cứu. Mình dẫn giải là trách nhiệm của trinh sát. Nhưng cả hai bên vẫn đều là con người. Phải cư xử với họ như với con người mới cảm hóa và giúp họ nhận ra phải trái”. Nghĩa là không chỉ cương quyết mà còn phải khôn khéo và rất nhân văn nữa.
Kỷ niệm sâu sắc nhất của Thanh trong cách ứng xử với tội phạm là một cặp vợ chồng có 4 con nhỏ, cùng bị truy nã vì tội lừa đảo do vay tiền nhiều người, làm ăn thất bát nên bỏ trốn. Họ cùng bị tòa xử chồng ba năm rưỡi, vợ bốn năm rưỡi. Với hiểu biết của một người đã học và đang thi hành luật, Thanh đã tư vấn và hướng dẫn họ làm đơn, xin cho chồng được thụ án trước, vợ ở nhà nuôi con. Chưa hết thời hạn, chồng cải tạo tốt nên được giảm án, vợ giao lại nhà cửa con cái cho chồng, thực hiện bản án đã bị tuyên. Trong suốt thời gian dài ấy, Thanh vẫn thường thư từ, qua lại gia đình thăm nom, nhắc nhở. Vừa là trách nhiệm quản lý, vừa với tình cảm thân thiết.  Năm 2009, người phụ nữ ấy mãn hạn, đã mong ước được chị tới trại giam đón để cùng chia vui. Nhưng do hoàn cảnh gia đình ở quê, Thanh không tới được. Hai bên đã kết nghĩa chị em và tới nay vẫn gắn bó rất thân thiết.
Chấp hành sự phân công của cấp trên, Trần Thị Kim Thanh từ giã Đội Cảnh sát hình sự nhận nhiệm vụ Đội trưởng Chính trị hậu cần ở Công an thành phố Buôn Ma Thuột từ đầu năm 2017. Nhiệm vụ mới, hoàn cảnh mới, với trách nhiệm chăm lo sao cho cả “phần hồn” của hơn 700 cán bộ chiến sỹ toàn đơn vị lẫn cơ sở vật chất phục vụ nghiệp vụ đảm bảo an ninh chính trị của một thành phố phát triển mạnh như Buôn Ma Thuột, Thanh lại nỗ lực tìm hiểu và tiếp cận công việc.
Là một chiến sỹ giỏi nghiệp vụ ở bất cứ cương vị công tác nào được phân công, bên cạnh đó, chị còn là Phó chủ tịch Hội Phụ nữ của Công an tỉnh Đắk Lắk, là một phụ nữ yêu thương gia đình, đảm việc nhà, gìn giữ tổ ấm. Năm 2016, Trần Thị Kim Thanh là một trong 20 chị em được nhận danh hiệu Phụ nữ tiêu biểu của ngành. Trên hết, đó là một phụ nữ đầy nhân hậu, được đồng đội và nhân dân yêu quý.
Công an thành phố Buôn Ma Thuột tự hào có những chiến sỹ giỏi, tận tụy và nhân hậu như Trần Thị Kim Thanh.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI