Thứ Sáu, 6 tháng 10, 2017

GIỚI THIỆU TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ: 301 - THÁNG 9 NĂM 2017 tác giả KHÁNH HẠ





NHỮNG ĐÔI MẮT CỦA RỪNG



Gần 20 năm trước, tôi đến thăm Tây Nguyên bằng đôi mắt của chàng sinh viên năm thứ nhất, lần đầu ra khỏi mảnh đất miền Trung cát trắng gió lào. Cái cảm giác ngọt ngào sương khi lạnh thấm vào da thịt lúc lên khỏi đèo Mang Yang thật khó quên. Vừa đi giữa những con đường nắng cháy lửa mùa hè miền Trung, bỗng được rùng mình tê tái khi vượt qua hai con đèo lớn An Khê, Mang Yang. Ngoài cửa kính ô tô, mưa như chăng lưới dọc sườn núi hùng vĩ. Thị xã Pleiku nằm vắt vẻo dọc ngang sườn đồi sương giăng, như không hề biết ngoài kia, dưới chân đèo, là mùa hè miền Trung rực lửa. Đường về huyện lỵ Ia Grai như một nét vẽ mỏng manh vắt ngang những con đồi đất đỏ. Chiếc xe lam không biết chở hàng gì mà chất đống, hành khách duy nhất là tôi đứng bám phía sau đuôi, thế là đi. Không có kính chắn, cũng không cần áo mưa, mặc cho nước mát và gió thấm sâu vào da thịt, cho những hình ảnh đồi núi điệp trùng thoải mái diễu hành qua hai bên đường. Bác tài xế nói giọng Bình Định hay Phú Yên ngoái lại nhắc tôi nhớ bám chặt vào kẻo té, rồi bác nhấn ga, bỏ làn khói lại phía sau, tan nhanh vào mưa và gió núi.
Đó cũng là lần đầu tiên tôi thấy những phụ nữ mang gùi, những đàn ông đóng khố vác xà gạc lầm lũi đi hàng dọc, từ một lối đi nào đó lưng chừng đoạn dốc Ia Dêr, vượt ngang qua đường nhựa, rồi quành xuống dốc và mất hút sau rừng cây. Trước khi khuất hẳn sau cánh rừng mưa, cô gái đi cuối đoàn quay lại nhìn chuyến xe vụt qua. Kỳ lạ, đôi mắt ấy, đọng đầy hình ảnh của rừng, sáng trong, sâu thăm thẳm!
Mãi về sau này, trong những chuyến đi về, rồi những ngày ăn ngủ với rừng trên những mảnh rẫy cà phê tận mạn Ia Châm, Ia Pếch, rồi lân la vào uống rượu với dân làng Mít, làng Bẹt, tôi đã nhiều lần nhìn vào đôi mắt của họ, những người Jrai hiền lành dễ mến, lần nào cũng thấy trong đó, hình ảnh rừng già còn lưu giữ. Tôi từng đọc những trang viết về Tây Nguyên của một nhà văn nhiều năm gắn bó với rừng, rằng: “Trong nhiều ngôn ngữ Tây Nguyên, từ “rừng” cũng có nghĩa là “dại”, “hoang dã”, thậm chí đồng nghĩa với “điên” hay “ma”. Người Tây Nguyên vừa kiêng sợ rừng, cái cõi bí ẩn có thể làm người ta lạc đến mất mình, như sợ sự hoang dại, sự điên, ma; đồng thời lại bị nó cuốn hút, hấp dẫn, mê hoặc, đúng như bóng ma mê hoặc vậy”.
Hóa ra là vậy, những đôi mắt ấy, thuộc về một vùng đất, một cõi thiêng liêng bí ẩn mà trong đó, rừng tỏa rợp bóng lên mọi sinh hoạt, mọi lễ nghi của cộng đồng.
Năm 2005, trong một chuyến đi thực tế ở xã Ayun, một xã nghèo của huyện Chư Sê, ngồi dưới bóng cây xoài, nghe già làng Đinh A Nhu kể về những khó khăn vất vả của làng khi di dời từ lòng hồ thủy điện lên mé rừng định cư. Cuộc sống của đồng bào còn nhiều khó khăn, nhưng, nhìn trong đôi mắt của già, có gì đó thản nhiên đến lạ lùng. Buổi trưa Ayun đầy nắng, bên bể nước chung mới xây, các bà, các chị địu con ra lấy nước, tắm giặt. Tôi nhìn thấy một đôi mắt biết cười, lấp lánh trong trưa nắng cao nguyên. Ánh mắt biết nói biết cười ấy, tôi đã từng gặp, trên khuôn mặt của những pho tượng quanh nhà mồ phía bên làng Bồ thuộc xã Ia Sao…
Từ Gia Lai, dần dà, tôi qua Đắk Lắk, rồi mãi tới Đắk Nông, Lâm Đồng theo quãng đường dài công tác, gặp và kết thân với không biết bao nhiêu người bản địa, đủ các dân tộc khác nhau, từ Bahnar tới Êđê, M’Nông, Mạ, vẫn chỉ là đôi mắt đó, đôi mắt mà tôi đã gặp cách đây 20 năm: Đôi mắt của rừng. Nhạc sĩ người Êđê, Y Phôn Ksơr, tác giả của những ca khúc quen thuộc của Tây Nguyên, nói rằng: Bây giờ mình ở buôn làng đó, vẫn nguyên là chỗ đó thôi, nhưng phố xá đã tìm đến vây quanh rồi, hết rừng rồi! Nói thì nói vậy, nhưng trong mắt anh, vẫn ám ảnh trùng điệp của núi non, đại ngàn xanh thẳm.
Bây giờ, thỉnh thoảng, tôi vẫn ghé về thăm Ia Grai, thăm những đoạn đường trơn trượt vấp ngã của tuổi trẻ nhiều bồng bột. Một sáng, ngồi bên ven đường thị trấn, nhìn ra dòng người đi chợ huyện, thấy những chiếc gùi thân quen chen lấn với xe máy, ôtô. Những đôi chân trần trơ trọi, lạc lõng giữa đoạn đường thảm nhựa, với những sản vật từ rừng, một nải chuối, một bó rau lang, rau bí mang từ trong làng ra bán đổi. Những ngôi làng cũ, bây giờ vẫn nằm nguyên đó, bên cạnh nhà xây tường mới lan rộng mãi ra, rừng thì đã lùi dần, lùi dần rồi mất hút. Nhưng, những đôi mắt của người bản địa, kỳ lạ thay, vẫn không hề đổi khác: Vẫn đầy những hình ảnh của rừng già, sáng trong mà sâu thẳm nhớ thương, biết nói, biết cười.








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI