Thứ Bảy, 14 tháng 10, 2017

MÃI ÂM VANG CỒNG CHIÊNG TÂY NGUYÊN tác giả LƯƠNG THANH SƠN - CHƯ YANG SIN SỐ: 301 - THÁNG 9 NĂM 2017

NHÀ NGHIÊN CỨU VĂN HÓA DÂN GIAN LƯƠNG THANH SƠN

Bút danh: Amí Tâm
Năm sinh: 1960
Dân tộc:   Kinh                                              
Quê quán: Nho Quan, Ninh Bình
Nơi ở hiện nay: 69/23, Y Ngông, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk
Hội viên Hội VNDG Việt Nam
Hội viên Hội VHNT Đắk Lắk
* Sách đã xuất bản:
- Chủ biên, Nữ tù trưởng Aduôn H’Du (Song ngữ Êđê - Việt), Bảo tàng Đắk Lắk – Công ty in TP. Hồ Chí Minh, 2007.
- Tác giả “Trang phục truyền thống của người Bih , Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2010.
- Tác giả “Góp phần Bảo tồn văn hóa người Bih ở Tây Nguyên”, Nxb Thời đại, Hà Nội, 2011.
- Chủ biên,“Truyền thuyết về dòng họ Niê Mla Nxb Thế Giới, Hà Nội, 2013
- Chủ biên, “Những từ có nguy cơ thất truyền trong đời sống hàng ngày của người Êđê vùng Krông Ana - Đắk Lắk” (Song ngữ Êđê - Việt), Nxb Thế Giới, Hà Nội, 2015.
Ngoài ra, còn có nhiều công trình sưu tầm, nghiên cứu in chung với các tác giả khác…
* Giải thưởng:
- Giải B, Hội Vặn nghệ dân gian Việt Nam, 1998.
- Giải Ba, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, 2011.
- Giải Nhì, Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk, 2013.

- Giải B, Giải thưởng Văn học – Nghệ thuật Chư Yang Sin, tỉnh Đắk Lắk lần thứ II (2008 – 2013).

Vào dịp mùa xuân, mùa lễ hội “ăn năm, uống tháng” ở Tây Nguyên, ngoài cỏ cây, hoa lá, sông suối và thiên nhiên đại ngàn phải có thêm âm thanh của dàn chiêng thì các thế hệ mới thấu hiểu linh hồn của dân tộc mình, bằng sức sống mãnh liệt đã trải qua nhiều mùa xuân khác nhau để tồn tại đến hôm nay. Âm thanh cồng chiêng là tiếng nói của lòng người, khi nó được diễn tấu trong không gian mênh mang của đất trời, tiếng chiêng giúp người ta được trở lại với các ngôi nhà dài xưa cũ, bên ché rượu cần và những nhịp xoang khỏe khoắn của nam nữ thanh niên dân tộc trong không gian của lễ hội cộng đồng.
Giá trị của di sản văn hóa cồng chiêng đối với tộc người
Tây Nguyên hai mùa mưa nắng và đất bazan màu mỡ, là những món quà của thiên nhiên ban tặng cho mảnh đất này. Đặc biệt là nền văn hóa của các dân tộc tại chỗ như: Êđê, Mnông, Gia rai, Ba na, K’ho, Mạ, Xtiêng, Xê đăng, Brâu, Rơ Măm…. luôn mang những sắc thái riêng, đặc biệt là cồng chiêng.
Cồng chiêng gọi theo người Tây Nguyên là ching chêng, là di sản văn hóa quý báu, được coi là vật thiêng, có giá trị nhất trong mỗi gia đình, dòng họ và mỗi thành viên trong cộng đồng tộc người. Cồng chiêng vừa là nhạc cụ nghi lễ vừa là ngôn ngữ giao tiếp với thần linh, nó thể hiện văn hoá tộc người chứ không chỉ thuần tuý là âm nhạc. Người Tây Nguyên quan niệm “vạn vật hữu linh” tất cả những hiện tượng tự nhiên quan hệ với đời sống con người đều có các vị thần linh cai quản. Chính vì vậy mà sinh ra các nghi lễ - lễ hội theo vòng đời của con người và cây trồng. Các nghi lễ đều được tổ chức chu đáo theo từng gia đình hoặc theo từng cộng đồng làng, buôn, bon, plei. Vật cúng thường là trâu, bò, heo, gà, và những ché rượu do đồng bào tự làm lấy. Bất cứ lễ cúng nào cũng gắn với âm nhạc cồng chiêng, nhờ âm thanh của cồng chiêng con người cầu xin thần linh cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng phát đạt, cộng đồng no ấm, có cồng chiêng là có nghi lễ -  lễ hội, có sự gắn bó cộng đồng. Bản khan nổi tiếng nhất Tây Nguyên đã viết về lời của người anh hùng Đăm Săn như sau: “Chúng ta hãy mở hội ăn uống đông vui, ăn trâu bò ngày đêm không dứt. Chiêng trống hãy gióng lên liên hồi. Rượu ché tuk ché tang hãy đem ra không ngớt, sao cho dây chiêng không bao giờ vắng bớt trên xà dọc,...tất cả đều phải lặng thinh để nghe chúng ta ăn đông uống vui như mừng mùa khô năm mới”.  Đấy chính là bản sắc và sức sống của các dân tộc trên núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ.
Nét độc đáo của âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên
Ngoài các bộ chiêng làm bằng tre và bằng đá, một trong những loại nhạc cụ cổ sơ của loài người, các tộc người ở Tây Nguyên thường sử dụng các dàn chiêng bằng đồng. Các dàn chiêng, phương pháp diễn tấu và bài bản ở các tộc người là khác nhau, ví dụ như ở người M’nông (ở Đắk Lắk và Đắk Nông) có các loại chiêng như : cưng bor, gong pêh,...  diễn tấu chiêng ở tư thế đứng khom lưng hoặc vừa đi vừa đánh chiêng bằng cách dùng nắm tay đấm vào mặt ngoài của chiêng, tay kia đỡ vào chính giữa mặt trong của chiêng; Chiêng arap của người Gia Rai dàn ít nhất cũng phải có 11 chiếc ở huyện Ayun Pa (Gia Lai); 12 chiếc ở huyện Ea Sup (Đắk Lắk); có lẽ nhiều nhất là 24 chiếc ở huyện Ea Hleo (Đắk Lắk), khi diễn tấu phải có hai người khiêng. Nhiều tộc người khác ở Tây Nguyên sử dụng những dàn chiêng có biên chế tương tự như chiêng arap nhưng dưới những tên gọi khác nhau, ví dụ như: dân tộc Xê Đăng nhóm Cadong ở Kon Tum gọi là h’leng goong; dân tộc Rơ Măm ở huyện Sa Thầy (Kon Tum) gọi là guông t’gat ; dân tộc Ba Na ở Gia Lai cũng gọi là arap... Dân tộc Êđê (Đắk Lắk) có dàn chiêng knah gồm 10 chiếc và 1 trống, nghệ nhân ngồi trên ghế kpan để diễn tấu, chiếc chiêng char phải treo lên, người diễn tấu chiêng knah chủ yếu ở tư thế ngồi, thẳng lưng, ngẩng mặt, chiêng knah được đánh bằng dùi, trong đó các chiêng bằng được đánh bằng dùi gỗ mềm không bọc, các chiêng núm được đánh bằng dùi có bọc vải hoặc cao su; với bộ ching jhô gồm 6 cái có núm chỉ dành cho phụ nữ diễn tấu của đồng bào Êđê Bih ở huyện Krông Ana (Đắk Lắk); Bộ ching tha của dân tộc Brâu ở huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) chỉ gồm 2 chiêng: jơ liêng (chồng) và chuar (vợ), chiêng tha là vật linh thiêng, đòi hỏi nhiều thủ tục xin phép thần linh cầu kỳ trước khi đưa ra diễn tấu, bởi người Brâu coi chiêng tha là cội nguồn, gốc rễ văn hóa của dân tộc mình. Dân tộc K’ho nhóm Chil và Lạch (Lâm Đồng) có các dàn chiêng như bộ chiêng par gồm 3 chiếc, chiêng prô gồm 6 chiếc, hoặc bộ 2 chiếc đánh kèm với 1 trống gọi là chiêng prong…những bộ chiêng này đều được gìn giữ trong đời sống cộng đồng các làng, buôn, bon, plei.
Cồng chiêng thể hiện tính cộng đồng cao, thường mỗi người sử dụng một chiếc, không được sử dụng cồng chiêng một cách bừa bãi mà chỉ được dùng trong các lễ hội của cộng đồng tộc người. Khi dàn chiêng diễn tấu trong ngôi nhà dài, hay ngoài mộ địa..., thông qua thang âm của dàn cồng chiêng, người nghe sẽ hiểu được niềm vui, nỗi buồn, sự biểu cảm tâm hồn của con người. Đó là sắc thái thể hiện của cồng chiêng trong đời sống âm nhạc cổ truyền của đồng bào Tây Nguyên.
Chính giá trị độc đáo, mang tính nhân loại này mà Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là kiệt tác di sản văn hoá phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại năm 2005, chuyển sang danh sách Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2008.
Bảo tồn, phát huy giá trị của văn hóa cồng chiêng
Trong những năm qua, cồng chiêng ở các buôn làng Tây Nguyên bị thất thoát nhiều mà giới báo chí còn gọi là nạn “chảy máu cồng chiêng” và sự mất dần của các nghi lễ - lễ hội truyền thống tộc người. Thực trạng này là do nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể tới sự phát triển nhanh chóng của đạo Tin lành; Sự phát triển của nền kinh tế thị trường, của các phương tiện truyền thông hiện đại được đưa vào nước ta một cách thiếu chọn lọc, đã ảnh hưởng phần nào đến nền văn hóa truyền thống của dân tộc, trong đó có văn hóa cồng chiêng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.
Việc bảo tồn, kế thừa, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc ở Tây Nguyên nói chung và văn hóa cồng chiêng nói riêng rất cần được chính quyền các tỉnh ở Tây Nguyên quan tâm đúng mức, chỉ đạo tốt hơn nữa công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp và quan trọng là phải tìm được tiếng nói chung với các tôn giáo trên địa bàn. Chủ động xây dựng kế hoạch, lồng ghép với việc xây dựng nông thôn mới, tạo nên ý thức của cộng đồng các dân tộc nhằm bảo tồn phát huy các giá trị của văn hóa dân tộc và di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, coi đây là một nội dung quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI