Thứ Sáu, 31 tháng 1, 2020

CUỘC TẤN CÔNG VÀ NỔI DẬY NĂM MẬU THÂN Ở ĐẮK LẮK, MỘT KIỂU MẪU MỐI QUAN HỆ MÁU THỊT Ý ĐẢNG - LÒNG DÂN tác giả NGUYỄN TRÚC - CHƯ YANG SIN SỐ: 329+330 tháng 1&2 năm 2020

 





Sự kiện năm Mậu Thân 1968 ở Đắk Lắk đã lui vào quá khứ hơn nửa thế kỷ, nhưng đối với những người trong cuộc như tôi, thì sự kiện ấy như vừa mới diễn ra gần đây thôi. Tôi luôn có cảm  nhận sự kiện năm Mậu Thân ở Đắk Lắk cũng mang một hào khí như hào khí Xô Viết - Nghệ Tĩnh năm 1930 – 1931, như hào khí khởi nghĩa Nam kỳ năm 1941 – ngút trời uất hận, tràn ngập máu xương.
Vào giữa năm 1967, Trung ương đã có chủ trương đưa chiến tranh vào thành thị, kết hợp công kích quân sự với khởi nghĩa của quần chúng. Tỉnh ủy Đắk Lắk tiếp thu nghiêm túc chủ trương và khẩn trương làm công tác chuẩn bị một cách toàn diện, phương án chung cho toàn tỉnh và phương án trọng điểm cho thị xã Buôn Ma Thuột.
Vô vàn công tác chuẩn bị, mà trước tiên phải quán triệt cho cán bộ đảng viên, các lực lượng vũ trang và nhân dân tinh thần nghị quyết của Trung ương là tấn công và nổi dậy đều khắp chiến trường miền Nam để buộc đế quốc Mỹ ngừng cuộc ném bom phá hoại miền Bắc bằng không quân và ngồi vào bàn đàm phán hòa bình với ta. Chủ trương này của Trung ương đáp ứng được nguyện vọng thiết tha từ lâu của quân và dân ta. Một không khí náo nức, sôi nổi đợi chờ giờ phút tấn công – nổi dậy lịch sử diễn ra khắp các buôn làng căn cứ kháng chiến, các xóm ấp mới giải phóng và ngay trong lòng thị xã Buôn Ma Thuột. Ở đâu cũng sẵn sàng cờ băng, khẩu hiệu cho ngày nhập thị. Các loại tài liệu, truyền đơn, vũ khí được đưa vào nội thị bằng nhiều con đường khác nhau. Đặc biệt, lần đầu tiên trong đời, tôi nhìn thấy vùng căn cứ và vùng giải phóng, không phải chỉ với các đơn vị vũ trang mà cả với đồng bào, ai ai cũng nô nức đeo lên áo chỗ ngực trái của mình câu “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, và ở cánh tay, câu “Nợ máu phải trả bằng máu”. Tôi dự buổi diễn tập trên sa bàn của đại đội được phân công đánh vô Đài phát thanh Đắk Lắk, và cứ nhớ mãi câu nhấn mạnh cuối cùng của người đại đội trưởng “Không ai được quay lại báo cáo mũi tôi tà. Mà chỉ có một nhiệm vụ là xốc tới!”.
Về mặt quân sự, trên cơ sở nắm chắc lực lượng địch trên địa bàn, tỉnh đã chỉ đạo triển khai các trận đánh nghi binh và tiêu diệt địch ngay trong tháng đầu tiên năm Mậu Thân. Tiêu biểu là trận đêm 4.1.1968, Tiểu đoàn đặc công 401 đánh tập kích sân bay L.19 giữa lòng thị xã; trận đêm 5.1.1968, Đại đội 308 đánh vào Dinh tỉnh trưởng ngụy quyền. Rồi đêm 21.1.1968, Tiểu đoàn bộ binh 301 tập kích vào thị trấn, chi khu  quận lỵ Lạc Thiện (Lắk), cách Buôn Ma Thuột 50 km. Chuẩn bị cho năm Mậu Thân, công tác binh địch vận được đặc biệt lưu ý. Vận động binh lính ngụy đào ngũ, vận động gia đình binh lính đấu tranh đòi chồng con về nhà. Nổi trội hơn cả là các cơ sở nội tuyến trong lòng địch được lệnh hoạt động. Trong đêm 18.12.1967, Tổng kho Mai Hắc Đế của ngụy bị đánh cháy, thiêu hủy hơn 4200 tấn khí tài. Rồi tiếp ngay sau đó, cơ sở nội tuyến đã đánh tiêu diệt hơn 50 sĩ quan của Sư bộ 23 khi chúng đang họp bàn kế hoạch hành quân (theo Buôn Ma Thuột Xuân Mậu Thân 68 - Nguyễn Hữu Trí).
Đối với địa bàn trọng điểm là thị xã Buôn Ma Thuột, Tỉnh ủy và Thị ủy đã kỳ công làm công tác chuẩn bị, một sự chuẩn bị, có một không hai trong lịch sử chống giặc ngoại xâm ở Đắk Lắk.
Trước tiên, Tỉnh ủy tăng cường thêm đảng viên vào Buôn Ma Thuột để hình thành nên bốn Chi bộ nòng cốt chỉ đạo trực tiếp phong trào bốn ấp 1, 3, 4, 5, là những địa bàn phần đông dân cư từ vùng tự do Liên khu 5 cũ di cư lên, rất giàu truyền thống cách mạng.
Các công việc cụ thể, chi tiết được triển khai khẩn trương, hết sức chu đáo: 1) chuẩn bị 15 hầm bí mật để đón cán bộ vào lót sẵn; 2) chuẩn bị 4 hầm đặt Sở chỉ huy các cánh; 3) chuẩn bị 5 địa điểm cứu thương; 4) lập đội tự vệ quyết tử; 5) chuẩn bị sẵn lương thực nuôi quân; 6) tổ chức đội ngũ giao liên; 7) phân công người đón các đoàn biểu tình, khi đoàn vào nội thị; 8) đặt bàn thờ cúng tết ở các ngả đường lớn, để sẵn cơm, bánh, lương khô tiếp tế cho bộ đội; 9) chuẩn bị sẵn ba ô tô và nhiều xe máy để phục vụ vận chuyển.
Trong thực tế, trước giờ nổ súng một ngày, các đồng chí lãnh đạo được phân công chỉ đạo trực tiếp các cánh đã có mặt tại sở chỉ huy được đặt dưới các căn hầm trong nhà dân:
- Sở chỉ huy cánh Bắc của đồng chí Huỳnh Văn Cần, Phó bí thư tỉnh ủy, Phó chính ủy mặt trận được đặt tại hầm nhà ông Mười Phu.
- Sở chỉ huy cánh Nam của đồng chí Nguyễn Ái, Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy Buôn Ma Thuột được đặt tại hầm nhà ông Mười Du.
- Sở chỉ huy cánh Đông của đồng chí Côn, Phó ban an ninh tỉnh được đặt tại hầm nhà bà Lúa.
- Sở chỉ huy Trung tâm của đồng chí Vĩnh, Tỉnh đội phó được đặt tại hầm nhà chị Mười Ký.
Đội ngũ giao liên đường dài của Thị ủy cũng đã sẵn sàng ở vị trí được phân công. Các em Trần Thị Phượng, Lê Thị Phương Đông, Lương, Thạnh, Tài, Nguyệt…
Tất cả đã sẵn sàng, hồi hộp chờ giờ G phát hỏa.
Vào lúc 5 giờ sáng ngày 30 tháng 1 năm 1968 (mồng một tết Mậu Thân), lệnh tấn công và nổi dậy được phát ra bởi những loạt hỏa tiễn ĐKB rung chuyển Buôn Ma Thuột. Quần chúng từ các nơi, đã cơm nắm, cơm đùm lặn lội ba bốn ngày đường để đến nơi tập kết xuất quân
Ơû hướng Bắc, gần 4000 người từ các dinh điền Đạo Tế, Từ Cung. Hướng Nam trên 2500 người, hầu hết là đồng bào dân tộc các buôn phía nam Buôn Ma Thuột. Hướng cánh Đông, trên 9000 người, cả Kinh lẫn Thượng, từ căn cứ kháng chiến Krông Bông, từ các buôn làng giải phóng. Đoàn 9000 người từ đường 21 (nay là đường 26) tiến thẳng vào Buôn Ma Thuột và đã bị đàn áp đẫm máu tại đoạn đường qua buôn Kô Tam (cách Buôn Ma Thuột 12 cây số).
Cuộc biểu tình nổi dậy hơn một vạn rưỡi đồng bào cách mạng các dân tộc là một sự kiện lịch sử oanh liệt, chói lọi trong lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của tỉnh Đắk Lắk. Ở đó ngùn ngụt ý chí thà hy sinh tất cả cho độc lập, tự do. Ở đó máu xương của đồng bào đã đổ không sao đo đếm được. Và ở đó sẽ mãi mãi lưu danh bao nhiêu người em, người chị, người mẹ, chỉ với chí căm thù giặc và tình yêu đất nước đã ngoan cường đối diện với bạo tàn súng đạn trong cuộc đọ sức sinh tử. Tại khu vực buôn Kô Tam, khi địch bắn xối xả vào tốp người đi đầu, má Hai (bà Huỳnh Thị Hường), chị H'Lanh và sáu chị đi đầu trúng đạn, ngã xuống thì chị Mười lập tức nhận lá cờ từ tay má Hai, vượt lên phía trước…
Từ cuộc biểu tình nổi dậy năm Mậu Thân 1968, thiết nghĩ chúng ta có thể rút ra một số bài học rất sâu sắc, vẫn nóng hổi tính thời sự cho hôm nay.
Ta thấy rất rõ, Tỉnh ủy Đắk Lắk không những tiếp thu nghiêm túc các nghị quyết của Trung ương, tổ chức quán triệt thấu đáo đến cơ sở, đến từng cán bộ đảng viên và cả quần chúng nhân dân, mà còn tổ chức thực hiện rất có hiệu quả. Điều nổi bật rất đáng quý là, đảng không chỉ lãnh đạo về đường lối chủ trương, mà khi bộ đội đã nổ súng, quần chúng đã xuống đường thì từng cá nhân các đảng viên ở các cương vị lãnh đạo khác nhau với tình cảm cách mạng sâu sắc và trách nhiệm chính trị rất cao, đều có mặt ở vị trí chiến đấu. Các đồng chí lãnh đạo chủ chốt đều có mặt tại Sở Chỉ huy nội thị. Đồng chí Ama Ring, Thường vụ Tỉnh ủy, chỉ huy trực tiếp lực lượng nổi dậy cánh Đông – và ở đội quân hướng này, có rất nhiều đảng viên đã hy sinh, hoặc bị bắt. Tiêu biểu nhất là đảng viên Bùi Thế Châu, công tác ở Ban dân quân Tỉnh đội, là người cầm cờ đi ở tốp đầu, đã xông lên chiến đấu để làm câm họng khẩu đại liên của quân ngụy đang nã đạn vào đoàn biểu tình và đã anh dũng hy sinh (theo Binh địch vận và đấu tranh chính trị tỉnh Đắk Lắk trong tổng tấn công tổng nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 - tài liệu của Ban Liên lạc ngành Binh địch vận và đấu tranh chính trị tỉnh Đắk Lắk).
Rõ ràng, sự kiện cuộc tấn công – nổi dậy năm Mậu Thân 1968, ngoài ý nghĩa lịch sử lớn lao, nó còn chứng tỏ là một kiểu mẫu sinh động mối quan hệ máu thịt ý Đảng – lòng Dân, một nội dung sống còn trong công tác xây dựng Đảng.

Thứ Năm, 30 tháng 1, 2020

QUÀ TẾT truyện ngắn của TRẦN THỊ NGUYỆT ÁNH - CHƯ YANG SIN SỐ: 329+330 tháng 1&2 năm 2020






Giữa cái giá rét của mùa đông lạnh như cắt da, cắt thịt, anh chở chị trên chiếc xe đạp cà tàng, lóc cóc đi về phía con đường gập ghềnh, nằm sâu trong hẻm ở phía sau lưng đồi! Gió, lạnh. Chốc chốc, vấp phải cục đá, bánh xe lại giồng lên như ngựa đang nhảy. Đây là lần thứ hai chị ngồi sau xe anh, nhưng lần này lại khác, chị hạnh phúc ngập tràn, choàng tay ôm anh thật chặt, chị thấy lòng mình ấm lại. Giờ đây, anh có thể là một bến đỗ bình yên cho người đàn bà yếu đuối suốt khoảng đời còn lại. Chính tình yêu của anh đã đem đến cho chị liều kháng sinh cực mạnh để chống lại mọi vi rút hiểm nguy cám dỗ. Chị cảm nhận được cái dư vị ngọt ngào say đắm của tình yêu, tuy không phải đầu đời nhưng vô cùng hạnh phúc! Tình yêu đến với chị quá nhanh! Nhanh như một giấc mơ. Áp sát khuôn mặt vào lưng anh, chị lại nghĩ về đời mình...
Sau hơn chục năm, từ khi tai hoạ ập xuống gia đình chị, đè lên cuộc đời chị thì cũng là lúc bất hạnh bủa vây. Chị lấy chồng ở cái tuổi ba mươi. Ngày ấy, với độ tuổi này, người đời thường gán cho chị cái mác “lỡ thì”. Lấy chồng được hai năm, chị biết tin mình bị u xơ buồng trứng và phải đi phẫu thuật cắt bỏ. Chồng chị xa rời chị từ ngày đó. Chị như người rơi từ đỉnh cao của hạnh phúc xuống tận cùng đau khổ. Cha mẹ mất sớm, chị không người thân thuộc, không có công ăn việc làm. Ban ngày chị tranh thủ đi làm phụ hồ, thỉnh thoảng có đám nào nấu ăn phục vụ tiệc tùng, thiếu nhân viên người ta mới kêu đến chị; ban đêm chị lầm lụi đi bán vé số ở ven khu đô thị, trong các quán cà phê và quán nhậu. Công việc ấy của chị cũng là một duyên cớ để cho chị sau này gặp được người đàn ông định mệnh của cuộc đời mình. 
Hôm ấy, anh đang lóc cóc chiếc xe đạp đi lên thị xã trả lại số vé thừa không bán hết trong ngày, vô tình anh gặp chị cũng đang đứng chờ xe buýt. Đã vài lần gặp nhau khi đi bán vé số nên anh biết mặt người “bạn hàng”. Lật đật dừng xe anh hỏi:
- Cô Xuân hả? Chiều muộn thế này còn bắt xe đi đâu?
- Anh Phúc phải không? Em đi trả vé và lấy vé cho ngày mai - chị trả lời với vẻ  rất tự nhiên!
-Vậy lên đây tôi chở đi luôn! Chờ xe buýt biết bao giờ - Anh nói với giọng đầy quả quyết. Thoáng ngần ngại rồi chị cũng trèo lên chiếc xe đạp cà tàng, anh chở chị đi lên thị xã trả số vé còn lại trong ngày. Ngồi sau xe anh, hai người ríu rít kể về công việc, nơi ở của nhau, chị cũng hỏi thăm anh và gia đình anh, không ngờ anh cũng bất hạnh không kém gì chị. Dừng xe ngồi nghỉ ven đường, sau khi vừa lên hết con dốc khá dài, trán anh rớm mồ hôi, anh tiếp tục câu chuyện về cuộc đời mình.
Anh đổi giọng:
- Em muốn biết về cuộc sống của anh không?
- Em gặp anh lâu rồi, mà kì thực chưa biết gì về anh nhiều.
- Chưa biết nhiều là biết đến đâu? Anh trêu làm chị bất giác đỏ mặt.
Không để chị trả lời, anh tiếp tục câu chuyện về cuộc đời mình. Anh cũng đã từng có một gia đình hạnh phúc, hạnh phúc thực sự! Anh cưới vợ được hai năm và cũng đã có con với nhau, đứa con ra đời sau cuộc hôn nhân tràn ngập hạnh phúc. Nhưng sau khi biết đứa con mắc căn bệnh xương thủy tinh, tiền chữa chạy bao nhiêu cũng không đủ, rồi đất đai nhà cửa cứ lần lượt đội nón ra đi. Cuối cùng, người đàn bà ấy không chịu nổi cuộc sống cơ cực đã theo người đàn ông khác đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài hơn chục năm đến nay chưa một lần về thăm con.
Xoáy vào câu chuyện của anh, chị nghe như nuốt từng lời, nhìn ánh mắt anh đăm chiêu dõi về phía xa xăm mà sống mũi chị cay cay! Chị lại nghĩ về cuộc đời bất hạnh của mình.
- Em khóc đấy à? - Anh bất chợt quay sang hỏi.
Chị ngại ngùng, e thẹn:
- Không anh ạ, gió bụi bay vào mắt!
Chị giấu vội giọt nước mắt cay đắng, thương cảm cho số phận của mình và cả anh nữa. Đã bao người đàn ông ngỏ lời muốn cưới chị nhưng chị xa lánh tất cả, chị tránh né tất cả những tình cảm của những người đàn ông dành cho mình như con chim sợ cành cong.Nhưng sao tự nhiên hôm nay chị thấy lòng mình ấm lạ, có chút gì đó bâng khuâng, mơ hồ. Chị bị cuốn vào câu chuyện của anh như một thứ bùa mê gì đó mà không thoát ra được! Có lẽ từ trong sâu thẳm tâm hồn, chị đã tự cởi trói cho chính mình để tâm hồn mình được thanh lọc? Hay chính câu chuyện về người đàn ông bất hạnh mà chị cảm thương cho số phận bất hạnh của mình?
- Có sấm rồi, chắc sắp mưa, mình đi nhanh còn về kẻo không kịp em ạ! Anh kéo chị ra khỏi câu chuyện buồn của mình bằng câu thúc giục gấp gáp!
Chị khẽ gật đầu và leo lên xe như một phản xạ tự nhiên!
Chiếc xe vẫn bon bon trên đoạn đường dầu, một khoảng lặng chùng xuống, chẳng ai nói với ai một lời. Chị lại nghĩ về tình yêu! Đúng là không có cái gì giữ được trái tim, nếu không còn yêu nhau nữa! Tại sao cái đích cuối cùng của đàn bà cứ phải là có con? Tại sao có những người phụ nữ khát khao có con thì ông Trời lại không cho họ cái quyền thiêng liêng cao cả ấy? Trong khi người được thượng đế ban cho cái quyền đó lại khước từ! Bao nhiêu câu hỏi cứ xoáy lên trong tâm trí chị. Chị chợt hiểu ra rằng: “Muốn nhìn thấy cầu vồng, phải chịu đựng những cơn mưa”.  Chị cảm thấy cô đơn ngay trong chính câu chuyện của mình. Nhưng không, đã hơn mười năm, chị thích ứng được và chị nghĩ sẽ chẳng cần đến một người đàn ông nào quan tâm, lo lắng ở bên cạnh nữa. Chị buồn về những điều đã cũ, thấy bế tắc khi suy nghĩ về tương lai, chị khẽ thở dài...
Miên man trong dòng suy nghĩ… chiếc xe dừng trước căn nhà trọ của chị lúc nào không hay.
- Ôi! Anh chở em về tận nhà luôn à? Thật ngại quá! Mời anh vào nhà uống nước đã! - chị bối rối, luống cuồng!
- Thôi, để khi khác, tối rồi, chào Xuân nhé! - anh hạ giọng từ chối khiến chị bẽn lẽn, đỏ mặt:
- Dạ vâng, vậy anh về nhé, em cảm ơn anh!
***
Ba mươi Tết, ngoài đường phố người đông đúc, nhộn nhịp. Trong bệnh viện cũng đông không kém. Chị cùng với mấy người trong đoàn từ thiện đang phát cơm cho bệnh nhân, chen trong dòng người đang xếp hàng, chị nhìn thấy anh, tay cầm cái cạp lồng giơ cao về phía trước, như ra hiệu cho người phục vụ lấy món cháo thịt bằm; chị bước ra hỏi thăm và biết được con gái anh đang sốt cao phải nhập viện điều trị!
Vào thăm con bé, chị không cầm lòng nổi khi chứng kiến cảnh gà trống nuôi con. Nhìn con bé 12 tuổi mà như một em học sinh lớp một, lòng chị xót xa!
- Chào cô đi con! Anh giục con bé!
- Cháu chào cô ạ!
- Ừ, cô chào cháu!
- Cháu đau thế nào anh? Nhập viện mấy ngày rồi? – Chị hỏi dồn
- Hôm nay là đúng một tuần, chắc chiều nay bác sĩ cho xuất viện em ạ!
Chị ngồi cạnh giường bệnh, nắn nắn bàn tay gầy guộc của con bé, cúi sát gần mặt, giọng chị dịu dàng :
- Cháu còn mệt lắm không?
- Dạ, cháu thấy đỡ nhiều rồi ạ!
Chị lấy khăn nhúng nước ấm và lau mặt, lau đôi bàn tay cho bé như một người mẹ chăm bẵm đứa con yêu sau bao ngày xa cách. Vừa lau chị vừa an ủi:
- Cháu ráng ăn uống cho lại sức, nhanh khỏe để về nhà còn ăn tết nữa chứ! Ở đây buồn lắm!
Con bé khẽ mỉm cười, đầu gật nhẹ!
- Vâng ạ!
Nhìn chị chăm sóc đứa con bé bỏng của mình, lòng anh thấy ấm lạ! Đã lâu lắm rồi, từ khi mới sinh ra, con anh chịu quá nhiều thiếu thốn tình cảm, thiếu đi sự chăm chút của người mẹ! Anh lại thầm ao ước...
 Bất chợt, chị ngước lên nhìn anh, cất lời:
- Hai bố con chịu khó nhé, anh chăm sóc cháu nha, chúc cháu mau bình phục, có lẽ em xin phép!
Anh thấy thế vội rối rít, cuống cuồng, bối rối cứ như chị sắp biến mất ngay trong giây lát:
- Em về hả? Bố con anh cảm ơn nhé! Mà này, anh níu chị nán lại câu chuyện của mình:
- Em có định về quê không đấy?
- Dạ, kịp xe thì chiều nay em về anh ạ! Chị bẽn lẽn nhìn anh đầy trìu mến.
- Ừ… Vậy chúc em lên đường bình an!- Anh nói mà giọng ngập ngừng, miễn cưỡng.
Anh tiễn chị ra về trong sự nuối tiếc chơi vơi! Anh cảm nhận được một thứ tình cảm ấm áp của tình mẫu tử đối với con anh - thứ tình cảm mà bấy lâu nay bị mất đi, tại sao lại cứ dần dần hiện về! Anh cảm giác thật lạ, cứ như cái lần đầu tiên khi anh mất đi người phụ nữ của cuộc đời mình, anh cảm thấy hụt hẫng hơn bao giờ hết. Miên man trong dòng suy nghĩ mà bóng chị lẫn vào làn người chen nhau vào khám, chữa bệnh rồi khuất hẳn anh cũng không hay.
Anh quay trở lại phòng bệnh con anh nằm, cũng vừa lúc bác sĩ cho làm hồ sơ xuất viện! Cha con lại tục tục bắt xe thồ về nhà, căn nhà hiu hắt đón nhận hơi ấm của con người, có sự hiện diện của cha con anh nhưng dường như vẫn không xua đi được sự vắng vẻ, trống trải.
Anh lau dọn, trang trí lại nhà cửa, chuẩn bị cho những gì cần thiết để làm bữa cơm tất niên cuối năm để gia đình thêm ấm cúng! Chặt thêm cành đào ngoài vườn, anh lục lại chiếc bình sứ từ năm ngoái cất đâu mà anh không nhớ. Có lẽ mình già rồi - anh chợt buồn, nghĩ đến cảnh gà trống nuôi con gần chục năm trời, trong nhà anh luôn thiếu đi bàn tay của người phụ nữ, thiếu đi hơi ấm của tình thương yêu, thiếu cả những nụ cười mỗi khi tết đến, xuân về! Anh lại nhớ đến chị, cái người đàn bà vừa lúc sáng đây thôi, bàn tay ấy, cử chỉ ấy, đôi mắt ấy chứa chan tình thương yêu, những gì có thể nói là ấm áp nhất mà anh cảm nhận được trong lúc chị chăm sóc con anh! Chưa bao giờ anh khát thèm và cần đến người phụ nữ ấy như lúc này!
- Chiều nay cô ấy đi rồi - Anh chợt giật mình khi nghĩ về người đàn bà bất hạnh ấy! Anh quay vào rồi lại quay ra, luẩn quẩn không phải biết phải làm việc gì nữa. Rồi không biết thế nào, như có người xui khiến, anh vác ra cành đào vừa chặt ra xe, bó lại cẩn thận và chằng phía sau chiếc xe đạp cà tàng.
Gọi với bà mẹ già sang trông con hộ, anh đạp xe băng băng trên con đường gập ghềnh sỏi đá rồi hun hút xa dần về phía thị xã.
Dừng xe trước căn phòng trọ đơn sơ, tất cả mọi người xóm trọ hình như đã về quê cả rồi khiến cho nơi này càng thêm vắng vẻ, cô quạnh! Cầm cành đào trên tay, anh chẳng biết phải nói thế nào với chị, có lẽ đây là vật duy nhất và cũng là cái cớ để anh đến bên chị lúc này, anh khao khát gặp chị cứ như thể nếu không gặp nhau được lần này, anh lại sẽ một lần nữa mất đi điều gì to tát không gì so sánh được, dù chị chưa là gì của anh.
Lấy hết can đảm, anh bước lên bậc tam cấp của căn phòng, đang định giơ tay gõ cửa, chợt thấy chị đang ngồi quay vào trong nhà, với những ngổn ngang đồ đạc chuẩn bị về quê. Anh đâu biết được rằng trong lòng chị cũng ngổn ngang trăm mối tơ vò, lòng chị cô đơn, trống trải. Chị xếp đồ đạc mà lưỡng lự. Đi hay không? Ở lại ăn Tết thì một mình cô độc, về quê thì chỉ còn mỗi nhà chị họ, cả năm mới về thăm nhau một lần, có khi hai năm trời không gặp mặt khiến chị càng thêm ái ngại, chị chợt chạnh lòng khi nghĩ đến việc ăn tết ở nhà người ta mà hai hàng nước mắt lăn dài trên má từ lúc nào không hay. Cả năm quần quật làm việc, chị không hề nghỉ ngơi, chị lấy công việc làm niềm vui, cũng chẳng có thì giờ mà nghĩ về chuyện buồn. Nhưng cứ dịp tết về là chị sợ, chị sợ phải đối mặt với cô độc. Bởi chỉ có lúc này chị mới rảnh rang, tâm hồn chị mới lắng đọng nhất và chị phải đối mặt với sự trống vắng, cô đơn.
Bước chân của anh từ từ tiến vào nhà khiến chị giật mình quay đầu lại. Gạt vội dòng nước mắt, chị bối rối ngượng ngùng:
- Ôi! Anh đến từ khi nào? Sao giờ này lại có mặt ở đây? Anh ngồi chơi, xơi nước ạ! Bất ngờ vì sự hiện diện đột ngột của anh, chị toan đứng dậy vội vàng đi lấy nước.
Anh vẫn lặng lẽ nhìn chị đăm chiêu, đầy vẻ trìu mến mà không nói gì.
Kéo tay chị lao mạnh khiến chị mất thăng bằng và ngã vào vai mình! Theo phản xạ chị gục đầu trên vai anh, chị cảm nhận được hơi ấm từ một người đàn ông mà đã hơn mười năm nay chị không còn biết đến! Bờ vai chị khẽ run lên. Anh đưa tay vỗ nhẹ vào vai chị, vuốt cọng tóc mai loà xoà trước mặt chị, hai tay anh nắm hai bờ vai chị kéo chị ra nhìn trực diện thẳng vào mắt chị:
- Đừng về quê nữa! Về với bố con anh đi! Anh cần em! - Giọng anh run run,  khẩn khoản, gấp gáp.
Có lẽ trong thâm tâm anh cũng không bao giờ nghĩ sau khi đến đây mình lại nói với chị những điều như thế, rồi anh cứ để theo sự mách bảo của con tim.
Hạnh phúc ngập tràn dâng lên trong mắt, chị xúc động nghẹn ngào, cũng không nói được gì, thoáng bối rối nhưng rồi chị khẽ đẩy người anh ra, nhìn sâu vào trong mắt anh, chị nghiêm nghị:
- Anh đã suy nghĩ kĩ chưa? Những lời anh nói vừa rồi có vồ vập quá không?
Không để cho chị hết lời, anh vội đưa ngón tay trỏ đặt lên môi chị, như ra dấu cho chị đừng nói nữa!
- Tin anh đi! - Giọng anh chùng xuống:
- Thật ra anh để ý và có tình cảm với em từ lâu lắm rồi mà chưa có dịp thổ lộ. Anh biết, đây là lúc anh cần phải nói với em điều này. Anh không dám hứa sẽ đem lại cho em một cuộc sống đầy đủ, sung túc, nhưng mong em hãy tin là anh có một tình yêu chân thành! Và anh tin với tình cảm chân thành của mình, chúng ta sẽ hạnh phúc! Anh biết, cuộc sống của bố con anh còn nhiều khó khăn, nhưng không phải vì thế mà anh cầu mong ở em một lòng thương hại. Anh biết, trong trái tim em cũng có một phần cho anh, và điều đó không phải là sự thương hại, đúng không nào?
Chị không nói gì, nhìn anh ngượng ngùng, bẽn lẽn trong dòng nước mắt lưng tròng, chị chủ động gục đầu lên vai anh nghe tim mình thổn thức!
- Sao anh không phải là người đầu tiên xuất hiện trong cuộc đời em? Tại sao ông Trời lại bắt mình phải xa cách đến tận bây giờ mới xe duyên? - Chị nói với giọng nghẹn ngào.
- Trời định sẵn rồi, bây giờ mới cho phép ta đến với nhau, em là món quà vô giá mà Thượng đế ban tặng cho anh. Mà món quà đó phải để đến lúc chủ nhân cần nhất, mới có giá trị!
- Anh không thể sống thiếu em,  Xuân à!
Chị xiết mạnh vòng tay qua thắt lưng anh hơn nữa và hạnh phúc ngập tràn trong vòng tay anh! Chị như đang mơ, một giấc mơ có thật. Chị biết xuân này, Thượng đế cũng ban cho chị một món quà đặc biệt.

Thứ Hai, 27 tháng 1, 2020

TỤC CHÚC TẾT – NÉT ĐẸP TRONG ĐẠO LÝ VÀ VĂN HÓA VIỆT tác giả NGUYỄN DUY XUÂN - CHƯ YANG SIN SỐ: 329+330 tháng 1&2 năm 2020






Tết Nguyên Đán là dịp lễ đầu năm âm lịch quan trọng và có ý nghĩa bậc nhất ở Việt Nam. Bởi thế, người Việt dù làm ăn, sinh sống nơi đâu, tâm thức mỗi người đều hướng về ngày Tết khi năm cũ sắp đi qua.
Tết trở thành nét đặc trưng trong bản sắc văn hóa ngàn đời của cộng đồng người Việt trên khắp mọi miền đất nước và bây giờ cả đối với đồng bào ta ở nước ngoài.
Trong rất nhiều hoạt động làm nên “Văn hóa Tết Việt” có tục chúc nhau ngày Tết.
Người Việt dành ba ngày quan trọng và ý nghĩa nhất đầu năm mới - mồng Một, mồng Hai, mồng Ba - cho ba đối tượng kính trọng nhất đời mình, gói gọn trong câu nói quen thuộc: “Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy”.
“Tết cha, Tết mẹ” cho tròn chữ Hiếu. Trong nền tảng văn hóa Việt, hiếu thảo là gốc của đạo đức gia đình. Cho nên người xưa đã chọn ngày đầu tiên của năm mới để tưởng nhớ công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ hai bên nội, ngoại. Ngày đó con cháu tụ họp đông đủ mừng tuổi, chúc sức khỏe ông bà cha mẹ, chúc nhau những điều tốt lành trong năm mới.
“Tết thầy” mồng Ba cho trọn lòng tri ân những người đã có công lao dạy dỗ mình nên người.
“Tết cha, Tết mẹ, Tết thầy” xuất phát từ quan niệm “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” đã thành đạo lý ngàn đời của dân tộc”:
- Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
- Không thầy đố mày làm nên
Đạo lý ấy không cần những bài học dông dài, sáo rỗng mà vẫn thấm vào tâm can bao thế hệ người Việt. Nó lại được khơi dậy bằng hành động cụ thể trong không khí của những ngày đầu năm mới thiêng liêng càng làm cho con người ta ý thức sâu sắc hơn tình cảm, trách nhiệm và nghĩa vụ đối với bề trên.
Khi đã trọn đạo hiếu đối với đấng sinh thành và đạo làm trò đối với thầy dạy dỗ, mọi người có thể đi thăm họ hàng, làng xóm, bạn bè. Tết là dịp đặc biệt để gặp gỡ, bày tỏ tình cảm dù có thể mới xáp mặt nhau hôm qua, hôm kia. Nhưng trong quan niệm của người xưa, chỉ lời thăm hỏi, động viên, chúc nhau ngày Tết mới thật ý nghĩa bởi nó khởi đầu một năm mới; nó hứa hẹn bao điều tốt đẹp đang chờ phía trước; nó diễn ra trong không khí ấm áp, thiêng liêng, tràn ngập hương xuân của đất trời và lòng người. Phải chăng quan niệm này xuất phát từ đặc trưng của một đất nước thuần nông, quanh năm cày cấy vất vả, cực nhọc, đối mặt với bao hiểm họa, chỉ ước mong sao cho năm mới an lành. Cho nên người ta chúc nhau sức khỏe, phát tài phát lộc, gặp nhiều may mắn,... Ai năm cũ gặp rủi ro thì động viên nhau “tai qua nạn khỏi” hay “của đi thay người”, nghĩa là trong cái họa sẽ tìm thấy cái phúc, hướng về sự tốt đẹp. Nếu họ hàng, làng xóm có khúc mắc, xích mích trong năm cũ thì cũng nhân đó mà xí xóa để cùng nhau vui Tết, đón chào năm mới.
Ở quê, khách đến nhà chúc Tết còn được chủ nhà mời “ngồi mâm”. Mâm cỗ đãi khách luôn sẵn sàng, bao giờ cũng có những món đặc trưng ngày Tết: Bánh tét, thịt mỡ kho đông, dưa hành, rau cải xào tỏi và mộc nhĩ, miến gà,… Dù đã “ngồi mâm” nhiều nhà trước đó nhưng khách vẫn không thể từ chối, chí ít thì cũng phải ngồi vào nhấp chén rượu, ăn thử bánh chưng của gia chủ xem có rền, có dẻo, có thơm ngon không.
Gắn với tục chúc Tết là tục lì xì đầu năm. Thủa ban đầu, đối tượng nhận lì xì là trẻ con. Người lì xì bỏ tiền vào trong những cái túi làm bằng giấy đỏ tặng con trẻ với mong muốn chúng khỏe mạnh, chóng lớn, ngoan ngoãn. Phong bao tượng trưng cho sự kín đáo, tránh để bọn trẻ so bì người nhiều kẻ ít. Màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn, “như ý cát tường” suốt cả năm. Bởi thế, mệnh giá tiền lì xì không quan trọng mà cốt ở tấm lòng chân thành cho nhau vui vẻ để hi vọng tài lộc, may mắn sẽ đến trong năm mới.
Thuở tóc còn để chỏm, mỗi mùa Tết đến, tôi cũng như bọn trẻ cùng thời đã từng sướng rơn khi được nhận những món quà lì xì của người lớn. Chỉ là năm xu, một hào mà sao vui thế, cứ phấp phỏng cả ngày với đồng tiền bỏ trong túi áo, quần còn thơm mùi vải mới, chốc lại sờ nắn, lại mở ra mà ngắm nghía, để hôm sau nhập cuộc đánh đáo với bạn bè lại “lì xì” chúng vì tay nghề mình kém. Có một chút tiếc hùi hụi nhưng không sao, lại mong cho chóng đến Tết để có những đồng tiền lì xì mới, để sống với cái tâm trạng sung sướng, hân hoan rất con trẻ.
Bây giờ, Tết đấy nhưng dường như không còn vẹn nguyên nét cổ truyền xưa. Thời hiện đại, lời chúc Tết được số hóa trên tin nhắn, Fcebook, Zalo, Yutobe,… Lì xì không chỉ dành cho trẻ con, ông bà, cha mẹ mà còn cả người lớn – những người có vai trò “quyết định” đến “niêu cơm”, đến tương lai thăng tiến của mình. Phong bao lì xì đo bằng sức nặng của giá trị đồng tiền chứa trong đó, có khi bằng cả gia tài làm lụng một đời của người lao động.
Nhưng có một điều đáng lưu ý, bây giờ người ta không nói ăn Tết nữa mà là chơi Tết, nhất là giới trẻ. Chơi Tết với nhiều nghĩa. Là thưởng thức một giò lan, một chậu mai đẹp, một cây thế vừa mới mua về; là những cuộc du xuân vui vẻ, hoan hỉ với người thân và bầu bạn. Có lẽ đó là sự biến đổi tích cực theo thời cuộc của Tết chăng?
26-12-2019