Thứ Tư, 22 tháng 1, 2020

XUÂN, BAN MÊ CỦA TÔI tác giả H'LINH - CHƯ YANG SIN SỐ: 329+330 tháng 1&2 năm 2020








“Người Kinh tính thời gian bằng tháng, người Tày tính thời gian bằng hoa, người Tây Nguyên tính tháng ngày bằng tiếng con chim hót”. Bầy chim trên vòm cây mít trong sân nhà tôi, giữa thành phố Ban Mê, mùa mưa dạt đi phương nào không rõ, xuân về hàng trăm con ríu ra ríu ran trong những tán lá cây rậm rịt. Mỗi năm bầy đàn một đông vui hơn. Theo bước chân nữ chúa xuân đang về là bạt ngàn dã quỳ vàng và hoa cà phê nở trắng núi đồi, gió thơm mang theo sự trở lại của bầy chim di trú đông đúc. Bài ca trong vòm cây của chim mỗi sáng chiều như lời nguyện cầu cho một Ban Mê vào tuổi hơn 100 vẫn trẻ trung, roi rói màu mái của những căn nhà nơi khu đô thị mới. Ban Mê của tôi. Ban Mê của em, những tà áo trắng tung bay như đàn chim ríu rít chào bình minh, sớm mai ngang qua nơi Ngã Sáu thân thương.
Ngã Sáu Ban Mê. Nhạc sỹ Nguyễn Cường ví “như trái tim của rừng”.   Từ vòng xoay về sáu ngả của “con tim thanh xuân rất trẻ” này, bạn có thể đến với buôn Ako Siêr của tù trưởng Ama Thuột oai phong thuở nào, nơi có đội chiêng Êđê đang gìn giữ tâm hồn cao nguyên trong từng nhịp điệu. Lại có thể vượt qua khu công nghiệp trẻ trung trên đường về Cư M’gar với một quần thể du lịch trong tương lai, nào là thác Ea M’dró, núi Cư H’Lâm, miệng núi lửa Cư M’gar, thăm buôn của vị già làng Êđê Y Ngông Niê Kdam như một huyền thoại - trải qua 9 khoá Quốc hội...
Du khách ghé qua đình Lạc Giao nhé, nơi tụ hội của những người Kinh đầu tiên đến với Ban Mê, để tới Buôn Đôn, ngất ngư trên lưng voi qua sông Srê Pôk ngắm rừng khộp trong Vườn quốc gia Yốk Đôn xuân về khoe lá đỏ. Ngã Sáu còn đưa bạn, đưa tôi đi dọc đại lộ Nguyễn Tất Thành sáng trưng đèn cao áp để ngược Quốc lộ 14 - con đường hơn 100 năm về trước máu và nước mắt của người Thượng, của những nhà cách mạng bị tù đày nhuộm từng hòn đá, gốc cây - qua những cánh rừng cao su bạt ngàn đang  nhu nhú đầu cành mầm non hồng mươn mướt như búp tay bé thơ. Nơi ấy, mùa xuân 68, gốc cao su nào Mẹ nén đớn đau đặt hình hài đứa con yêu quý lại để tiếp tục cuộc biểu tình mà Mẹ tin sẽ giành chiến thắng? Qua Ngã Sáu để đến với suối Đốc Học, vựa rau sạch của thành phố Ban Mê, để lang thang đi tìm dấu vết ngôi nhà của thày giáo Y Yut HWing, người không chỉ làm ra bộ chữ Êđê mà còn lãnh đạo biểu tình đòi đuổi công sứ Pháp Sabachie thuở chính quyền thuộc địa. Và cũng nơi này, đâu chỗ người nhạc sỹ tài hoa họ Trịnh đã cất tiếng hát chào đời? Phải chăng nắng gió bát ngát của đại ngàn cũng đã góp phần làm nên tâm hồn đa cảm của ông khiến âm nhạc của ông lay động thẳm sâu trái tim mỗi người?
Xuôi Ngã Sáu về hướng Nam, ngang qua cánh cửa rộng mở của Trường Đại học Tây Nguyên, nơi cả ngàn con em các dân tộc đang miệt mài nhặt lấy tri thức chuẩn bị cho tương lai, là đến với những huyền thoại của 7 ngọn thác trên dòng Srê Pôk, đến với mối tình của Sông Mẹ, Sông Cha, để  không chỉ sinh ra những người con “da nâu mắt sáng vóc dáng hiền hoà” con trai thì dũng mãnh, con gái xinh đẹp, dịu dàng, mà còn cả những cánh đồng màu mỡ trên cao nguyên đất đỏ.
Ngã Sáu mà mùa xuân 2001, những người đồng tộc ngây thơ và dại khờ của tôi ngơ ngác tụ tập, không biết đi đâu, làm gì, đói và khát giữa cái nắng gay gắt đến mờ mắt của sự lừa phỉnh đến từ phương trời nào xa lắc.
Bất chấp tất cả sự ghét ghen của những kẻ “chơi” con bài dân tộc và tôn giáo, Buôn Ma Thuột hôm nay đón xuân ngày một đẹp hơn, giàu có hơn cả về vật chất lẫn tinh thần. Thập niên 80 của thế kỷ XX, Đắk Lắk phải khai hoang rừng Buôn Yă Wằm để trồng củ mì, mang cà phê về miền Tây đổi gạo cứu đói. Ngày ấy, lãnh đạo tỉnh đề ra chỉ tiêu 21.000 tấn/ năm lương thực quy thóc như một điều mong ước viển vông thì hôm nay con số  650.000 tấn/ năm, trong cả những thiên tai lẫn địch hoạ, không phải là điều nằm mơ mà là sự thật đang chờ nơi ngưỡng cửa.
Còn gì nữa nhỉ? Một hội voi náo nức đua tài và các lễ hội tháng ba sôi động, hoành tráng, đậm đà bản sắc văn hoá cao nguyên; với những cuộc giao lưu đầy tự hào cháy bỏng niềm khát khao dâng hiến cho đời cái đẹp... đều đã diễn ra tưng bừng và an toàn trong niềm vui của toàn thể cộng đồng. Đủ để minh chứng cho sự phồn vinh & bình yên của một vùng cao nguyên đất đỏ không? Nơi đây gần 100 năm về trước, thực dân Pháp chọn làm địa điểm lưu đầy, những tưởng thui chột ý chí của hàng ngàn chiến sỹ cách mạng. Nơi không chỉ được Đảng ta chọn mở màn chiến dịch Mùa xuân năm 1975 lịch sử giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mà còn có thương hiệu “Cà phê Buôn Ma Thuột” vượt đại dương đi đến mọi bến bờ, nối những nhịp cầu bè bạn năm châu.
Gương mặt Ban Mê hồng lên với sắc đỏ bazan  huyền thoại. Tiếng hát em gái H’Nhi, H’Bia nào đắm say “Cơn gió nồng nàn thổi qua phố mới/ hương ngọc lan ướt đẫm canh dài/ Giọt cà phê góc phố nào ngọt đắng ban mai/ Và đôi mắt ai lung linh giọt sương sớm”... Thương quá, ơi Buôn Ma Thuột mùa xuân của tôi!
Từ trong lòng đại ngàn xanh dáng núi Trường Sơn, cùng với Buôn Ma Thuột, Plei Ku và Kon Tum cũng đang vươn lên, lồng lộng vóc dáng của những thành phố hừng hực sức trẻ  như dũng sỹ Dam San, Xing Nhã, Dăm Gyông huyền thoại  thuở nào.
Xuân mở cửa dạo chơi trên mảnh đất cao nguyên, kính cẩn nghiêng mình trước tầng thẳm sâu quá khứ của di chỉ Lung Leng, rạo rực với tiếng tuốc-bin rộn ràng hát bài ca công nghiệp hóa nơi hầm  máy thuỷ điện Ya Ly, Drai H’Linh, Buôn Kuôp... say đắm ngắm nhìn cà phê, cao su, tiêu, bông đang tràn căng lộc biếc, đùa giỡn cùng vũ điệu sóng dã quỳ vàng rực khắp triền núi Hàm Rồng. Nụ cười già làng sáng bừng dưới ánh điện, tiếng bé thơ đọc bài ê a trong lớp học song ngữ Bana, Jrai, Êđê -Việt, lẫn trong ngân nga chuông chiều nơi mái vòm nhà thờ gỗ giữa lòng thị xã Kon Tum, nhà thờ Mẹ nơi trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột...
“Mùa ăn năm uống tháng” Tây Nguyên đã đến, rượu cần đã buộc và ching chêng đã ngân, hãy vít cần đi rồi hoà nhịp vòng suang với gái trai Bana, Jrai, Êđê, Sê Đăng... đang cùng nắm tay nhau đi tới tương lai, theo nhịp điệu của những dàn ching chêng  là “Di sản văn hóa đại diện của nhân loại”. Nghe không mình ơi, tiếng ching chêng đang rộn rã bay lên tới tận chín tầng mây biếc của đất trời xuân cao nguyên  xanh bao la.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI