Thứ Tư, 15 tháng 1, 2020

TÂM TÌNH CỦA NHÀ GIÁO – NHÀ THƠ tác giả HỮU CHỈNH - CHƯ YANG SIN SỐ 328 THÁNG 12 NĂM 2019






(Đọc Mây trắng vẫn bay về -
Thơ Nguyễn Trọng Đồng – NXB Hội Nhà văn – 2018)



Gắn bó với nghề, là một giáo viên mẫn cán, đã bước vào tuổi “lục thập nhĩ thuận”, Nguyễn Trọng Đồng trình làng tập thơ thứ sáu của mình. Mây trắng vẫn bay về - khoảng 70 bài thơ với 100 trang in. Đây là sự cố gắng lớn cả về công sức và kinh tế của một người chỉ biết gieo chữ ở buôn làng từ Krông Năng xa xôi.
Chẳng lẽ trời Krông Năng nhiều gió
Mà đất thâm trầm trổ lộc, đơm hoa
Mà nhà sàn vẫn sớm chiều đỏ lửa
Hạt lúa, củ khoai ngày ấy - bây giờ
                                                         Cảm xúc Krông Năng
Gắn bó, yêu thương miền quê này mới viết được như vậy. Thấy được nhịp thở của thời gian làm thay đổi cảnh sắc. Dù vật chất chưa đủ đầy vẫn vững tin vào sự đổi thay của quê hương trong sự bình yên của nhà sàn đỏ lửa.
Nguyễn Trọng Đồng có bài lục bát hiếm hoi, dù cố tình ngắt dòng nhưng hồn cốt lục bát vẫn rõ ràng và có câu thơ khá đắt:
Đợi em ở phía mùa xuân
Chắt chiu dòng nhựa trắng ngần quê hương
                                                         Đợi em ở phía mùa xuân
Đây là viết về nông trường cao su, công nhân cạo mủ cao su chịu nhiều độc hại vẫn gắn bó với nông trường, cần sự đồng cảm của mọi người, trong đó có Nguyễn Trọng Đồng nâng niu chia sẻ.
Thơ của anh không mang tính triết lý nhưng gắn với thời sự. Từ núi rừng Đắk Lắk nghĩ đến bia chủ quyền ở đảo Nam Yết, Song Tử Tây, khẳng định bờ cõi thiêng liêng, lòng anh nhiều lần reo lên, hát ca cùng biển cả:
Sóng bạc đầu trước biển bao la
Tàu ta lại ra khơi vào lộng
                                             Cột mốc chủ quyền ở Biển Đông
Đây là thơ của một công dân có trách nhiệm trước một kẻ thù hung hãn mấy ngàn năm.
Yêu nước thể hiện lòng biết ơn những thế hệ tiền nhân trao lại qua những  hình ảnh cụ thể:
Bốn mùa hương hoa là bốn mùa ngọn lửa
Tự đất cha ông nhen nhóm nghìn năm
Trái ngọt hôm nay từ nụ biếc đất ta nằm
                                                         Đất nước hình cánh chim
Được hưởng bốn mùa hương hoa là bởi giữ được ngọn lửa truyền thống. Có trái ngọt là từ nụ biếc trên mảnh đất này. Đạo lý ăn quả nhớ kẻ trồng cây thấm đẫm.
Sinh ra ở Can Lộc, Hà Tĩnh, yêu câu ví dặm quê hương xứ Nghệ (gồm cả Nghệ An, Hà Tĩnh) nên anh có bài thơ: Câu ví dặm mùa xuân xứ Nghệ. Bài thơ mang tâm trạng người xa quê hương vào Tây Nguyên lập nghiệp:
Để sông Lam chở màu xanh Hồng Lĩnh…
Cho ta về say câu hát dặm bổng trầm!
Đặc biệt là câu:
Ai hay đâu trong mỗi tấc đất quê hương
Có bóng mẹ tảo tần vịn về từ câu ví dặm ngàn năm!
Tha thiết và lay động tâm hồn bởi tình sâu nghĩa nặng với quê hương, với mẹ, nhìn quê hương thấy hình bóng mẹ. Câu hát bổng trầm trong tình mẹ tảo tần nuôi ta khôn lớn. Nhớ đến mẹ là nhớ sự lam lũ, nhưng mẹ mãi là mùa xuân, mang lại mùa xuân cho con:
Ngày của mẹ hay mùa xuân ngời ngợi
Bao sắc hồng còn gọi cánh ong bay.
                                                         Ngày của mẹ
Dù mẹ đã đi xa nhưng hình bóng vẫn hiện hữu trong cuộc đời như ánh sáng, như “muối mặn gừng cay dòng sữa ngọt ngào!” để ta đi tiếp trong cuộc đời:
Để bông lúa cánh đồng xanh biếc gió
Như con tàu lại chở nắng ra khơi.
                                             Người đã cho con dòng sữa ngọt ngào
Như phần đầu đã giới thiệu Nguyễn Trọng Đồng là nhà giáo, nhà giáo yêu thơ, nên tất nhiên phải có thơ về cái nghiệp của mình. Có một thời giáo viên còn khổ trong cái khổ chung. Thơ chân thực càng phơi bày nỗi khổ vì miếng cơm manh áo:
Có những tháng ngày bận rộn vô tư
Sáng lên lớp, chiều về lo cuốc ruộng.
                                                         Ký ức mái trường
Xào xạc rừng thông – thao thức dòng sông
Ba zan đỏ nuôi niềm tin xanh biếc
                                                         Nắng thu về từ cửa lớp lao xao
Trường quê nghèo nhưng không thiếu ước mơ và hy vọng để thầy trò mạnh bước để hứa hẹn quê hương ngày càng giàu đẹp.
Nói đến mái trường là nói đến mùa hoa phượng. Hoa chia tay để hẹn ngày gặp gỡ, nâng tầm cao cho mỗi tâm hồn. Hoa phượng là bài thơ đáng đọc của Nguyễn Trọng Đồng. Mùa phượng chia tay cũng là mùa gửi thương, gửi nhớ:
Lại sân trường thưa vắng bước chân em
Hoa phượng cháy những nỗi niềm dang dở
Từng đi qua xạc xào ngọn gió
Vẫn thấy lòng thao thức với bảng đen.
Gắn bó với nghề lâu dài mới có nỗi niềm trăn trở, mới thao thức với bảng đen để hạ câu kết bài thơ:
Cho ta sống tháng ngày thanh thản
Bạn bè ơi! Hoa phượng ấy chứng nhân.
Trên đây là mặt được của thơ Nguyễn Trọng Đồng. Vì quý anh hai lần đồng nghiệp: nhà giáo – nhà thơ, nên tôi gợi ý mấy điểm yếu để anh làm thơ hay hơn, đọng hơn trong lòng người đọc.
Đã in tới sáu tập nên trơn tay, dễ dãi, trùng lặp hình ảnh có sẵn, đặc biệt hình ảnh con cò: Như cánh cò bay lả bay la (trang 12); Trong cánh cò bay lả (trang 15); cánh đồng cò bay thẳng cánh (trang 17); trong cánh cò bay lả bay la (trang 20); Cánh cò bay lả dòng sông (trang 24); Cánh cò trắng hai sương một nắng (trang 29)… Thế là quá nhiều, không dẫn thêm nữa.
Sự dễ dãi ngay từ việc lựa chọn đầu đề cho mỗi bài thơ. Đành rằng mùa xuân là ước mơ, hy vọng nhưng không được lạm dụng: Câu ví dặm mùa xuân xứ Nghệ; Đường xuân đi tới; Mùa xuân khát vọng; Thắng lợi mùa xuân; Mùa xuân hội nhập; Ngày xuân cảm chuyện…; Mùa xuân gọi tên em; Mùa xuân lễ hội… Còn nhiều nữa.
Tôi cũng không thích đầu đề bài: Em có nghe thành phố gọi tên mình. Chỉ thay chữ “Tổ quốc” của bài hát rất phổ biến thành “thành phố” là không nên.
Có một chi tiết liên quan đến truyền thuyết mà ai cũng biết. Bài Tổ quốc tượng hình lên mặt trống đồng là bài thơ khá, nhưng câu: Từ lúc Lang Liêu tạo ra giống dưa thơm (trang 53) thì phải xem lại. Các tài liệu tôi đọc thì Lang Liêu trong sự tích bánh chưng, bày dày. Còn dưa là An Tiêm trồng, nay thuộc Nga Sơn, Thanh Hóa.
Một vài nhận xét về thơ Nguyễn Trọng Đồng qua tập Mây trắng vẫn bay về, thấy đôi chỗ còn khiếm khuyết nhưng bù lại là cái tâm, cái tình, trách nhiệm công dân của nhà giáo – nhà thơ nên cũng đáng đọc.
                                                                                    Tháng 10-2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI