Thứ Bảy, 4 tháng 1, 2020

TỐNG BIỆT HÀNH – khúc tiễn biệt đầy kịch tính tác giả NGUYỄN PHƯƠNG HÀ - CHƯ YANG SIN SỐ 328 THÁNG 12 NĂM 2019






Thâm Tâm(1917 - 1950) là một nhà thơ sáng tác không nhiều trong Phong trào Thơ mới trước Cách mạng Tháng Tám (sự nghiệp sáng tác thơ của ông chỉ có trên dưới 20 bài) nhưng đã để lại những bài thơ có sức ám ảnh lòng người. Thơ Thâm Tâm có sắc thái riêng “điệu thơ gấp, lời thơ gắt, câu thơ gân guốc, rắn rỏi, không mềm mại, uyển chuyển như phần nhiều thơ bây giờ nhưng vẫn đượm chút bâng khâng, khó hiểu của thời đại” (Thi nhân Việt Nam). Tống biệt hành (Ngữ văn 11 nâng cao, tập II) là một bài thơ như vậy. Bài thơ được Thâm Tâm viết năm 1940 để ca ngợi một người bạn giã biệt gia đình đi theo chí lớn mà vẫn nặng lòng lưu luyến với người thân.
Tên bài thơ là Tống biệt hành cùng với việc sử dụng nhiều từ Hán Việt trong thi phẩm đã gợi lên không khí cổ kính, xa xưa, trang trọng của buổi đưa tiễn. Tác giả đã sử dụng thể hành - một thể thơ cổ phong có đặc điểm là tự do, phóng khoáng, rất phù hợp với cảm xúc trong bài thơ. Người đưa tiễn cũng là nhân vật trữ tình xưng “ta”, người ra đi được gọi là “li khách” (khách biệt li) phù hợp với không khí cổ kính để nói những lời khẳng khái, rắn rỏi một cách thích hợp.
Bốn câu thơ đầu rất đặc sắc, thường được dẫn trong các sách lý luận về thơ Việt Nam. Đây là cảm nhận xao xuyến, ngỡ ngàng của người đưa tiễn trong phút giây li biệt:
“Đưa người, ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?”
Thơ xưa thường dùng hình ảnh “bến sông” để chỉ không gian chia li, dùng “hoàng hôn” của đất trời để gợi nỗi buồn của lòng người. Nhưng ở đây, tác giả đã sử dụng hình ảnh ước lệ theo lối phủ định với hai câu hỏi tu từ trùng điệp để phát hiện và tô đậm tâm trạng đang diễn ra trong cuộc đưa tiễn: “không đưa qua sông…”, “Bóng chiều không thắm…”. Phủ định ngoại cảnh, ước lệ là để khẳng định tâm trạng và cảm xúc: “Sao có tiếng sóng…”, “ Sao đầy hoàng hôn…”. Như vậy, Thâm Tâm đã chấp nhận và vượt qua một thách đố nghệ thuật: dùng đề tài cũ, hình ảnh ước lệ quen thuộc của quá khứ, vừa tiếp nối truyền thống mà không lặp lại, vừa tiếp thu lại vừa đổi mới, vượt lên.
Hình ảnh ẩn dụ “sóng lòng” gợi lên sự xao xuyến, xốn xang của cõi lòng người đưa tiễn. Hình ảnh “đầy hoàng hôn trong mắt” diễn tả nỗi buồn ngưng đọng trong ánh mắt của người ra đi. Câu thơ đầu toàn vần bằng “Đưa người, ta không đưa qua sông” gợi lên cảm giác xao xuyến, bâng khuâng lan toả trong không gian và thời gian. Câu thơ tiếp theo đột ngột nổi lên bốn vần trắc liền nhau “có tiếng sóng ở…” như những đợt sóng dằn nén nhớ thương tha thiết trong lòng người. Từ “không” điệp ba lần nhấn mạnh ý phủ định ngoại cảnh. Cụm từ “Sao có…”, “Sao đầy…” nhấn mạnh sự khẳng định nội tâm. Tác giả còn sử dụng hiện tượng điệp vần “ong” với mật độ dày đặc: “không”, “sông”, “sóng’, “trong”, “lòng” gợi tả những đợt sóng cảm xúc vỗ mãi vào lòng người.
Những câu thơ tài hoa của Thâm Tâm đầy hình ảnh và nhịp điệu, vừa hay về âm thanh vừa sâu về tình cảm. Nó đã diễn tả được tâm trạng đầy lưu luyến, nhớ thương của một cuộc chia tay giàu ý nghĩa đối với một người ra đi vì nghĩa lớn.
Đoạn thơ tiếp theo như một lời giải thích về người ra đi:
“Đưa người, ta chỉ đưa người ấy
…Ba năm mẹ già cũng đừng mong…”
Đại từ chỉ định “người ấy” xác định một người kiên quyết ra đi theo chí lớn, dám dấn thân vào “con đường nhỏ”, sự nghiệp chưa thành thì không nói chuyện trở lại, “Ba năm mẹ già cũng đừng mong”. Tác giả đã sử dụng những từ có ý nghĩa phủ định “chưa”, “không”, “đừng” liên tiếp trong đoạn thơ để nói lên cốt cách tráng sĩ: mạnh mẽ, kiên quyết, dứt khoát của li khách. Hình ảnh li khách qua sự cảm nhận của người đưa tiễn là một người kiên quyết ra đi theo “chí nhớn”, vì sự nghiệp chung. Chính vì vậy mà cuộc chia li thêm trang trọng và đầy lưu luyến.
Đoạn thơ tiếp theo, người đưa tiễn nhớ lại tâm trạng của người ra đi đã diễn ra trước đó:
“Ta biết người buồn chiều hôm trước
…Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay…”
Gần như đã có một cuộc tiễn đưa đã diễn ra trong gia đình từ trước đó bịn rịn và đầy nước mắt. Qua đoạn thơ, ta thấy li khách còn có một gia đình phải chăm nom: một người mẹ già, hai chị gái như sen cuối hạ và “em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc”. Tất cả đều yếu đuối, đa cảm và cần được chở che, cần có một người trai để nương tựa. Không xúc động sao được khi phải giã biệt những người thân yêu như thế. Điệp ngữ “Ta biết người buồn” lặp lại trong đoạn thơ khẳng định được tình cảm lưu luyến thiết tha của người ra đi và tình cảm tri kỷ của người đưa tiễn. Đúng là con người của thời hiện đại không còn công thức, đơn giản như người xưa. Cái “tôi” trữ tình trong Thơ mới đầy tâm trạng và nỗi niềm, đa sầu, đa cảm.
Tác giả không nói “hai chị” mà dùng phép đếm “Một chị, hai chị” vừa gợi lên cảm giác thưa thớt vắng lạnh lại vừa như xét đến tình cảm của từng người đã khóc nốt “dòng lệ sót” để khuyên ngăn em trai mình. Hiện tượng điệp vần “iếc” được dùng liên tiếp trong đoạn thơ: “biếc”, “chiếc”, “tiếc” gợi lên một chuỗi vướng mắc, bịn rịn, không nỡ dứt rời:
“Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc
 Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay”
Khổ thơ cuối là hình ảnh li khách dứt áo ra đi:
“Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực”
Một câu hỏi nghi ngờ “Người đi?” đi liền với một câu khẳng định: “Ừ nhỉ, người đi thực” đã làm nổi bật tâm trạng ngỡ ngàng, bừng tỉnh của người đưa tiễn trước một sự thật: bản chất trượng phu quân tử đã trỗi dậy với tư thế kiên quyết dứt tình  của người tráng sĩ  như Kinh Kha trên sông Dịch năm xưa. Người ra đi đã biết vượt lên mình với một sự lựa chọn quyết liệt, đau đớn, đầy kịch tính mà cao cả đã diễn ra giữa chí lớn và tình riêng:
“Mẹ thà coi như chiếc lá bay,
Chị thà coi như là hạt bụi,
 Em thà coi như hơi rượu say”
Mỗi chữ “thà” trong những câu thơ trên: “Mẹ thà”, “Chị thà”, “Em thà” như một nhát dao sắc chặt đứt những ràng buộc tình cảm bịn rịn để ra đi. Trong giờ phút quyết định, li khách đã quyết tâm theo chí lớn, vượt nhớ thương để thực hiện khát vọng, lý tưởng của mình. Nhưng bên trong những lời thơ gân guốc, rắn rỏi đầy cố gắng ấy, ta vẫn cảm nhận được một tâm hồn nhạy cảm, đầy xúc động, một nỗi niềm bâng khuâng khó hiểu của người ra đi, của con người thời đại Thơ mới.
Tóm lại, thể thơ, tên đề của bài thơ, ngôn ngữ và hình ảnh thơ không mới, tất cả đều cổ kính xa xưa nhưng lại được dùng rất mới mẻ và đầy sáng tạo. Tác giả đã sử dụng những câu hỏi tu từ trùng điệp, những câu thơ vần bằng xen lẫn ít vần trắc tạo nên một âm điệu đặc biệt ám ảnh cho bài thơ.
Tống biệt hành là một cuộc tiễn đưa đầy kịch tính trong mâu thuẫn giằng xé giữa chí lớn và tình riêng, một cuộc tiễn đưa dồn nén, đầy thử thách, gây được xúc động sâu xa trong lòng người.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI