Thứ Sáu, 17 tháng 1, 2020

NGƯỜI CHIẾN SĨ ẤY LÀ… BỐ TÔI! bút ký dự thi của TRÂM ANH - CHƯ YANG SIN SỐ: 329+330 tháng 1&2 năm 2020



Tác phẩm tham dự Cuộc vận động viết bút ký chủ đề

“Công an Đắk Lắk bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”








Kí ức về bố thoắt ẩn thoắt hiện trong tôi về những ngày còn non dại với những suy nghĩ thơ trẻ. Những mảng màu sáng tối không rõ rệt.
Là những ngày bình thường, nghe tiếng nói cười vui vẻ, không khí ấm cúng toát ra từ gia đình hàng xóm trong bữa cơm tối. Bố tôi thì vẫn đi làm chưa về.
Là những cái hẹn bố phải đón đúng giờ tan trường. Chúng tôi cứ đứng thế, nhìn hết bạn này đến bạn khác ra về. Nước mắt chỉ chực trào khi thấy dáng mẹ tất tưởi chạy đến.
Là những buổi sáng bố chở ba chị em tôi đến trường trên chiếc xe đạp cũ kỹ. Hai đứa ngồi sau còn một đứa vắt vẻo ngồi trước. Trời Ban Mê những lúc vào đông, chị em chúng tôi run run trong chiếc áo ấm còn bố thì lấm tấm mồ hôi trên chiếc áo đã sờn.
Là những miếng lương khô còn gói giấy thơm phức bố mang về sau mỗi đợt công tác. Lũ chúng tôi trầm trồ khen ngon và thấy bố thật sung sướng vì ngày nào cũng được ăn lương khô chứ không phải ăn cơm như chị em chúng tôi ở nhà.
Là những định nghĩa mơ hồ về công việc của bố. Vì ở lớp tôi, nhiều bạn có bố mẹ làm công việc buôn bán hoặc các công việc khác lại rất có điều kiện về kinh tế. Các bạn được bố mẹ đèo bằng xe máy còn tôi cứ được bố chở trên chiếc xe đạp cũ kỹ. Rồi không hiểu lý do gì khi đi ngang những tiệm phở nghi ngút khói, bố đạp nhanh qua như không kịp để chị em tôi ngửi thấy mùi phở thơm lừng. Tôi đã tự nhủ rằng lớn lên sẽ không bao giờ làm công việc giống như bố đang làm.
Là những…
Giờ đây khi ngồi viết những dòng chữ này nếu không phải là qua lời kể rời rạc hoặc chắp vá từ những câu chuyện của bố và của những cô chú là đồng chí, đồng đội của bố khi ghé nhà chơi thì có lẽ tôi đã không thể biết cũng như hiểu thêm về công việc của bố. Gần 37 năm qua, bố tôi vẫn lặng lẽ với vùng đất Tây Nguyên nhiều nắng nhiều gió này. Và cái tên Lê Văn Sơn, nguyên Trưởng Công an huyện Ea H’leo hay Ama Anh là bố của tôi!
Mọi người vẫn hay nói rằng có lẽ do nhân duyên nên Đắk Lắk trở thành quê hương thứ hai của ông bởi bố tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo tỉnh Nghệ An. Năm 1981, tốt nghiệp trường Trung cấp An ninh nhân dân V và mang trong mình truyền thống của quê hương, mong muốn đưa những kiến thức nghề nghiệp đã dày công học tập vào thực tế nhiệm vụ ở những nơi khó khăn nhất, phức tạp nhất đã thôi thúc bố tôi vui vẻ nhận nhiệm vụ tại Phòng Bảo vệ chính trị Công an tỉnh Đắk Lắk. Các cô chú kể rằng nhiệm vụ đầu tiên khi vừa đặt chân đến với một vùng đất mới của bố là tăng cường xuống xã Chư M’ngạn thuộc địa bàn huyện Krông Năng. Đây là địa bàn hoạt động thường xuyên của nhiều đối tượng cầm đầu FULRO nên tình hình an ninh trật tự rất phức tạp và nhiều nguy hiểm rình rập. Chúng lôi kéo thanh niên trong buôn làng vào rừng tham gia FULRO, đưa qua Campuchia huấn luyện; có buôn làng gần như không còn phụ nữ, thanh niên. Bên cạnh tổ chức FULRO, chúng còn lập hệ thống mạng lưới cơ sở nằm vùng trong dân, ráo riết đẩy mạnh các hoạt động vũ trang chống phá chính quyền với nhiều hình thức như: phục kích, tập kích, đột ấp, rải truyền đơn, ám sát, cướp bóc, khống chế quần chúng… gây thiệt hại đáng kể về người và tài sản cho đồng bào. Trước đó, một đồng chí Bí thư Chi bộ của xã đã bị chúng sát hại gây hoang mang lo lắng cho bà con trong buôn. Vì thế lực lượng trinh sát tăng cường xuống địa bàn phải nắm tình hình, phát hiện các cơ sở ngầm tiếp tay cho thế lực xấu và trực tiếp chiến đấu khi gặp phải sự tấn công của kẻ địch. Ban ngày, lực lượng trinh sát đến các gia đình gặp gỡ tiếp xúc với đồng bào, hỏi chuyện làm nương rẫy, hướng dẫn đồng bào kỹ thuật sản xuất, đồng thời tuyên truyền chính sách của Đảng, Nhà nước, giải thích cho đồng bào hiểu âm mưu của địch, vận động họ khuyên bảo con em mình trở về với con đường chính nghĩa. Nhắc lại những tháng ngày gian khổ ấy, cả bố tôi và các cô chú vẫn không giấu nổi nỗi xúc động. Đôi khi tôi thấy có những lúc ngập ngừng trong câu chuyện và thật chậm sau đó. Tôi có nghe nói rằng khó khăn nhất không phải là điều kiện ăn ở sinh hoạt mà là khó khăn khi bố và các cô chú đều không biết tiếng và chưa hiểu gì về phong tục tập quán cũng như nếp sống, suy nghĩ của đồng bào. Vì thế, làm gì cũng phải thông qua “người phiên dịch” là Amí H’Reo – một gia đình sớm giác ngộ cách mạng và tích cực tham gia phong trào quần chúng đấu tranh với bọn FULRO ở buôn. Amí H’Reo cũng là người đã cho cán bộ tá túc để đề phòng việc bọn FULRO phục biết nơi ngủ của cán bộ sẽ bất ngờ tấn công. Để có thể học nói, học viết tiếng nói – chữ viết của đồng bào, học ăn những món ăn không hợp khẩu vị, bố và các chú đã phải cùng ăn cùng uống cùng ở với bà con. Tất cả các món đều nấu rất cay (vì đồng bào có thói quen bỏ thật nhiều ớt ăn để chống sốt rét) vậy nhưng bố và các chú vẫn cố gắng ăn cùng như con cháu trong nhà. Nhờ vậy mà bố được đồng bào rất thương, rất quý, giúp đỡ nhiều trong công tác. Các chú kể sau chuyến công tác ấy, thấy bố là người thật thà chất phác, lại luôn tận tụy giúp bà con, gia đình Amí H’Reo đã nhận bố làm con nuôi. Qua những tháng ngày vất vả ấy, bố và đồng đội vận động được hàng chục đối tượng lầm lỡ ra đầu thú, từ bỏ tư tưởng xấu, trở về đoàn tụ với gia đình, chí thú làm nương rẫy. Và tôi đã từng nghe bố nhắc lại nhiều lần đây là chuyến công tác đầu tiên cũng là chuyến công tác đáng nhớ nhất…
Hàng chục năm liền, bố đã sống và gắn bó với đồng bào Êđê, M’nông, Gia Rai ở Đắk Lắk. Bố và mẹ lấy nhau sau 3 năm, bố công tác ở Đắk Lắk. Cả 3 lần mẹ vượt cạn thì hai lần không có bố bên cạnh và nhiều năm mẹ tôi một mình tần tảo nuôi ba chị em tôi ăn học. Mẹ vẫn thỉnh thoảng nhắc lại về cái lần mẹ sinh em thứ hai sau tôi mà mắt ngấn lệ: “Mẹ sinh em mà đến khi đầy tháng em bố mới về nhà thăm vì còn bận bịu với chuyên án…”. Nói là thế, nhưng tôi vẫn thấy mẹ lẳng lặng gói ghém hành trang cho bố khi nghe bố sắp đi công tác dài ngày về cơ sở.
Khi lớn hơn một chút, qua những bài học trên ghế nhà trường và trong những câu chuyện của bố, tôi hiểu được rằng, bao người con đất Việt ngã xuống, lấy máu của mình để tô thắm thêm truyền thống hào hùng của dân tộc, lấy tinh thần bất khuất, kiên cường đấu tranh đánh giặc, dựng nước và giữ nước, trong đó có công lao của những người chiến sỹ công an nhân dân lặng lẽ, âm thầm hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì bình yên cuộc sống của nhân dân... Tôi nhớ đó là vào năm 2001, năm tôi đang học phổ thông. Đang trên đường đi học về, tôi thấy rất nhiều người dân tụ tập quanh khu vực Ngã Sáu. Cố chen vào trong để xem có việc gì đang diễn ra, nhưng tôi đã bị chặn lại bởi vòng tay của các chú công an. “Cháu về nhà đi. Ở đây nguy hiểm lắm”. Tim tôi bỗng thắt lại. Đứng từ phía xa, tôi nhận thấy sự quá khích của những người dân đang ở mức cao trào. Tôi nghe loáng thoáng mọi người nói với nhau là các phần tử phản động FULRO đã kích động hàng chục ngàn người dân tộc thiểu số trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên trong đó có Đắk Lắk kéo lên các trung tâm hành chính trên địa bàn để biểu tình bạo loạn chính trị. Chưa bao giờ tôi thấy sợ hãi như lúc đó, chưa bao giờ tôi thấy trách nhiệm nặng nề mà bố mình đang gánh trên vai. Và giữa biển người bị ném đá, bị xô đẩy, tôi biết, có bố tôi.
Và chưa bao giờ tôi thấy hiểm nguy lại rình rập bố mình đến thế, cũng chưa bao giờ tôi tự hào về hình ảnh người chiến sĩ công an đến vậy. Các chú, các anh đã chấp nhận buông bỏ khí giới, rời bỏ nơi tập kết để tránh đối đầu trực tiếp với người dân; đã chấp nhận không cầm súng bắn vào đồng bào của mình. Đó là những hình ảnh thực sự khiến tôi xúc động, và tôi đã òa khóc nức nở khi ngày hôm sau thấy bố trở về, vẫn vẹn nguyên trong bộ quần áo sẫm màu ấy.
Với những thành tích xuất sắc trong quá trình công tác, rèn luyện, bố tôi được tín nhiệm đề bạt là Trưởng phòng An ninh xã hội Công an tỉnh, sau đó được điều chuyển nhận nhiệm vụ Trưởng Công an huyện Ea H’Leo. Đây là nhiệm vụ nhiều gian nan, thử thách mà bố tôi được Lãnh đạo Công an tỉnh tin tưởng giao phó. Hôm nhận quyết định điều động bổ nhiệm, tôi thấy bố có vẻ trăn trở và suy nghĩ rất nhiều. Bố tâm sự với chị em tôi: “Bố làm công tác an ninh đã gần 30 năm. Giờ bắt đầu với một nhiệm vụ mới, bố không sợ khó khăn gian khổ, chỉ sợ không hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao”.
Huyện Ea H’Leo giáp ranh với tỉnh Gia Lai, có diện tích tự nhiên rộng với nhiều rừng sâu, rẫy vắng, khu vực hẻo lánh, dân cư đông đúc và nhiều thành phần, có Quốc lộ 14 đi qua… Một số trường hợp đã sử dụng trái phép chất ma túy, cờ bạc; một số có quan hệ với các đối tượng tội phạm… từ đó dẫn đến nhiều loại tội phạm khác như cố ý gây thương tích do nguyên nhân xã hội, trộm cắp tài sản, tàng trữ, mua bán và sử dụng trái phép chất ma túy… Những năm ấy, Ea H’Leo trở thành một địa bàn trọng điểm về ma tuý của tỉnh Đắk Lắk – đứng thứ hai sau thành phố Buôn Ma Thuột. Ngoài thị trấn trung tâm Ea Drăng thì ở một số xã vùng sâu, vùng xa của huyện như: Ea H’Leo, Ea Hiao, Cư A Mung, số con nghiện cũng chiếm tỷ lệ khá cao. Cá biệt là ở xã Ea Wy, số con nghiện còn nhiều hơn thị trấn Ea Drăng đến hơn 1,5 lần. Trong số các con nghiện ở huyện Ea H’Leo, có nhiều đối tượng đang ở tuổi lao động mua bán ma túy để có tiền ăn xài, hút, chích và hoạt động có sự câu móc với các đối tượng ngoài tỉnh. Một số con nghiện ma túy đã gây ra các vụ trọng án giết người, cướp tài sản gây bức xúc trong dư luận. Tuy vậy, với quyết tâm và những nỗ lực cao – mà chủ công là Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy – Công an huyện Ea H’Leo đã phối hợp với Phòng CSĐT tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Đắk Lắk và các đơn vị liên quan đẩy mạnh các biện pháp nghiệp vụ, rà soát, nắm số người nghiện, xác lập các kế hoạch, chuyên án để đấu tranh, bắt, xử lý các nhóm, đối tượng tàng trữ, vận chuyển, mua, bán, tổ chức sử dụng, trồng và, sơ chế ma túy.
Với những nỗ lực của tập thể, từ năm 2014 đến nay, Công an huyện Ea H’Leo phối hợp với các đơn vị đã triệt xóa gần 20 tụ điểm mua bán, chích, hít ma túy; bắt 24 vụ, 28 đối tượng; thu tang vật hơn 40 gam heroin, 636kg cây cần sa tươi, 11,5kg cần sa khô đã sơ chế, 1,5kg hạt giống cần sa, hơn 47 triệu đồng và hàng chục xe máy, điện thoại di động là các phương tiện vận chuyển, liên lạc của các đối tượng. Tôi biết đằng sau những chiến công của tập thể, là những đêm bố tôi thao thức… Vì tôi biết bố chẳng thể yên giấc nếu “chưa hoàn thành nhiệm vụ đã hứa với Đảng, với Lãnh đạo, với nhân dân”.
Đã nhiều năm, trong những đêm thao thức vì bài vở, tôi nghe có tiếng xe rì rầm đỗ xịch trước cổng rồi tiếng kéo cổng nhè nhẹ. Tôi biết lúc đó bố về… Sáng dậy những tưởng sẽ được gặp bố thì bố đã lại đi từ lúc nào rồi. Tôi biết rằng để có những buổi đêm tĩnh mịch và bình yên của Ban Mê, có bố tôi và các cô chú còn đang lặn lội ở một góc đường, một con hẻm hay một khoảnh rừng nào đó.
Cứ thế, những vùng đất đỏ bazan, những cánh rừng, con suối, những con đường tít tắp đầy bụi đỏ, những con người Tây Nguyên và hơn hết là hình ảnh về bố… đã bồi đắp trí tuệ và nhân cách giúp tôi trưởng thành; giúp tôi cũng trở thành một người chiến sĩ công an như bố tôi.
Và tôi tự hào khi là con của một chiến sĩ Công an nhân dân.


  





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI