Tết Nguyên
Đán là dịp lễ đầu năm âm lịch quan trọng và có ý nghĩa bậc nhất ở Việt Nam. Bởi
thế, người Việt dù làm ăn, sinh sống nơi đâu, tâm thức mỗi người đều hướng về ngày Tết khi năm cũ sắp
đi qua.
Tết trở
thành nét đặc trưng trong bản sắc văn hóa ngàn đời của cộng đồng người Việt trên
khắp mọi miền đất nước và bây giờ cả đối với đồng bào ta ở nước ngoài.
Trong rất
nhiều hoạt động làm nên “Văn hóa Tết Việt” có tục chúc nhau ngày Tết.
Người Việt
dành ba ngày quan trọng và ý nghĩa nhất đầu năm mới - mồng Một, mồng Hai, mồng Ba
- cho ba đối tượng kính trọng nhất đời mình, gói gọn trong câu nói quen thuộc: “Mùng
một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy”.
“Tết cha, Tết
mẹ” cho tròn chữ Hiếu. Trong nền tảng văn hóa Việt, hiếu thảo là gốc của đạo đức
gia đình. Cho nên người xưa đã chọn ngày đầu tiên của năm mới để tưởng nhớ
công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ hai bên nội, ngoại. Ngày đó con cháu tụ họp
đông đủ mừng tuổi, chúc sức khỏe ông bà cha mẹ, chúc nhau những điều tốt lành
trong năm mới.
“Tết thầy” mồng
Ba cho trọn lòng tri ân những người đã có công lao dạy dỗ mình nên người.
“Tết cha, Tết
mẹ, Tết thầy” xuất phát từ quan niệm “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “Nhất tự vi
sư, bán tự vi sư” đã thành đạo lý ngàn đời của dân tộc”:
- Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy
ra
- Không thầy đố mày làm nên
Đạo lý ấy không
cần những bài học dông dài, sáo rỗng mà vẫn thấm vào tâm can bao thế hệ người
Việt. Nó lại được khơi dậy bằng hành động cụ thể trong không khí của những ngày đầu năm mới thiêng
liêng càng làm cho con người ta ý thức sâu sắc hơn tình cảm, trách nhiệm
và nghĩa vụ đối với bề trên.
Khi đã trọn
đạo hiếu đối với đấng sinh thành và đạo làm trò đối với thầy dạy dỗ, mọi người
có thể đi thăm họ hàng, làng xóm, bạn bè. Tết là dịp đặc biệt để gặp gỡ, bày tỏ
tình cảm dù có thể mới xáp mặt nhau hôm qua, hôm kia. Nhưng trong quan niệm của người xưa, chỉ lời thăm
hỏi, động viên, chúc nhau ngày Tết mới thật ý nghĩa bởi nó
khởi đầu một năm mới; nó hứa hẹn bao điều tốt đẹp đang chờ phía trước; nó diễn
ra trong không khí ấm áp, thiêng liêng, tràn ngập hương xuân của đất trời và lòng
người. Phải chăng quan niệm này xuất phát từ đặc trưng của một đất nước thuần
nông, quanh năm cày cấy vất vả, cực nhọc, đối mặt với bao hiểm họa, chỉ ước
mong sao cho năm mới an lành. Cho nên người ta chúc nhau sức khỏe, phát tài
phát lộc, gặp nhiều may mắn,... Ai năm cũ gặp rủi ro thì động viên nhau “tai
qua nạn khỏi” hay “của đi thay người”, nghĩa là trong cái họa sẽ tìm thấy cái
phúc, hướng về sự tốt đẹp. Nếu họ hàng, làng xóm có khúc mắc, xích mích trong năm cũ thì
cũng nhân đó mà xí xóa để cùng nhau vui Tết, đón chào năm mới.
Ở quê, khách
đến nhà chúc Tết còn được chủ nhà mời “ngồi mâm”. Mâm cỗ đãi khách luôn sẵn
sàng, bao giờ cũng có những món đặc trưng ngày Tết: Bánh tét, thịt mỡ kho đông,
dưa hành, rau cải xào tỏi và mộc nhĩ, miến gà,… Dù đã “ngồi mâm” nhiều nhà trước
đó nhưng khách vẫn không thể từ chối, chí ít thì cũng phải ngồi vào nhấp
chén rượu, ăn thử bánh chưng của gia chủ xem có rền, có dẻo, có thơm ngon không.
Gắn với tục
chúc Tết là tục lì xì đầu năm. Thủa ban đầu, đối tượng nhận lì xì là trẻ con.
Người lì xì bỏ tiền vào trong những cái túi làm bằng giấy đỏ tặng con trẻ với mong muốn
chúng khỏe mạnh, chóng lớn, ngoan ngoãn. Phong bao tượng trưng cho sự kín đáo, tránh
để bọn trẻ so bì người nhiều kẻ ít. Màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn, “như ý
cát tường” suốt cả năm. Bởi thế, mệnh giá tiền lì xì không quan
trọng mà cốt ở tấm lòng chân thành cho nhau vui vẻ để hi vọng tài lộc, may mắn
sẽ đến trong năm mới.
Thuở tóc còn
để chỏm, mỗi mùa Tết đến, tôi cũng như bọn trẻ cùng thời đã từng sướng rơn khi
được nhận những món quà lì xì của người lớn. Chỉ là năm xu, một hào mà sao vui thế, cứ phấp phỏng
cả ngày với đồng tiền bỏ trong túi áo, quần còn thơm mùi vải mới, chốc lại sờ nắn,
lại mở ra mà ngắm nghía, để hôm sau nhập cuộc đánh đáo với bạn bè lại “lì xì”
chúng vì tay nghề mình kém. Có một chút tiếc hùi hụi nhưng không sao, lại
mong cho chóng đến Tết để có những đồng tiền lì xì mới, để sống với cái tâm trạng sung
sướng, hân hoan rất con trẻ.
Bây giờ, Tết
đấy nhưng dường như không còn vẹn nguyên nét cổ truyền xưa. Thời hiện đại, lời chúc Tết được số hóa
trên tin nhắn, Fcebook, Zalo, Yutobe,… Lì xì không chỉ
dành cho trẻ con, ông bà, cha mẹ mà còn cả người lớn – những người có vai trò “quyết định”
đến “niêu cơm”, đến tương lai thăng tiến của mình. Phong bao lì xì đo
bằng sức nặng của giá trị đồng tiền chứa trong đó, có khi bằng cả gia tài làm lụng
một đời của người lao động.
Nhưng có một
điều đáng lưu ý, bây giờ người ta không nói ăn Tết nữa mà là chơi Tết, nhất là giới trẻ. Chơi Tết với
nhiều nghĩa. Là thưởng thức một giò lan, một chậu mai đẹp,
một cây thế vừa mới mua về; là những cuộc du xuân vui vẻ, hoan hỉ với người
thân và bầu bạn. Có lẽ đó là sự biến đổi tích cực theo thời cuộc của Tết chăng?
26-12-2019
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI