-Tít tít tít!
Tiếng báo tin nhắn đến
của điện thoại ngay sau lưng, con bé Linh không quay lại vẫn biết đó là Nam. Từ
qua tới giờ Nam đã nhắn bao nhiêu tin rồi nhưng Linh vẫn không đọc vì chưa
nguôi cái tức từ tuần trước giữa hai đứa...
Nhà Linh với
nhà Nam cách nhau có một hàng chè tàu. Hai nhà cùng đi kinh tế mới vào đây. Chú Đông với
cô Thu nhỏ hơn vài tuổi nên coi ba mẹ Linh như anh chị trong nhà. Nó
và Nam hơn nhau vài tháng, bé Cốm với cu Kít em Nam cũng cùng tuổi nên hai nhà
càng thân nhau. Đi học, Linh được nghe thầy dạy văn nói quê mới này là huyện Cư
M’gar - cái tên thật đẹp. Huyện có một núi lửa đã tắt, có khu rừng Cư H’Lâm
nhiều cây cối từ thời xưa vẫn còn và gắn với huyền thoại về cặp anh em và lời
nguyền kì bí: ai dám chặt cây, bắt thú trong rừng sẽ không tìm được đường ra. Rồi các cảnh
đẹp, thác nước… cùng những tên đất, tên suối, tên bến nước và các buôn làng nằm
dưới màu xanh của rẫy bắp, rẫy cà phê hay hồ tiêu um tùm xanh mướt, hay những
con đường đất đỏ với vạt dã quỳ vàng rực mỗi mùa khô luôn làm nó và lũ bạn
háo hức khám phá nên thường mỗi lúc hết giờ học lại cùng nhau đạp xe đi long
nhong chán mới về nhà.
Đã hơn mười lần nhà Linh đón tết ở quê mới
này. Năm nào cũng thế, cứ chừng tháng 12 dương lịch, khi cà phê đã hái xong, tiêu bắt đầu
chín, thì mẹ Linh cùng
mấy cô trong xóm bắt đầu thái đu đủ, cà rốt, dưa hành…phơi để làm dưa món ăn tết.
Ba Linh cùng mấy chú thì lo cắt tỉa cây cảnh, chậu hoa, và quét vôi, sửa sang lại nhà cửa.
Là con lớn nhất nên Linh cũng phụ cùng ba mẹ. Con em Cốm thì chỉ việc theo sau
người lớn, chơi chán thì nằm ngủ ngay bên cạnh.
Càng gần đến tết, hai
nhà càng bận. Hai ông bố lo cuốn ống tưới cho rẫy của hai nhà. Hai bà mẹ vừa
lo chuẩn bị hoa quả xôi gà để cúng rẫy sau mùa thu hoạch vừa lo chuẩn bị bánh trái
ăn tết. Cô Thu đổ bánh thuẫn, bánh nhãn, mẹ nó lo làm mấy hũ dưa góp. Phần
dọn nhà thì Linh và Nam làm. Nói thì là việc vặt, nhưng khi dọn mới thấy mệt.
Rửa li tách, chén bát, đánh cho nồi chảo sáng bóng lên xong da tay Linh nhăn hết
lại, lưng đau như dần. Đã vậy thằng Nam cứ nhót cái lại đứng lên: Lúc ra sau
nhà trèo cây ổi vặt quả ăn, lúc thì giỡn cùng con Ki chạy vòng quanh sân.
Linh nhằn hoài, Nam mới chịu phụ bưng mấy rổ chén bát li tách ra để trên chiếc ghế xi măng
phơi nắng cho khô. Vừa hay lúc hai ông bố từ rẫy về, mẹ Linh và cô Thu cũng đã
xong việc. Mâm cơm dọn ra cùng các đồ cúng rẫy trên chiếu trải rộng trên hiên
nhà, hai nhà cùng ăn cơm. Ăn xong, cả nhà lại ngồi uống chè chát. Chú Đông quay
qua hỏi hai đứa:
-Hôm nào nhà
trường nghỉ tết vậy, hai đứa?
-Dạ, cháu cũng
chưa biết, chú.
Thằng Nam láu
táu:
-Con nghe mấy đứa
nói tận 27 tết lận. Mà ba hỏi làm gì á?
-Hỏi để biết,
ngày 28 tết, hai nhà ta gói bánh để ăn tết
chứ sao!
-Ý! - Linh buột
miệng. Chả là mấy năm trước do bận rộn nên hai nhà đặt cô Bé ngoài chợ gói. Năm nay, bố mẹ Linh nói sẽ tự gói và
nó đang háo hức muốn thử tài học gói xem sao. Linh nhắc thằng Nam mấy lần:
-Lúc
nào gói, nhớ kêu tui sang nha!
Vậy mà
sáng nay lúc nó đưa nhỏ em đến lớp mẫu giáo về, tụi con Na, Thảo, Bống rủ
nó vào nhà H’Chi hái bơ. Cữ này đã qua mùa bơ rộ, nhưng cây bơ nhà H’Chi ra quả
quanh năm. Nghe nói trước đây ba H’Chi dọn mảnh đất làm rẫy thì có một cây bơ
còi cọc ở góc vườn. Ông dọn cỏ xung quanh và bón cho cây ít phân bò
khô. Mỗi lần tưới cà phê ông cũng tưới luôn. Dần dần cây bơ lớn vượt lên. Khi các
cây bơ mọi nhà khác đã hết mùa quả, thì cây bơ còi mới ra hoa và đậu trái. Trái
bơ chỉ bằng tầm vốc tay người lớn, nhưng khi bóc bỏ lớp vỏ bên ngoài sẽ thấy
cùi bên trong vàng ươm, dẻo quẹo. Có những hôm làm rẫy cả ngày, ama nó chỉ đem
theo ăng gô cơm, ama nó bổ trái bơ ra, xắt miếng, dầm với xì
dầu có thêm vài lát ớt ăn cùng với cơm. Cảm giác béo ngậy và mùi thơm đặc trưng của
bơ, vị cay của ớt, mùi của xì dầu... quyện vào nhau thành món ăn thật ngon. Ăn
riết rồi thành ghiền. Mùa bơ nào nhà H’Chi cũng để lại một ít để cho bà con trong
xóm. Vậy nên nghe H’Chi rủ đi hái bơ là Linh tham gia ngay. Lúc đang trên
cây, nó nghe điện thoại trong túi áo để dưới gốc cây kêu nhưng đang ham hái
trái không xuống. Lúc mặt trời lên gần thẳng ngọn bơ, tụi nó hả
hê xuống gốc và kiểm lại
“thành quả”. Mỗi đứa khệ nệ xách về một bịch. Vừa về đến nhà nó đã thấy trên
chiếc chiếu trải rộng giữa sân nhà có chừng chục cặp bánh chưng vuông và mấy
đòn bánh tét đặt ở đó. Thằng Nam nhe răng cười:
- Khi nãy tôi gọi
miết sao Linh không nghe? Gọi về coi mẹ tôi và mẹ Linh gói bánh đó!
Mẹ nó
cũng cười cười, nói như phân trần:
-Mẹ lo gói cho
nhanh xong để lát nấu cho kịp sáng mai vớt. Thôi để ít bữa mẹ dạy Linh
gói nha.
Thằng
Nam hí hửng giơ hai chiếc bánh chưng nhỏ rất xinh ra:
-
Bánh tôi gói nà…
Nó nguẩy
người chạy vô buồng đóng sập cửa lại và nằm miết trong đó mặc cho thằng
Nam tẽn tò đứng như cái cây mọc giữa đường lên rẫy.
-Linh! Linh dậy
đi con!
Tiếng
mẹ nó gọi. Linh lồm cồm ngồi dậy. Nó dụi mắt, dù chưa hiểu gì.
-
Dậy đi gói bánh cùng mẹ không?
Nó
đang định ngả người nằm xuống, nghe mẹ nói vậy, nó tỉnh hẳn ngủ. Líu ríu lùa chân
vào dép, nó đi cùng mẹ ra sân. Vừa đi, mẹ nó vừa nói:
-Bên nhà mí Thuần
nhờ mẹ qua gói giùm mấy cặp bánh chưng. Vừa may có người khỏi
giận mẹ, nhỉ? Mẹ nó cười, trêu nó. Nó chỉ bước nhanh chân hơn.
Nhà mí
Thuần đây rồi, bên góc sân nhà cũng đặt cái chiếu trải rộng. Một chậu gạo nếp,
một nồi nhôm để thịt heo ba chỉ đã ướp cùng hành, tiêu. Một tô đựng những củ
hành đã lột vỏ ngoài sạch sẽ. Một xoong nhỏ đựng đậu xanh đã giã nhuyễn,
nắm lại thành từng viên trò như quả bóng bàn. Mấy xấp lá chuối đã rửa sạch, lau
khô và lạt giang sẵn sàng. Mí Thuần tươi cười:
-Mình
đang định sang kêu mí Linh lần nữa. Đó! Lá chuối mình đã luộc qua cho mềm và
lau sạch. Gạo nếp mình vo sạch, để ráo nước rồi. Hành đã lột vỏ, nhân đậu đã giã,
thịt đã ướp tiêu. Thiếu cái gì thì kêu mình đi kiếm thêm nhé!
Mẹ
Linh ngồi gói bánh, mí Thuần ngồi kế bên. Linh một bên. Mẹ Linh xếp lá chuối hai
lớp trên mâm nhôm. Mẹ xúc một chén gạo nếp đổ ở khoảng giữa chỗ lá, vun gọn rồi
khẽ gạt cho gạo trải bằng phẳng, rồi bà đặt mấy củ hành, viên đậu xanh
bẻ ra làm đôi, đặt trên mấy củ hành, đặt một miếng thịt heo rồi lại đặt nốt nửa
viên nhân đậu xanh còn lại, thêm mấy củ hành rồi xúc thêm chén gạo nếp đổ phủ lên
trên. Bà khéo léo gấp hai bên đầu lá chuối lại, cuộn rồi gấp một chiều rồi xoay
hai cổ tay gấp nốt nửa lá bên kia lại. Tay bà vừa gập lá, bẻ góc, vừa cột lạt
nhanh thoăn thoắt. Chẳng mấy chốc đã ra một cặp bánh chưng vuông vắn,
lá xanh mát mắt. Mí Thuần cũng gói nhanh không kém. Linh vừa lóng ngóng làm
theo, vừa rụt rè hỏi:
-Mí Thuần ơi! Tết
ngày trước bố mẹ của mí có gói bánh chưng không?
Mí Thuần
cười tươi:
-Ô, trước đây
người Ê Đê mình ăn Tết thường vào tháng 10, lúc hết mùa mưa, sang mùa
khô, ngay sau khi thu hái xong lúa trên nương, cà phê trên rẫy, cúng cơm mới là
coi như ăn Tết luôn. Từ khi có nhiều nhà như mí Linh vào thì người mình
cũng ăn Tết như mọi người mới vào, cũng gói bánh chưng, bánh tét. Như giờ nè.
Linh
loay hoay cũng đổ gạo, xếp hành, bỏ nhân đậu, bỏ thịt như mẹ làm, nhưng khi bẻ
lá lên thì tay nó cuống quýt, không rách lá chỗ này thì lại lọt gạo ra phía
kia. Sau rồi, nhờ mí Thuần giúp, nó cũng gói được một
chiếc bánh na ná hình chữ nhật. Mẹ nó cùng mí Thuần còn cẩn thận lót một lớp lá
dưới đáy nồi, rồi mới xếp những chiếc bánh đã được cột thành từng cặp vào. Đổ ngập nước
lên bánh, mẹ nó còn dặn mí Thuần lúc ra đến cổng:
- Mí
Thuần nhớ canh lửa cho đều và chêm thêm nước nóng nhé. Đặt cái ấm đun nước bên
cạnh bếp, khi nào nước trên nồi cạn thì lấy nước đó mà chêm cho bánh nhừ đều.
Vừa bước
vào đến sân, nó đã thấy trên chiếc kiềng lớn một nồi to đặt trên bếp lửa cháy
sôi sùng sục. Khói và hơi nước bốc lên nghi ngút. Thằng Nam đang ngồi trên chiếc
chiếu cùng cu Kít và Cốm. Thấy hai mẹ con nó bước vào, thằng Nam cười toe toét:
-Bác
ơi! Cháu trông bánh cho bố cháu cùng bác Trung đi mang quà Tết vào buôn kết nghĩa
rồi.
Mẹ cười
và khẽ chạm vai Linh:
-Ừ,
bác và Linh vừa gói bánh giúp nhà mí Thuần xong. Giờ, hai đứa canh bánh và trông
em, để mẹ sang đổ thêm ít bánh thuẫn nữa. Sau Tết chị Trang mang vào thành phố
ăn cùng bạn cho vui.
-Dạ!
Nam vừa cười vừa nói rất ngoan.
Đang định
cười, sực nhớ chuyện khi trưa và vẻ mặt tự hào của thằng Nam lúc giơ cặp bánh
lên khoe, Linh khoặm mặt lại, định bước lên thềm.
-Linh
à! Như này phải chêm thêm nước chưa nè? Tiếng thằng Nam đằng sau, nghe như
năn nỉ. Linh hơi dừng lại.
-Khi
nãy bố dặn như nào tôi quên rồi… Thằng Nam có vẻ lúng túng thật sự. Linh bước lại
và giằng cái gáo nước lạnh thằng Nam đang cầm trên tay:
-Ai
lại chêm bằng nước lạnh? Bánh sẽ bị cứng, không chín đều - Nó ngó vào nồi bánh,
nói với vẻ hiểu biết - Như này chưa phải chêm đâu. Giờ đi múc ấm nước, đặt bên cạnh
bếp như này, lát cần thì lấy nước này chêm này, ông tướng!
-Ô!
May quá! Có Linh bảo không thì tôi làm hỏng nồi bánh!
Nam gãi đầu, giọng hối lỗi. Linh tủm tỉm cười,
định khoe nó cũng gói được bánh, nhưng sực nhớ ra cái hình bánh chữ
nhật nên lại thôi. Nó nhủ thầm: “Tết sang năm mình lại tập gói bánh cùng mẹ! Nhất
định mình sẽ gói vuông như mẹ, như mí Thuần mới được.”
-Tít!
Lại
tin nhắn đến! Linh mở cái điện thoại mẹ cho để những hôm đi học lỡ có chuyện gì
gọi cho nhà. Đúng là tin nhắn của Nam.
- Linh
ơi! Tôi biết lỗi rồi. Lần sau tôi sẽ đi kiếm Linh về cùng học gói bánh. Tôi
không gói trước nữa. Linh đừng giận tôi nhen, crush*?...Năn nỉ mà!
Linh bất
giác cười khẽ. Lại còn “crush” mí ghê. Đúng là... Tự nhiên niềm vui cứ dâng lên
trong lòng. Linh lại cười. Như hiểu niềm vui của Linh, ngọn lửa reo phần phật. Nồi
bánh sôi lục bục, hương thơm tỏa phảng phất khắp không gian. “Tết thật là vui,
thật vui.” Linh nghĩ thế và lại cười.
Chú thích: Crush: người mình
thầm thương, thầm thích…(từ gần đây mới xuất hiện, các bạn trẻ hay dùng).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI