Thứ Bảy, 25 tháng 1, 2020

TRỪNG PHẠT(Trích chương XIII tiểu thuyết CON SÓC VÀNG BÍ ẨN) của HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN SỐ: 329+330 tháng 1&2 năm 2020





Hồng, từ miền Bắc theo bố mẹ vào Tây Nguyên công tác được chuyển vào học lớp 9A có H’Liêm làm lớp trưởng và Y Thịnh làm lớp phó. Ngày nghỉ Hồng theo hai bạn về buôn của Y Thịnh chơi rồi lên núi cao để khám phá. Không may Hồng bị rơi xuống suối, Y Thịnh nhảy xuống cứu thì cả hai bị nước cuốn trôi vào một chiếc hang trong lòng núi. Trong hang có rất nhiều viên đá tự phát sáng, nhờ thế Hồng phát hiện có con sóc vàng trong hang nên bảo Y Thịnh đi theo nó thoát ra ngoài. Gặp lại H’Liêm, Hồng mang hai viên đá phát sáng chia cho hai bạn còn mình giữ lại một viên làm kỷ niệm. Trong lúc cả ba đang say sưa ngắm mấy viên đá phát sáng thì ba người lạ có vũ trang xông đến cướp – nhờ thế mọi người mới biết đá đó là ngọc. Trước khi bỏ đi, bọn cướp để lại một cọc tiền với yêu cầu cả ba người không được nói cho ai biết nơi có ngọc. Ba bạn trên đường về đã bàn nhau giao cho Hồng bí mật kể chuyện thấy hang đá ngọc, gặp cướp cho cô giáo Thanh – chủ nhiệm lớp biết để xin cô lời khuyên. Chương XIII được trích in Tạp chí Chư Yang Sin số này sẽ cho chúng ta biết cách ứng xử thông minh của ba cô cậu học trò lớp 9, để  thoát khỏi vòng nguy hiểm và cái kết của những tên cướp có vũ trang.

Ami Y Thịnh thấy con và hai bạn về đến nhà, vội đi dọn cơm cho ăn. Lang thang gần một ngày trên núi cao nên cả ba bụng đói cồn cào, ngồi xuống ngay. Hồng đón chén cơm từ tay ami Y Thịnh đưa cho, nở nụ cười rất tươi:
- Con cảm ơn cô!
- Xới cho có chén cơm mà cũng cảm ơn à?
Y Thịnh ngạc nhiên, hỏi lại. Hồng đặt chén xuống chiếc mẹt tre thay mâm, hình như đôi má đỏ lên một chút, trả lời.
- Ai giúp đỡ, làm ơn cho mình, mình đều phải cảm ơn không phân biệt việc to hay nhỏ. Ami thương chúng ta đi leo núi cả ngày, ở nhà chuẩn bị cơm, canh và đồ ăn ngon; lại còn ngồi xới cơm cho ăn nữa, sao không cảm ơn cho được. Đúng không cô?
- Con cháu trong nhà cả, ăn đi kẻo nguội. Nói “cảm ơn” hay không còn tùy theo phong tục và cách ứng xử của mỗi cá nhân, gia đình ở vùng đó nữa. Cái hay của vùng này, thì vùng khác phải học chứ, nhất là trong ứng xử với những người xung quanh.
- Ami dạy đúng rồi ạ.
H’Liêm góp chuyện, ami hỏi thêm:
- Mấy đứa đi gần một ngày vào rừng có gặp chuyện gì lạ không?
Hồng nghe hỏi, vội trả lời:
- Dạ. Rừng đẹp, nhiều gỗ quý và nhiều quả ăn được, trên cao nhiều hoa phong lan lắm. Sao núi cao như thế mà cá suối nhiều lắm ạ.
- Rừng già, cây sống lâu năm làm ngôi nhà chung cho các loài chim thú cùng ở. Rừng già có nhiều cây, sẽ cho nhiều hoa, quả; đó là thức ăn không chỉ cho chim thú trên cạn mà cả các loài cá nữa. Lũ cá sống trong các dòng suối trên núi cao thịt thường thơm ngon vì chúng phải chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt để tồn tại.
- Ami nói hay y như cô giáo giảng bài ấy.
H’Liêm ngừng ăn góp chuyện, Hồng cũng nói thêm:
- Đúng vậy cô ạ, vào rừng còn nhiều cây sống lâu năm; các loài chim, thú véo von hót suốt ngày như đi nghe nhạc. Thích nhất là các dòng suối, nước trong như được chắt lọc, mát rượi. Đi leo núi mệt, mồ hôi đổ ra nhiều nhưng chỉ cần đặt chân xuống dòng nước một chút thôi, mọi nắng nóng, mỏi mệt hình như theo nước trôi đi cả.
- Hồng nói đúng, vì vậy người dân trong vùng chỉ vào rừng chặt cây dùng vào việc cần thiết nhất và vừa đủ thôi để bảo vệ rừng đấy.
Vui chuyện, cả ba bạn ăn no lúc nào không biết. Trời ngả về chiều Hồng và H’Liêm xin phép ra về, Y Thịnh dặn Hồng:
- Nhớ “chuyển quà” cho cô giáo chủ nhiệm rồi hãy về nhà nhé.
- A, mấy đứa này thương cô giáo hơn ami rồi.
- Sao ami nói thế?
H’Liêm ngạc nhiên hỏi lại, ami Y Thịnh nở nụ cười rất tươi, trả lời:
- Mấy đứa đi rừng giành quà cho cô giáo, còn tôi…!
Nghe ami nói thế, Hồng vội đáp lời:
- Chúng con mang món quà quý nhất về tặng cô rồi đó ạ!
- Để ở đâu mà cô chưa thấy?
- Da, khúc cây phía sau lưng cô đó ạ.
Nghe Hồng nói vậy, Y Thịnh hét toáng lên:
- A, dám chê tôi là khúc cây à, cho một trận bây giờ.
Hồng và H’Liêm cười tít mắt rồi lấy xe, đạp ngược dốc ra khỏi buôn Tai. Nắng buổi chiều nhuộm vàng trên đỉnh Chư Yang Sin, đuổi nhau tràn xuống buôn. Phía sau, tiếng bầy vượn đi kiếm ăn về tìm chỗ ngủ hót véo von, vọng đến. Thế là một ngày chủ nhật sắp qua, một ngày đáng nhớ với biết bao sự kiện xảy ra mà chưa thể nói với người thân.
***
Cô Thanh đang chuẩn bị bữa ăn chiều cho hai mẹ con thì Hồng và H’Liêm đạp xe đến, dựng xe nơi góc sân, hai đứa bước luôn vào bếp.
- Em chào cô!
- Em chào cô!
- Hai em đến chơi hay có việc gì không?
Nghe cô giáo hỏi, Hồng trả lời:
- Dạ, có chuyện muốn xin ý kiến cô ạ.
- Hai em lên phòng khách đợi cô chút.
Cô giáo tắt bếp, ra bàn rót nước cho hai đứa uống xong mới nhẹ nhàng hỏi:
- Có chuyện gì nói cho cô nghe nào?
H’Liêm đặt cọc tiền toàn tờ 1.000 ngàn đồng lên bàn, cô giáo trông thấy, giật mình hỏi:
- Tiền ở đâu ra mà nhiều thế này?
- Tiền bọn cướp đưa ạ.
Nghe Hồng trả lời, cô giáo càng ngạc nhiên hơn, hỏi lại:
- Sao bọn cướp lại đưa tiền cho các em, chúng cướp gì, của ai?
- Nó cướp của chúng em cô ạ.
Hồng trả lời rồi kể lại câu chuyện của mình và Y Thịnh bị nước suối cuốn trôi, rơi xuống một cái hang sâu có nhiều đá phát sáng rất đẹp, sau này mới biết đó là ngọc. Nhờ phát hiện ra con sóc vàng, hai người đi theo nó mới lên được mặt đất. Khi Hồng chia ngọc nhặt được dưới hang cho hai bạn thì bị ba người lạ có súng ập đến cướp đi và để lại cục tiền với yêu cầu không được nói với ai về nơi nhặt được ngọc. Nghe xong, cô giáo cũng vã mồ hôi, bảo:
- Hồng ở nhà trông em dùm cô, để H’Liêm và cô lên gặp mấy chú công an. Chuyện này không bình thường rồi.
- Cô và Hồng đi đi, để em trông bé cho vì Hồng biết nhiều việc hơn em.
- Thế cũng được.
Cô giáo Thanh lai Hồng đến Công an huyện, chú cán bộ trực ban mời vào gặp Trưởng Công an huyện. Cô Thanh đặt cọc tiền lên bàn rồi bảo Hồng kể lại sự việc xảy ra trong rừng. Chú chăm chú lắng nghe, lông mày thỉnh thoảng nhíu lại. Ngồi trầm ngâm một chút, chú hỏi Hồng:        
- Mai các cháu có thể dẫn các chú lên chỗ gặp bọn cướp được không?
- Thứ hai phải học ạ!
- Chắc phải xin Hiệu trưởng cho các em nghỉ học một buổi, việc này là cần thiết cô giáo ạ.
- Mai tôi sẽ đi cùng với các em.
- Được vậy thì tốt quá.
 Sau cái bắt tay thật chặt, chú Trưởng Công an huyện nói:
- Cảm ơn cô giáo và cháu Hồng đã hợp tác. Chuyện hôm nay chỉ cô, chú và mấy cháu biết thôi nhé.
- Dạ!
***
Sáng hôm sau trống trường vừa báo hiệu vào tiết một, từ cổng trường xuất hiện hai chiếc ô tô biển số xanh tiến vào. Bước xuống xe, ông Trưởng Công an huyện vào gặp thầy Hiệu trưởng. Không biết họ nói gì mà thầy Hiệu trưởng cho mời cô giáo chủ nhiệm lớp 9A cùng ba học sinh trong lớp lên gặp rồi cả bốn cô trò ra xe đi luôn. Gần trưa đến bên dòng suối có bãi cát vàng như một mảnh sân nhỏ lọt thỏm trong vòng vây của những tảng đá lớn hai bên bờ suối. Y Thịnh dừng lại nói:
- Chúng cháu gặp ba người ấy chỗ này.
- Chính xác không?
Chú công an đứng tuổi, hỏi lại, Y Thịnh trả lời:
- Hồng đứng đây, H’Liêm đứng đây, còn cháu đứng chỗ này.
- Y Thịnh nói đúng đấy chú ạ. Còn ba người đàn ông đến từ ba phía: Người mặt dài đứng ngay trên hòn đá này, đối diện với cháu; người khuôn mặt tròn, da trắng đứng bên hòn đá này, sau lưng Hồng; còn một tên mặt ngắn đứng sau lưng cháu.
H’Liêm xác nhận, Hồng nói thêm:
- Em và Y Thịnh ra khỏi hang, đến được chỗ này, mừng quá ngồi luôn xuống cát. Nghỉ một chút cho lại sức, Y Thịnh nhảy lên hòn đá to kia, hú, gọi bạn H’Liêm. Hú mãi không được, Y Thịnh nhảy tiếp lên hòn đá cao trên kia hú tiếp thì nghe H’Liêm hú trả lời.
Mấy chú Công an nghe xong, tản ra xung quanh tìm kiếm cái gì đó, một lúc, có chú quay lại giơ chiếc que nứa vót nhọn, hỏi:
- Các cháu thấy cây này chưa?
- Cháu làm để đâm cá dưới suối định bắt ăn trưa đấy. Lúc Hồng gọi lên chia ngọc, cháu ném vào kẽ đá đó ạ.
- Các cháu có nhớ đường lên gốc cây đa bắn sóc không?
Nghe chú công an hỏi, H’Liêm trả lời ngay:
- Có chứ ạ, phía trên nhưng chếch về phía tay phải một chút. Cũng gần thôi ạ.
H’Liêm dẫn mọi người rời khỏi dòng suối, băng qua các tảng đá to như chiếc chiếu, hình lục giác, mỗi cạnh chừng hai mét, đều nhau như được đo đạc cẩn thận trước khi đẽo. Lên triền đồi rồi lại xuống suối, khu vực này chắc là rừng đặc dụng, toàn gỗ hương, cây nào cũng to đến ba bốn người ôm không hết gốc. Ngược suối lên một đoạn nữa, bắt gặp cây đa to đùng, ôm gọn cây gỗ hương vào lòng mình. Trên ngọn cây, quả đa chín đỏ rực, lũ chim tấp nập bay đến, bay đi. H’Liêm bảo:
- Chỗ này đây ạ!
- Chỗ này á, không phải đâu.
Y Thịnh bước lên trước, nhìn ngọn cây đa, nhìn dòng suối chỉ rộng một sải tay, nước đổ xuống réo lên ùng ục. Chú kiểm lâm bước lại bên cạnh Y Thịnh, hỏi:
- Sao cháu bảo không phải?
- Dòng suối chỗ cháu bắn sóc rộng đến hai sải tay người lớn luôn. Chỗ bên gốc đa có hòn đá lớn lớn, nằm nghiêng cho nước chảy qua, phía dưới có vùng nước rộng, trong xanh.
- Hồng đâu, em có nhớ chính xác gốc cây đa bắn sóc không?
Nghe cô hỏi, Hồng bước đến ngang H’Liêm, nhìn xung quanh rồi nói:
- Hình như không phải đây cô ạ. Cây đa to như cây này nhưng không có cây gỗ hương ở giữa, suối cũng to hơn thế này nhiều.
- Hình như ở triền đồi bên kia nữa thì phải.
Y Thịnh nói rồi đi trước dẫn đường, lên được một đoạn đứng sững lại, kêu lên:
- Yang ơi!
- Thấy gì thế?
Tiếng chú kiểm lâm phía sau vọng lên. Chú Công an đi sau Y Thịnh vội bước lên trước rồi đứng sững lại. Cánh rừng trước mặt đã bị chặt tan hoang, hàng trăm cây gỗ hương đã bị đốn hạ, cắt thành từng khúc. Cô Thanh đau xót nói:
- Không ngờ bọn lâm tặc lộng hành đến thế.
- Chúng chặt ở đây lâu rồi thì phải.
Một chú công an nhiều tuổi nhận xét rồi quay lại nói với cô Thanh:
- Cô giáo và các cháu ngồi đây nghỉ, các đồng chí tản ra kiểm đếm xem có bao nhiêu gốc cây bị đốn. Lều trại chúng đóng nơi đâu, đường nào đi đến đây.
Bỗng Hồng reo lên:
- Ô, con sóc vàng kia kìa!
- Đâu?
Y Thịnh và H’Liêm gần như đồng thanh hỏi lại. Hồng chỉ về phía đối diện nơi triền đồi đi xuống một dòng suối khác. Y Thịnh cũng reo lên:
- Đúng nó rồi, chắc nó muốn dẫn ta đi đấy.
Nói dứt lời, Y Thịnh chạy về phía con sóc vàng đang ngồi trên mõm đá, hai chân trước xoa xoa cái mũi đỏ. Chờ Y Thịnh đến gần con sóc mới nhảy xuống đất, chạy theo lối mòn xuống suối. Hồng, H’Liêm rồi cô giáo và mấy chú công an cũng chạy theo. Đến gần suối. một bầy kền kền có đến vài trăm con vỗ cánh bay lên, con nào con ấy to hơn cả con ngỗng lớn nhà nuôi, lông màu xám. Y Thịnh đứng lại, nói:
- Dưới đó chắc có xác chết nên lũ kền kền mới kéo đến đấy. Cô và các chú ở đây để cháu xuống trước xem sao.
- Y Thịnh nói đúng, để tôi đi cùng Y Thịnh xuống dưới đó trước.
Chú công an có lẽ là chỉ huy, nói xong bước theo Y Thịnh xuống suối. Một lát sau Y Thịnh chạy lên, vừa chạy vừa nôn thốc, nôn tháo; bước đi lảo đảo như người say rượu. Cô Thanh vội chạy lại đỡ, lo lắng hỏi:
- Em bị sao vậy, có đau chỗ nào không?
- Cô ơi, họ… họ… bị Yang phạt, chết… chết  hết cả rồi!
- Ai chết?
Một chú công an bước lại hỏi, Y Thịnh tay vẫn nắm chặt lấy tay cô giáo, nói như sắp đứt hơi:
- Ba người, ba người ăn cướp hôm qua ấy. Họ chết thảm lắm.
Mọi người đứng bật lên, đi như chạy xuống suối. Y Thịnh nắm chặt tay cô giáo, giọng van lơn:
- Cô ơi đừng xuống đó, trông hãi lắm.
***
 Ngày chào cờ thứ hai, đầu tuần hôm nay có sự kiện đặc biêt. Dự lễ không chỉ có các thầy cô giáo trong trường như mọi ngày mà còn có cả cô Trưởng phòng Giáo dục huyện, bác Giám đốc Công an tỉnh đến dự. Cuối buổi lễ, bác Giám đốc Công an tỉnh lên phát biểu, tuyên dương thành tích ba học sinh lớp 9A: Nguyễn Thị Hồng, Y Thịnh và H’Liêm đã mưu trí, dũng cảm thoát khỏi bọn cướp có vũ trang, đồng thời góp công phát hiện ra vụ phá rừng nghiêm trọng nhất xảy ra trên địa bàn tỉnh. Phần thưởng cho ba bạn trẻ ngoài Giấy khen của Giám đốc Công an tỉnh cho từng người còn kèm theo ba chiếc xe đạp mới tinh, sáng choang. Cả trường vỗ tay ầm ầm.
Sau buổi chào cờ, bạn bè kéo vào lớp tò mò hỏi:
- Ba tên cướp ấy vì sao chết, chết như thế nào?
- Khủng khiếp lắm – Y Thịnh trả lời: Người mặt trắng hình như bị bắn từ phía sau lưng khi xuống suối đi tắm. Thân một nửa dưới suối, một nửa trên cạn; còn hai người trên bờ cũng bị bắn, họ nằm cách nhau hơn sải tay. Tất cả bọn họ bị lũ kền kền moi bụng ra ăn hết nội tạng, lũ kì đà cả trăm con xúm vào tranh phần, bò lúc nhúc luôn.
- Ai bắn họ?
- Các chú công an nói: Hai tên trên bờ cùng bắn tên dưới suối, rồi quay lại bắn giết lẫn nhau; chắc là tranh mấy viên ngọc ăn cướp được.
Nghe Y Thịnh nói vậy, H’Liêm kêu lên:
- Ô, vậy là Hồng nói đúng rồi.
Bọn bạn trong lớp nhao nhao cả lên: Hồng nói cái gì? Nói thế nào. Sao bảo nó nói đúng… Y Thịnh phải lên tiếng, dẹp loạn:
- Im lặng mình mới nói được chứ. Khi bọn cướp xông đến để cướp ngọc, Mình định không đưa, nhưng Hồng bảo đưa ngọc cho họ và nói thêm: “Của Yang ta trả lại cho Yang thôi mà, đưa cho các chú ấy cầm hộ đi”.
Bọn bạn lại nhao nhao lên: Hồng giỏi thế! Hồng tài thế, sao biết ngọc của Yang bọn cướp không lấy được? Hồng đứng lên trả lời:
- Có gì đâu, khi đó trong rừng sâu ba đứa bọn tớ làm gì chống nổi một người lớn tay không; trong lúc đó họ lại có tới ba người, súng lăm lăm trong tay. Thôi thì lùi một bước để bảo vệ tính mạng. Làm căng với họ, họ đánh cho đau mà có giữ được ngọc đâu.
- Nghĩ được như vậy trong lúc khó khăn thì đáng được khen lắm, hai bạn đi cùng nghe lời bạn không chống lại bọn cướp như vậy là thông minh. Đó cũng là bài học chung cho tất cả chúng ta.
Cô giáo Thanh vào lớp từ lúc nào không ai biết, lên tiếng; cả lớp vỗ tay ầm ầm.
- Cô ơi, em nghĩ mãi không ra: vì sao bọn cướp biết chúng cháu dưới suối mà đến để bắt?
H’Liêm băn khoăn hỏi, cô Thanh vui vẻ nói:
- Theo các chú công an suy đoán: bọn lâm tặc chặt gỗ trong rừng sâu, bất ngờ nghe tiếng hú nên đi theo xem có phải vụ chặt gỗ trộm bị phát giác không. Chúng bí mật bao vây ba em và tình cờ thấy các em cầm ngọc nên máu tham nổi lên, xông vào cướp.
- Thì ra vậy!
- Còn ba viên ngọc có thấy không ạ?
Một em học sinh hỏi, cô Thanh trả lời:
- Các chú ấy đã tìm rất kỹ nhưng không thấy ba viên ngọc đâu cả.
- Của Yang, Yang lấy lại rồi cô ạ!
Y Thịnh vui vẻ thốt lên làm các bạn có mặt cười ầm ĩ. Trống trường vang lên báo hiệu tiết học mới bắt đầu. Học trò tản về các lớp. Sân trường tràn ngập nắng vàng, trên cành phượng bầy chim sáo bất ngờ thả vào không gian giọng hót líu lo của mình, như mừng chiến công của các bạn trẻ.
Nhà sáng tác Vũng Tàu, Tháng 11 năm 2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI