Thứ Hai, 6 tháng 1, 2020

ĐÀN NGỰA HOANG TRÊN THẢO NGUYÊN THI CA tác giả TRƯƠNG NHẤT VƯƠNG - CHƯ YANG SIN SỐ 328 THÁNG 12 NĂM 2019




(Đọc Màu thổ cẩm của Bùi Minh Vũ -NXB Hội Nhà văn, 2019)



Tôi biết và gặp nhà thơ Bùi Minh Vũ chưa lâu, chưa nhiều. Rồi tình cờ tôi được cùng anh đi thực tế sáng tác tại Côn Đảo mấy ngày. Tôi thấy anh bộc trực, thẳng thắn và cũng rất sôi nổi gần gũi. Anh đến và chọn Tây Nguyên là quê hương thứ hai từ mấy mươi năm trước, nhưng từ anh vẫn toát ra bản chất vùng miền đặc sệt: Đó là con người của miền Trung hồn hậu, cần lao, anh dũng. Chuyện gian lao của mảnh đất, con người miền Trung có lẽ ai cũng biết, cũng hiểu. Riêng chuyện “dũng cảm”, điều đầu tiên tôi cảm nhận từ tập Màu thổ cẩm của anh, ấy là lối viết  kiểu như đạn súng máy xả ào ạt mà không màng đến nhận xét đánh giá của bất cứ ai. Đọc thơ Bùi Minh Vũ chắc nhiều người sẽ có chung cảm giác: Đó không phải là bức tranh thủy mạc, không phải vẽ chiều quan san với những áng mây lững lờ trôi để nhà thơ có thể làm lữ khách mà chậm bước bâng khuâng... Tôi đã tình cờ được đọc bài viết về thơ Bùi Minh Vũ của nhà thơ gạo cội Du Tử Lê. Ông cũng như biết trước nhiều bạn đọc cũng như tôi sẽ cảm thấy khó khăn khi tiếp cận thơ Bùi Minh Vũ, nên ông viết như là gợi ý: “Đọc thơ Bùi Minh Vũ như đứng trước bức tranh trừu tượng, ở vị trí người thưởng ngoạn chúng ta chỉ nên tự hỏi mình có cảm thấy cái đẹp của bức tranh, hoặc bài thơ ấy có làm ta rung động với những câu thơ lạ hay không mà thôi. Người đọc đừng bận tâm hay câu nệ với những câu thơ (bài thơ ấy) nhất là với những bài thơ siêu thực”.
Tập thơ Màu thổ cẩm không có nhiều bài “siêu thực” để đánh đố người đọc, nhưng nó cũng vẽ nên chân dung tác giả. Ấy là con người hồn nhiên, như đàn ngựa hoang trên thảo nguyên thi ca bát ngát, cứ tung bờm phi nước đại đến những nơi mà mình thích, chẳng biết đâu là chân trời… Tên những bài thơ trong tập cũng ngẫu hứng như kiểu cứ chọn đại một chủ thể, một cụm từ, một danh từ…nằm ở đầu, giữa, hoặc cuối bài rồi đưa lên; nội dung thì bâng quơ không nhất thiết làm sáng tỏ một điều gì: Hạt cà phê, Trong trái tim mẹ, Nghe cây hát, Đám lang sau nhà, Cặp đôi vừa đến, Lắng nghe…Và trong mỗi bài câu chữ cứ chảy tràn ra như văn nói, như kể chuyện, như vẽ phác họa, như lũ trẻ hát đồng dao, cũng có khi tự hát, tự sướng, giống như Hạt cà phê/ Sáng long lanh/ Trong lành/ Giữa nắng mai Buôn Ma Thuột (Hạt cà phê). Lối viết của Bùi Minh Vũ nhiều lúc là lạ, ngồ ngộ, ví như bài có cái tên rất thơ: Trong trái tim mẹ, nhà thơ vẽ bức tranh như kiểu vẩy mực lên giấy bắt đầu bằng hai chữ Quê hương/ Bạn hỏi ở đâu- Ngoài cánh đồng/ Em hỏi ở đâu- Ngoài biển và cha mải miết khơi xa/ Anh hỏi ở đâu- Em và bầu trời xanh giấc mơ đêm/ Tôi hỏi tôi - Nỗi nhớ và đường ra mặt trận/ Quê hương hỏi tôi - Tôi đi hỏi mặt trời trong trái tim của mẹ. Tất cả người đọc đều lướt qua và tôi nghĩ số đông cũng như tôi sẽ chưa ai thấy gì, chứ chưa nói là thấy đẹp, hay, rung động... Xin nhắc lại, đọc thơ Bùi Minh Vũ đừng nên câu nệ câu chữ và đừng đòi hỏi gì, hãy là người thưởng ngoạn và tự hỏi ta có thấy bức tranh đẹp không, hay bài thơ có làm ta rung động? (Du Tử Lê). Vậy nên tôi đọc “bức tranh” theo suy diễn của mình. Tên bài thơ là Trong trái tim mẹ nhà thơ đã thấy gì và vẽ bức tranh ấy thế nào? Quê hương là hai tiếng đầu tiên Trong trái tim mẹ. Như vậy là thơ rồi đấy chứ. Quê hương là cánh đồng, là biển cả mà cha đang chài lưới, là em và bầu trời xanh giấc mơ đêm, là nỗi nhớ và con đường ra mặt trận, là mặt trời trong trái tim của mẹ. Như vậy không cần suy luận, nhìn kĩ bức tranh cũng đã hiện nguyên hình: Trong trái tim mẹ có quê hương…hoặc quê hương có mặt trời, có biển, có em và có bạn, có tôi, có đường ra mặt trận và có tất cả Trong trái tim mẹ.
Cũng có thể cảm thấy đẹp và rung động khi đọc Màu thổ cẩm nếu không quá cầu toàn, như bài Nghe cây hát. Cả bài nghe như tiếng thần rừng khóc tru tréo bằng những ngôn từ như lời cúng của đồng bào: Khi làm chòi không được chặt cây kpang/ Khi làm nhà không được đốn cây hrên/ Khi vào rừng không chặt cây thẳng, cây to phát rẫy làm nương/ Ánh sáng khóc, bóng tối tru tréo/ Con chồn, con nhím, con voi… biết về đâu?.../ Ơ cái nước hát reo/ Cháu con phải biết trồng cây trên rẫy, trên đồi/ Đất trồng nên sông/ Sông trồng nên cá/ Suối hối hả/ Trổ hoa/ Nghe con chim hót… Không cần nhìn lâu ngắm kĩ đã thấy ngay Bùi Minh Vũ “vẽ bức tranh” chống phá rừng làm nương rẫy, chống lâm tặc, khuyến khích trồng rừng... “cho rẫy trổ hoa và chim về líu lo ca hát”. 
Chịu khó đọc Bùi Minh Vũ cũng sẽ bắt gặp cánh thơ bay, thơ hát đồng dao dí dỏm như Ôi/ Ăn trái bắp mẹ mua/ Nghe mẹ hát/ Như được tặng mặt trời… Ăn trái bắp mẹ mua, như được tặng mặt trời. Thơ đó chứ đâu nữa. Tôi đã đọc Đi tìm mật mã thơ của nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm. Ông ấy có quan niệm thơ khá độc đáo, ví dụ: nếu viết đưa tay gắp miếng thịt gà thì ai cũng viết được, ai cũng thành nhà thơ hết, còn nhà thơ đích thực sẽ không viết gắp thịt gà mà gắp tiếng chim… Quay trở lại trong khúc đồng dao trẻ thơ ấy lại có hình ảnh người con hiếu thảo thương nhớ mẹ khiến người nghe rung động: Tôi nhìn về khoảng xa/ Nơi ông mặt trời giấu bóng mẹ tôi/Chìm khuất những hàng dương xanh thẳm/ Hỏi sóng có cất linh hồn mẹ/ Mà suốt đời muối mặn/ Mà bạc đầu chung thủy / Mà vui hát tự do/ Hồn nhiên tôi khóc/ Mưa ngoài phố réo gọi/ Như tiếng mẹ ngoài khoảng xa (Tiếng Mẹ ngoài khoảng xa).Tôi chỉ cần hiểu mưa như tiếng mẹ, người mẹ đã khuất gọi con từ khoảng xa thì từ trong sâu thẳm mỗi đứa con hiếu thảo cũng bật khóc lên rồi…
Những bức tranh thơ của Bùi Minh Vũ như kiểu đổ mực ra giấy đôi khi lại rất giản đơn, dễ hiểu: Tôi muốn sống thêm một ngày, ngày nữa/ Vì cánh rừng xanh ríu rít chim gần/ Mỗi chiều ngồi bên hồ Ea Kao trong trẻo/ Ngắm bầu trời nhớ bến nước quen thân/ Tôi muốn sống thêm một lần nữa, nữa/ Nhấm một ngụm cà phê đen đầu ngày/ Cùng em lên nương chăm cà hái quả/ Nghe bài khan em kể, rượu no say (Cùng em lên nương). Đôi khi lại gợi nhớ buôn làng xưa, cuộc sống xưa gian khó mà trong trẻo hồn nhiên như mắt em Uống tiếng chiêng/ trườn trên lá cà phê/ Chùng lặng bên bến nước/ Nơi em tắm/ Phơi trần những hạt sương bám víu/ Uống tiếng chiêng/ Bò qua vách đá/ Chạm vào đụn cây/ nơi em tựa lưng/ Đẻ ra vầng trăng non (Từ mắt em). 
Đọc thơ Bùi Minh Vũ quen dần rồi cũng chẳng bất ngờ trong hàng loạt bức tranh vẽ mộc: Em thổi đing năm/ Những vì sao trên trời lung linh hát (Em thổi đing năm). Đặt bên cạnh bức tranh đẹp ấy lại là Những đêm mất ngủ nghe người già khóc: Ôi con người/ Hồn lạc về đâu trên ngọn tháp thời gian/ trong biệt phủ/ hay chòi rẫy xa xăm nơi buôn Atâu Yang/ Chào đón bằng những đêm mất ngủ/ Bằng tiếng chiêng hóa thạch giữa lòng đất đỏ/ Vọng lại từ đôi tay rung rung/ và cái miệng sử thi móm mém. Những tiếng thơ như đang thổn thức, buồn thương cho những tập tục truyền thống đang bị biến dạng, lãng quên; ngay cả tiếng chiêng vốn được xem là ngôn ngữ giao tiếp với thánh thần cũng chỉ còn là tiếng chiêng hóa thạch dưới lòng đất đỏ. Tiếng nói với đức tin đã chết thì cuộc sống sẽ còn lại gì…?
Cũng không thể nói Màu thổ cẩm tròn trịa và không có sạn. Nhiều bài trong tập ý tứ ngổn ngang, lung tung lang tang, lập dị, bất thường như bài Đường về nương rẫy: Chàng có nước da nâu/ Răng Măng vàng/ Bàn chân đá dăm/ Bước voi con Buôn Đôn/ Giọng nói tiếng chiêng ngân/ Từ buôn xuống bến nước/ Tựa lưng cây đa thiêng/ mắt sáng chùm sao tối/ Nhớ cái chòi rẫy xa/ nơi con mang làm tình/ Tiếng suối hát ngút ngát/ Chàng có nước da nâu/ Nắng trên đầu mưa rơi trên vai/ Có hề chi/ Mọi con đường cũng dẫn về nương rẫy ông bà. Ở bài Vườn em cũng khá bất ngờ với kiểu chữ nghĩa lung tung lang tang như vậy: Bước ra vườn cà phê/ Hoa trắng thơm phưng phức/ Cây chắn gió đứng chào/ Lá xanh mắt thiếu nữ/ Nhớ dáng em mang gùi/ Hái cà phê đỏ mọng/ Mùa đi như chim bay/ Ong vàng trên mái lá/ Gió mang hương buông thả/ Đâu đây tiếng thầm thì/ Chân không muốn bước đi/ Trong vườn cà xanh quá.
Tên những bài thơ của anh nhiều lúc cũng rất ...chưng hửng. Nhiều tên bài đẹp, như Trăng hoa hồng, Đất vàng… Người đọc mong chờ những vần thơ đẹp ở dưới, thì lại bắt gặp những đất cục, đá hòn … Có chỗ nhà thơ  lại như người nông dân cần mẫn dần sàng chọn những hạt mẩy để dành cho mùa sau: Cây đứng lặng/ Gió rụng rơi dưới núi/ Trăng mỉm cười/ Lá khúc khích đầu non/ Cây đứng đó/ Môt đời gìn giữ nước/ Đất vui thầm/ Sinh ra những chồi con (Những chồi con). Có khi lại như trẻ con chạy lang bang trên cánh đồng mùa hạn và hát đồng dao: Hối hả ngày nắng nóng/ Ra rẫy canh nước tưới cà/ Amí Thi không ngủ/ kéo ống đến từng bồn/ Nước chảy nghe bồn chồn/ Trăng hoa mướp ghé xuống/Amí Thi không ngủ/ ước mùa này bội thu/ Sao trên trời lắng nghe/ Lặng lẽ thả chùm trái (Amí Thi không ngủ). Nổi trội của sự hỗn loạn trong tâm trạng người thơ là ước mơ vươn tới, là sự dằn vặt trong những đêm không ngủ mơ giấc mơ thánh thiện, đẹp. Đơn độc trên con đường đá nhọn/ Chim hót/ Hoa nở bên bờ hoang/ Tiếng réo gọi/ Uống nước suối/ Ăn chuối rừng/ Nhìn cá trắng lội/ Tỉnh dậy, ngồi/ Tôi làm thơ/ Bút nhọn như thanh gươm/ Ghế là đá dăm/ Chữ là vàng, óng ánh những vì sao không ngủ (Óng ánh những vì sao).
Một điểm khá đặc biệt trong tập Màu thổ cẩm của Bùi Minh Vũ mà tôi đã phải dùng bút vẽ hình tượng mặt trời tỏa nắng và những mũi tên xuyên lá. Tôi đặt tên cho “tuyệt kỹ vẽ tranh” của anh là mặt trời xuyên lá. Vườn cà trái đỏ như môi/ Lặng lẽ giấu mình trong lá/ Gió từ đầu buôn buông thả/ Ánh mắt ai xuyên qua cành lá tần ngần (Vườn cà phê), hay trong bài Chiều Buôn Đôn anh viết: Chiều ngồi trên rễ/ Trời luồn qua lá mắt nhìn người…
Tôi đã viết quá dài… Mọi người có thể tìm ra nhiều điều đặc biệt, khác biệt, nhiều bức tranh đẹp khác trong tập Màu thổ cẩm của Bùi Minh Vũ. Tôi chỉ xin khép lại bài viết với góc nhìn của một người yêu thơ: Ở Bùi Minh Vũ có cái hồn nhiên của tuổi thơ, có đức tính hay lam hay làm, chịu khó cày sâu cuốc bẫm của người nông dân Đất Việt, có tình yêu thơ ca bất tận và một bản năng gốc: hoang dã. Nhờ vậy mà thơ anh cứ như đàn ngựa hoang trên thảo nguyên thi ca... 
   Buôn Ma Thuột 10/2019.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI