Nhà văn NGUYỄN VĂN THIỆN
(Hội viên Hội VHNT Dak Lak)
MẮT BIẾC
Truyện ngắn
Bạn hỏi: “Cậu nói thật cho tớ biết đi,
mắt của tớ màu gì?” Mình cười rất to, trả lời: “Mắt của cậu màu xanh, đẹp lắm!”.
Bạn hỏi lại: “Đừng nói xạo nhá?” Mình nói: “Thật đấy, bạn tin đi!”. Và hầu như
ngày nào, bạn cũng hỏi mình câu đó. Màu xanh, màu nâu, màu đen… màu đen, màu nâu,
màu xanh… Câu hỏi trở nên quen thuộc, câu trả lời cũng đã trở nên quen thuộc, từ
lâu, khi mình bắt đầu gặp nhau.
Thực ra, mình không thể trả lời khác
được.
Hàng ngày, bạn ngồi trước hiên nhà
nhìn ra đường phố tấp nập. Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh nằm sát cạnh đường phố
lớn của thị xã. Mỗi ngày, mình và bạn ngồi nhìn ra. Bạn nói: “Mùa này, bắp nướng
rất thơm, mà chị bán bắp nướng tóc rất đen, rất dài!”. Mình cười: “Làm gì có, cậu
chỉ tưởng tượng!”. Khi bạn cười, mắt bạn màu đen, long lanh.
Một hôm, bạn nói: “Cậu thấy không,
những chú ve trên cành phượng ấy, chúng rất gầy, và cánh rất mỏng, từng đôi chụm
đầu lại với nhau chơi trò thi hát, như trong ti vi ấy!”
Mình hỏi: “Cậu có xem ti vi nữa hả?”
Bạn không trả lời, lơ đễnh nhìn ra đường,
mắt của bạn màu xanh, như một hồ nước đầy.
Có những ngày, bạn ốm. Bạn nằm trên
giường, buồn xo. Mình cũng không muốn đi ra ngoài nhìn phố nữa. Không có bạn,
ngồi một mình, chán lắm. Bạn nói: “Tớ thèm nhìn dòng người qua lại, nhìn chị bán
bắp, nhìn những chú ve con trên cành phượng già sắp nở hoa!”. Mình cúi xuống sát
bạn, động viên: “Cậu cố gắng khỏe lại nhé, đừng ốm nhé, cuộc sống còn đẹp lắm!”.
Bạn cười trong cơn sốt, nụ cười như lửa cháy, hầm hập, nói, mình thấy cơn gió màu
hồng vừa đi qua đây. Lúc ấy, mắt của bạn màu nâu.
Bạn sốt mê man, vẫn hỏi mình: “Cậu nói
thật cho tớ biết đi, mắt tớ màu gì?”. Tôi trả lời: “Có lúc màu xanh, lúc màu đen
hoặc có lúc màu nâu…”
Trong hồ sơ của bạn, phần họ tên cha
mẹ, cô giáo luôn để trống. Bạn thường nói với mình, bạn không hề biết mặt bố mẹ.
Tớ chưa nhìn thấy họ bao giờ cậu ạ, chắc bố mẹ mình đẹp lắm, bạn thủ thỉ như vậy
trước những giờ đi ngủ. Mà tôi thì có hơn gì, đã ba năm nay rồi, bố mẹ tôi không
còn vào thăm nữa.
Trước đó ba năm, bố mẹ đã bán những
vuông đất cuối cùng để trả tiền viện phí. Tôi đi chăn bò, tôi nghịch viên bi sắt,
và tiếng nổ, và trước mặt nở hoa, như một lời nguyền của số phận. Bố ôm tôi vào
lòng, khóc không ra tiếng. Bố nói với mẹ:
“Bán hết đi, ruộng rẫy, mấy con bò nữa,
bán hết lấy tiền…”
Những đồng tiền ít ỏi ấy mãi mãi ra đi,
còn tôi thì mãi mãi…
Mẹ
nói trong tiếng nấc:
“Thôi, trời bắt vậy chịu vậy, nó vào ở với người
ta còn có cơm ăn áo mặc, ở với mẹ cha thì…”.
Tôi nghe những tiếng sụt sịt, nghe tiếng của nước
mắt rơi đâu đó trong đêm. Ngày đó cũng đã rất lâu rồi. Bố mẹ bây giờ chắc đang ở
tận đâu đâu. Còn bố mẹ của bạn thì hình như chưa tồn tại trên đời. Bạn kể, người
ta nhặt được tớ trên đống rác lúc nửa đêm, kiến đen bu đầy mặt và rốn. Lũ chuột
cắn vào tai. Bạn thường nói: “Đến giờ, mỗi lần thấy xe chở rác màu xanh chạy
qua trước cổng, ngửi thấy mùi rác, là tim mình lại đau như có ai bóp mạnh. Mình
sợ mùi rác, ẩm lạnh, hôi hám. Mình sợ bước chân của lũ chuột cống trong đêm, suýt
chút nữa chúng đã gặm tai mình”.
Bây giờ chúng mình mới ở đây.
Bây giờ, tôi ngồi cạnh bạn để chờ bạn
cắt cơn sốt. Rồi bạn sẽ khỏe, sẽ ra cổng ngồi với tôi xem dòng người ngược xuôi
hối hả sắc màu.
Chị bán bắp gương mặt ửng hồng có mái
tóc dài đen nhánh.
Những chú ve sầu cánh mỏng màu nâu.
Cây phượng già nở hoa màu đỏ.
Cơn gió màu hồng vừa đi qua…
Cuộc sống của chúng tôi rạng rỡ đủ sắc
màu.
Ở Trung tâm này, cô giáo dạy chúng tôi
học chữ, học hát và học vẽ. Tôi và bạn đều thích môn vẽ. Cô giáo mặc áo dài trắng
thướt tha, nhận xét:
“Tranh của em phối màu rất tốt, chú ý
nét vẽ, không được đứt quãng như thế!”
Tôi vẽ một bức tranh làng quê ven sông, nơi tôi
sinh ra, nơi gọi là quê hương. Mái nhà, tôi tô màu nâu. Hàng cây trước ngõ, tôi
tô màu xanh. Tất nhiên , mặt trời phải là màu đỏ, còn đàn bò, những người bạn
thân của tôi, chúng có màu vàng. Bạn nói:
“Dòng sông có màu xanh lục nữa, tô đi, đậm vào!”
Cô giáo đứng sau lưng, góp ý:
“Theo ý cô, hàng cây cho vươn cao thêm
chút nữa, cho thêm trù phú, xanh tươi…”
Còn bạn, bạn nói, mình không có làng
quê nào để vẽ. Mình sẽ vẽ một ngôi nhà thật lớn, phía trước có sân chơi, có hồ
bơi! Bạn hỏi cô giáo: “Thưa cô, bức tường, sơn màu gì thì đẹp nhất ạ?”. Cô giáo
cười: “Tùy theo sở thích, họa sĩ ạ!”. Thế thì bức tường màu trắng, ngói màu hồng.
Tôi và bạn say mê đắm chìm vào thế giới màu sắc mê hoặc. Chúng tôi vẽ hàng ngày,
vẽ chán, lại bắc ghế nhìn ra đường xem dòng người hối hả ngược xuôi.
Thực ra là trong đêm đầu tiên đến với
thế giới loài người, bạn đã bị kiến bu vào hai hốc mắt. Thực ra là trong buổi sáng
đẹp trời chăn trâu, đạn pháo đã nở hoa trước mặt tôi. Mắt của bạn là một nét vẽ
mảnh dẻ cắt ngang khuôn mặt bầu bĩnh. Mắt của tôi là hai hốc sâu hoắm nhòe nhoẹt
nước. Thực ra là cô giáo cũng suốt ngày đeo cặp kính màu đen của người khiếm thị.
Cô lớn lên ở đây trong Trung tâm này, kể từ khi người mẹ mù lòa dắt tay con đi ăn
xin không còn đủ sức nắm lấy bàn tay nhỏ xíu đi tiếp nữa.
Nhưng mỗi ngày, chúng tôi vẫn nhìn
thấy, và thấy rất rõ ràng.
Mỗi ngày, chúng tôi vẫn vẽ lên giấy
những bức tranh đầy màu sắc, chúng tôi vẽ giấc mơ của mình.
Bởi vì, chúng tôi đã có những đôi mắt
khác, nằm trong sâu thẳm, nhìn ra…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI