Thứ Tư, 25 tháng 2, 2015

CHƯ YANG SIN SỐ XUÂN ẤT MÙI - tác giả TRƯƠNG THÔNG TUẦN

Tiến sĩ TRƯƠNG THÔNG TUẦN
(hội viên Hội VHNT Dak Lak)




MỘT SỐ HÌNH TƯỢNG NGHỆ THUẬT
TRONG DÂN CA M’NÔNG



Trong dân ca M’Nông, nghệ nhân dân gian thường sử dụng rất nhiều hình ảnh để diễn đạt nội dung, đã có nhiều hình ảnh trở thành hình tượng nghệ thuật độc đáo. Đó là những hình tượng phần lớn có thực hoặc do tưởng tượng nhưng tất cả đều quen thuộc đối với cộng đồng. Trong bài viết này, xin được đề cập đến hình tượng nghệ thuật trong dân ca M’Nông thuộc các nhóm: hình tượng về thiên nhiên, hình tượng về con người; hình tượng về thần linh.
1. Hình tượng về thiên nhiên
Trong thiên nhiên có muôn vàn hình ảnh đẹp, sinh động và được nghệ nhân lựa chọn để miêu tả trong dân ca.
Nếu hoa sen, hoa ngâu, con ong gắn liền với vẻ đẹp của những cô gái người Kinh thì trong dân ca M’Nông: Con gái Bu fri đẹp trắng như hoa mpang/ Con gái Bu Dang đẹp trắng như hoa rlê/ Con gái Bu Su đẹp trắng như hoa dưa/ Nhiều gái đẹp như đọt cây nứt chồi.
Hoặc để diễn tả vẻ đẹp đang độ xuân thì trẻ trung mạnh mẽ của cô gái M’Nông đang lớn: Cặp vú lú như bắp chuối luăt/ Đầu bới gọn cài đuôi chim rừng.
Cũng có lúc khiêm nhường, người phụ nữ tự nhận mình không đẹp, thậm chí là xấu, đã dùng những hình ảnh để ví von so sánh: Em người đen như con chim rach ai ngó/ Em người xẹp bụng như con ong ai nhìn/ Em chân tay dài như con cào cào/ Thân của em vú trơn với ngực/ Em bụng xẹp như con kỳ nhông.
Dù ở thái độ ca ngợi vẻ đẹp của người phụ nữ hay ngược lại, đó đều là những hình ảnh đặc trưng, tiêu biểu của mảnh đất Tây Nguyên.
Ở Tây Nguyên, con người luôn gắn bó, hòa nhập với thiên nhiên. Trong đó, trăng cũng là đối tượng gần gũi thân thiết với con người. Trăng trong tình yêu lứa đôi mang những vẻ đẹp nhiều cung bậc với sự lung linh, huyền ảo: Con gái có một người xinh đẹp/ Giống bông hoa pa – đê/ Giống mặt trăng vừa mọc/ Giống như trăng lưỡi liềm mồng một/ Trăng mồng hai ra tựa con dao/ Trăng nhú qua đồi ra cái gương soi…/ Không thể nào quên được nhớ/ Không thể nào bỏ được thương…
Trong dân ca M’Nông, hình tượng con trâu xuất hiện với tần suất khá đậm đặc. Chẳng hạn, vẻ đẹp nhanh nhẹn, khỏe mạnh của bé trai đang lớn được tác giả dân gian miêu tả: Bước xuống thang em tôi chém chân trâu/ Em tôi lanh lẹ như con trâu/ Em tôi hung hăng như thần sét/ Em tôi khoẻ mạnh như con trâu rừng.
      Hình ảnh con trâu được người con gái M’Nông sử dụng để đo thời gian xa cách nhớ thương người yêu: Xa cách nay đã lâu lắm rồi/ ...Từ trăng khuyết nay đã thành trăng tròn/ Lúa mới trổ nay đã mục ra/ Rẫy mới phát nay đã mục ra/ Con trâu tơ đã thành con trâu già.
Một chàng trai M’Nông được các cô gái lựa chọn phải như trâu rdăm bang (một giống trâu tốt): Em yêu anh, yêu nhiều như hạt giống được ở trong bầu/ Em yêu anh như hạt muốn được gieo xuống đất/ Em yêu anh để sang năm em được lấy giống/ Em muốn gieo anh giống lúa Brăch/ Em muốn gặt anh giống lúa Lu/ Em muốn chăn anh trâu rdăm bang.          
Con trâu còn là lễ vật có giá trị lớn để chàng trai si tình làm sính lễ cưới người con gái mình yêu: Trâu của tôi, trâu béo to, lạc trong núi trong rừng/ Bốn đêm rồi, tôi đi kiếm đi lùng/ Và tôi gặp cô gái làng Pa - rốt/ Tôi sẽ cưới nàng, nếu tìm được con trâu/ Của bắt vợ thì nhiều, nhưng của tôi nghèo quá!/ Giàng! Giàng hỡi! Nghe không lời tôi gọi/ Trâu của tôi, trâu béo to, lạc trong núi trong rừng.
Con trâu là người bạn thân thiết của con người. Lễ hội đâm trâu là một lễ hội linh thiêng của người M’Nông nói riêng và dân tộc Tây Nguyên nói chung. Nhưng trở thành vật hiến tế trong lễ hội thì tác giả dân gian không nén được tình cảm của mình, tâm sự, kể lể và vỡ òa tiếng khóc thương thảm thiết cho chú trâu tốt số ấy: Trâu ta ơi ta thương tiếc trâu lắm!/ Cây cọc nêu họ đã chôn rồi/ Họ đã cột dây vào cổ trâu rồi/ Khách lễ hội đã đến đầy nhà rồi/ Trâu hãy ăn lá lách lần cuối/ Trâu  hãy ăn lá cỏ lần cuối/ Trâu hãy ăn lá bông vải lần cuối/ Trâu hãy ăn lá rừng lần cuối/ Tiếng trâu khóc còn vang đâu đó…
Trâu và người gắn bó mật thiết là vậy cho nên trong dân ca M’Nông rất nhiều những công việc, sinh hoạt hàng ngày được phản ánh liên quan đến trâu. Chẳng hạn chăn trâu là công việc thường ngày và của nhiều thế hệ: Em tôi đi vào rừng hái rau mang về/ Em tôi đi chăn trâu chặt đọt mây mang về/ Em tôi đi ra đá sỏi moi trứng kỳ nhông/ Em tôi đi làm cỏ mang rau quả về/ Em tôi đi chăn trâu mang quả xoài về.
Hay việc dỗ em: Em nín đi đừng khóc em ơi/ Bố của em đang đi chăn trâu
Hoặc làm cơ sở để rủ rê mời mọc cho việc tỏ tình: Đi thả trâu cùng anh em nhé/ Đi thả trâu đực cùng anh em nhé/ Thả trâu tắm dưới ao sình/ Đi tới bãi cỏ thật rộng/ Đi tới bãi thật là bằng phẳng/ Đi tới đất sét mọc toàn là tre gai/ Bãi một bên anh chăn đàn dê/ Bãi một bên anh chăn đàn trâu/ Bãi đầu suối anh chăn đàn bò/ Bãi cuối suối anh chăn đàn cừu trắng/ Đi tới chòi nhỏ anh làm sẵn/ Anh đưa em lên chòi rách nhỏ/ Anh ru em ngủ tại đây...
Nói đến voi Tây Nguyên, chúng ta thường nhớ ngay đến bài hát Chú voi  con ở bản Đôn của nhạc sĩ Phạm Tuyên nhưng rất ít người biết rằng lời bài hát được phỏng dịch từ một bài dân ca M’Nông. Đó là bài Kon rverh bon Đon (Con voi Buôn Đôn). Hình ảnh chú voi con ngộ nghĩnh, dễ thương, khỏe ăn, chóng lớn chính là khát vọng của những người dân của xứ sở sử thi mong muốn và đặt niềm tin vào cuộc sống, vào tương lai của con cháu sau này.
Người M’Nông nói riêng và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung luôn kính trọng, ngợi ca những thợ săn tài giỏi và những bậc thầy dạy dân săn voi rừng: Ta mời hồn những chàng đi săn thuở trước/ Chàng Bơ Nang, thợ săn giỏi đã mất/ Chàng Rơ Giao, thợ săn tài đã khuất/ Những tay thợ săn kỳ cựu nhất xưa kia/ Những bậc thầy dạy lũ đi săn/ Những bậc thầy dạy dân săn voi rừng/ Chớ để chúng tôi về làng tay không!     
Nhiều chàng trai M’Nông thường khao khát trở thành thợ săn voi tài giỏi nhất vùng. Bởi săn bắt, thuần hóa được nhiều voi sẽ đem lại sự giàu có, quyền uy và sức mạnh: Giờ đây, tôi những cầu mong/ Sao cho thành thợ giỏi trong giỏi ngoài/ Bắt được voi nghìn voi trăm/ Như những chàng thợ săn thuở trước/ Như những bậc săn tài thuở xưa/ Như Chàng Bơ Nang, thợ săn giỏi đã mất/ Như Chàng Rơ Giao, thợ săn tài đã khuất/ Như những chàng Mơ Yang, Mơ Tang thuở trước.
Tiếng chim cu rừng hót vang mọi lúc, mọi nơi; không kể sáng sớm, giữa trưa, gần tối hay đêm khuya; không kể trên nương, trên rẫy hay khắp núi rừng. Hình ảnh và âm thanh của chim cu hót chính là biểu tượng của những chàng trai M’Nông hiền lành, chất phác, cần cù siêng năng với công việc rẫy nương và đời sống tâm hồn cũng không kém phần lãng mạn: Chim cu hót no ăn lúa sớm/ Chim cu hót no ăn lúa non/ Chim cu hót no ăn lúa tỉa/ Chim cu hót sáng sớm cầu nắng/ Chim cu hót gần tối cầu mưa/ Chim cu hót giữa trưa ru tình/ Chim cu hót nhắc nhở người yêu…
Ngoài hình tượng những con trâu, chú voi, con chim cu nói trên, trong dân ca M’Nông còn xuất hiện khá nhiều hình tượng các con vật khác, các nghệ nhân gửi gắm nhiều điều thông qua các loài động vật, trong đó có sự đưa ra những bài học kinh nghiệm của cuộc sống: Qua rừng lại gặp nhiều con beo/ Qua rừng lại gặp nhiều con hổ/ Qua rừng lại gặp nhiều con cọp/ Qua rừng lại gặp nhiều con tê giác/ Con hổ cắn người giơ cưa dài/ Con cọp cắn người giơ gươm dài/ Con ong đốt người giơ bó đuốc/ Con tôm cắn người giơ rổ đơm/ Con đỉa rừng lạ to bằng lưỡi dao/ Con ruồi muỗi to bằng cái gùi/ Con chim con ó to bằng gùi rách/ Con cóc to nằm một vạt đất/ Con vắt bám người đừng có kêu/ Con rắn cắn người đừng kêu đau.
2. Hình tượng về con người
Tìm hiểu hình tượng về con người trong dân ca M’Nông, ấn tượng đầu tiên và mạnh mẽ đối với người nghe, người đọc đó chính là hình tượng người phụ nữ. Theo quan niệm của người M’Nông, người phụ nữ lí tưởng phải là người vừa xinh đẹp, vừa có tài thêu dệt hơn người, đảm đang trong công việc gia đình và nương rẫy. Do đó, trong dân ca M’Nông có rất nhiều câu, nhiều bài miêu tả vẻ đẹp, đức độ và tài năng của người phụ nữ.
Vẻ đẹp của người con gái được nghệ nhân miêu tả: Con gái có một người/ Giống bông hoa pa đê/ Giống mặt trăng vừa mọc/ Giống như trăng lưỡi liềm mồng một/ Trăng mồng hai ra tựa con dao/ Trăng nhú qua đồi ra cái gương soi…/ Không thể nào quên được nhớ/ Không thể nào bỏ được thương…/ Con gái có một người/ Giống như hoa đa vai/ Giống như quả dưa vừa mọc/ Giống như trái dưa leo/ Giống như con cá linh/ Con cá linh giữa dòng Kơ Lốt/ Con cá hơ mốt giữa dòng suối Chi Reng/ Con cá hàm leng suối người qua lại. 
Với vẻ đẹp như vậy, mẹ của cô gái không thể nào yên tâm cho sự an toàn của con mình, do đó tìm mọi cách bảo vệ: Con gái có một người/ Không ra khỏi xóm/ Con gái mẹ một đứa/ Không cho ra khỏi thôn/ Cất kỹ bỏ trong hòm/ Gói dành cho vào giấy/ Không cho nó bị cháy/ Không cho nó bị nhơ.
Không những xinh đẹp, người phụ nữ M’Nông còn rất khéo léo, giỏi giang trong công việc gia đình, làm nương làm rẫy, chăm sóc con cái. Khi lên rẫy, phụ nữ vừa phải làm việc vừa tay dắt, lưng cõng đứa con bé bỏng, đáng yêu: Rẫy trên đồi em còn mẹ cõng trên lưng/ Rẫy trên bờ suối em còn mẹ dắt tay.
Trong một bài hát ru em, hình ảnh của người mẹ hiện lên với bao vất vả lo toan nhiều công việc: Em nín đi đừng khóc em ơi/ Mẹ của em đang đi bửa củi/ Em nín đi đừng khóc em ơi/ Mẹ của em đang đi xúc cá/ Em nín đi đừng khóc em ơi/ Mẹ của em đang đi giã lúa/ Em nín đi đừng khóc em ơi/ Mẹ của em đang giã lúa nếp/ Em nín đi đừng khóc em ơi/ Mẹ của em đang ngồi tiếp khách/ Em nín đi đừng khóc em ơi/ Mẹ của em đang hái rau biâp/ Em nín đi đừng khóc em ơi/ Mẹ của em đang đi kiếm cây chuối.
Hoặc trong một bài hát ru con khác: Con ngủ đi, con ngủ đi/ Cho mẹ giã lúa/ Con ngủ đi, con ngủ đi/ Cho mẹ sàng gạo/ Con ngủ đi, con ngủ đi/ Cho mẹ bẻ măng/ Con ngủ đi, con ngủ đi/ Cho mẹ kiếm củi/ …Con ngủ đi, con ngủ đi/ Cho mẹ dọn rẫy/ Con ngủ đi, con ngủ đi/ Cho mẹ đào củ khoai.
Để trở thành một phụ nữ giỏi giang trong công việc nội trợ, các cô gái phải được những người bà người mẹ dạy dỗ chu đáo từ nhỏ, được chỉ bảo từng công việc: Con gái lớn phải tập giã lúa/ Con gái lớn lên phải tập bửa củi/ Con gái lớn lên phải tập nấu cơm/ Con gái lớn lên phải học tiếp đãi khách/ Khách chưa đến cơm đã bắc lên bếp/ Khách bước vào cửa phải mời ăn liền.
Đặc biệt trong nữ công gia chánh, người phụ nữ M’Nông không những phải biết mà hơn nữa phải chăm chỉ, giỏi giang, khéo léo trong việc kéo sợi, dệt vải để làm ra những hoa văn, chiếc khố hoa, kéo đường chỉ phải bằng người ta, dệt hoa văn phải đủ trăm đường: Con gái lớn lên phải học dệt vải/ Con gái lớn lên phải tập kéo chỉ/ Con gái lớn lên phải học xỏ vỏ cây/ Con gái lớn lên phải học nhuộm màu...
Giỏi giang trong công việc, người phụ nữ M’Nông còn rất chín chắn, tế nhị trong chuyện tình cảm, tình yêu đôi lứa. Đây là tâm sự và cũng là lời từ chối khéo léo, tế nhị mà cô gái dùng để làm phép thử khi đứng trước lời tỏ tình của chàng trai: Anh đã hỏi, em xin nói thật/ Từ xưa đến nay anh vẫn còn đây/ Anh hỏi thật hay nói đùa khinh em/ Anh hỏi thật hay nói đùa ngạo em/ ...Em quen với anh sợ yêu anh, anh chê/ Em gần với anh sợ yêu anh, anh cười/ Dao có rồi anh lại đi kiếm sắt/ Cơm có rồi anh lại đi kiếm lúa/ Cá có rồi anh còn đi kiếm rổ….
Có lúc người con gái M’Nông cũng rất chủ động và mạnh dạn bộc lộ tình yêu của mình với chàng trai rất cụ thể và không kém phần lãng mạn: Em yêu anh/ Em thấy anh như một quả thơm/ Em biết anh như đóa hoa dền/ Ước gì được hôn lên trán anh/ Ước gì chúng ta được ngủ chung!
Và kể cả khi tình yêu dang dở, hôn nhân tan vỡ, người phụ nữ M’Nông vẫn không hề bi quan mà vẫn sống rất tích cực, bộc lộ mạnh mẽ khát khao hạnh phúc tình yêu đôi lứa. Hãy nghe tâm sự của một người mẹ trẻ trong lời ru con: Con ngủ đi, con ngủ đi/ Cho mẹ gặp người yêu/ Con ngủ đi, con ngủ đi/ Cho mẹ hôn trai/ Con ngủ đi, con ngủ đi/ Cho mẹ uống rượu/ Con ngủ đi, con ngủ đi/ Cho mẹ cười duyên.
Nếu như người phụ nữ tượng trưng cho vẻ xinh đẹp, duyên dáng, khéo léo thì các chàng trai trong dân ca M’Nông tượng trưng cho sức mạnh, uy danh trong cộng đồng. Người anh hùng là hình tượng nghệ thuật tiêu biểu nhất mà sử thi Tây Nguyên đã tập trung ca ngợi. Nếu như người Êđê tự hào về anh hùng của dân tộc mình là Đăm Săn thì người M’Nông cũng rất tự hào về Lênh. Tuy nhiên trong dân ca M’Nông, những chàng trai xuất hiện không phải như những người anh hùng, những thủ lĩnh linh hồn của bộ tộc mà là những con người đời thường với những công việc hàng ngày và tâm tư tình cảm mộc mạc, gần gũi chân thực như chính con người của họ.
Nếu người phụ nữ M’Nông lí tưởng phải là người vừa xinh đẹp, vừa có tài thêu dệt hơn người, đảm đang trong công việc gia đình và nương rẫy thì người đàn ông con trai lý tưởng phải là người mạnh mẽ, hiểu biết và giỏi giang nhiều việc. Để trở thành một chàng trai giỏi giang, các chàng trai phải được những người cha, người ông huấn luyện chu đáo ngay từ nhỏ, được chỉ bảo từng công việc, được dạy cách ăn nói, nuôi con, kiếm vợ...: Con trai lớn lên dạy nó đan gùi/ Dạy nó làm ná, dạy nó ăn nói/ Dạy nó đan nia, dạy nó rèn dao/ Dạy nó rèn xà gạc, dạy nó rèn rìu/ Dạy nó làm rẫy, dạy nó kiếm ăn/ Dạy nó nuôi vợ, dạy nó nuôi con/ Tập đan gùi bằng tre lóng dài/ Tập làm bẫy bằng tre lóng ngắn/ Tập tát nước bằng vỏ mây tre/ Dạy kiếm vợ bằng cái váy dệt/ Dạy kết bạn bằng chăn con trâu/ Dạy về đất đai, dạy đọc gia phả.
Và khi trưởng thành, lúc được làm cha, đàn ông M’Nông cũng phải làm lụng vất vả trăm công nghìn việc, từ việc nương rẫy cho đến việc nhà, mớm cơm cho con: Em nín đi đừng khóc em ơi/ Bố của em đang đi kiếm cây làm ná/ Em nín đi đừng khóc em ơi/ Bố của em đang đi kiếm lúa/ Em nín đi đừng khóc em ơi/ Bố của em đang đi bắt con voi...
Tính cách của người đàn ông M’Nông được biểu hiện trong công cuộc chinh phục thiên nhiên. Một phương diện biểu đạt về tính cách, vẻ đẹp mạnh mẽ của con trai M’Nông đó là tài năng, khát vọng trở thành thợ săn và chinh phục voi rừng giỏi nhất. Họ luôn cầu mong được sự trợ giúp của thần linh, của những linh hồn thợ săn tài giỏi đã khuất để họ trở thành thợ giỏi trong giỏi ngoài, bắt được voi nghìn voi trăm như những chàng thợ săn thuở trước.
Vẻ đẹp mạnh mẽ của chàng trai M’Nông còn được nghệ nhân so sánh với nhiều hình ảnh phong phú và đa dạng khác: lanh lẹ như con trâu, hung hăng như thần sét, khoẻ mạnh như con trâu rừng, hét to như kèn tù và, làm ra của cải...
Trong tình yêu và hôn nhân, tính cách các chàng trai M’Nông được bộc lộ rất tự nhiên và chân thực. Bất cứ mối tình nào, cho dù bền chặt, dài lâu hay vội vàng, ngắn ngủi, cho dù lãng mạn, mơ màng như một đêm trăng rằm hay thuần túy chỉ thiên về thực tế, cho dù xảy ra ở độ tuổi thiếu niên khi người ta còn dại khờ vụng dại mới hăm hở bước vào đời hay là diễn ra lúc già nua “gần đất xa trời” thì cũng đều phải có lúc ban đầu khi hai đối tượng trước kia còn xa lạ không quen biết nhau giờ có cơ hội làm quen.
Khi tỏ tình, loài chim thì cất tiếng hót lảnh lót, phô trương bộ cánh đẹp mời gọi nhau; loài cá thì bơi lội nhởn nhơ, vẩy đuôi vờn nhau âu yếm; loài cọp thì gầm gừ, vươn móng vuốt, chụp bắt nhau như sắp tử chiến. Còn đối với chàng trai M’Nông, cuộc gặp gỡ hẹn hò với người con gái thường là trên nương rẫy hoặc trong buổi chăn trâu. Cách tỏ tình của họ cũng bộc lộ đặc trưng cuộc sống và những thế mạnh của mình. Có thể là lời mời mọc dịu dàng, hoặc bằng giọng hát ngọt ngào, hoặc tài thổi kèn mbuôt để tỏ tình, thuyết phục cô gái chấp nhận tình yêu của mình: Đi thả trâu cùng anh em nhé/ Đi thả trâu đực cùng anh em nhé/ ...Đi tới chòi nhỏ anh làm sẵn/ Anh đưa em lên chòi rách nhỏ/ Anh ru em ngủ tại đây/ Cặp tình nhân ngủ trưa/ Anh thổi kèn mbuôt duk/ Anh thổi kèn mbuôt dung/ Anh thổi kèn mbuôt kông/ Anh thổi rung cả cổ họng/ Anh thổi vào kêu em ở lại/ Anh thổi vào kêu người yêu.
Sức mạnh tình yêu đã vượt lên cả qui luật tự nhiên của con người, thường khi ngủ là lúc mà người ta quên đi tất cả. Nhưng, với chàng trai M’Nông vì nỗi nhớ người yêu quá lớn, quá mạnh mẽ, luôn thường trực trong lòng, nên ngay cả trong giấc ngủ, giấc mơ về người yêu vẫn được thể hiện bằng những hành động rất riêng, rất cụ thể: Đêm đi ngủ nằm mơ rất lâu/ ...Mơ ôm người yêu ôm nhầm bầu nước/ Mơ ôm người yêu ôm nhầm bầu cháo/ …Khi ngủ say không nhớ gì cả/ Mơ thấy người yêu rất là lâu/ …Ước gì người yêu mãi bên cạnh/ Ước gì làm vợ với tôi.
Và khi đã thành vợ thành chồng, chàng trai sống rất có trách nhiệm và tràn ngập tình yêu thương với người bạn trăm năm: Sống bên nàng không dám giận hờn/ Sống với nàng không nỡ tát tay/ Sống với nàng lòng luôn trung thành/ Nàng có mang không nỡ phá thai/ Tối nằm ngủ không nỡ xoay lưng/ Nói chuyện với nàng không khi nào chán.
Nếu trong sử thi hình tượng nhân vật anh hùng là hình mẫu lý tưởng của cộng đồng thì trong dân ca M’Nông hình tượng con người thường là những chàng trai, cô gái bình dị. Qua họ, tác giả dân gian muốn phản ánh những phẩm chất tốt đẹp, những tâm tưởng, khát vọng rất đời thường của người M’Nông trong cuộc sống. Chính vì vậy, dân ca M’Nông là những tác phẩm trữ tình giàu giá trị hiện thực.
  3. Hình tượng về các vị thần
Hình tượng thần linh thường xuyên xuất hiện trong các tác phẩm văn học dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Đặc biệt là trong các sử thi.
Trong dân ca M’Nông, hình tượng các vị thần thường xuất hiện ở những bài hát khấn thần. Thần linh ở đây cũng có những điểm tương đồng như sử thi, nhưng cũng có rất nhiều điểm khác biệt.
Thần linh là biểu hiện sinh động của đời sống tín ngưỡng cổ truyền của người M’Nông. Người M’Nông quan niệm về thần đa dạng và ngự trị ở mọi chốn, mọi nơi nên còn gọi là quan niệm đa thần hoặc quan niệm vạn vật hữu linh. Do đó trong các bài hát khấn thường xuất hiện việc điểm danh rất nhiều vị thần: Tôi gọi bà thần, tôi kêu ông thần/ Thần Rừng, thần Núi/ Thần Suối, thần Sông/ Thần Ông, thần Bà/ Thần Cha, thần Mẹ... Hay: Hỡi thần Nguếch/ Hỡi thần Ngoal/ Hỡi thần Núi, thần Suối, thần Rừng... Và có cả: Các thần không biết mặt biết tên.
Con người và thần linh có quan hệ mật thiết với nhau. Theo quan niệm của họ, thưở ban đầu tầng trời và tầng đất rất gần nhau, con người có thể đi lên trời, chỉ cần bắc cầu thang là lên được tầng trời và có thể rủ nhiều người đi lên trời. Thần linh cũng có những tính cách, công việc giống con người: Thần Bing ngồi dệt vải trước cửa nhà/ Thần Jông ngồi dệt vải trước cửa nhà...
Thần trong dân ca M’Nông có cả nam nữ, ông bà, cha mẹ, thiện và ác. Thần thiện tìm cách giúp đỡ con người còn thần ác thì chuyên tìm cách ám hại con người. Con người thường cúng lạy và cầu khấn cả hai loại thần này nhằm cầu mong sự giúp đỡ và loại trừ xui quảy.
Chẳng hạn trong bài Ôp Brah (Làm cúng cầu khấn thần), người ta dâng cúng gà, heo để cầu mong thần ban cho sức khỏe, của cải và chiến thắng: Con gà nhỏ to bằng quả byăp/ Con gà nhỏ to bằng quả blân/ Con heo nhỏ to bằng con sóc/ …Cầu thần đá tên là Nsung/ Cầu thần đá tên là Nsong/ Cầu thần đá tên là Kong và Yang/ Cầu hòn đá nở tên là Dôt và Dôi/ Hôm nay tôi cầu khấn các thần/ Hôm nay tôi cầu khấn thần rừng/ Hôm nay tôi cầu khấn thần cây to/ Hôm nay tôi cầu khấn các thần/ Đừng cho tôi mang nợ nần nhiều/ Đừng cho tôi đau ốm nhiều/ Hôm nay tôi cầu đi đánh nhau cho thắng/ Hôm nay tôi cầu dành trâu cho thắng/ Hôm nay tôi cầu hốt lúa giống cho được/ Đánh thắng về tôi mừng ché rượu/ Đi đánh về trâu to tôi chém/ Rượu một chai để thêm ché rượu.
Cuộc sống của người M’Nông luôn gắn liền với công việc nương rẫy. Do vậy họ khấn thần để cầu mong có được những vụ mùa thuận lợi, lúa ngô chật rẫy, chật bồ: Tôi gọi bà thần, tôi kêu ông thần/ Thần Rừng, thần Núi/ Thần Suối, thần Sông/ Thần Ông, thần Bà/ Thần Cha, thần Mẹ/ Các thần không biết mặt biết tên/ Hãy đến ăn heo, uống rượu/ Mong các thần/ Cho tôi làm rẫy/ Lúa tốt, ngô nhiều/ Lúa chật bồ/ Ngô chật rẫy!
Đặc biệt đối với nghề săn voi, trước khi lên đường, đoàn đi săn đều tế lễ khấn thần để cầu mong thần phù hộ bắt được những con voi lành lặn, khỏe mạnh: Hỡi thần Nguếch/ Hỡi thần Ngoal/ Hỡi thần Núi, thần Suối, thần Rừng/ Mời các thần hãy cùng nghe đây:/ Đất nước các thần trông coi/ Được thấy dấu vết con voi/ Ở nơi bến nước có uống/ Ở nơi bãi phẳng có nằm…/ Mời về đây, dự lễ các thần/ Mời về đây, uống rượu cần chung ché/ Các người hãy trông nom con voi đi lẻ/ Sao cho chân nó khỏe, chân nó mạnh/ Sao cho cây rừng phải tránh, phải né/ Sao cho đừng vướng dây mẹ, dây con/ Sao cho vuông tròn, chẳng sầy tí xíu.
Tóm lại, hình tượng thần linh trong dân ca M’Nông là hình tượng do con người tưởng tượng ra, gắn liền với đời sống tín ngưỡng cổ truyền của cộng đồng. Qua đó, các tác giả dân gian đã gửi gắm ước mơ của mình, họ mong muốn trong cuộc sống sẽ luôn có những lực lượng siêu nhiên giúp đỡ mình thực hiện khát vọng chinh phục thiên nhiên cũng như đạt nhiều kết quả tốt đẹp trong công việc và cuộc sống xã hội. Đó cũng chính là ý nghĩa của hình tượng thần linh trong các bài dân ca M’Nông.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI