Thứ Hai, 2 tháng 2, 2015

TRUYỀN THUYẾT CHƯ PAL truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN SỐ: 269+270 tháng 1&2 năm 2015



                                                          

Dãy núi Chư Pal cao sừng sừng sững, kéo dài từ dãy Chư Yang Sin lao ra phía bắc, tạo bức tường thành phía tây chắn gió cho cái buôn Jai nhỏ bé có hơn năm chục nóc nhà dài định cư. Sáng sớm hay chiều về, khi ông mặt trời sắp đi qua phía tây để ngủ, lũ vượn thường ra sườn núi nô đùa, buông mình từ ngọn cây này bay qua ngọn cây khác, hò hét inh rừng.
          Theo ngoại kể: ngày trước trên dãy núi này có một đàn sơn dương đông cả trăm con, con nào cũng có bộ lông đen bóng như hòn than cây kơ nia mới đốt. Con đực đầu đàn to bằng con bò cái, sừng cong vút về phía sau, nhọn hoắt. Thỉnh thoảng, một tháng đôi lần chúng kéo nhau ra sườn núi, phía sau buôn, nơi chỉ có cỏ gianh vây quanh những hòn đá lớn chồng lên nhau như những mái nhà để nô đùa. Con đực đầu đàn bao giờ cũng chọn một hòn đá lớn nhất, cao nhất so với cả vùng, leo lên đứng để nhìn xuống buôn như đang nghiền ngẫm điều gì trọng đại lắm, bộ râu dưới cằm dài hơn hai gang tay người lớn vểnh ngược ra phía trước trông ngồ ngộ. Mấy chú sơn dương nhỏ lao đầu vào nhau, quần thảo, thử sức, khi mệt cũng leo lên các tảng đá nằm nghỉ, đầu quay xuống buôn xem con người làm việc. Người dân trong vùng quý bầy sơn dương này lắm, vì chúng không phá hoại hoa màu của người dân mà chỉ làm cho núi rừng thêm đẹp. Người già còn bảo nếu đi rừng ai may mắn nhặt được sừng sơn dương rụng thì coi như được zàng tặng quà; con người bị gió gió độc làm đau bụng, chỉ cần mài một chút sừng vào đĩa sứ, đổ chén rượu nhỏ hoặc nước đun sôi để nguội vào, uống là khỏi ngay.   

Ông ngoại ma Jin vào rừng hái thuốc đã nhặt được một cái như thế, dân trong buôn góp bò, heo, gà và rượu, nổi chiêng để cúng Zàng tạ ơn hẳn một tuần. Mấy buôn  trong vùng nghe tin cũng dắt heo, bò đến chúc mừng, vui lắm. Ngày đầu tiên cúng một con heo năm gang (cách tính con heo có vòng ngực năm gang tay người lớn), làm thịt xong rồi cắt thủ và cái đuôi đem luộc chín để lền mẹt, xung quanh đặt thêm một ít gan, lòng và thịt luộc; thầy cúng làm lễ tế, gọi Zàng về nhận và cùng hưởng cho vui. Hôm sau thịt một con bò lớn chặt đầu, đuôi (để sống) đặt lên giàn giáo làm trước buôn, trên bốn cột làm giàn giáo thờ cúng được bôi huyết bò; thầy cúng khấn mời Zàng về nhận để đưa bò đi theo… Sau khi cúng Zàng xong chiếc sừng sơn dương được giao cho già làng cất giữ, ai có bệnh thì đến lấy để dùng và xem đó lộc chung của cả buôn, cả vùng.
          Cuộc sống bình yên ấy kéo dài cho đến một ngày…
          Ngày cuối cùng của tháng ta - mặt trăng cả đêm không bao giờ xuất hiện, ông mặt trời mỏi mệt đi xuống đứng trên đỉnh núi, rãi nốt những tia nắng vàng cuối cùng lên các nóc nhà như một lời tạm biệt trước khi đi ngủ. Bổng có tiếng chó gầm lên, bầy sơn dương đang mãi ngắm buôn, giật mình chồm dậy, nhảy tót lên những hòn đá lớn nhìn xuống. Phía dưới, sơn dương mẹ và đứa con nhỏ của mình không kịp leo lên những hòn đá lớn, bị bảy con sói vây quang. Lũ sói, con nào lông cũng màu hoe hoe đỏ như cỏ gianh gần cuối mùa khô; ngực nở, bụng thon, có cái mỏm dài nhe ra bộ răng có hai chiếc răng nanh mọc hai bên khóe mép, nhọn hoắt, gớm giếc; khi sủa, cái đuôi cũng cong ngược lên, vẻ vẩy như giương cờ, ra chiều đắc ý lắm. Chúng thi nhau vừa gào vừa khoe những chiếc răng sắc nhọn, và tìm cách lao vào gậm chú sơn dương con tội nghiệp. Con sơn dương mẹ hết ngảy qua bên phải, lại nhãy qua bên trái, tả xung hữu đột: tung chân, húc đầu cố đẩy lui bầy sói. Lũ sói vừa nhanh nhẹn chạy tránh đòn, nhưng cũng tranh thủ lao vào mông chú sơn dương con táp những cái rất mạnh làm tọac cả da, tứa máu. Chú sơn dương con tội nghiệp, đứng run rẫy, chịu trận; thỉnh thoảng lại té khụy xuống khi lũ sói tấn công. Bầy sói siết chặt vòng vây, tính mạng của chú sơn dương con có lẽ chỉ còn tính bằng dây, mẹ chú đã cố lắm rồi nhưng sức đã kiệt, không còn nhanh nhẹn nữa để có thể ngăn được lũ sói hung hãn…
          Ông mặt trời khuất hẳn về phía tây, cánh rừng chuyển qua màu sẫm. Dưới buôn, những ngọn khói xanh thường ngày bay lên từ các nóc nhà sàn dài báo hiệu bữa cơm chiều sắp đến, hình như hôm nay cũng không thấy. Người trong buôn còn mãi đứng lặng nhì lên sườn núi chứng kiến cuộc chiến không cân sức đang diễn ra. Cánh thanh niên trong buôn hậm hực rủ nhau định mang nỏ và gậy gộc lên đuổi sói, cứu con sơn dương tội nghiệp; già làng ngăn lại, bảo: đó là việc của rừng, phải để rừng tự giải quyết, con người không nên can thiệp vào, Zàng giận! Lũ thanh niên buộc phải nghe theo nhưng nhìn ai cũng thấy trong mắt có ngọn lửa.
          Trên núi, cuộc chiến chắc sắp đến hồi kết thúc một cách bi thảm… Trong lúc nguy cấp, bổng một bóng đen như hòn đá lớn từ trên cao lao vút xuống, và… một tiếng kêu thảm thiết vang lên; tiếng kêu ấy phát ra từ miệng một con sói vừa lao vào cắn chú sơn dương con. Đàn sói ngừng tiếng gào thét, trố mắt nhìn con sơn dương đầu đàn vừa lao xuống, dùng hai chân trước cắm vào bụng con sói tham ăn làm tọac một đường dài như bị chém, máu phun ra đỏ lòm. Con sói bị thương kêu la thảm thiết, đuôi cụp lại lũi luôn vào rừng. Sơn dương đầu đàn tung hai chân trước lên trời, khua khua trong không khí, giương bộ râu vểnh ngược oai nghi như một dấu phẩy lớn làm cã lũ sói hoảng hồn lùi ra xa, đuôi cụp xuống nhưng vẫn cố ngẫng cao đầu như sắp sửa lại lao vào. Hình như những giọt máu nơi mông chú sơn dương nhỏ bé, tôi nghiệp có sức hấp dẫn quá lớn nên sáu con sói còn lại chỉ nới rộng vòng vây, tránh những cú lao chết chóc của sơn dương đầu đàn chứ không chịu bỏ cuộc; cụp đuôi xuống, ngẫng cao đầu, thi nhau gào lên, khoe hàm răng sắc lẹm như sắp lao vào một trận tử chiến. Hình như tiếng đồng thanh gào thét của lũ sói làm chúng thêm tự tin, chúng không chạy nữa mà tạo thành vòng tròn vây quanh cả ba con sơn giương vào giữa. Con sơn dương đầu đàn tuy khỏe là vậy nhưng chạy mãi cũng xuống sức, bầy sói chỉ chạy tránh những cú bổ như giáo đâm, song cũng không chịu bỏ vòng vây…

Đúng lúc ấy, một phép màu xuất hiện, hơn chục con sơn dương đực đen bóng từ trên các hòn đá bổ xuống, cát bụi bay mù mịt, bầy sói nhiều kon dính đoàn kêu la thảm thiết rồi kéo nhau lẫn luôn vào rừng già.
          Trời sẫm tối, trên đỉnh cao nhất của dãy núi Chư Pal còn le lói vài tia nắng vàng yếu tớt trước khi tắt hẳn, còn kịp cho mọi người nhận ra bóng sơn dương con nhỏ bé leo lên từng hoàn đá nhỏ, lên cao dần, cao dần, in hình thành bức tranh màu xám trên nề trời đang nở đầy sao sớm.

          Và cũng từ chiều hôm ấy, người dân buôn Jai không ai còn thấy bầy sơn dương trở về nữa!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI