Nhà văn NGUYỄN ANH ĐÀO
(hội viên Hội VHNT Dak Lak)
QUỲ GỐI
Truyện ngắn
“Nếu quỳ gối là sống hèn,
thì chúng ta, cơ bản là sống hèn!”.
Ngoài kia, nơi người ta ồn ã đi qua,
nơi người ta bon chen kiếm sống, lắm kẻ quỳ gối trước quyền lực, trước tiền bạc,
trước danh phận… Và đôi khi, chỉ quỳ gối để xin được làm người bình thường. Người
ta ồn ào trước cái quỳ gối của một thanh niên sức dài vai rộng trước một cửa
hàng đã lừa đảo lấy mất của anh ta vài tháng lương. Ừ, thì chuyện bình thường
thôi. Thượng đế sinh ra con người ngoài bàn chân để đi, ngài còn sinh ra cả đầu
gối, và rất nhiều người, cũng dùng nó như dùng bàn chân.
“Bình thường thôi!”, Ba chữ ấy
cứ luôn được thốt ra từ miệng chị, lặp đi lặp lại như bị ma ám. Đầu óc chị đang ken đặc những thứ cần
phải suy nghĩ, nên không biết suy nghĩ từ đâu, mà đôi khi, vì chúng chen chúc
nhau quá cũng giống như trạng
thái rỗng, bởi rỗng hay không vào lúc này, thì nó cũng giống nhau, chị bất lực.
Cái giây phút đầu gối anh chạm xuống
đất, trước mặt chị, chị cứ tưởng rằng mình sẽ vuốt ve được tự ái, được thỏa mãn
cái dục vọng đớn hèn là hạ nhục người khác. Nhưng hình như không phải, tám năm
trước, đầu gối anh cũng chạm đất, trước mặt mẹ chị, để xin được cưới chị làm vợ.
Chị đã gần như khóc thét lên vì xúc động trước tình yêu mà anh dành cho chị, để
có được chị. Chị đâu ngờ được rằng, khi người ta sử dụng đầu gối một lần thành
công, họ sẽ sử dụng lần hai, lần ba và nhiều lần khác trong đời. Như lần này,
xin chị buông tha để anh đến với người đàn bà khác.
Tám năm làm vợ, có với nhau hai mặt
con. Trong khi chị cắm đầu vào con cái nhà cửa bếp núc và hàng trăm thứ việc
linh tinh khác, thì anh ôm ấp và yêu say đắm
một người khác bên ngoài, trẻ hơn chị, đáng yêu hơn chị, hiền lành hơn chị, ngoan
ngoãn hơn chị… Và anh bảo rằng, đó mới là người phụ nữ anh cần. Chị nhếch môi, ừ, thì ngoan
ngoãn, hiền lành, trẻ trung đấy, thử có hai đứa con mà xem, chị thách nó ngoan ngoãn và
hiền lành nữa.
Tờ đơn ly hôn gần cả năm chị chưa buồn
ký, ký hay không nó cũng chẳng có ý nghĩa gì với cuộc đời chị và các con của chị, anh đã rời
bỏ mẹ con chị lâu rồi, đâu
ai giữ nổi người đàn ông trăng hoa bằng một mảnh giấy? Nhưng anh thì khác, anh cần chữ ký vào tờ
giấy đó, để anh cưới lần nữa, bởi người mới đã mang thai. Vì đứa con mới tượng
hình, anh bỏ hai đứa con đã lớn của mình, nếu làm phép toán, thì anh tính toán
rất sai. Nhưng rõ ràng, trong tim anh, thứ gọi là tình yêu, nó không còn chỗ
cho chị và anh chỉ có đàn bà, chứ không có những đứa trẻ. Người đàn ông như thế, hình như từ lâu, chị cũng
không cần nữa.
Nếu để “trả thù”, hay để “đáng kiếp”
hay là gì gì nữa để thỏa mãn tự ái trong lòng chị, thì chị cứ việc giữ tờ đơn ấy nhiều năm nữa, hoặc
chị cứ kiện ra tòa rằng họ vi phạm cái luật hôn nhân một vợ một chồng chết tiệt
gì đó. Nhưng rốt cuộc thì chẳng để làm
gì hết, người đàn bà trẻ đẹp ngoan ngoãn hiền lành kia của anh rồi cũng sẽ nhận
ra như chị, khi cô ấy sinh con, anh cũng ra ngoài yêu một người đàn bà khác, còn trẻ đẹp hơn. Ôi đàn bà, rẻ
rúng làm sao!
Chị bảo anh, “đưa cô ấy đến đây!”. Vậy
là anh đưa đến. Chị lạnh lùng, nghiến răng đến độc ác: “Quỳ xuống! Em sẽ ký!”.
Anh đứng phắt dậy, chị nhếch môi, “vậy
thì thôi!”.
Cô người tình
níu lấy tay anh, kéo anh quỳ xuống. Bốn đầu gối họ chạm xuống đất, trước mặt chị,
như bốn nhát búa bổ ngay vào giữa trán chị, khiến chị xây xẩm. Nó có vuốt ve được
tự ái của chị không? Hình như không! Chị đứng thẳng lên, để mình cao hơn chút nữa,
để kiêu hãnh rằng mình đã thắng, hay huyễn hoặc là mình thắng,
thế thôi, chứ sự thật, chị đã thua rồi. Chị nói rồi mà, đôi khi dùng đầu gối để đi, đâu phải
là thấp hơn người ta, chỉ dùng gối mà anh đã có thứ anh muốn rồi đó thôi: chữ ký
của chị và người tình trẻ.
Chị đã mất anh! Hình như không phải,
chuyện sở hữu này đã chấm dứt từ lâu lắm rồi, anh cũng biến mất khỏi lòng chị từ khi nào không rõ lắm,
nhưng chị luôn nghĩ rằng mình không
có quyền tước đi cha của những đứa con chị bằng pháp lý, vì thế mà chị vẫn chưa ly
hôn. Nhưng hôm nay, bằng cái quỳ gối của anh, bằng cái háo thắng ngu xuẩn của chị, hai đứa con chị
vĩnh viễn mất đi người chúng gọi bằng cha, mất đi cái gia đình vốn dĩ rất bình
thường mà ai cũng có. Thứ mất đi lớn nhất bây giờ, với chị, là không biết gì bù
đắp vào nỗi đau của con chị, những đứa trẻ chưa kịp lớn.
“Bình
thường thôi mà!” – Lại lần nữa vỗ vào trán mình để thức tỉnh, để nhìn thẳng vào
hiện tại, rằng mình chẳng còn gì hết, đúng hơn là chẳng có gì hết để níu giữ một
người đàn ông, khi người ta chấp nhận ra đi bằng một lần quỳ gối, nghĩa là phải
đi bằng bất cứ giá nào. Ừ, không còn tình cảm ở bên nhau làm gì? Chẳng phải chị
luôn khó chịu mỗi khi anh về nhà hay sao, chẳng phải đầu chị luôn căng như dây
đàn mỗi khi anh ở nhà hay sao? Vậy sao chị cứ cố gắng mà níu lại cái cảm giác
khổ đau ấy cho nặng lòng, buông thôi.
Ừ thì buông!
Chị cảm thấy lo lắng rằng, rồi
ngày nào đó, anh lại quay về, lại quỳ gối để được sống cùng nhà với chị, trong cái tuổi già nhiều nỗi buồn,
nhiều cô đơn kia. Chị có thấy cái quỳ gối đáng hoang mang như bây giờ nữa
không?
12.2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI