Nhà thơ VŨ DY
THẮP NẾN MÙA XUÂN
1. Những
ngọn nến không tắt
Cuộc sống khiến người
ta thắp nến nhiều lần trong đời. Đẹp nhất là thắp nến sinh nhật. Đó là ghi dấu
một trưởng thành, một lớn khôn. Và ở một nghĩa nào đó chứng minh rằng ta còn đang
sống, đang hiện hữu trong vòng quay cuả cuộc đời. Mùa xuân, thắp nến cho tổ tiên,
thắp nến để đoàn tụ, quây quần. Thắp cho mình và cho bè bạn. Ánh sáng những ngọn
nến thắp lên bao giờ cũng mới, cũng một chút hư ảo và, đôi khi, soi tỏ một thân
phận. Trong đó ta đã từng hạnh phúc, từng được, mất, khổ đau…
Đi qua tháng mười
hai, còn chuyến mưa cuối mùa rớt lại. Cao Nguyên tinh khôi mới vừa tắm gội. Lá
biếc, trời lam, nắng vàng hổ phách. Đất thở nồng nàn và lá khô mục ải chất chồng.
Giữa ban mai chợt thấy thiên nhiên thắp nến đợi mùa trên lá. Mới biết làm sao
ta cưỡng lại được đất trời, cưỡng lại tuần hoàn của vũ trụ, cứ để cát bụi và nắng
mưa phiêu hốt những miền còn rất hoang vu của tâm hồn. Ngày mai, những con đường
mưa vẫn đầy ắp những bông dã quỳ khô nâu mùa cũ nhưng đã thấp thoáng chút sắc vàng
xanh vài nụ mầm mới dưới mặt trời chói chang. Rồi bụi đỏ lại bốc lên, phiêu hốt,
cuốn theo bao mùa gió mới. Ngày đi. Đêm đến. Ánh sáng và bóng tối tuần hoàn. Còn
ta, thảng hoặc vẫn cứ cố thắp lên trong hồn một cây nến mới, dù lẻ loi, lay lắt,
và có thể chợt tắt bất cứ lúc nào, để thấy rằng giữa đa đoan đời này trong ta vẫn
còn một khoảng ấm áp, lung linh đủ để soi tỏ dấu chân đi để khỏi một lần bước lệch.
Cuộc sống là một họa phẩm đầy ắp màu sắc, nên đôi khi nến tắt, dẫu có thêm một
màu đêm cũng chẳng hề gì.
Thật lạ, trong tất cả những thứ ánh sáng thì ánh nến là một
đặc biệt. Chỗ của nó là những thời khắc trang trọng. Người ta thắp nến khi rất
vui và cũng là khi rất buồn. Cả lúc kết hợp, cả khi chia lìa. Tôi vẫn thường vô
cảm trước ánh điện màu rực rỡ nhưng không thể dửng dưng trước ngọn nến đang cháy.
Đôi khi thấy lòng mềm như sáp nóng. Đôi khi mơ hồ nghe một đời nến rất riêng,
chẳng mấy khác người, càng rực rỡ, càng mau lụi tàn. Bấc cứ cháy, lửa cứ bừng sáng,
hoa nến vỡ reo tanh tách trước tôi chập chờn... nến cứ ứa từng dòng như lệ, hiến
dâng đến giọt cuối cùng. Nhìn cây nến ngắn dần, cứ nghe một chút mất mát, buồn
tiếc vu vơ. Thuở nhỏ, mỗi khi mất điện tôi thường lục tìm trong ngăn kéo những đoạn
nến cũ mò mẫm thắp lên để được hưởng cái niềm vui thắp lên ánh sáng giữa đêm đen
và cảm giác rất lạ được trở về từ bóng tối. Cứ thế, những mẩu nến thừa lại tiếp
tục cháy lên ngọn lửa tinh khôi như mới bắt đầu, làm bừng sáng niềm vui, đam mê
và hy vọng. Mùa xuân, tôi muốn nói đến chút đam mê văn chương còn lại.
2. Tản mạn với Chư Yang Sin
Trước mặt tôi là vô số tạp chí với cơ man ảnh hình, thông
tin, tiếp thị và quảng cáo. Chúng luôn hấp dẫn nhưng cũng làm tôi nhiễu loạn và
nghi ngại (không nghi ngại sao được khi mà sách báo hiện nay in ấn tràn lan?).
Lẫn trong ấy là ấn phẩm Chư Yang Sin - Tạp chí sáng tác, nghiên cứu, phê bình văn
học nghệ thuật, đứa con của Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk. Thế đấy, Chư Yang
Sin bao giờ cũng là một ngọn nến khiêm tốn, nhỏ nhoi và còn rất lạ như cái tên
của mình, một đỉnh núi heo hút khuất lấp giữa đại ngàn. Nhưng tôi biết, để thắp
lên được ngọn nến văn học nhỏ nhoi ấy Chư Yang Sin đã thể hiện một nỗ lực không
khiêm tốn chút nào. Và tôi tin, như tôi, nhiều thế hệ đã yêu mến, gắn bó với Chư
Yang Sin, đã tự nguyện sẻ chia và nâng niu những giá trị thực còn lại của cuộc
sống như nâng niu, giữ gìn chút nhiệt huyết và mơ mộng của một thời tuổi trẻ. Để
đứng vững đến ngày hôm nay, những người làm tạp chí đã phải phấn đấu không mệt
mỏi. Những lớp đàn anh sáng lập ngày ấy phải kể đến nhà thơ Hữu Chỉnh, nhà thơ
Phạm Doanh, nhạc sĩ Nguyễn Lưu, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Chính Hữu, rồi nhạc sĩ Linh
nga, nhà báo Đinh Hữu Trường sau này. Còn bây giờ có nhà báo, nhà thơ Đặng Bá
Tiến, nhà văn Khôi Nguyên, nhà văn Hồng Chiến, Họa sĩ An Quốc Bình… và rất nhiều
anh chị em khác đã gắn bó với tạp chí từ những ngày đầu như Lê Vĩnh Tài, Lê Thị
Minh nghiệm, Sơn Thúy, Tiến Thảo, Trần Chi...
Cuộc sống vốn không
dễ dàng gì đối với những đam mê của những người làm văn nghệ. Đặc biệt trong thời
đại mà người ta luôn không đủ thời gian thì với nhiều người, đọc và viết đã trở
thành cái gì đó xa xỉ, thậm chí phù phiếm và xa lạ. Còn những người yêu văn nghệ
như tôi và bè bạn, cứ mãi đi tìm những điều hiếm hoi tưởng đã mất trong những
trang viết âm thầm nhưng không chút dối lừa ấy. Những trang viết làm bất chợt
thảng nhớ, thảng quên ấy cứ lấp lánh giữa cuộc đời quá nhiều đa đoan như mưa bão.
Nhiều khi vẫn hồn nhiên tin rằng mình sẵn sàng đánh đổi chút tiện nghi hiện tại
để được viết, được nói lên một điều gì đó dù nhỏ nhoi cho cuộc sống này hay chỉ
để được sống lại một kí ức như được về lại một bờ cũ khuất chìm. Đó là liều thuốc
trợ lực, một an ủi, một xoa dịu khi bị vấp ngã, bị cuộc đời quất cho những roi đau
điếng. Đôi khi tôi tự vỗ về mình trước trang bản thảo viết về cơn mưa, về con đường
rêu mất ngủ, về một tình yêu mong manh như không có thật. Hay về một vạt núi lở,
một cánh rừng hôm qua đã biến mất dưới bàn tay tàn bạo của con người, hay thường
khi hơn là viết về cuộc sống bề bộn, đầy ắp, ngổn ngang thời sự của một thời đại
năng động và đổi thay chóng mặt… để rồi hàng tháng, cầm trên tay quyển tạp chí
còn thơm mùi giấy và mực in mới thấy những cố gắng duy trì để tồn tại, cố gắng
làm mới, cả việc đấu tranh để nâng mức nhuận bút cho người viết, rồi tổ chức những
trại sáng tác, những chuyến đi thực tế, những lần giao lưu gặp mặt, những hội
thảo, những chuyên đề nâng cao chất lượng, những vun đắp kiếm tìm và chống chọi
quyết liệt của những người làm tạp chí trước sự xâm thực tàn bạo của cơn lốc thị
trường thật là đáng nể. Đáng để nhiều người phải nhìn lại mình và ngộ ra một điều
rằng cuộc đời đâu phải chỉ là chiếm đoạt tiện nghi và những toan tính thực dụng.
Ra đời năm 1990, mùa xuân này tạp chí đã tròn hai mươi bốn năm tuổi với 270 số
ra đều đặn hàng tháng (tôi có nhầm không?). Một con số đáng để làm nhiều Hội Văn
nghệ tỉnh khác ước ao. Cứ thế, Chư Yang Sin đã sống và trưởng thành với bao thăng
trầm. Thảng hoặc, đó đây có những trang viết còn non tay, còn quá dễ dãi. Đã từng
có những số tạp chí chưa hay, chưa hấp dẫn người đọc và có lúc, những tưởng đã
không còn trụ vững vì thiếu kinh phí. Nhưng ngọn nến ấy vẫn cứ được thắp lên, lúc
mong manh, lúc bừng sáng, như tên gọi của nó, bền bỉ và kiêu hãnh, dần đã lấy lại
vị thế, đã khẳng định được mình, xứng đáng là một trong những tạp chí đáng đọc.
Và đến nay đang bắt đầu thấp thoáng tầm vóc của một tạp chí văn nghệ có khả năng
vượt thoát ra khỏi biên giới một tỉnh và mang dấu ấn rất riêng của cả vùng Tây
Nguyên (tôi quá lạc quan chăng?).
Mùa xuân, thắp lên
24 ngọn nến mới làm ấm lại một sinh nhật hồng. Với tạp chí, chúng ta có quyền
hy vọng, chờ đợi như vẫn từng. Và như một người lính, Chư Yang Sin lại bắt đầu
một cuộc dấn thân mới với bao nhiệt huyết mà vẫn tràn đầy mơ mộng như thuở ban đầu.
Hoang nguyên, mùa
xuân về chậm. Cỏ đã vàng khô từ lâu đang chờ mưa và đợi dấu chân người. Rất thừa
những cơn gió ngang tàng nhưng thiếu chút lã lay của heo may bờ phố. Lá mưa từng
chuyến trên những con đường rừng nhiều cỏ gai bông dại cùng dấu chân nhọc nhằn
của những người miền rừng đi tìm cuộc mưu sinh. Ngoài kia trầm mặc bóng núi cây
rừng. Đã nghe nhớ bạn bè rất xa. Những gương mặt từng nhiều năm đồng hành cùng
Chư Yang Sin. Những ảnh hình chập chờn đâu đó trên từng trang tạp chí một ngày
chưa cũ. Người đã biệt mù, người đã cát bụi. Ai thắp nến cho cho Bùi Vũ Anh,
Cho Nguyễn Phi Trinh, Huệ Nguyên chiều nay? Người nhớ ít, người quên đã nhiều,
còn bao nhiêu anh em, bè bạn để mà tưởng tiếc?
3. … và đêm trên
núi
Cuối năm, một chuyến đi trên núi. Cả ngày phờ phạc với
gai rừng đá núi chỉ mong tìm chút mộng mơ và cảm xúc. Ngồi, nhóm lửa. Bây giờ
trước mặt tôi là những que củi - những ngọn nến đang cháy lên bập bùng trong một
đêm xuân trên núi tháng chạp. Hát một đoạn bài Happy Birthday to You
và chất thêm củi vào. Một mình với đêm Cao Nguyên thật thơ mộng. Dưới kia lấp lánh
ánh đèn, với tôi đã là một thế giới khác
Nhiều khi cuộc sống chung quanh vẫn còn những rủi ro, cạm
bẫy đang mai phục đâu đó nhưng hy vọng khi chu môi thổi tắt ngọn nến sinh nhật
sẽ hiện lên trong giấc mơ mỗi chúng ta vầng sáng tuyệt đẹp của cơn mộng lành,
phải không bè bạn?
Trên kia, đỉnh Chư Yang Sin im lìm, tưởng ngủ nhưng vẫn đang
âm ỉ thức.
Khuya xuống, nghe mình nhòa dần vào đêm, bất chợt một thoáng
tưởng tôi là ngọn nến cháy lên dẫu chỉ để kiệt cùng.
Krông Bông, tháng 12 năm 2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI