Chủ Nhật, 15 tháng 2, 2015

CHƯ YANG SIN SỐ XUÂN ẤT MÙI - tác giả ÁNH NGUYỆT

Nhà văn ÁNH NGUYỆT
hội viên Hội VHNT Dak Lak



MỘT BỨC TRANH XUÂN
LUNG LINH THANH KHIẾT
                                                                                   

Mùa xuân đến cây cối đâm chồi nẩy lộc, trăm hoa khoe sắc thắm. Vẻ đẹp tràn đầy sức sống của mùa xuân đã làm xao xuyến tâm hồn nhạy cảm của biết bao thi nhân. Chính vì vậy, mùa xuân trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho các thi nhân và các thi nhân đã dành sự ưu ái cho mùa xuân bằng những câu thơ, những bài thơ “đi cùng năm tháng”; trong đó phải kể đến bốn câu thơ tả vẻ đẹp mùa xuân trong đoạn 3: Kiều du thanh minh được trích trong tuyệt tác Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du (sách Ngữ văn 9).
Bằng tâm hồn tinh tế đầy cảm xúc, ông tả mùa xuân với một vẻ đẹp mượt mà trong sáng:
Ngày xuân con én đưa thoi,          
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi       
Cỏ non xanh tận chân trời                 
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.
Vẻ nên thơ, tràn đầy sức sống của mùa xuân trong không gian và thời gian được hiện ra: “Ngày xuân con én đưa thoi/ Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi”. Không gian và thời gian như hòa quyện vào nhau để tô điểm cho ngày xuân đẹp hơn. Những cánh én đang chao nghiêng qua lại giữa bầu trời mênh mông để sánh bước cùng mùa xuân. Nhà thơ đã vận dụng cách nói của người xưa “Nhật nguyệt như thoa”, hình ảnh cánh én đưa thoi xuất hiện trong những câu thơ trên vừa trữ tình, lãng mạn lại vừa giàu hình ảnh. Nó vừa là hình ảnh tả thực, vừa có sức gợi về “tốc độ vận hành” của thời gian, thời gian của thiên nhiên thời gian của đời người. Và vì vậy ở câu tiếp theo “Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi” không chỉ mang ý nghĩa thông tin về chín chục ngày xuân, nhưng đã qua “ngoài sáu mươi” mà còn gợi sự tiếc nuối, tiếc nuối về những ngày xuân đẹp đã chóng đi qua. Cũng vì vậy những câu thơ này đã khiến người đọc phải ngẫm nghĩ tới đời người, phận người. Tuổi xuân của đời người cũng thường qua nhanh như thế.
Mùa xuân đến theo lẽ tuần hoàn của tự nhiên, đem lại nguồn sống cho muôn loài như người xưa nhận xét “Xuân sinh, hạ trưởng, thu liễm, đông tàn” (mùa xuân sinh sôi, mùa hạ trưởng thành, mùa thu tích tụ lại, mùa đông thì úa tàn). Tác giả đã vén bức màn ảo của trời đất giúp chúng ta bước vào mùa xuân thật đẹp đẽ, đáng yêu, sắc xuân mơn mởn được trải rộng ra đến tận chân trời: Cỏ non xanh tận chân trời/ Cành lê trắng điểm một vài bông hoa. Mùa xuân mở ra bát ngát với cỏ non, trông như một chiếc thảm được dát bằng ngọc bích, màu cỏ ấy cứ đọng mãi trong tâm hồn ta. Đại thi hào đã vẽ nên bức tranh mùa xuân bằng trái tim ngập tràn cảm xúc và bằng những ngôn từ sang trọng, lịch lãm của một người xuất thân từ dòng dõi “trâm anh thế phiệt”. Hai câu thơ này, tác giả lấy ý từ một câu thơ cổ của Trung Quốc: “Phương thảo liên thiên bích/ Lê chi sổ điểm hoa”. Nguyễn Du không “bằng lòng” với câu thứ hai: “Trên cành lê có mấy bông hoa”, nên ông đã thêm vào “một vài” bông hoa trắng khiến cho bức tranh mùa xuân đẹp như một giấc mơ. Ở đây, nhà thơ đã sử dụng nghệ thuật đảo ngữ, đưa tính từ “trắng” lên trước từ “điểm” như một cách để nhấn mạnh thêm vẻ đẹp thanh khiết của mùa xuân, của thiên nhiên. Đọc thơ ông, chúng ta có cảm giác như đang được xem một bức tranh tuyệt mỹ và thưởng thức một bản tình ca du dương bởi ngôn ngữ thơ được kết hợp hài hòa giữa âm nhạc và hội họa. Người xưa có câu “Thi trung hữu họa”, đại thi hào đã kết hợp giữa một tư duy thơ sắc sảo với việc khai thác triệt để biện pháp tu từ của ngôn ngữ tiếng Việt để vẽ nên một bức tranh “đầy đặn” của mùa xuân. Từ đó, ông đã tạo nên những lời thơ thần diệu để rung động tâm hồn người đọc, những vần thơ ấy không bị xói mòn theo dòng chảy của thời gian. Tác giả đã dùng thể thơ lục bát, một thể thơ giàu nhạc tính của dân tộc để chuyển tải, nên dễ đi vào lòng người.
Chỉ bốn câu, hai mươi tám chữ cùng một số hình ảnh:Cánh én, cỏ non, cành lê Nguyễn Du đã vẽ nên một bức tranh mùa xuân lung linh đẹp đến mê hồn.
Ngẫm nghĩ về bốn câu thơ này của thi hào Nguyễn Du khiến tôi nhớ tới một câu chuyện: Trước khi chết, vua Phổ cầm tay nhạc sĩ Môda bảo rằng: “Ta tiêu biểu cho trật tự, ngươi tiêu biểu cho nghệ thuật biết đâu hậu thế sẽ quên ta mà nhắc đến ngươi”. Đúng vậy, những gì thuộc về nghệ thuật đích thực sẽ trường tồn mãi với thời gian!




1 nhận xét:

  1. lãng đãng hơi thở mùa xuân,
    giọng điệu nghe rất gần gũi,
    đọc lên cũng thấy vui vui.

    Trả lờiXóa

NHẬN XÉT MỚI