Thứ Bảy, 21 tháng 2, 2015

CHƯ YANG SIN SỐ XUÂN ẤT MÙI - tác giả THU HƯƠNG

Nhà văn - Nhà báo THU HƯƠNG
(hội viên Hội VHNT Dak Lak)



LỄ CÚNG SỨC KHỎE CHO VOI
CỦA NGƯỜI M’NÔNG RLĂM TẠI HUYỆN LẮK



Có một nghi lễ đã tồn tại lâu đời trong cộng đồng người dân tộc M’Nông R’Lăm ở huyện Lắk thể hiện tình cảm và mối quan hệ giữa con người với con vật, giữa con người với vạn vật trong tự nhiên, đó là lễ cúng sức khỏe cho voi.
Tại Đắk Lắk, có 2 địa phương hiện nay vẫn còn lưu giữ được một số voi nhà đó là huyện Buôn Đôn và huyện Lắk. Liên quan đến voi, có rất nhiều lễ cúng như cúng trước khi đi săn, cúng sau khi đi săn về, làm lễ đặt tên cho voi, làm đám cưới voi, khóc voi… Trong đó, có một nghi lễ mang tính chất thường xuyên đó là nghi lễ cúng sức khỏe cho voi. Chúng tôi đã có may mắn được chứng kiến lễ cúng sức khỏe cho voi tại gia đình Yo Luyết, buôn Jun, huyện Lắk. Gia đình Yo Luyết có một con voi tên là: Na Ban. Khi Yo Luyết tổ chức cúng sức khỏe cho voi Na Ban thì có nghĩa là các con voi trong buôn đều được cúng. Yo Luyết rất phấn khởi khi có người quan tâm đến tập tục truyền thống của gia đình và buôn làng, ông cho biết: “Để cúng sức khỏe cho voi người M’Nông chúng tôi thường tổ chức trong 3 ngày bao gồm cúng rước ông bà về; cúng cho chủ voi và cúng cho voi. Việc cúng cho voi ngoài việc cảm ơn thần linh phù hộ còn cảm ơn voi đã giúp đỡ con người. Vì đối với con voi này, không chỉ có chủ voi dùng mà cả làng đều dùng nên dịp này cả làng đều tạ ơn cho voi”.
Nghi lễ cúng sức khỏe cho voi không nhất thiết phải là một ngày cố định trong năm mà có thể linh động vào bất cứ ngày nào trong năm để thuận tiện cho gia chủ. Vào ngày thứ nhất họ cúng cổng buôn và mời ông bà đã khuất về dự lễ. Nghi lễ này có ý nghĩa: Tỏ lòng biết ơn những người đã khuất, mời các linh hồn về chứng giám nghi lễ. Từ sáng sớm, các thành viên trong gia đình và những người trong buôn đến giúp đã tề tựu để lo mỗi người một việc. Lễ vật cho phần cúng này là 1 con heo và 2 ché rượu. Đầu tiên, người ta sẽ tiến hành giết heo để chuẩn bị đồ cúng. Sau khi các ché rượu đã được buộc vào cột lễ sẵn sàng cho lễ cúng thì lúc này cồng chiêng nổi lên, báo hiệu cho dân làng biết về buổi lễ này. Trong lúc cồng chiêng đang đánh thì thầy cúng và người phụ cúng rót rượu vào đầy một ống tre và một sừng trâu. Bà chủ nhà thì cầm cần rượu, thầy cúng và người phụ cúng sẽ đi xung quanh buôn, tưới rượu vào những gốc cây to, đọc lời cúng mời các linh hồn đã khuất về dự lễ. Sau đó, thầy cúng trở về nhà chủ voi là Yo Luyết để làm lễ cúng tổ tiên.
Trong lễ cúng này, thầy cúng còn dùng huyết heo để bôi lên các ché rượu sẽ được cúng, bôi lên cây cột ché rượu, bôi lên các chiêng trong dàn chiêng, trong gian bếp và ở 2 đầu hồi nhà. Đối với người Tây Nguyên có máu huyết là có hồn vì vậy nghi thức này có ý nghĩa là gọi hồn về.
Khi lễ vật đã được chuẩn bị đầy đủ gồm có một con heo đã luộc có đầu, mình, đuôi, có một bầu nước, xôi, rượu cần, cháo và các loại thịt như thịt băm nhỏ, nội tạng heo, thịt trộn huyết. Tất cả đã sẵn sàng, thầy cúng tiến hành làm lễ mời ông bà về hưởng và chứng giám cho con cháu trong lễ cúng sức khỏe cho voi, lời cúng tổ tiên có đoạn: “Hỡi thần cai quản linh hồn đã khuất/ Cai quản linh hồn ông bà chú bác/ Cơm mang cho ăn, nước đem cho uống/ Ở trong hang giữ con cháu yên lành/ Đây ché rượu bô, con heo thiến dâng lên cho các thần/ Cho linh hồn ông bà chú bác đã khuất”.
Sau khi cúng xong, thầy cúng làm nghi thức mời linh hồn đã khuất vào nhà hút thuốc, uống rượu. Sau đó, lần lượt mời các ông bà, chú bác, chủ nhà, khách đến dự cùng cầm cần rượu để tỏ lòng quý mến. Lúc này, mọi người sẽ cùng nhau nghe đánh cồng chiêng và uống rượu cần cho đến hết ngày.
Sang ngày thứ hai, nhà Yo Luyết lại rộn ràng để tổ chức nghi thức cúng sức khỏe cho chủ voi. Chủ voi là 2 vợ chồng Yo Luyết, năm nay đã gần 80 tuổi. Nhà Yo Luyết sở hữu con voi này từ năm 1962. Lễ vật được chuẩn bị gồm 4 ché rượu. Trong đó, 3 ché rượu cúng cho 3 vị thần, ché rượu thứ nhất cúng Yang Teh là vị thần cai quản đất đai, nương rẫy, phù hộ cho chủ voi trong canh tác nương rẫy để đất đai màu mỡ, hoa màu tốt tươi. Ché rượu thứ hai là cúng cho Yang Bri có nghĩa là ông Trời, là vị thần tối cao của các vị thần, giúp cho mưa thuận gió hòa, bảo vệ mùa màng và sức khỏe con người, sức khỏe các loài vật. Ché rượu thứ 3 cúng cho Yang Găp Uôn là vị thần cai quản dân làng và của cải, vật nuôi, phù hộ cho con người và con vật luôn gần gũi, trung thành với nhau, không phản chủ, không phá hoại mùa màng. Ché thứ tư cúng cho chủ voi cùng gia đình. Ý nghĩa của lễ cúng này là để cho thần linh phù hộ cuộc sống cho người và bảo vệ mùa màng, cai quản của cải, vật nuôi, cầu mong cho chủ voi có sức khỏe để nuôi dưỡng đàn voi khỏe mạnh, trung thành với con người. Thành phần dự có các chủ voi trong buôn và mọi người trong gia đình. Lời cúng gọi các vị thần có đoạn: “Hỡi thần cai quản, thần phù hộ/ Người cha sinh ra, người mẹ nuôi nấng/ Đàn ong cho nhiều mật, cây ra nhiều quả/ Tôi gọi thần sung, cây đa/ Thần cai quản muôn thú, Thần sinh ra con người/ Sinh con trai, con gái/ Sinh con trai biết xử phạt, sinh con gái biết đẻ con/ Mai này làm cho dân làng vui vầy/ Biết bắt chước người cha chú đi trước/ Làm theo ông bà ngày xưa,…”
Nghi thức cúng xong, thầy cúng mời chủ nhà uống trước, đến vợ và con cái trong nhà, sau đó mời mọi người đến dự uống để cùng chia vui chúc mừng chủ voi và gia đình.
Sang ngày thứ 3 là lễ cúng sức khỏe cho voi. Lễ vật chuẩn bị cũng 1 con heo cùng với 4 ché rượu cần, 3 ché cúng cho 3 vị thần là Yang Teh, Yang Bri và Yang Găp Uôn, ché thứ 4 là cúng cho voi. Trong các lễ vật, người ta còn đặt những tấm vải thổ cẩm, áo truyền thống với ý nghĩa xem voi cũng như con người. Khác với các lễ cúng hôm trước, cúng cho voi người ta thắp đèn cầy lên ché rượu. Nghi thức được thực hiện trước hiên nhà chủ voi. Khi lễ vật đã được chuẩn bị đầy đủ. Voi của chủ nhà và 6 con voi khác ở trong buôn được các chủ voi và nài voi tập hợp trước hiên nhà Yo Luyết để được tham gia lễ cúng sức khỏe.
Khi mọi thứ đã sẵn sàng, cồng chiêng nổi lên báo hiệu buổi lễ sắp sửa bắt đầu. Người ta phát cho nài voi mỗi người một cây đèn cầy, thầy cúng cúng tới con voi nào thì đèn cầy ở trên cây khèo của con đó cũng được thắp lên. Trước khi cúng, thầy cúng rải gạo lên mình voi, bôi huyết lên đầu voi. Điều này có ý nghĩa: Thể hiện sự trung thành, gắn bó giữa voi và người, để các thần linh ngăn cản và chỉ bảo đàn voi không phá hoại mùa màng, hoa màu của con người làm ra. Voi của chủ nhà luôn được cúng trước rồi lần lượt đến các voi khác. Khi cúng, thầy cúng vừa tưới huyết lên đầu voi vừa đọc lời cúng, lời cúng có đoạn: “Cầu mong các thần làm cho con voi khỏe, kéo cây gỗ, ăn lá rừng/ Kéo cây làm xà dọc xà ngang, làm cột nhà to chắc/ Nếu con trai người ta nhắc trong chòi/ Nếu con gái người ta nhắc trong nhà/ Nhắc mỏi miệng, mỏi cằm/ Cho thần quản buôn nghe/ Nhắc cho ông bà xưa nghe/ Cùng hút chung một ống điếu/ Uống rượu chung một cần/ Để có sức kéo cây về làm xà, cây cột nhà/ Để nhà cao bằng núi, cho nhà dài bằng sông”.
Trong lễ cúng này, các nài voi cũng được cúng sức khỏe. Đến con voi nào được cúng thì nài voi cũng được ban rượu, thịt và thực hiện nghi lễ nhận vòng đồng, có nghĩa là cam kết thương yêu voi như người bạn, chăm sóc cho voi luôn khỏe mạnh, không phá phách để giúp đỡ mọi người. Sau khi nghi thức cúng sức khỏe cho voi hoàn tất thì chủ nhà voi tổ chức lễ cúng mời tất cả chủ voi, nài voi và tất cả khách đến dự một buổi tiệc ăn mừng, mọi người chúc nhau những điều tốt lành cho đến tan buổi tiệc. Yo Luyết cho biết thêm: “Lễ cúng sức khỏe cho voi là một nghi lễ truyền thống có từ lâu và hình thức thực hiện từ trước cho đến nay không thay đổi. Đối với gia đình thì thực hiện 2 năm 1 lần lễ cúng này. Các chủ voi ở buôn đều tổ chức nên voi trong buôn hầu như năm nào cũng được cúng sức khỏe cả. Trong lễ cúng này, chi phí do chủ voi chịu, còn các chủ voi khác và dân làng có lòng hảo tâm thì đóng góp thêm”.
Mỗi con voi ở buôn Jun đều có một cái tên thân thương như con người, như Na Ban, Na Túc, Thông Răng, Na Plu, Na Văn, Bak Nang… Lễ cúng sức khỏe cho voi cũng là dịp để con người tạ ơn, nhắc nhở con người luôn luôn biết yêu quý và trân trọng voi, con vật luôn trung thành và phục vụ cho con người. Đây cũng là dịp để buôn làng được sống trong không khí lễ hội truyền thống, được nghe tiếng chiêng, uống rượu cần, càng gắn bó đoàn kết với nhau hơn.



















Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI