Chủ Nhật, 11 tháng 10, 2020

"CHA MẸ ĐẶC BIỆT" CỦA BỆNH NHI SƠ SINH PHÒNG KÍNH ký của H’XÍU HMOK - CHƯ YANG SIN SỐ 337 THÁNG 9 NĂM 2020

 


 

 

Phòng Nhi sơ sinh, khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh, Bệnh viện đa khoa Vùng Tây Nguyên đặc biệt hơn so với nhiều khoa phòng khác. Tại đây, những “mầm sống” vừa sinh ra đã buộc phải chăm sóc trong môi trường vô khuẩn với nhiều thiết bị kỹ thuật trên người. Mọi việc chăm sóc điều trị và đáp ứng các nhu cầu cơ bản của các cháu đều được các bác sĩ và nhân viên bệnh viện đảm nhận. Bằng tình yêu thương và trách nhiệm, các bác sĩ và điều dưỡng ở đây đã và đang ngày đêm chăm sóc, điều trị cho những bệnh nhi sơ sinh để các cháu thực sự được “chào đời”.

Những bệnh nhân đặc biệt

Chăm chú ngắm nhìn cháu nội qua lớp tường kính phòng sơ sinh, Khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên, bà H’Rai Niê ở buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk không khỏi xúc động, rơi nước mắt. Cháu bé sinh non, chỉ nặng 1,8kg, phổi và tim chưa phát triển đầy đủ. Bé được các bác sĩ chuyển vào đây ngay sau khi sinh chiều hôm trước. Nhìn cháu nội nhỏ xíu mà máy móc, dây dợ chằng chịt khắp người, bà H’Rai không khỏi xót xa. "Tôi chỉ được nhìn cháu từ ngoài phòng qua cửa kính, còn lại đều do các bác sĩ chăm sóc. Chỉ khi nào họ gọi bảo mang tã, sữa thì mình chuẩn bị sẵn để mang vào đưa họ. Họ cũng quan tâm, chăm sóc tốt lắm. Tôi chỉ mong cháu mình qua khỏi bệnh tật, có thể lớn lên, khỏe mạnh bình thường. Đây là cháu nội đầu lòng nên tôi thương lắm"- bà H’Rai chia sẻ.

Nằm cạnh cháu nội bà H’Rai là một bé gái khác mới sinh được khoảng 2 tuần, cháu bị đa dị tật, không tự ăn được mà phải truyền thức ăn qua đường ống. Mẹ cháu là chị H’Bê Hy Byă, 21 tuổi, dù còn yếu do mới sinh nhưng vẫn cố gắng túc trực bên ngoài để được nhìn thấy con mỗi ngày. Chị H’Bê Hy tâm sự, chưa kịp vui mừng khi sinh được đứa thứ 2 là con gái thì không may con lại bị bệnh tật như vậy, gia đình cũng buồn lắm nhưng không biết làm sao, thôi thì còn nước còn tát, đành nhờ cậy các y bác sĩ chăm sóc, cứu chữa cho con. Chỉ mong sao con sẽ vững vàng vượt qua giai đoạn này, lớn lên khỏe mạnh để sớm được về nhà.

Phía bên trong phòng kính, đi khắp lượt từng giường bệnh, điều dưỡng Cao Thị Thu Hiền cẩn thận kiểm tra lại vị trí đặt ống bơm, thiết bị hỗ trợ và khăn tã cho từng bé. Với chị và các điều dưỡng viên đang công tác tại khoa, đây là việc cần làm thường xuyên để xem các cháu có đang ổn định hay không, bởi như chị Hiền nói, người lớn mà có bị lệch kim, trật ven khi đau còn biết nói, biết gọi, chứ với các cháu nhỏ thì việc đó là không thể. Vậy nên, lỡ không để ý mà kim truyền hay ống dẫn bị lệch ra ngoài sẽ rất nguy hiểm, thậm chí có thể dẫn đến những sự việc đau lòng.

Những bệnh nhi nằm trong phòng kính đều là những em bé mới sinh còn đỏ hỏn. Nhiều cháu sinh non thiếu tháng, cân nặng chỉ vài trăm gram, nhiều chức năng cơ thể chưa hoàn thiện. Có cháu lại bị đa dị tật hay bị các nhiễm trùng. Có cháu được người dân đưa đến cấp cứu vì bị bỏ rơi khi vừa mới sinh, nhau rốn vẫn còn nguyên. Không có người thân của các cháu hỗ trợ, các y bác sĩ và nhân viên điều dưỡng lại vừa làm nhiệm vụ chăm sóc, điều trị vừa làm luôn nhiệm vụ tìm kiếm nguồn hỗ trợ, nhờ Khoa hoặc các tổ chức từ thiện quyên góp chi phí tã, sữa cho các cháu. Có cả những trường hợp bệnh nặng không qua khỏi, người nhà không có tiền đưa về, các nhân viên y tế lại quyên góp mỗi người một chút để hỗ trợ. “Nhiều bé vào viện nhìn rất thương, mình cảm thấy có sự đồng cảm. Nhiều ca khiến các y bác sĩ phải rơi nước mắt vì quá tội. Bản thân mình chăm sóc các cháu cũng đòi hỏi cẩn thận, tỉ mỉ một chút” – Điều dưỡng Cao Thị Thu Hiền chia sẻ.

Bệnh đông không sợ bằng bệnh nặng

Với 5 bác sĩ và 23 điều dưỡng, trung bình mỗi ngày Phòng Nhi sơ sinh chăm sóc và điều trị cho khoảng 60 bé. Thời gian cao điểm, số lượng bệnh nhi có thể lên đến hơn 100 cháu/ngày. Theo bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Đức Toàn, Quản lý Phòng với hệ thống trang thiết bị đặc chủng và những cán bộ y tế tận tâm tận tình, Phòng có thể đáp ứng tốt việc chăm sóc và điều trị cho các bệnh nhi sinh non thiếu tháng hoặc mắc các bệnh lý, dị tật... Từ khi được thành lập năm 2014 đến nay, Phòng đã điều trị thành công cho rất nhiều trường hợp; mức tỉ lệ sơ sinh tử vong dưới 5%. Đối với mỗi bác sĩ, khi tiếp nhận một trường hợp bệnh nhi, việc đầu tiên là thăm khám, kiểm tra khả năng sinh tồn của bệnh nhi cũng như các vấn đề mà các cháu đang gặp phải, rồi từ đó nhanh chóng đưa ra các hướng chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Hàng ngày, mỗi nhịp sinh học của các cháu, từ ăn, uống, thay tã, lấy máu xét nghiệm hay thực hiện y lệnh của bác sĩ đều do các điều dưỡng viên thực hiện. Mỗi buổi sáng, việc đầu tiên của các điều dưỡng viên phòng kính khi vào ca là kiểm tra xem các cháu có bị đờm, nhớt không và phải vệ sinh, hút đờm cho các cháu. Tiếp đó là vệ sinh rốn, thay tã và quần áo, làm thuốc, lấy máu xét nghiệm, cho ăn và thực hiện y lệnh. Việc thay tã và cho ăn được các cô thực hiện thành nếp, cứ 4 tiếng thay tã một lần và 3 tiếng cho ăn một lần. Cứ như vậy, công việc nối tiếp nhau thành thói quen, các cô luôn chân luôn tay đều đặn chăm sóc các bé. Người thân của các cháu cũng nắm được lịch sinh học này và phối hợp nhịp nhàng với các điều dưỡng viên. Trước giờ ăn của các cháu, người nhà chuẩn bị sẵn tã sữa để vào nơi quy định để các cô lấy cho ăn. Các cô còn tỉ mỉ từng chi tiết nhỏ như bôi Vaserlin vào môi các bé để tránh khô môi khi các cháu nằm trong phòng kính máy lạnh.

Việc chăm sóc các bệnh nhi sơ sinh cũng khó khăn hơn bình thường bởi nhiều em bé sinh non hoặc thiếu tháng có thể trạng yếu và cân nặng ít. Nhiều cháu chỉ nặng vài trăm gram, đỏ hỏn, bé xíu. Trong khi đó, trên người các cháu phải sử dụng nhiều thiết bị kỹ thuật với đủ lớp bông băng, keo dính. Chỉ riêng việc tắm cho một cháu cũng cần sự hỗ trợ của 2 đến 3 người. Thế nên, các cô điều dưỡng cố gắng sắp xếp thời gian làm sao để có thể đáp ứng hết những nhu cầu cơ bản của từng bệnh nhi, và tranh thủ những thời gian trống để chăm sóc kỹ hơn những ca bệnh nặng. Những công việc như nhịp sinh học, được các y bác sĩ thực hiện hàng ngày. Nhiều y bác sĩ phòng kính tâm sự, dù bệnh đông, công việc nhiều hơn bình thường nhưng với họ bệnh nhân đông không sợ bằng bệnh nặng. Chỉ cần có một ca nặng, nhất là vào ban đêm thì tất cả ê kip trực phải thức trắng đêm, căng sức gồng mình dồn sức để cứu chữa, giành lại sự sống cho các cháu.

Những kỷ niệm khó quên

Điều dưỡng Cao Thị Thu Hiền chia sẻ, hơn 11 năm gắn bó với Phòng Nhi sơ sinh, với chị có rất nhiều kỷ niệm đặc biệt và đáng nhớ. Vào năm 2010, khi chị mới về công tác tại khoa được hơn 1 năm, lần đầu tiên chị phụ trách chuyển tuyến cho một ca bệnh nặng là bệnh nhi non tháng, con của một cặp vợ chồng hiếm muộn. Cháu bé sức khỏe rất yếu và tiên lượng không khả quan. Thời điểm đó, việc chuyển tuyến do một điều dưỡng đi theo phụ trách, xe chuyển tuyến cũng chưa được trang bị đầy đủ thiết bị chuyên dụng như hiện nay. Chị Hiền nhớ lại, hành trình dài gần 400km từ Buôn Ma Thuột đi thành phố Hồ Chí Minh khi đó rất gian nan, đường xấu, bệnh nhi không tự thở được và có những thời điểm bị ngưng tim. Suốt 8 tiếng đồng hồ trên xe, chị Hiền vừa theo dõi sức khỏe bệnh nhi vừa phải bóp bóng trợ thở và thực hiện các thao tác cấp cứu, xoa bóp tim. Sau này em bé được cứu sống, lớn lên khỏe mạnh, gia đình có đưa cháu quay lại thăm chị và gửi lời cảm ơn bệnh viện. Mẹ cháu bé cũng đặt tên con là Hiền để thay lời cảm ơn và ghi nhớ hành trình gần 400km giành lại sự sống đầy gian nan.

Theo bác sĩ Nguyễn Đức Toàn và nhiều bác sĩ khác tâm sự, điều đặc biệt khiến họ cảm nhận một cách rõ ràng nhất, cũng là lý do đặc biệt của họ khi gắn bó với Khoa, đó là ẩn sâu trong những thân thể bé nhỏ kia là sức sống và khả năng phục hồi rất mãnh liệt và kỳ diệu. Bác sĩ Nguyễn Đức Toàn kể: "Một đứa trẻ nhập viện bị ngưng tim, ngay lập tức các y, bác sĩ thực hiện nhanh, chuẩn các thao tác xử trí cấp cứu. Khi tim của bệnh nhi đập trở lại thì cơ địa của trẻ đáp ứng rất nhanh, tỉnh táo và không để lại di chứng. Khi trẻ rút được ống nội khí quản, ngưng thở máy, trẻ tỉnh táo, không để lại di chứng thì đó là niềm hạnh phúc của các thầy thuốc".

Có lẽ, niềm vui và hạnh phúc lớn nhất của các y bác sĩ Phòng Nhi sơ sinh là thấy các bé yên ổn từng giờ, đủ sức khỏe để ra viện, trở về với vòng tay yêu thương của người thân.

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI