CÂU HÁT TRƯỚC LÚC NGƯỜI ĐI XA
Lòng con sao cứ nghẹn ngào
Cái chiều hôm ấy được vào thăm cha
Được mang câu hát quê nhà
Hát cho Người lúc đi xa đỡ buồn
Trong câu hát có suối nguồn
Sông Lam thấp thoáng cánh buồm lá sen
Trong câu hát có ngọn đèn
Soi cho con bước những đêm vắng Người
Bác đi khắp bốn phương trời
Nghe bao khúc hát không nguôi nhớ làng
Trong câu hát có Nam Đàn
Có làng Sen với muôn vàn bông sen
Cát thì trắng, đêm thì đen
Một câu ví giặm mà nên xứ mình
Mà thêm sâu nặng nghĩa tình
Trước khi nhắm mắt Người dành cho con
Trong câu hát có nước non
Chiều nay như Bác vẫn còn đang nghe
Vẫn mong con với bạn bè
Hát câu ví giặm giọng quê Nam Đàn.
NGUYỄN HƯNG HẢI
LỜI BÌNH:
CÂU HÁT DÂNG
NGƯỜI “LẶNG LẼ BƯỚC TIÊN”
Đề tài Bác Hồ
trở thành mạch nguồn cảm hứng thiêng liêng không bao giờ vơi cạn trong văn chương nghệ thuật. Từ
âm nhạc, hội họa, sân khấu… cho đến thơ ca, hình tượng Bác hiện
lên vô cùng đẹp đẽ và tôn kính, đồng thời cũng gần gũi và thiết thân như người
cha, người ông với con cháu mình. Có lẽ chính điều đó đã làm xúc động
trái tim ta mỗi khi nhớ về Bác, người đã khai sinh ra Tổ quốc Việt Nam từ mùa
thu Cách mạng tháng Tám 1945 lịch sử.
Trong các
nhà thơ đương đại, có lẽ ít có thi sĩ nào lại dạt dào cảm xúc, dành nhiều tâm huyết và bền bỉ viết về Bác Hồ
nhiều và hay như Nguyễn Hưng Hải. Theo chỗ tôi biết, anh có hẳn hai tập thơ
riêng viết về Bác Hồ là “Cây bụt mọc trong vườn Bác” và “Ươm từ vườn Bác”, tổng
cộng có đến hơn 100 bài thơ. Thơ Nguyễn Hưng Hải là tiếng lòng chân thành và
ngưỡng vọng về Người với nội lực cảm xúc lớn lao tưởng chừng vô tận. “Câu hát
trước lúc Người đi xa” là bài thơ nhắc nhớ thời khắc “Bác đã lên đường nhẹ bước
tiên” về với thế giới Người Hiền vĩnh cửu.
Mở đầu bài thơ,
tác giả Nguyễn Hưng Hải khơi gợi lại giây phút thiêng liêng trước lúc Bác Hồ đi xa, để lại muôn vàn
tình yêu thương cho nhân dân Việt Nam và thế giới. Khát khao nghe lại câu hát
quê nhà với điệu ví giặm ngọt ngào và da diết, chính điều ấy đã trở thành câu
chuyện nhuốm màu sắc huyền diệu, thần tiên. Cảm xúc “nghẹn
ngào” được mang câu hát quê nhà vào hát cho Bác nghe, tác giả đã đặt tiếng lòng
mình vào một hoàn cảnh đầy xót xa và cảm động. Hát cho Bác nghe lần cuối cùng
những làn điệu quê hương xứ sở đã khiến Nguyễn Hưng Hải rưng rưng nỗi niềm
không sao cầm được nước mắt. Thể thơ lục bát bật ra tự nhiên như suối nguồn
muôn thuở, như câu hát nghĩa tình của xứ Nghệ thân thuộc ngàn đời:
Lòng con sao cứ nghẹn ngào
Cái chiều hôm ấy được vào thăm
cha
Được mang câu hát quê nhà
Hát cho Người lúc đi xa đỡ buồn
Trên nền cảm
xúc chung ấy, nhà thơ tiếp tục triển khai tứ thơ qua nhiều góc nhìn thẳm sâu từ
cuộc đời bao la của Bác. Chính câu hát cội nguồn xứ sở ấy đã hun đúc nên một
con người vĩ đại đã “tìm đường đi cho dân tộc theo đi” (Chế Lan Viên). Thế nên,
câu hát mà Bác muốn nghe hôm nay trước phút đi xa chính là câu hát về làng Sen xứ Nghệ,
nơi có dòng sông Lam thấp thoáng cánh buồm, có loài sen thanh
khiết giữa chốn đầm lầy ao cũ. Cao đẹp và sâu lắng hơn, chính câu hát nơi quê nhà xứ Nghệ
đã thắp lên ánh sáng của ngọn đèn trái tim, soi sáng cho tác giả và
bao người mai này khi không còn Bác nữa:
Trong câu hát có suối nguồn
Sông Lam thấp thoáng cánh buồm lá
sen
Trong câu hát có ngọn đèn
Soi cho con bước những đêm vắng
Người
Đâu chỉ thế,
câu hát cũng là cội nguồn cao đẹp, gợi nhà thơ liên tưởng đến những tháng năm bôn ba cứu nước của Người.
Trong ba mươi năm xa nước, có phút giây nào Bác không nhớ nước non, nhớ làng
Sen sâu nặng ân tình. Một món cà xứ
Nghệ, một hàng rào râm bụt đỏ đơm
hoa, một mái nhà tranh bên lũy tre xanh biếc… Tất cả điều đó đã chưng cất thành
câu hát làng Sen - câu hát Nam Đàn bồi hồi thương nhớ:
Bác đi khắp bốn phương trời
Nghe bao khúc hát không nguôi nhớ
làng
Trong câu hát có Nam Đàn
Có làng Sen với muôn vàn bông sen
Đọc những
câu thơ trên, lòng chúng ta không khỏi bồi hồi xúc động nhớ đến những câu thơ
sâu nặng lòng biết ơn và giàu chất suy tưởng của Chế Lan Viên khi viết về hành trình cứu nước và nỗi nhớ
nhà đến khắc khoải rưng rưng của Bác trong đêm xa nước đầu tiên: “Đêm xa nước đầu
tiên ai nỡ ngủ/ Sóng dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương/ Trời từ đây chẳng
xanh màu xứ sở/ Xa nước rồi càng hiểu nước đau thương” (Người đi tìm hình của
nước). Hai phong cách thể hiện, hai cách nhìn và cảm nghĩ về Bác, song tất cả đều
toát lên tâm tình kính trọng, thấu hiểu nỗi lòng Người lúc dấn thân tìm con
đường giải phóng cho dân tộc Việt Nam.
Trong hai khổ
thơ cuối bài, nội dung tư tưởng vẫn được triển khai từ mạch nguồn cảm xúc ban đầu nhưng sâu lắng và rộng
mở hơn. Câu hát trước lúc Bác đi xa đâu chỉ ám gợi về quê hương làng Sen - Nam
Đàn của Bác. Câu hát, câu hò, điệu
ví giặm xứ Nghệ kia còn là cõi nước
non, là thiêng liêng Tổ quốc trường tồn và bản sắc ngàn đời không đổi. Vẻ đẹp cao quý
đó được kết tinh thành tình cảm mà Bác Hồ đã dành cho toàn thể
dân tộc ta trước giờ phút đi xa mãi mãi:
Trong câu hát có nước non
Chiều nay như Bác vẫn còn đang
nghe
Vẫn mong con với bạn bè
Hát câu ví giặm giọng quê Nam
Đàn.
Có lẽ “Câu
hát trước lúc Người đi xa” được Nguyễn Hưng Hải thơ hóa từ bài hát “Lời Bác dặn trước lúc đi xa” nổi tiếng
của nhạc sĩ Trần Hoàn. Đó là nhạc phẩm làm người nghe không sao cầm được nước mắt
suốt mấy chục năm qua, và có lẽ mãi mãi sau này. Bây giờ đọc bài thơ này của
Nguyễn Hưng Hải, với lời thơ tự nhiên, ngôn ngữ giản dị, hồn thơ đậm đà tính
dân tộc qua thể lục bát, lòng mỗi
chúng ta không khỏi bồi hồi xúc động
khi nhớ về Người. Kỷ niệm 51 năm ngày Bác về cõi vĩnh hằng, đồng thời thực hiện
Di chúc thiêng liêng của Người để lại cho toàn dân tộc, bài thơ trở thành nén
tâm hương thành kính dâng lên Bác của tác giả và của mỗi người dân nước Việt.
LÊ
THÀNH VĂN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI