Thứ Năm, 29 tháng 10, 2020

XÂY DỰNG NGƯỜI PHỤ NỮ VIỆT NAM PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN tác giả NGUYỄN VĂN THANH - TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ 338 THÁNG 10 NĂM 2020

 




 

90 năm xây dựng và phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, phụ nữ Việt Nam đã và đang ngày càng có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng đất nước và sự nghiệp giải phóng phụ nữ, sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới. Kế thừa và phát huy truyền thống con cháu Bà Trưng, Bà Triệu, các thế hệ phụ nữ Việt Nam đã được rèn luyện, trưởng thành từ phong trào rộng lớn của phụ nữ Việt Nam qua các thời kỳ, đã có biết bao anh hùng liệt nữ tài giỏi, dũng cảm trong chiến đấu, cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất, xây dựng và bảo Tổ quốc, được lịch sử vinh danh, trở thành niềm tự hào to lớn của dân tộc.

Cách đây 90 năm ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã ghi: “Nam nữ bình quyền”. Đảng sớm nhận rõ, phụ nữ là lực lượng quan trọng của cách mạng và đề ra nhiệm vụ: Đảng phải giải phóng phụ nữ, gắn liền giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp với giải phóng phụ nữ. Đảng đặt ra: Phụ nữ phải tham gia các đoàn thể cách mạng (công hội, nông hội) và thành lập tổ chức riêng cho phụ nữ để lôi cuốn các tầng lớp phụ nữ tham gia cách mạng.

Chính vì vậy, ngày 20/10/1930, Hội Liên hiệp Phụ nữ chính thức được thành lập. Sự kiện lịch sử này thể hiện sâu sắc quan điểm của Đảng đối với vai trò của phụ nữ trong cách mạng, đối với tổ chức phụ nữ, đối với sự nghiệp giải phóng phụ nữ và Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định chọn ngày 20/10 hằng năm làm ngày truyền thống của tổ chức này, đồng thời cũng xem đây là ngày kỉ niệm và tôn vinh phụ nữ Việt Nam.

Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chị em phụ nữ Việt Nam đã góp phần xương máu vào thắng lợi huy hoàng của dân tộc. Tên tuổi các nữ anh hùng Võ Thị Sáu, Mạc Thị Bưởi, Trần Thị Lý, Mẹ Suốt, Lê Thị Hồng Gấm, Đặng Thùy Trâm và rất nhiều người khác là những biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân ta. Lịch sử sẽ còn mãi mãi ghi lại những hình ảnh chói ngời của những "đội quân tóc dài", những nữ chiến sĩ bất khuất trong tù, những mẹ già đào hầm bảo vệ cán bộ, cất giấu thương binh, những đội nữ dân quân bắn rơi máy bay phản lực, bắn cháy tàu chiến của địch, những nữ thanh niên xung phong "sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm". Hàng triệu người mẹ, người vợ đã vượt qua mọi hy sinh gian khổ, động viên chồng con đi chiến đấu, đảm đang việc nước, việc nhà, vững vàng gan dạ vừa sản xuất, vừa chiến đấu.

Cách đây hơn 50 năm trong di chúc thiêng liêng Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn chúng ta: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”.

Thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ kính yêu, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chỉ thị và nghị quyết nhằm giải phóng phụ nữ. Đường lối của Đảng được thể chế hóa trong Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp 1959. Chính sách bình đẳng nam nữ cũng được tiếp tục thể hiện nhất quán trong Hiến pháp (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 28/11/2013: “1. Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới; 2. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội; 3. Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới” (Điều 26). Quyền cơ bản của phụ nữ theo quy định của Hiến pháp được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật như: Luật Bình đẳng giới, Bộ luật Dân sự, Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ luật Lao động, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật Cư trú, Bộ luật Hình sự, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Quốc tịch...

Đặc biệt, sau gần 35 năm đổi mới, cùng với sự phát triển của đất nước, phụ nữ Việt nam ngày càng khẳng định được vị thế trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động của Đảng có 3 nữ Ủy viên Bộ Chính trị và cả 3 người đều là đại biểu Quốc hội. Tại cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021 đã có 132 nữ đại biểu trúng cử, đưa tỷ lệ nữ đại biểu lên 26,%, tăng 2,3% so với nhiệm kỳ trước.

Trong lĩnh vực kinh doanh, kể từ khi thực hiện Luật Doanh nghiệp mới, số doanh nghiệp do nữ làm chủ cũng tăng lên. Theo số liệu nghiên cứu của Hội Nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội (HAWASME), hiện nay, có khoảng 24,8% doanh nghiệp do phụ nữ quản lý (riêng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, có 25% doanh nghiệp do phụ nữ quản lý).

Trong lĩnh vực giáo dục, hơn 90% phụ nữ biết đọc, biết viết; tỷ lệ tốt nghiệp đại học là 36,24%, thạc sĩ là 33,95% và tiến sĩ là 25,69%. Trong các cơ quan nghiên cứu, quản lý khoa học và đào tạo, tỷ lệ nữ giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ đều tăng. Điểm nổi bật của phụ nữ là, dù ở cương vị công tác nào, chị em cũng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục mọi khó khăn về bản thân, gia đình, không ngừng phấn đấu, vươn lên, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao và có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Đặc biệt, trong quân đội, gần đây Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga, nữ sĩ quan thuộc Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam, lên đường làm nhiệm vụ tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Xuđăng. Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga là nữ sĩ quan đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia Lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Trong các lĩnh vực khác như y tế, khoa học-kỹ thuật, văn hoá, thể thao và du lịch… phụ nữ cũng có những đóng góp to lớn.

Trên đây là những con số sinh động, là bằng chứng chứng minh hiệu quả của những chính sách lớn của Đảng và Nhà nước đã tạo điều kiện cho phụ nữ Việt Nam phát triển.

Theo tinh thần Chỉ thị 35 CT/TW năm 2019 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, về tỷ lệ cán bộ nữ trong cơ cấu cấp ủy phấn đấu đạt từ 15% trở lên và có cán bộ nữ trong ban thường vụ. Như vậy, việc  nâng cao quyền của phụ nữ trong đời sống chính trị - xã hội là một cam kết chính trị của Đảng và Nhà nước Việt Nam với nhân dân và thế giới. Trong mọi chủ trương, đường lối và chính sách, pháp luật, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến vấn đề phát triển toàn diện phụ nữ như là một giải pháp phát triển xã hội bền vững, là tương lai tốt đẹp của đất nước.

Kỷ niệm 90 năm ngày thành lập, chúng ta cùng nhau ôn lại truyền thống và những phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam qua từng thời kỳ bằng tấm lòng biết ơn vô hạn và tình cảm trân trọng đối với những người Mẹ, những người: Cả thế giới nương nhờ - dưới hai bầu vú sữa - Trời không ánh sáng, hoa nào nở - Dạ vắng yêu thương, cảnh những sầu - Đời thiếu Mẹ hiền, không Phụ nữ - Anh hùng, thi sĩ hỏi còn đâu?(Mác xim Goocky).

 Tài liệu tham khảo:

1. -Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp giải phóng phụ nữ, NXB Thông Tấn, HN, 2005.

2.-  Toàn văn Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, NXB Trẻ, năm 2007.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI