Thứ Năm, 8 tháng 10, 2020

AMA THUỘT, SỰ THẬT CHỨ KHÔNG CHỈ LÀ HUYỀN THOẠI… tác giả LÊ VĨNH TÀI - CHƯ YANG SIN SỐ 337 THÁNG 9 NĂM 2020

 




 

 

Những ghi chép về tuổi tên người…

Ama Thuột là “bố chàng Thuột”, vậy có người nào tên là Y Thuôt không? Câu trả lời là CÓ. Xin tham khảo vài tài liệu sau:

1. Theo “Bulletin Administratif de l’Annam (1923), No. 21, p. 1367”, phần nói về việc bổ nhiệm nhân sự cho Tòa Luật tục Darlac (Tribunal Indigène au Darlac) vào ngày 07-11-1923. Trang 1367: “Sont nommés Assesseurs: Y Tuôp dit Ma Bok chef de Buôn-Ma-Thuot...” và “Y Thuot chef de Buôn-Niêng...” Như vậy, đã từng có một người tên là Y Thuot, lúc đó là Trưởng Buôn Niêng, được bổ nhiệm chức Thẩm phán Tòa Luật tục Darlac từ ngày 07-11-1923.

2. Theo “Journal Officiel de la République Française (02-10-1929), p. 11156”, phần này nói về việc “ông Y Thuot đại diện cho gia đình bên vợ (họ Alêô) ở Buôn Niêng giải quyết về việc đất đai”. Như vậy, ông Y Thuot (Trưởng Buôn Niêng) có một người vợ tên là H’Wênh Alêô ở Buôn Niêng.

3. Theo “L. Maillot, (1927); Autour d'un scandale colonial: Le Darlac, p. 46”, đây là bài viết về “đơn thỉnh nguyện của một số Trưởng Buôn và chức sắc người Thượng, đại diện cho các sắc dân Thượng tại Darlac gửi Chính phủ thuộc địa Pháp nói về việc xin được sự bảo hộ trực tiếp của Pháp, không cần qua [trung gian là] triều đình Huế…” “Nous déléguons Y Tuôp, Y Thuôt, Ro'Leo et Diong pour dire cela et pour qu'on le sache toujours...” Như vậy, đứng tên trong đơn thỉnh nguyện này có ông Y Thuôt (lúc này vừa là Trưởng Buôn Niêng, vừa là Thẩm phán Tòa luật tục Darlac).

4. Theo “Bulletin Administratif de l’Annam (1930); No. 10, p. 294”, phần này (28-5-1930) nói về việc bổ sung nhân sự cho Tòa Luật tục Darlac: “...Y-Blo dit Ma-Priu, notable de Buôn-Kduu, de la tribu des Rhadês Kha, et Y-Diao, dit Ma-Tru'ng, notable de Buôn-ma-Thuôt de là tribu des Rhadês Kpa, sont nommes assesseurs du dit tribunal, en remplacement de R’Leo dit Ma Krong nommé Juge Suppléant, et de Y-Thuot, chef de Buôn Niêng décédé”. Như vậy, từ ngày 28-5-1930, có ông Y Diao (Ma Trưng) đã được bổ sung vào chức Thẩm phán Tòa luật tục Darlac để thay thế cho Thẩm phán Y Thuôt (cũng là Trưởng Buôn Niêng) đã chết.

Theo các trích dẫn, chúng ta đã có 4 tài liệu về ông Y Thuot. Ghi chú thêm: Có lẽ ông Y Thuôt chết trẻ nên không thấy ghi chú là Ma/Ama gì cả? (Chưa có hay có mà con còn nhỏ quá?)

Như vậy có người nào được gọi tên là Ama/Ma Thuôt không?

Lưu ý là có hay không, còn "công trạng" của ông là gì thì đó là câu chuyện khác. Câu trả lời là CÓ và đó là “Cha của ông Y Thuôt ta vừa nhắc”. (Mà ông Y Thuot có "người cha" thiết nghĩ cũng bình thường.) Xin tham khảo vài tài liệu sau:

1.Theo Paul Lechesne (1924), L’Indochine Seconde - Régions Mo#s (Kontoum - Darlac), p. 13: “Ces considérations libérales prennent leur importance quand on a entendu Mr Sabatier, résident du Darlac, à Ban mé thuot (Village du Père Thuot) qui soutient passionnément une thèse toute contraire”.

=> "(Village du Père Thuot) qui soutient passionnément une thèse toute contraire" = làng của Cha Thuot, một người nhiệt tình ủng hộ một luận điểm rất trái ngược... => Père = cha, tức là lúc đó đã có tồn tại "một người (père Thuot, là cha ông Thuột) đã ủng hộ..."

2. Roland Dorgelès (1924), Route des Tropiques - Ch. 6: Tombeau de la Race Mo#, pp. 131: “Ce Ma-Thuot, de la tribu des Rhadés Kpă, était avant l'occupation française chef d'un village sans nom qui dressait ses paillotes au bord de l'Ea Tam. Les premiers explorateurs qui campèrent dans ce hameau l'appelèrent tout naturellement Ban-Mé-Thuot, ce qui veut dire “Village du père de Thuot”, et c'est grâce à eux que ce sauvage aura légué son nom à la postérité”.

("Người Ma-Thuột này, thuộc bộ tộc Rhadés Kpă, trước khi người Pháp tới chiếm đóng, là trưởng một ngôi làng vô danh trên bờ Ea Tam. Những nhà thám hiểm đầu tiên khi đóng trại tại ngôi làng này khá tự nhiên gọi nó là Ban-Mé-Thuột, có nghĩa là “Làng của cha ông Thuột”, và chính nhờ họ mà cái tên này sẽ được lưu danh cho hậu thế”).

Trích thêm: "Người bị chôn cất không phải chỉ Ma-Thuột mà cả cái quá khứ đáng thương của cả vùng đất. Và định mệnh đã muốn tôi có mặt tại đó để gióng lên tiếng cồng nơi bờ huyệt của ông ta..."

Có lẽ do văn của Roland Dorgelès quá hay mà bài này có người quy kết nó là "văn chương" (nên không đáng tin cậy về "tài liệu"), nhưng cũng theo nhà văn Nguyên Ngọc thì chính nó lại bị loại khỏi giải văn chương Pháp năm đó vì ban giám khảo không cho nó là "fiction / tưởng tượng" mà là "nonfiction".

3. Albert Monfleur (1930), Monographie de la Province du Darlac, p. 36: “Subordonné en droit à la femme, l'homme l'est encore à l'enfant, ce dernier prend le nom de famille de la mère et le père lui-même change de nom à la naissance du premier né et s'appelle désormais père d'un tel ou d’une telle. Ma-Ut, Ma-H'Ngai, Ma-H'Bli ou Ma-Thuôt: père de Y-Ut, de H Ngai, de H'Bli et de Y-Thuôt”.

=> Ma-Ut, Ma-H'Ngai, Ma-H'Bli hay Ma-Thuôt: cha (père) của Y-Ut, H Ngai, H'Bli và Y-Thuôt”.

Với các chi tiết như vậy chứng tỏ người Pháp "có" nhắc tên ông nhiều lần trong các ghi chép về xứ sở này.

Lưu ý: Dù có 2 vợ (1 ở Buôn Alê và 1 ở Buôn Ako Siêr) nhưng cụ Ma Thuôt (Y Mun H’Đơk) lại không có người con ruột nào cả. Gia đình cụ nhận nhiều con nuôi trong cùng dòng họ. Mr. Y Thuôt là một người con trai nuôi (cũng chính là cháu của ông), Y Mun H’Đơk, do vậy, ông Y Mun H’Đơk được gọi là Ama/Ma Thuôt LÀ BÌNH THƯỜNG.

Ngoài ra, cụ Ma Thuôt lại (cũng theo Nguyên Ngọc, trong một chú thích ở bài viết giới thiệu tác phẩm "Rừng Người Thượng") có một cái mụn lớn ở trên mặt, mà “mụn cóc” tiếng Êđê kêu là “k’thuăt”. Do chữ “k’thuăt” tình cờ lại khá đồng âm với chữ “Thuôt”, nên (vì một chú thích nhỏ của nhà văn Nguyên Ngọc) có giai thoại rằng người ta gọi cụ Ma Thuôt là từ “Ma K’Thuăt” với ý nghĩa vui, bên cạnh lý do là gọi theo tên của con trai (Y Thuột) của cụ chăng? (?)

Thời điểm mất của cụ Ama Thuột?

Nhà văn Roland Dorgelès đã có mặt ở Buôn Ma Thuột đúng ngay dịp tang lễ Cụ Ma Thuôt. Trong 1 tài liệu liên quan đến tòa án xét xử cựu Công sứ L. Sabatier (1927), tòa đã xác nhận rằng R. Dorgelès có ở chỗ Sabatier tại Ban Mé Thuôt trong tám ngày.

Trong 8 ngày này, vợ chồng Dorgelès đã được gia đình Sabatier đón tiếp như bạn bè, dắt đi thăm thú các nơi và chính L. Sabatier còn như một hướng dẫn viên đưa R. Dorgelès đến dự lễ tang và cả lễ hạ huyệt cụ Ma Thuôt.

Điều này không có gì phải bàn cãi.

Vấn đề là, vợ chồng R. Dorgelès đã thực tế có mặt ở Buôn Ma Thuột theo những ghi chép nào và chính xác vào những ngày tháng nào? Vì nếu mốc thời gian mà được công nhận là chính xác thì bài viết của ông theo đó cũng sẽ trở thành tài liệu chính xác.

Để trả lời câu hỏi này, xin tham khảo tài liệu: "Py, Françoise (1978). Roland Dorgelès: de Montmartre à l'Académie Goncourt". Bibliothèque Nationale, [Bibliothèque de l'Arsenal, Paris, 20 Avril - 24 Juin]. Tài liệu này khá chi tiết, được viết theo kiểu “biên niên”, chủ yếu liệt kê các mốc hoặc sự kiện, hình ảnh đáng chú ý về cuộc đời hoạt động của R. Dorgelès.

Xin phép trích dẫn:

1.Vợ chồng R. Dorgelès có passport ngày 27-10-1923, lên tàu từ Pháp đi Đông Dương ngày 02-11-1923, đến Saigon sáng 29-11-1923. Sau khi ghé Vũng Tàu, Mỹ Tho, họ còn đi Hà Nội, đi thăm Vịnh Hạ Long rồi ghé Huế dịp Tết Nguyên đán Giáp Tý 1924. Sau khi rời Huế, họ có đi ngang Nha Trang rồi đến Darlac.

Họ đã ở tại Darlac gần một tháng, từ 15-02-1924 đến 15-03-1924.

2. Ba tuần đầu họ [dự các buổi săn voi] ở Ban Don (bài viết Tombeau de la Race Mo# chính là nói về khoảng thời gian 3 tuần này) và họ chỉ về ở Buôn Ma Thuột có 1 tuần cuối cùng, với gia đình Công sứ L. Sabatier. Trong 1 tuần này (có tài liệu ghi là 8 ngày), họ đã cùng Sabatier dự 1 phiên Tòa Luật tục xử việc thừa kế tài sản của cụ Ma Thuôt, dự lễ tang và cả lễ hạ huyệt cụ Ma Thuôt (bị chết cháy, xác cụ Ma Thuôt được quàn trong nhà con gái đến 8 ngày theo tập tục rồi mới đem chôn).

3. Như vậy, đến đây chúng ta đã biết là cụ Ma Thuôt mất [vào khoảng] ngày 05 – 06/3/1924, được chôn vào ngày 13 – 14/3/1924, theo lịch trình ghi lại của vợ chồng nhà văn R. Dorgelès.

Nói thêm về huyền thoại Y Thu/Thoou (Khăm Thu)

Ông là người gốc Lào (cha Lào, mẹ M’nong), làm nghề săn bắt và buôn bán voi ở Ban Don. Y Thu được tặng danh hiệu Khun-Junop (Dũng sĩ, nhiều cách viết danh hiệu này). Ví dụ trong 1 tài liệu của Auguste Pavie (1900): Mission Pavie – Indochine, Tập III, trang 295:

“Le Koun-Iounop est fils d’un Laotien et d’une femme Penong. Sa physionomie indique la finesse et la ruse”. (Khun- Junop là con của một người Lào và một phụ nữ Mnong. Hình dạng của ông cho thấy ông rất khéo léo và thông minh.” Cụ giỏi tiếng Pháp.)

Còn cụ Ma Thuôt là người Rhadé Kpă, ở ven suối Ea Tam (nhiều tài liệu ghi rõ rồi, bài báo nổi tiếng "đám ma..." (Roland Dorgelès (1924), Route des Tropiques - Ch. 6: Tombeau de la Race Mo#) còn tả lại cả 8 ngày tang lễ của Cụ), cách vùng Ban Don cả 3-4 chục cây số (xem lại tài liệu 2b. của R. Dorgelès bên trên): “Ce Ma-Thuot, de la tribu des Rhadés Kpă, était avant l'occupation française chef d'un village sans nom qui dressait ses paillotes au bord de l'Ea Tam...”

=> (Người Ma-Thuột này, thuộc bộ tộc Rhadés Kpă, trước khi người Pháp lên chiếm đóng, là trưởng một làng vô danh với các ngôi chòi dựng bên bờ Ea Tam...)

Sỡ dĩ nhắc lại vì có một bản đồ có chi tiết đáng chú ý: “B. THOOU”, làm nhiều người nghi ngờ về Ama Thoou và Ama Thuot (?), nhưng ngay phía dưới có ghi thêm “ou B. DÔNE = hay B. DÔNE”. Có lẽ bản đồ muốn nói tới “Buôn/Ban Thu HAY Buôn/Ban Don”. Để ý rằng, lúc đó trưởng Buôn/Ban Don là Khun-Junop (Y Thu) là người cực kỳ nổi tiếng, và người Pháp ghi chép về ông rất nhiều, ví như một bài rất hay về Khun Ju Nop tả về các nhóm khác (cả người Tàu) từ Ninh Hòa lên và tiếp xúc mua bán với ông (miêu tả về Darlac thời đó theo hướng quốc lộ 26, chứ không chỉ từ phía Mé Kong). Có lẽ do phiên âm, mà một số tài liệu của Pháp còn ghi tên không thống nhất, lúc thì Y Thu lúc thành Y Thou, nên có người nghi ngờ sang Ma Thuột. Vì ngoài ra chúng ta còn các tài liệu về công việc, cả mức lương của ông nữa. Lương ông khá thấp, chỉ ít gạo và muối... Có lẽ công viêc của "Tòa Luật Tục" là "công việc dĩ nhiên" của “già làng” các ông, nên lương bổng của các ông rất "tượng trưng".

Cuối cùng, việc gọi tên một buôn theo tên của vị Trưởng buôn (hoặc theo một địa thế đặc biệt nào đó: đầu nguồn, gần rừng...) là bình thường xưa nay, cũng không phải là điều gì quá xa lạ hay cưỡng ép.

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI