Cha từng ngồi ngắm mẹ chải đầu từ
thuở mới yêu cha, đến bây giờ các con đã lớn, đầu cha bạc rồi, nhưng cha vẫn
còn muốn ngắm. Cha biết rõ, biết đến mức “nằm lòng” và không bao giờ quên: Mái
tóc của mẹ xưa óng mượt như dòng suối sau nhà ta, như áng mây xanh lãng đãng
trên bầu trời trong những ngày thu đẹp nhất. Cha đã yêu mẹ của các con vì trái
tim nồng nàn và mái tóc ấy. Mái tóc không hề có bàn tay của người thợ tài hoa
điểm tô như bây giờ các con thường thấy. Mái tóc mẹ được cài bằng cái cặp tóc
làm từ mảnh xác máy bay, cha ngồi giữa Trường Sơn trong tiếng bom giặc ì ùng nổ
xa xa, bàn tay cha vụng về mài, dũa, chạm trổ, làm nên chiếc cặp tóc tặng mẹ
các con ngày hội ngộ. Mái tóc chưa hề biết tới một loại nước hoa nào ở trên đời
này, chỉ thơm mùi bồ kết, mùi lá chanh, lá sả trong vườn nhà thân thuộc. Cha đã
nhớ đến nôn nao, nhớ đến buốt lòng mái tóc của mẹ các con cả trong những ngày
chiến trận cam go nhất và mơ được vuốt ve trong bàn tay thô ráp của mình. Những
sợi tóc dài của mẹ các con đã như những sợi tình ràng buộc tâm hồn đa cảm của
cha với mẹ, làm nên tình yêu, hạnh phúc giản dị, nhưng hết sức bền chặt mà các
con đang cùng chung hưởng hôm nay.
Giờ... mái tóc mẹ đã lỏng răng
lược chải. Các con cũng lớn rồi, thỉnh thoảng ngồi nhổ tóc sâu cho mẹ, mấy chị
em cứ hỏi rồi cười: -Xem ảnh mẹ ngày xưa tóc mượt dài là thế... Sao bây giờ mẹ
không đội thêm tóc giả cho giống ngày xưa? Sao mẹ không đến tiệm làm tóc đầu
phố uốn cho nó bồng bềnh hợp mốt hôm nay...? Các con ơi, cha xin nói với các
con điều chân thành nhất từ gan ruột của cha: Mái tóc mẹ đã tàn phai theo năm
tháng vì các con, vì cha và cả vì non sông đất nước mến yêu này!
Các con sinh ra trong hòa bình,
biết đâu quê ta là hậu phương những năm đánh giặc, mẹ và bao người mẹ nữa đã đổ
mồ hôi, sôi nước mắt, có người đã phải đổ máu để làm nên những cánh đồng vàng.
Mẹ và bao người mẹ nữa từng thức trắng đêm đào bom nồ chậm, rồi hè nhau gánh
vứt ra xa, giành bãi đất nổi trên đồng làng trồng khoai, trồng sắn nuôi các con
và trao tay cho bộ đội lúc hành quân qua đường làng. Mẹ và bao người mẹ nữa
từng thức trắng đêm để thông đường, giúp vận chuyển quân lương, giúp bộ đội kéo
pháo vào trận địa... Nhiều đêm mệt lả người, các mẹ nằm bên đường gối đầu lên
cán xẻng, cán cuốc mà ngủ, tóc bết bê bùn đất. Ở chiến trường cha và đồng đội
đã nhận được những hạt gạo, những viên đạn ấm tình mẹ và tình hậu phương để làm
nên chiến thắng.
Rồi hòa bình cha trở lại quê
hương với những tháng năm đầy khó khăn, bức bối, thiếu thốn trăm bề. Nhiều ngày
nhà không gạo. Nhiều ngày nhà không sắn, không khoai. Cha tất bật, đôn đáo
ngược xuôi tìm việc làm trong nam ngoài bắc. Mẹ ở nhà ngày ngày đào rau má, sấp
mặt dọc bờ ruộng móc cua đồng, về đâm đâm giã giã làm nên loại cháo “đặc biệt”;
đến bây giờ cũng chưa có sách ẩm thực nào ghi chép, nhưng cha tin, tin mãi mãi
nó là thứ ẩm thực “đặc biệt nhất” để má các con hồng lên, tóc các con xanh lên,
các con cao lớn dần lên; đâu cần đến sữa bột, sữa tươi, sữa nội, sữa ngoại như
trẻ em bây giờ. Còn mẹ? Mẹ xanh gầy đi. Tóc mẹ cũng rụng dần, phai nhạt dần màu
đen óng ả. Các con vô tư, có thể các con chưa hiểu điều sâu xa nhất: Chính vẻ
đẹp mái tóc của các con và không chỉ có vẻ đẹp của mái tóc mà cả cuộc đời tươi
đẹp của các con là nhờ được mẹ yêu thương sẻ chia, truyền lại cho các con tất
cả vẻ đẹp của đời mình!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI