Thứ Năm, 15 tháng 10, 2020

DẠY VĂN, HỌC VĂN – ĐÔI ĐIỀU TRĂN TRỞ tác giả NGUYỄN PHƯƠNG HÀ - CHƯ YANG SIN SỐ 337 THÁNG 9 NĂM 2020

 


 

 

1. “Rằng hay thì thật là hay…”

Xưa nay, người ta thường nói “Dạy toán, học văn” có ý cho rằng: dạy toán và học văn là dễ, là sung sướng lắm! Việc dạy toán thì miễn bàn vì tôi là người ngoại đạo, nói không khéo lại phiền đến các bậc “mũ áo cân đai” còn việc học văn, xem ra phải tốn bút mực đàm đạo.

Xét về hình thức, trên giờ học văn, người học không phải “Trán như nổi sóng biển luân hồi” để tính toán, cân đo. Đối với những bài văn hay, với những thầy cô giáo giỏi, học sinh còn được thưởng thức những giờ học đầy cảm xúc thẩm mỹ, sinh động và hấp dẫn. Về bản chất, học văn không chỉ là học tập một môn khoa học mà còn là một quá trình tiếp nhận tác phẩm nghệ thuật ngôn từ, quá trình rèn luyện các năng lực văn và năng lực hoạt động ngôn ngữ. Nội dung dạy - học văn chủ yếu là các tác phẩm văn chương, các quá trình và hiện tượng văn học, do đó, người học văn không chỉ vận dụng tư duy khoa học mà còn phải vận dụng tư duy nghệ thuật, không chỉ nhận thức lý tính mà còn phải vận dụng nhận thức cảm tính, cụ thể, sinh động. Đến với tác phẩm, người dạy, người học trước tiên phải đọc, phải cảm thụ cái hay, cái hấp dẫn và ghi nhận ấn tượng ban đầu của mình rồi mới đi vào quá trình phân tích, đánh giá về tác phẩm.            Tác phẩm văn chương là một chỉnh thể nghệ thuật thống nhất về nhiều phương diện nội dung và hình thức, thống nhất trong quá trình sáng tạo của nhà văn, thống nhất các yếu tố trong và ngoài tác phẩm. Tác phẩm sau khi rời quá trình sáng tạo của nhà văn đã đi vào một đời sống riêng của từng bạn đọc ở những mức độ khác nhau, đi vào đời sống văn học như một chỉnh thể độc lập với người đã sáng tạo ra nó. Người đọc (người học) tuỳ theo vốn sống, vốn văn hóa, sự trải nghiệm và năng lực văn chương của mình mà cảm nhận, thâm nhập vào thế giới nghệ thuật của nhà văn, thế giới hình tượng của tác phẩm. Không sống hết mình với tác phẩm, vui buồn, sướng khổ, đi đứng, nói năng, khóc cười cùng nhân vật thì không thể cảm nhận được giá trị đích thực của nó.

Tính chất đa thanh, đa nghĩa của hình tượng nghệ thuật ngôn từ làm cho việc tiếp nhận của người học, người đọc gặp nhiều khó khăn và có thể khác biệt nhau. Vì vậy, chân lý nghệ thuật có phần khó xác định hơn so với chân lý khoa học, việc lượng hóa các đơn vị kiến thức ở một bài dạy - học văn cũng khó khăn hơn so với các môn học khác. Điều này tạo ra “cái dễ” về hình thức và “cái khó” về bản chất trong quá trình tiếp nhận văn học, quá trình dạy - học văn. “Cái dễ” bề ngoài ấy thường đánh lừa người ta nên nhiều người cho rằng học văn là dễ, là sung sướng lắm! Ai mà chẳng học được! Nhiều sĩ tử chọn ngành học, đi luyện thi đại học cho rằng: học Toán, Lý, Hoá, Sinh… thì khó quá, mình học yếu nên không theo được; học Sử, Địa, Ngoại ngữ thì phải học thuộc bài nhiều, suốt ngày phải “chi hồ dả dã”, mệt lắm! Tốt nhất là học Văn, vừa khoẻ vừa đỡ đau đầu. Người ngoại đạo ngộ nhận đã đành, ngay cả sinh viên Ngữ văn năm thứ ba nhiều khi còn ngỡ ngàng, có sinh viên không hiểu vì sao học văn thấy dễ thế, thích thế mà bài thi lại được điểm kém, hay là thầy cô giáo khó tính hoặc trù úm mình chăng?

Học văn là hạnh phúc, là niềm vui lớn đối với những người đam mê văn chương, biết rung động trước cái đẹp của hình tượng nghệ thuật, biết cháy hết mình với nó. Ngược lại, học văn không chỉ khó khăn mà còn là một cực hình đối với những học sinh không yêu thích và thờ ơ với nó, những người không biết rung động trước những hình tượng, cảm xúc thẫm mỹ của tác phẩm. Chân lý nghệ thuật dẫu không rạch ròi như chân lý khoa học nhưng là cái đích phải đến của người học văn, của quá trình tiếp nhận văn học. Bản chất của văn học chân chính bao giờ cũng phản ánh chân lý của đời sống, chân lý của lịch sử và sự thật của lòng người. Không thể vì cấu trúc nhiều tầng nghĩa của hình tượng văn học mà cho rằng, muốn hiểu ý nghĩa hình tượng văn học một cách chủ quan thế nào cũng được. Đấy là một thái độ thiếu nghiêm túc, một lối nguỵ biện thường gặp trong đời sống văn học, trong dạy văn, học văn.

Học văn học, tiếp nhận văn học đã khó, giảng dạy văn học lại càng khó khăn hơn. Dạy văn đâu chỉ là việc truyền thụ kiến thức mà chủ yếu là quá trình hoạt động hướng dẫn học sinh chiếm lĩnh tác phẩm, thâm nhập và cảm nhận thế giới nghệ thuật, nắm được giá trị thẩm mỹ của tác phẩm và ý đồ nghệ thuật của nhà văn, nắm bắt được các hiện tượng văn học, trên cơ sở đó mà rèn luyện năng lực văn, phát triển năng lực hoạt động ngôn ngữ, phát triển và hoàn thiện nhân cách cho học sinh. Muốn giảng dạy tốt, thầy cô giáo phải thực sự có năng lực văn, khả năng cảm nhận và phân tích văn học, đồng thời phải có năng lực sư phạm cần thiết. Kể ra những khó khăn từ đặc điểm bộ môn như thế, không phải là cực đoan, quan trọng hoá vấn đề mà là để nhận thức và ý thức được tầm quan trọng của vấn đề, từ đó để có thái độ và hành động đúng đắn.

2. “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài…”

Cụ Nguyễn Tiên Điền đã dùng câu thơ này để nói về vai trò của chữ “tâm” trong đời sống cũng như trong sáng tác văn chương, suy rộng ra, câu ấy cũng đúng với bất cứ nghề nghiệp, công việc nào, trừ những việc bất lương. Dạy văn, học văn đương nhiên là cần tài năng. Chữ “tài” ở đây được hiểu là năng lực văn, năng lực dạy, năng lực học. Năng lực bao gồm nhiều yếu tố: năng lực sử dụng ngôn ngữ, xây dựng văn bản, năng lực hoạt động lời nói và đặc biệt là năng lực cảm nhận, phân tích tác phẩm văn chương và các hiện tượng văn học… Năng lực ấy không tự nhiên có được mà là kết quả của một quá trình học tập, trải nghiệm, tích lũy lâu dài. Đương nhiên, tư chất cá nhân, những yếu tố bẩm sinh, di truyền là quan trọng và không thể phủ nhận, nhưng cái quyết định vẫn là ý thức tự vượt lên mình, là niềm đam mê khát bỏng của con người, của mỗi cá nhân đối với văn chương, đối với nghề nghiệp. Như vậy, trong nhận thức văn học, trong việc xây dựng năng lực dạy văn, học văn, chữ “tâm” mới thật quan trọng và có ý nghĩa quyết định. Nói đến chữ “tâm” là nói đến ý thức, nói đến lòng nhiệt tình và đam mê. Văn chương như một cô nàng xinh đẹp và khó tính, nó không chấp nhận thái độ lãnh đạm, thờ ơ, vô hồn, vô cảm.                 Văn chương cũng không chấp nhận sự giả dối và cẩu thả bởi vì sự cẩu thả trong nghề Văn là một điều “đê tiện” như cách nói của nhà văn Nam Cao. Chúng ta không thể thâm nhập vào thế giới nghệ thuật của tác phẩm nếu không biết xúc động trước những số phận bi kịch, không sống cùng nỗi đau và tâm trạng, niềm vui và khát vọng của nhân vật trên những nẻo đường đi tìm nhân cách. Chúng ta không thể hiểu được một bài thơ nếu không lắng mình rung động cùng những cảm xúc tinh tế, những rung động từ tâm hồn, những ấn tượng tinh vi từ tâm linh của người nghệ sĩ ngôn từ và tiếng đồng vọng từ sâu thẳm trái tim người đọc.

Tôi đã tham gia dự giờ khảo sát, thi giáo viên giỏi THCS và PTTH nhiều năm, thật xúc động và ấn tượng trước những giờ dạy hấp dẫn, đầy cảm hứng của những giáo viên giỏi nhưng nhiều khi cũng rất thất vọng vì những giờ dạy vô hồn, vô cảm, kém về tri thức và kỹ năng của một số bạn đồng nghiệp. Có người chuẩn bị thật nhiều mô hình, sơ đồ này nọ đưa ra nhưng không thật phù hợp, chẳng có mấy tác dụng cho bài dạy, có người lại lạm dụng công nghệ thông tin, chiếu hết cái này đến cái kia, biến giờ dạy văn thành một buổi thuyết trình lan man về các hình ảnh sao chụp được các yếu tố ngoài tác phẩm và chẳng đọng lại ấn tượng gì trong học sinh.

Thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, người ta lười đọc sách, kể cả một số thầy cô giáo. Người ta thường dán mắt vào Internet, vào màn hình điện thoại di động, mọi thông tin đều lấy từ Google. Có lần tôi yêu cầu sinh viên khoa Văn năm thứ 3, hệ Cao đẳng Sư phạm, đọc một bài Thơ mới (1932 – 1945) bất kỳ mà cả lớp không ai đọc được, sau một lúc tìm trong Google rồi mới có người giơ tay xin đọc. Đó là những chuyện đáng buồn. Không ai phủ nhận những giá trị và lợi ích to lớn mà công nghệ thông tin đem lại cho loài người nhưng cũng có những mặt trái, tiêu cực của nó khi người dùng nhận thức không đúng. Việc đọc sách nói chung, đọc tác phẩm văn học nói riêng vẫn luôn là điều hết sức quan trọng và thiết thực cho nhận thức và phát triển nhân cách của con người. Đối với giáo viên và học sinh, việc đọc tác phẩm văn học trong và ngoài nhà trường lại càng quan trọng và là một yêu cầu không thể thiếu và cũng không phải chỉ đọc theo lối hình thức “cưỡi ngựa xem hoa”. Trong dạy và học văn, đọc và cảm thụ tác phẩm vẫn luôn là thao tác, việc làm cơ bản nhất vì đó là con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn.

3. “ Mai sau dù có bao giờ…”

Sau này, khoa học, công nghệ có phát triển đến đâu thì bản chất thẩm mỹ của tác phẩm văn chương vẫn không thay đổi, phương pháp dạy học có hiện đại đến mấy nhưng những kinh nghiệm dạy văn, bình văn truyền thống vẫn còn nhiều giá trị cần được khai thác và phát huy. Như đã nói, dạy văn, học văn là một việc rất khó khăn, dạy cho hay, cho hấp dẫn lại càng khó khăn hơn, đòi hỏi sự phát huy cao độ trí tuệ và tâm huyết của thầy cô giáo và sự hứng thú, nhiệt tình của học sinh. Có như thế, chúng ta mới có những giờ dạy - học văn hấp dẫn đầy cảm xúc thẩm mỹ và nhân văn, gây được xúc động và ấn tượng sâu sắc cho học sinh. Dạy tác phẩm văn học không có sẵn nội dung cần truyền thụ như những môn khoa học khác, sách giáo khoa chỉ có văn bản tác phẩm và một số câu hỏi gợi ý tìm hiểu bài (đó cũng là một cái khó). Thầy cô giáo phải cảm nhận, phân tích tác phẩm kết hợp với các tài liệu khác như sách hướng dẫn, các bài nghiên cứu, phê bình của các học giả, các nhà văn để chuẩn bị nội dung bài dạy. Phần cảm nhận và phân tích trực tiếp của người dạy là quan trọng và không thể thay thế, không nên chỉ dựa vào sách hướng dẫn vì dù sách viết rất hay nhưng cũng là kiến thức và cảm nhận của người khác, cần chuyển hóa những tri thức đó thành cái “của mình” trong quá trình chuẩn bị bài dạy. Học sinh, trên cơ sở đọc và cảm nhận tác phẩm, cũng chuyển hoá những tri thức và cảm xúc tiếp nhận được trong giờ học thành cái “của mình”.

Quan điểm dạy - học hiện nay yêu cầu thầy cô giáo thiết kế hệ thống thao tác và việc làm và chỉ đạo quá trình hoạt động để học sinh chủ động tiếp nhận tác phẩm. Đó là quan điểm đúng đắn và hiện đại. Tuy nhiên, quan điểm mới lại coi nhẹ, thậm chí phủ định vai trò của việc học thuộc lòng và thầy cô giáo không yêu cầu học sinh học thuộc lòng tác phẩm, đây là điều không đúng. Theo tôi, học thuộc lòng tác phẩm là một cách học rất cần thiết và bổ ích. Thế hệ chúng tôi trở về trước thường học thuộc hàng chục, thậm chí hàng trăm bài thơ và đoạn trích thơ, văn xuôi hay, có người thuộc lòng Truyện Kiều, đọc thuộc vì yêu cầu bắt buộc của thầy cô giáo, đọc thuộc vì yêu thích và hứng thú. Đọc thuộc lòng giúp chúng ta không chỉ cảm nhận, phân tích tác phẩm tốt hơn, sâu hơn, chủ động hơn mà còn tích lũy được một vốn tri thức to lớn về tác phẩm và đời sống. Những người có tri thức uyên bác về văn học trước hết là những người thuộc nhiều tác phẩm thơ văn. Đối với thầy cô giáo dạy văn, nên học thuộc các bài thơ hoặc đoạn trích khi dạy cũng như phải thuộc nhiều bài, đoạn thơ hay để liên hệ, so sánh. Thuộc nhiều thơ văn cũng giúp thầy và trò phát triển ngôn ngữ và khả năng hoạt động lời nói. Vì thế, theo tôi, không nên coi nhẹ hoặc bỏ qua yêu cầu học thuộc lòng tác phẩm văn học, nhất là tác phẩm thơ.

Dù phương pháp dạy - học có thay đổi thế nào thì giờ dạy học tác phẩm hoặc các hiện tượng văn học nói chung cũng không thể thiếu những việc phân tích chi tiết nghệ thuật như tình huống truyện, diễn biến hành động và tâm trạng của nhân vật qua các mối quan hệ xã hội (tác phẩm tự sự) hay hình ảnh, nhịp điệu, âm hưởng, cảm hứng, các thủ pháp nghệ thuật ngôn từ (tác phẩm trữ tình). Không nên quá sa đà mất nhiều thời gian vào các yếu tố ngoài tác phẩm như chuyện đời tư và phong cách của nhà văn, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm. Tất nhiên các yếu tố này cần thiết cho việc cảm nhận tác phẩm nhưng hoạt động chính của thầy và trò vẫn là cảm nhận, phân tích, chiếm lĩnh tác phẩm. Đặc biệt, giờ dạy văn không thể thiếu những lời bình giảng chính xác, sinh động, giàu hình ảnh và cảm xúc, gây được xúc động sâu xa trong lòng người. Muốn làm được điều này, thầy cô giáo phải hết sức nỗ lực để có vốn tri thức phong phú, sức liên tưởng dồi dào và phải sống hết mình với cảm xúc của nhà văn, phải làm sống dậy những tình cảm, thân phận và tính cách của nhân vật. Như vậy, người dạy, người học và người đọc văn nói chung sẽ là người đồng sáng tạo với nhà văn, tự giác tham gia vào đời sống văn học.

Dạy văn thật là khó, có những bài dạy đến cả chục lần vẫn cứ thấy áy náy, có gì đó bất ổn, không thoả mãn, tôi lại lục tìm từ tài liệu tham khảo đến văn bản tác phẩm và những cảm nhận của mình để cố gắng thay đổi. Thời này chúng ta soạn bài trên máy tính, vì vậy, việc sửa chữa, thêm bớt, bổ sung các ý tưởng mới thật dễ dàng. Nhiều khi đang giảng bài, cảm hứng thăng hoa bất ngờ và những ý tưởng mới xuất hiện trực tiếp, tôi thường ghi nhận lại, bổ sung vào bài giảng cho lần sau, cứ thế tích lũy dần để bài giảng lần sau hay hơn lần trước và ngày càng hoàn thiện hơn.

Mấy chục năm say mê, miệt mài và nhọc nhằn trên bục giảng, có những bài giảng thành công, gây được ấn tượng và cảm xúc tốt cho học sinh, sinh viên nhưng cũng có những bài giảng chưa thật thoả mãn, thậm chí thất vọng. Nhìn lại quá trình dạy - học văn ấy, tôi thấy có nhiều niềm vui và cũng có nhiều trăn trở, suy ngẫm về nghề nghiệp, công việc của mình và của đồng nghiệp. Tôi viết lại những suy tư về nghề dạy văn của mình, mong được sự đồng cảm của các thế hệ đồng nghiệp, mong góp một tấm lòng, một tiếng nói để góp phần nâng cao chất lượng dạy - học văn trong nhà trường.

 

 

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI