Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2020

ĐI TÌM HỒN CHIÊNG tác giả NGUYỄN LIÊN - TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ 338 THÁNG 10 NĂM 2020

 


 

Đó là tên một tập bút ký, cũng là nỗi day dứt của chị - một nữ sĩ người Êđê, chị hóa thân thành nhiều mũi tiên phong của cuộc sống với những ước nguyện khai thác triệt để nền văn hóa vốn có bề dày truyền thống và phong phú để gìn giữ hồn chiêng, hồn văn hóa dân tộc mình. Chị là nhà văn, nhà báo, nhạc sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa Linh Nga Niê Kdam. Hiện gia đình chị sinh sống tại thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk.

Tôi may mắn gặp và có thời gian cùng làm việc với chị. Cách sống và sức sáng tạo của chị làm tôi vô cùng khâm phục. Năm 1999, khi mới chuyển từ miền Bắc vào Tây Nguyên, ngoài tấm thẻ nhà báo, thẻ hội viên văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam và giấy giới thiệu chuyển sinh hoạt hội viên do nhà thơ Nông Quốc Chấn ký, kèm theo lời căn dặn của nhạc sĩ Nông Quốc Bình (khi đó là Chánh văn phòng Hội): Vào đó anh gặp chị Linh Nga Niê Kdam, Phó chủ tịch Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam phụ trách Tây Nguyên; chị đang là Phó Giám đốc cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam khu vực Tây Nguyên.

Chân ướt chân ráo đến thành phố Buôn Ma Thuột tôi tìm ngay đến chị, xem xong giấy giới thiệu chuyển sinh hoạt, chị giới thiệu tôi qua Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk gặp nhà thơ Hữu Chỉnh để nhập sinh hoạt hội viên. Thế là tôi nhanh chóng trở thành công dân Đắk Lắk. Nhưng cuộc sống chính của tôi là phóng viên truyền hình, vậy tôi làm gì bây giờ. Mỗi lần đi qua đài truyền hình, gặp gỡ phóng viên tác nghiệp, nỗi nhớ nghề lại day dứt khôn nguôi. Thế rồi trận lũ lịch sử năm 2000 làm dòng Krông Nô nhấn chìm tất cả thành quả lao động của người nông dân, tôi đã hòa vào đoàn cứu trợ của tỉnh, của huyện đi vào vùng lũ. Mỗi ngày đều có một bài phản ánh về vùng lũ đăng tải trên báo Nhân Dân được mọi người chú ý. Bước sang năm 2001, chị Linh Nga Niê Kdam từ Phó giám đốc Cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam được chuyển sang làm Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Đắk Lắk. Chị bàn với Thường trực và Ban Chấp hành Hội để tôi làm phóng viên Tạp chí của Hội lo biên tập mảng truyền hình văn học nghệ thuật phát trên đài tỉnh mỗi tuần. Gia đình chị có một căn nhà sàn trưng bày vật dụng truyền thống của người Êđê, chị bảo tôi về đấy ở khỏi phải đi thuê nhà, vả lại căn nhà có hơi người cho ấm cúng. Tiếp xúc công việc tại cơ quan Hội, lại ở nhà của chị, tôi hết sức khâm phục sức lao động của một nữ sĩ đa tài và hiểu hơn về truyền thống một gia đình trí thức, văn nghệ sĩ của chị. Cụ thân sinh là ông Y Ngông Niê Kdam, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, nguyên thứ trưởng Bộ Giáo dục, Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; chồng chị là nghệ sĩ múa Lý Son (dân tộc Khơ Me), chị có hai đứa con gái thì một theo truyền thống cha mẹ, là thạc sĩ chuyên ngành nghiên cứu văn hóa, hiện là giảng viên trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Đắk Lắk.

Ngôi nhà gia đình chị ở đường Thăng Long thỉnh thoảng lại nhộn nhịp đón khách, lúc đoàn nhạc sĩ từ Hà Nội, từ TP Hồ Chí Minh đến Tây Nguyên đã đến thăm nhà khi là ê kíp làm phóng sự về vùng đất văn hóa truyền thống Tây Nguyên xin được phỏng vấn chị. Hàng ngày chị phân bổ thời gian và thực hiện thành thói quen. 4 giờ sáng dậy tập thể dục trên công cụ kê sẵn góc nhà, và đi bộ. Vệ sinh cá nhân xong ngồi vào bàn viết gì đó, 6 giờ đọc báo và ăn sáng. Vừa tranh thủ xem thời sự trên ti vi, vừa chuẩn bị đồ đi làm. Đến cơ quan, chị kiểm tra, phân công từng công việc rồi ngồi vào bàn chị viết, có lúc ngồi trước cây đàn organ lướt những phím nhẹ nhàng. Một lần nhạc sĩ Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam (VNDG) vào Đắk Lắk tổ chức lễ tuyên dương nghệ nhân dân gian Tây Nguyên, chị là ủy viên Ban Chấp hành của Hội VNDG đóng vai trò chủ lực trong việc tổ chức, chị bảo tôi sang theo dõi ghi chép cuộc gặp mặt đầy ý nghĩa này; lần khác tôi lại được biết thêm chị còn là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam, chị lại sốt sắng cho cuộc hội thảo âm nhạc Tây Nguyên tại Buôn Ma Thuột. Thì ra nghiên cứu văn hóa dân gian là tấm lòng của chị với vùng đất mà dân tộc Êđê của chị đang sở hữu một nền văn hóa truyền thống phong phú cần lưu giữ và khai thác; còn nghề của chị được đào tạo bài bản lại là âm nhạc. Tôi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi cầm trên tay tập  truyện ngắn “Gió đỏ”, chị tặng, tôi nhìn trong tủ sách gia đình, những đầu sách do chị viết đủ các lĩnh vực làm tôi sửng sốt, thán phục. Hóa ra chị còn là nhà văn, là Chi hội trưởng Chi hội nhà văn Việt Nam tại Đắk Lắk; tôi nhận ra rằng ngoài các bài báo chị viết đăng tải trên các báo, phát trên sóng phát thanh, chị vẫn thấy như chưa đủ trả nợ cho vùng đất mình sinh sống, cần phải khai thác hết vốn văn hóa truyền thống của dân tộc Êđê cội nguồn của chị thông qua các sáng tác âm nhạc: Rồi một chiều Ban Mê, Tình ca cao nguyên, Mưa cao nguyên, H’Linh hát trên dòng sông… và rồi những khảo cứu âm nhạc Tây Nguyên có giá trị khoa học: Âm nhạc trong không gian cồng chiêng, Âm nhạc trong đời sống văn hóa truyền thống Tây Nguyên… Về lĩnh vực văn học, chị là con chim đầu đàn lực lượng viết văn không chỉ là đối với nữ sĩ người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Dù bận rộn với các lĩnh vực nghiên cứu, quản lý, tay viết vẫn không ngừng sáng tạo, chị đều đặn cho ra mắt các tập sáng tác văn học, đó là các tập truyện ngắn: Con rắn màu xanh da trời, Gió đỏ, Pơ thi mênh mang mùa gió; các tập bút ký: Lời chiêng Tây Nguyên, Đi tìm hồn chiêng, Nhân danh ai… Mỗi tác phẩm là một câu hỏi đặt ra, dù trả lời hay chưa có lời giải đáp, chị tin đã chuyển được thông điệp muốn nói tới mọi người. Có lẽ phần nào chị đã cảm thấy nhẹ lòng, bởi những thôi thúc từ con tim, từ trách nhiệm với vùng đất đã cho chị cuộc sống thanh thản, chị đã nói lên tiếng nói và hơi thở của vùng đất, con người Tây Nguyên quê hương chị. Năm 2014 Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc ấn hành tập sách “Bốn cây Kơ Nia” giới thiệu về bốn nữ sĩ người dân tộc thiểu số đang sinh sống và sáng tác tại Đắk Lắk. Trong lời giới thiệu nhà thơ Mai Liễu viết rằng: “Đặt tên chung cho tập sáng tác tuyển chọn của mình là “Bốn cây Kơ Nia”, bốn tác giả nữ là nhà văn, nhạc sĩ Linh Nga Niê Kdam, nhà văn Niê Thanh Mai (Êđê), nghệ sĩ nhiếp ảnh Siu H’Kết (Ja Rai), họa sĩ Trần Lâm (Khmer) như tìm đến với tâm linh của sáng tạo nghệ thuật... là một nhà văn gắn bó với quê hương, với đồng bào dân tộc Tây Nguyên, truyện ngắn của H’linh Niê (Linh Nga Niê Kdam) cho ta hiểu sâu sắc thêm đời sống con người Tây Nguyên, những nét đẹp văn hóa cổ truyền và sự hy sinh lớn lao của người dân Tây Nguyên trong chiến tranh và trong công cuộc xây dựng vì hòa bình, vì Tây Nguyên và vì đất nước…”. Khi đương chức Chủ tịch hội VHNT Đắk Lắk, chị là người đặt nền móng đào tạo tài năng trẻ là người dân tộc thiểu số thông qua trại sáng tác văn thơ lấy tên Hương Rừng, từ cái nôi này nhiều em đã trưởng thành trong đó có nhà văn H’Xíu Hmok, nhà văn H’Siêu, H’We Ra… bổ sung cho đội ngũ văn nghệ sĩ Đắk Lắk. Có lẽ do ảnh hưởng tình yêu Tây Nguyên của một người con có trách nhiệm với vùng đất mà không riêng tôi, nhiều người đang sáng tác ở Tây Nguyên, trong mỗi tác phẩm đều đã mang hơi thở của vùng đất đầy chất sử thi và huyền thoại.

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI