Thứ Tư, 21 tháng 10, 2020

TẬP THƠ ĐẬM NHÂN TÌNH tác giả HỮU CHỈNH - CHƯ YANG SIN SỐ 337 THÁNG 9 NĂM 2020

 




(Đọc Biển và quê hương – Thơ Bùi Minh Vũ – NXB Hội Nhà văn – 2020)

 

Khi nói đến hai tiếng quê hương là nói đến những gì để yêu và nhớ. Mỗi người lại có cách yêu và nhớ riêng của mình. Bùi Minh Vũ với tập thơ “Biển và quê hương” đã mang nhiều tâm trạng và những cung bậc cảm xúc với miền quê của mình:

                          Quê hương là cái kiềng ba chân

                          Ta đỏ lên như lửa

                          Xác thành tro đi nữa

                          Hồn cũng bay đi khắp quê hương

                                                                          (Quê hương)

Tình yêu quê hương vững chãi như thế đứng của chân kiềng, chân vạc lại được tôi luyện trong lửa đỏ nên không thay đổi để xác thành tro, hồn cũng hòa với quê hương.

Rất nhiều lần Vũ nhắc đến làng Kỳ Tân:

                          Sương đêm bảo

                          Làng Kỳ Tân của mày ở Đức Lợi kìa…

                          Trăng khuya bảo

                          Mẹ của mày ở làng Kỳ Tân kìa…

                          Ban mai bảo

                          Mày về làng Kỳ Tân mà tìm

                                                                          (Làng Kỳ Tân)

Tất cả không gian, thời gian, ngày cũng như đêm đều nhắc với Vũ về làng Kỳ Tân, vì theo Vũ, nơi đẹp nhất là làng Kỳ Tân. Có chút cực đoan, nhưng thật sự yêu quê mới viết như thế.

Trong bài “Ánh sáng”, Bùi Minh Vũ viết về mẹ thật cảm động:

                          Dấu chân mẹ đợi cha mòn mỏi

                          Xanh bệch chờ con và nước mắt.

Thường viết trắng bệch, nhưng xanh bệch là cả tái và xám của mặt người mòn mỏi đợi chờ, để rồi:

                          Lần cuối cùng

                          Từng giọt rời buồn bã lặn vào đất

                          Xám xịt.

Trong luân hồi sự sống, mẹ thành bông hoa:

                          Hương sắc biến thành ánh nắng chói sáng đời con

Bài “Cái giếng” có tứ hay. Cái giếng giữ hồn làng nên “giữ trăng muôn đời”, “giữ những hạt trăng chưa vỡ”, giữ rất nhiều kỷ niệm quê hương. Cái kết bất ngờ:

                          Đêm qua

                          Ai nhổ cái giếng làng tôi

                          Trồng lên căn nhà trắng phếch

                          Gió ngập ngừng

                          Trăng rũ rượi

                          Thả sợi gàu dài tiếc mãi sợi dây?

Nhổ - trồng, động từ dứt khoát chỉ hành động trái ngược: nhổ giếng – trồng nhà. Cả hai cặp từ đều lạ, chưa có người nào viết. Trắng phếch! Đây là thái độ của tác giả. Nhà vô hồn, vô cảm không có sinh khí nên dẫn đến “gió ngập ngừng”, “trăng rũ rượi”. Thiên nhiên cũng buồn đau khi thấy nhà thay giếng, dẫn đến câu kết nhói lòng: “Thả sợi gầu dài tiếc mãi sợi dây?”. Ẩn sau sợi dây là bao nhiêu kỷ niệm về cái giếng làng, giếng của quê hương.

Bài “Gió qua đồi” gợi nhiều suy nghĩ về tình mẫu tử:

                          Giọng mẹ tôi trong bếp nguội rồi

                          Còn tiếng gió bay qua chiều vắng

Mẹ thường gắn với bếp núc. Hay, thật và đau. Chọn từ đắt: giọng nguội rồi. Không còn lửa đỏ, không còn nóng. Hay là thế, thật là thế và cũng đau là thế. Dẫn đến đoạn kết lạ và ấn tượng gieo vào lòng người đọc:

                          Ngày cũng hết, lá kia rơi về cội

                          Giọng mẹ tròn như những vành nôi.

So sánh giọng mẹ như vành nôi ru con là sự tiếp nối luân hồi. Mẹ còn mãi như gió qua đồi.

Bài “Bóng mặt trời” có những câu thơ hay của sự tìm tòi, phát hiện rất mới:

                          Mỗi ngày mẹ mở thêm những con đường trên trán

                          Đến nơi cơm thừa

                          Nơi mẹ dậm lon bia chấn thương.

Con đường trên trán chính là vết nhăn thời gian in hình cuộc sống mưu sinh. Lon bia chấn thương là vỏ lon bị méo mó, dậm bẹp đi để vào bao tải cho gọn. Bài thơ viết cho bao người mẹ còn cơ cực, lam lũ:

                          Chẳng thể nhìn nền văn minh thiếu bóng mặt trời.

Trong bài “Với mẹ”, tình cảm chân thực được cụ thể hóa qua hình ảnh mẹ mà ít người viết:

                          Nhìn mẹ nấu cơm, ăn trầu

                          Thấy mẹ nhai cơm cho em.

Bây giờ có nhiều loại sữa, nhiều loại cháo dinh dưỡng, chẳng còn ai phải nhai cơm cho con. Đọc thơ mà đồng cảm, xót xa về một thời để càng thương nhớ mẹ.

                          Cầm bàn tay mẹ chai sần

                          Sờ manh vá trên áo mẹ bạc màu

                          Nhặt cọng tóc mẹ rơi trên gối

Tôi cứ mường tượng Bùi Minh Vũ tha thẩn, chậm rãi qua cử chỉ thân thương lần tìm ký ức. Mẹ chính là quê hương.

Tập thơ gần 155 bài, 160 trang in, đây đã là tập thơ thứ 13 của Minh Vũ, không kể tiểu thuyết, nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn. Điều đó chứng tỏ một bút lực đáng nể trọng.

Tập thơ “Biển và quê hương” của Minh Vũ kén người đọc, thơ tự do, có tính triết lý, đó cũng là thế mạnh. Còn thơ truyền thống thì còn phải bàn. Ví dụ như câu lục bát trong bài “Trăng khuya”:

                          Từ ngày em đã bòng đèo

                          Cát nằm như thể đói meo bóng người

Hình ảnh thì được nhưng đảo từ để có vần: “bòng đèo” thì không ổn.

Dù sao đây cũng là tập thơ đáng đọc – tập thơ đậm nhân tình.

                                                                          Tháng 7-2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI