Thứ Hai, 19 tháng 10, 2020

CÁI NHÌN TRẺ THƠ TRONG ĐÁM MÂY MÀU CỔ TÍCH tác giả BÙI MINH VŨ - CHƯ YANG SIN SỐ 337 THÁNG 9 NĂM 2020

 



(Đọc “Đám mây màu cổ tích” của Đỗ Toàn Diện, NXB Hội Nhà văn, 2020)

 

Đỗ Toàn Diện, một nhà giáo gắn bó với học trò, bắt đầu sự nghiệp văn chương với thơ trữ tình, rồi trào phúng và giờ đây là thơ thiếu nhi. Người lớn viết về thơ thiếu nhi rất khó, nhưng với anh, một vài năm gần đây bằng ý thức và nỗ lực trong sáng tạo hướng đến đối tượng độc giả nhỏ tuổi, đã cho ra mắt “Khúc đồng ca mùa hạ” (2019), tháng 8 này lại trình làng thi phẩm “Đám mây màu cổ tích”. Ắt là Tết Trung thu năm nay, và ngày khai giảng sắp đến, các cháu sẽ mừng vui khi có trong tay tập thơ này.

Đọc “Đám mây màu cổ tích” dễ nhận biết tác giả gần với trẻ thơ, hiểu các cháu nên thơ có tâm hồn hòa điệu. Thi phẩm có 38 bài thơ, trong đó có nhiều bài viết về các sự vật, con vật, hiện tượng chung quanh trẻ thơ: Quyển lịch, Đồng hồ, Bầu bí, Voi con, Búp bê, Bê con lạc mẹ, Cá cờ, Điện thoại, Nguồn gốc họ gà, Chó mực, Mặt trời ham chơi, Que diêm, Hai bông lúa, Mướp leo giàn, Diều và gió, Mặt trời ham chơi, Trời khóc, Đội mũ bảo hiểm, Đèn xanh đèn đỏ, Lên rẫy, Buổi sáng nhà em, Mùa hè ở quê em. Có những sự vật, hiện tượng rất quen, hình như người ta đã viết nhưng với Đỗ Toàn Diện, anh đã thổi hồn vào, làm cho câu thơ mới hơn, gợi cảm hơn, dễ đi vào tâm trí của trẻ thơ như bài Đồng hồ: “Dậy trước mặt trời mọc/ Cứ reng reng reng reng/ Bé ơi dậy rửa mặt/ Nào nhanh lên, nhanh lên/…/ Bé tự thay quần áo/ Ăn mặc thật gọn gàng/ Mẹ bảo nay trời mát/ Chắc là vì bé ngoan/ Cảm ơn anh đồng hồ/ Đã ân cần nhắc nhở/ Reng reng nào nhanh lên/ Giúp bé càng tiến bộ”. Nhà thơ có những khám phá mới khi nhìn những sự vật gần gũi, thú vị theo cách nhìn của trẻ thơ, giúp các em dễ tiếp nhận như bài thơ Quạt máy: “Mùa đông nín thở/ Nằm nép góc nhà/ Mùa hè oi ả/ Vù vù…thở ra/ Ba cánh đoàn kết/ Thua chi gió trời/ Mùa hè nóng bức/ Uống sạch mồ hôi/ Em học em chơi/ Bạn bè đoàn kết/ Cũng như cánh quạt/ Là vui nhất đời”. Bài học về quan tâm đến những người chung quanh, bằng cách làm những việc có ích, động viên nhau tuổi nhỏ làm việc nhỏ rút ra từ bài thơ Que diêm: “Tôi là những mẩu gỗ/ Đầu đội mũ diêm sinh/ Ẩn giấu ở trong mình/ Âm thầm một ngọn lửa/ Tôi là que diêm nhỏ/ Nhưng làm việc lớn lao/ Thắp lên ngàn bếp lửa/ Ánh sáng cho mọi nhà/ Tôi là que diêm nhỏ/ Giúp ích cho mọi người/ Tôi mong các bạn nhỏ/ Cũng có ích cho đời”.

Ở bài thơ Lên rẫy, tác giả đã gợi lên không khí nhộn vui, hớn hở, vẽ ra một bức tranh bằng điểm nhìn của các em, giúp các em yêu công việc của mẹ, quen dần với rẫy nương: “Em cùng mế lên rẫy/ Gùi đung đưa, đung đưa/ Con chó vàng quấn quýt/ Theo bước chân nô đùa/ Kìa mặt trời mới ló/ Trên đầu chị tre xanh/ Sương treo đầu ngọn cỏ/ Tia nắng chuyền long lanh/ Bao nhiêu ngày chăm học/ Mong đợi đến cuối tuần/ Được tung tăng theo mế/ Xôn xao hoài bước chân”. Từ niềm vui được đi với mẹ, được thấy, được nhìn, các em đã tự hào về nương rẫy, về rừng, từ đó gắn bó hơn, quý trọng hơn: “Rẫy nhà em đẹp lắm/ Bắp trổ cờ non xanh/ Lúa làm duyên con gái/ Suối lượn lờ vây quanh/ Rừng đẹp tựa bức tranh/ Phong lan muôn sắc nở/ Hoa chuối màu thắm đỏ/Giăng mắc như đèn lồng/ Tuổi thơ em gắn bó/ Bản làng bao yêu thương”. Có những bài thơ, câu thơ, ý thơ gợi cảm giác hay hay, vui vui một cách đáng yêu: “Ông trăng sáng tỏ/ Lơ lửng giữa trời/ Như lòng trứng đỏ/ Chơi vơi, chơi vơi/ Em vươn ngọn bút/ Vẽ thẳng lên trời/ Chú Cuội tênh nghếch/ Gốc đa mỉm cười/ Hình như không phải/ Cuội đang chăn trâu/ Gió hiu hiu thổi/ Chú ngủ từ lâu/ Bỗng chú tỉnh giấc/ Trâu đâu mất rồi/ Làm sao tìm được/ Đầy trời sao rơi/ Thương cho chú Cuội/ Cheo leo lưng trời” (Cuội).

Có những câu thơ thật thà, đồng điệu, hồn nhiên, thể hiện sự biết ơn của trẻ thơ đối với người lớn, đặc biệt là người thầy dạy dỗ các em: “Mấy hôm nay thầy ốm/…/ Râm ran đàn em nhỏ/ Đến thăm thầy quanh giường/ Những bông hồng thắm đỏ/ Mới hái từ trong vườn/ Các em như chồi non/ Như bầy chim ríu rít/ Kể chuyện lớp, chuyện trường/ Thầy vui nên hết mệt…” (Hạnh phúc giữa đời thường)

Ngoài ra, Đỗ Toàn Diện cũng có một số bài thơ hướng tình yêu các em đến những danh lam thắng cảnh, những địa danh lịch sử và quê hương muôn quý ngàn yêu, như: Thăm Điện Biên Phủ, Thăm Chiến khu D, Cột cờ Lũng Cú, Cờ đỏ Sao vàng, Vịnh Hạ Long, Hồ Ba Bể, Rừng cao su, Nắng cao nguyên… Thế giới tuổi thơ các em được tác giả ươm mầm tự hào về lá cờ mang hồn nước: “Yêu lá cờ Tổ quốc/ Giữa có ông sao vàng/ Như bông hoa đỏ thắm/ Mọc ra từ không gian/ Sáng thứ Hai hàng tuần/ Chúng em đứng nghiêm trang/ Lá cờ cùng bắt nhịp/ “Tiến quân ca” rộn ràng/ Lá cờ mang hồn nước/ Một dải liền núi sông/ Chúng em nguyện tiếp bước/ Theo những gương anh hùng” (Cờ đỏ sao vàng).

Tập thơ Đám mây màu cổ tích, có 23 bài thơ viết theo thể thơ 5 chữ, 4 chữ (12 bài), 6 chữ (1bài), lục bát (2 bài), hầu hết những bài thơ gần với đồng dao dân gian, vui nhộn, hóm hỉnh, giúp các em dễ thuộc và nhớ; nhưng cũng có những câu thơ rất hay cho mọi lứa tuổi: “Mặt trời rải nắng cao nguyên/ Cho bầy ngựa gió phi trên ráng chiều/ Nắng trời chi chít cánh diều/ Chúng em thả để đong nhiều ước mơ” (Chiều cao nguyên)

Cầm tập thơ Đám mây màu cổ tích trên tay như món quà xinh xắn cho các em đêm Trung thu hay ngày tựu trường sắp đến, cảm thấy như Đỗ Toàn Diện đã hòa điệu cảm xúc tuổi thơ, đã khẳng định cho riêng mình một chỗ đứng trong văn học viết về đề tài thiếu nhi ở Đắk Lắk; vì thế, bạn đọc nhỏ tuổi đang mong chờ những tác phẩm mới của anh.

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI